Thế là sau thời gian làm việc liên tục ngày đêm, tác giả Ngành Mai đã hoàn thành nội dung cuốn “100 Năm Cải Lương Việt Nam” quyển 2 và nhà xuất bản Người Việt Book cũng xong phần kỹ thuật in ấn, và phát hành rộng rãi trên hệ thống Amazon của Mỹ.
Mấy tuần qua rất nhiều người đã gọi điện thoại, E-mail về tác giả, mà đa số đều thắc mắc về nội dung gồm những câu chuyện gì, hình ảnh có nhiều lắm không, hình bìa có đẹp không...?
Hình bìa cuốn sách “100 Năm Cải Lương Việt Nam” quyển 2 của tác giả Ngành Mai.
Câu hỏi thì rất nhiều, tựu trung là bà con rất mong cuốn sách ra đời sớm. Tác giả Ngành Mai xin trả lời tóm tắt như sau:
- Hình bìa quyển 2 chỉ trình bày duy nhứt một bức hình của nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Do bởi nội dung cuốn sách đề cập khá nhiều về người nữ nghệ sĩ tài hoa vắn số này. Có cả chữ ký và lá số tử vi của Thanh Nga.
- Mối tình của Má Bảy Phùng Há và Bạch Công Tử ở Mỹ Tho. Bạch Công Tử qua đời khoảng 1947, ngôi mộ của ông ở xã An Thạnh Thủy, Chợ Gạo. Có lần Má Bảy đến thăm mộ xin cải táng mang về nghĩa trang Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, nhưng người giữ mộ không chấp nhận.
- Cô vợ đào hát của nhà báo Trần Tấn Quốc, người sáng lập giải Thanh Tâm, là nữ nghệ sĩ Thanh Loan (từng đóng vai bà Hai Lung trong tuồng Nửa Ðời Hương Phấn). Ðào Thanh Loan vào mật khu gây hệ lụy cho ông Quốc, đưa đến việc ông Quốc từ bỏ chức vụ chủ bút tờ báo Buổi Sáng, ông về quê Cao Lãnh tịnh dưỡng.
- Từ Cao Lãnh, ông Trần Tấn Quốc được gọi về gặp Ngô Tổng Thống tại Dinh Ðộc Lập.
- Trong số 30 bức hình giá trị lịch sử cải lương, có bức hình nhà báo Trần Tấn Quốc tháp tùng phái đoàn kinh lý của Ngô Tổng Thống.
- Trọn tuồng Phạm Công Cúc Hoa (tuồng đầu tiên thời thập niên 1930).
- Trọn tuồng “Tuyệt Tình Ca” tức Ông Cò Quận 9 (đầy đủ 4 cuốn gồm cả bìa).
- Vở hát “Thuyền Ra Cửa Biển” của soạn giả Phong Anh với... văn chương cải lương. Năm 1961 Phong Anh vào mật khu và mất trong đó.
- Ðoàn Hoa Sen với những tuồng chiến tranh và đưa điện ảnh lên sân khấu.
- Ngôi mộ ông Trần Tấn Quốc và bà vợ Thu Tâm, hai người nằm chung một ngôi mộ cạnh con sông Ðình Trung, Cao Lãnh.
- Hội Ấn Kiều Sài Gòn, lên tiếng phản đối vở tuồng “Tình Anh Bảy Chà” của soạn giả Xuân Phát. Bức thơ gởi cho báo chí nói rằng Thành Ðược đóng vai anh Bảy Chà, ăn mặc đội nón như vậy là không đúng, là chế diễu. Giải thích rằng người Ấn Ðộ theo Hồi Giáo thì không có bàn thờ trong nhà, không có quỳ lạy than khóc, kêu réo vợ con (chết) như vai trò của kép Thành Ðược...
- Lãnh chúa vùng Cái Vồn, Cần Thơ: “Nguyên Soái” Năm Lửa chỉ huy lực lượng võ trang Hòa Hảo, ông ta đòi “xử liền tại chỗ” nhà báo Trần Tấn Quốc, vì đã đăng báo nói ông Lương Trọng Tường...
- Người đẹp Bình Dương, minh tinh điện ảnh Thẩm Thúy Hằng từng làm đào cải lương, thọ giáo Má Bảy Phùng Há.
- Gánh hát nghèo ở nông thôn đổi vé hát lấy cá, nước mắm. Và các gánh hát dạo bán thuốc cao đơn hoàn tán thời cuối thập niên 1950 hoạt động vùng quê nông thôn.
Và rất nhiều câu chuyện cải lương khác, được tập trung vào quyển sách 300 trang. Chỉ cần có quyển sách trong tay, quí vị sẽ rõ biết nhiều vấn đề từng xảy ra trong làng cải lương.
Quí vị mua sách, liên lạc nhật báo Người Việt:
Ðịa chỉ: 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, USA.
Ðiện thoại (714) 892-9414.
Website: www.nguoivietshop.com và www.amazon.comNgành Mai