Cái tin “Huế cho tư bản Trung Cộng thuê núi Hải Vân” đã làm cho những người yêu nước, thương nòi xót xa, suy nghĩ và chắc chắn những nhà quân sự phải lạnh toát người. Trong thời thơ ấu cũng như lúc lớn lên trong chiến tranh, tôi đã qua lại đèo Hải Vân nhiều lần, có khi chui đèo bằng xe lửa, có khi lên đèo bằng xe hơi.
Chúng tôi thường gọi tên đèo là Hải Vân thay vì Ải Vân, đỉnh đèo cao hơn mực nước biển khoảng 400 mét và đường đi quanh co 20 cây số qua những ngọn núi cao thấp chập chùng, như ca dao đã mô tả: “Đường bộ thì sợ Hải Vân/Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi.”
Đường lên đèo Hải Vân. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Ngày xưa ngọn đèo chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, sau này là cột mốc chia hai xứ Thuận Hóa (Huế-Thừa Thiên) và Quảng Nam-Đà Nẵng. Vua Lê Thánh Tông (1470) đã phong tặng thắng cảnh này là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan.”
Đi xe lửa từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc thì phải chui qua nhiều đường hầm do người Pháp đục xuyên núi để đặt đường xe lửa, trong đó nổi tiếng là Hầm Sen dài nhất đến 562 mét đào dưới núi Liên. Địa thế của đèo rất hiểm trở, có nơi núi chênh vênh chạy ra sát với biển sâu thẳm. Chính nơi đoạn đường này, thời Việt Minh, nhiều chuyến xe lửa đã bị giật mìn gây chết chóc cho đồng bào, hơn là thiệt hại cho quân đội Pháp. Mãi đến năm 1953, khi đi xe lửa qua khu vực này, chúng tôi còn thấy nhiều mảnh vải áo quần của nạn nhân còn sót lại dưới khe núi.
Vào mùa Đông mây bao phủ một vùng, phải khó khăn, cẩn thận lắm khi lái xe qua đèo. Vào ban đêm, có khi sương mù, có lần ở Đà Nẵng ra trễ, có đoạn đường, chúng tôi phải theo sát đèn đỏ của xe trước mà đi, khoảnh khắc sơ sẩy là xe rơi xuống vực thẳm.
Đường bộ thì độc đạo, cheo leo, có lúc xe chỉ được chạy một chiều, do vậy khi lên đèo có khi phải mất một hai tiếng đồng hồ, khách phải dừng lại chờ đợi trên đỉnh đèo, nên chỗ này, nhiều hàng quán buôn bán được mở ra để phục vụ du khách.
Không chỉ hiểm trở, Hải Vân còn là yếu điểm quân sự, quan trọng cho con đường huyết mạch giữa hai tỉnh Thừa Thiên-Quảng Nam, mà được coi như yết hầu của miền Trung nước Việt, nếu ai đó muốn khống chế, áp đảo chia cắt đất nước này làm hai. Do vậy, thời VNCH, luôn luôn có các cuộc hành quân của quân đội trong vùng núi hiểm trở Hải Vân để bảo vệ an ninh cho trục lộ huyết mạch Nam Bắc.
Tháng Ba, 1975, Đà Nẵng đang còn yên tĩnh, quân đội VNCH lui binh về phía Nam, nhưng không thể sử dụng xe cộ qua đèo Hải Vân, một mặt vì đã bị tắc nghẽn vì dân chúng chạy loạn, một mặt đây là một đoạn đường không thể sử dụng trong tình huống lui binh, nếu nguy hiểm, nếu xẩy ra một cuộc bao vây chia cắt hay pháo kích. Thảm kịch tại An Dương, Thuận An cho đến cửa biển Tư Hiền của Lữ Đoàn 147 TQLC và của các đơn vị khác, phần chính là nguyên nhân chúng ta không sử dụng được con đường đèo “yết hầu” Hải Vân.
Hiện nay nhiều tỉnh trong nước cả ba miền Bắc Trung Nam đã cho các công ty ngoại quốc thuê những vùng đất biên giới, đầu nguồn hay những vùng quan trọng của đất nước, 87% là những yếu điểm về mặt quốc phòng. Tại những vùng đất này, với sự tiếp tay của cán bộ tham nhũng địa phương, ngoại nhân đã thao túng biến những vùng đất này thành những lãnh địa riêng. Trung Cộng đã trúng thầu và thâu tóm hơn 90% các công trình trọng điểm quốc gia trải dài khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Mới đây, khoảng giữa Tháng Giêng, các báo của nhà nước còn cho biết, 60% doanh nghiệp phía Bắc là của Trung Cộng hay do Trung Cộng đứng đằng sau. Hiện nay Trung Cộng đã đầu tư lớn vào hai vùng Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh và Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, chỉ cách căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Cộng 200 km. Các vùng đất này thành một nơi “cấm địa”không cho người Việt lai vãng, trong tương lai, vùng này sẽ trở thành một căn cứ biển đất của Tàu, dễ dàng chia cắt Việt Nam thành hai miền.
Về cứ điểm Hải Vân, nhiều tướng lãnh CSVN đã lên tiếng, cho đây là “một hiểm họa rất lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia” và “mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.” Theo lời cảnh báo này thì mỗi khi ngoại quốc đã thuê rừng, họ có quyền phá rừng, gieo tai họa cho dân chúng, điều đáng lo nhất là nạn di dân ồ ạt, nhất là từ Trung Cộng, xâm nhập vào trên danh nghĩa là công nhân làm việc cho các dự án thuê đất, thuê rừng này.
Với câu hỏi “Vị trí của dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân trọng yếu như thế nào?” những cấp chỉ huy quân sự tại Đà Nẵng đã lên tiếng báo động việc cho Trung Cộng đầu tư một khu nghỉ mát trên núi Hải Vân, đưa đến việc chúng nắm “yết hầu” có thể chia cắt đất nước, khống chế toàn bộ vịnh Đà Nẵng!
Giới quân sự này nói rõ, “Nắm vị trí Hải Vân là nắm cả vùng trời, vùng núi, vùng biển khu vực phòng thủ Đà Nẵng!” Điều ai cũng biết là nếu chiến tranh xẩy ra, địch chiếm được vùng núi biển Hải Vân thì rất dễ chia cắt Việt Nam ra làm đôi.
Đây không phải là chuyện không thể xảy ra. Theo báo chí trong nước, “Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc sau khi duyệt lại trận chiến năm 1979, đã từng nhiều phen bàn chiến lược đánh úp ngang hông Việt Nam, nhân đó chia cắt Việt Nam thành hai nước để trị!”
Các cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản ở Việt Nam, nhất là các cán bộ đưa chia quyền hùng cứ mỗi địa phương có cái đầu rất nhỏ, nhưng có miệng tham ăn và cái bao tử rất lớn. Từ khi cướp được miền Nam đến nay, tài sản của họ càng ngày càng lớn, mà lòng tham thì vô đáy, đầu óc không có nơi dành cho tiền đồ và số mệnh của đất nước, quê hương. Miễn có tiền, nên cái gì họ cũng có thể đem bán.
Tình trạng hiện nay, rõ ràng là Trung Cộng, tùy theo nhu cầu kinh tế và nhất là quốc phòng, muốn thuê, mướn vùng đất nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng được, vì ở Việt Nam hiện nay, cái gì mà không mua được, “Không mua được bằng tiền, thì mua được bằng nhiều tiền!”
Nếu lần này, bọn tham ô sơ suất để cho Trung Cộng thuê Hải Vân, yết hầu của miền Trung thì chẳng khác gì mua dao, đưa cổ cho bành trướng Bắc Kinh cứa.
Trong chuyện di cư bỏ quê hương, làng mạc, anh và tôi, có người chỉ có một lần, nhưng cũng có người hai lần. Riêng trong câu chuyện này, chúng ta có thể đều mất nước đến hai lần: một lần về tay Việt Cộng và một lần nữa về tay Trung Cộng!
Tạp ghi Huy Phương