WASHINGTON, DC (TH) - Trong một hành động công khai thách thức những người đảng Cộng Hòa đã nhiều lần lên tiếng phản đối, Tổng Thống Barack Obama tối Thứ Năm nói chuyện trên truyền hình với dân chúng Mỹ, công bố những quyết định của ông trong vấn đề di dân, theo đó, khoảng 5 triệu di dân đang sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ sẽ không bị trục xuất, nếu ở trên năm năm.
Cô Martha Moran ôm đứa con trai lắng nghe quyết định của Tổng Thống Barack Obama, không trục xuất 5 triệu di dân bất hợp pháp, qua màn hình ở một văn phòng nghiệp đoàn tại New York. (Hình: Kevin Hagen/Getty Images)
Trái với dư luận dự đoán cho rằng ông sẽ giải thích chi tiết và biện hộ nhiều, bài nói chuyện của tổng thống chỉ ngắn gọn 2,200 chữ phát biểu trong vòng 15 phút.
Mở đầu, ông ca ngợi truyền thống 200 năm mở rộng cửa đón tiếp di dân và kết quả là đã đem đến sự phát triển thịnh vượng và hùng mạnh của Hoa Kỳ.
Tiếp theo, Tổng Thống Obama vạch rõ rằng: “Ngày nay, hệ thống di dân của chúng ta đã hỏng từ nhiều thập niên như tất cả mọi người đều biết.”
Ông nhìn nhận, từ khi nhậm chức, ông đã quyết tâm chấn chỉnh hệ thống này bằng nhiều phương cách, tuy nhiên, một đạo luật cải tổ chính sách di dân đã không đạt được vì sự thiếu hợp tác của giới lãnh đạo Cộng Hòa ở Hạ Viện.
Do đó, trong khi chờ đợi có một giải pháp toàn bộ cho vấn đề, ông nhận thấy cần phải sử dụng tới quyền hạn của tổng thống để làm những việc đem đến sự hợp lý và công bằng hơn, giống như các tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ trước ông đã làm.
Theo ông, ba việc thiết yếu đó là:
1. Tăng cường an ninh biên giới.
2. Dành cho những di dân có trình độ học thức, năng lực chuyên môn hưởng điều kiện dễ dàng và nhanh chóng được lưu trú hợp pháp để đóng góp cho lợi ích của quốc gia Hoa Kỳ.
3. Từng bước tiến tới giải quyết có trách nhiệm vận mạng của hàng triệu di dân chưa hợp pháp đã sống trong đất nước này từ lâu.
Ðiểm thứ ba có nội dung gây ra nhiều tranh cãi hơn hết.
Tổng Thống Barack Obama thông báo quyết định không trục xuất 5 triệu di dân bất hợp pháp. (Hình: Jim Bourg-Pool/Getty Images)
Dẫn lời của vị tiền nhiệm, Tổng Thống George W. Bush, đã từng nói rằng những di dân (chưa hợp pháp) ấy là “một phần trong đời sống của nước Mỹ,” Tổng Thống Obama bênh vực chủ trương tìm cho họ con đường thoát khỏi bóng tối, có quyền sống trong luật pháp và được phép làm việc đóng góp bổn phận cùng xã hội.
Minh định chính sách đối xử với những di dân này, mà có một số người chỉ trích gọi là “ân xá,” Tổng Thống Obama nói: “Ðó không phải là ân xá. Sự đối đãi ấy không áp dụng cho bất cứ ai mới đến Hoa Kỳ. Không áp dụng cho bất cứ ai trong tương lai có thể vào Hoa Kỳ bất hợp pháp. Cũng không phải là cho họ nhập quốc tịch hay có quyền cư trú vĩnh viễn tại đây, cung cấp cho họ những phúc lợi mà công dân Mỹ được thụ hưởng. Chỉ Quốc Hội có quyền làm việc đó. Tất cả những gì đang nói bây giờ là chúng ta không trục xuất họ.”
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khẳng định rằng những quyết định của ông là hành động hoàn toàn hợp pháp, hành động mà tất cả mỗi tổng thống, dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, đều đã làm trong nửa thế kỷ qua.
Vậy thì, theo lời ông: “Với những thành viên Quốc Hội nào đặt câu hỏi về thẩm quyền của tôi để làm cho hệ thống di dân hoạt động tốt hơn, hay hỏi tôi rằng, đây có phải giải pháp khôn ngoan hơn đối với việc mà Quốc Hội không làm được, câu trả lời của tôi là: 'Quý vị hãy thông qua một dự luật.'”
Kế tiếp, tổng thống biện luận khá dài về chính trị trong vấn đề quan trọng có nhiều nội dung phức tạp là di dân. Ông cho rằng đừng nên đem những bất đồng ý kiến trong vấn đề này trở thành yếu tố để thương lượng về những chuyện khác.
Theo lời ông: “Sinh hoạt dân chủ của chúng ta hoạt động như vậy. Và chắc rằng Quốc Hội không đóng cửa chính quyền một lần nữa chỉ vì chúng ta không đồng ý về chuyện này. Dân Mỹ đã chán nản với bế tắc của chính quyền. Cái mà quốc gia chúng ta cần bây giờ là một mục tiêu chung, một mục tiêu cao cả hơn.”
Một người đòi trục xuất di dân bất hợp pháp. (Hình: Kevin Hagen/Getty Images)
Tổng thống cũng cho biết ngày Thứ Sáu, ông sẽ đi Las Vegas và sẽ gặp một số người trẻ, mà cho đến nay vẫn bị coi là người ngoại quốc, chỉ vì phụ huynh không dám hoàn tất các thủ tục hành chánh do lo ngại tiết lộ gốc gác di dân bất hợp pháp của họ.
Ông kết luận bài nói chuyện: “Nước Mỹ chúng ta luôn luôn là một quốc gia của di dân. Chúng ta đều đã có một thời là người ngoại quốc. Cái làm chúng ta trở thành dân Mỹ là sự cùng quyết tâm chia sẻ một lý tưởng chung - rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng và tất cả chúng ta đều có cơ hội để tạo dựng một cuộc sống như chúng ta mong muốn. Cha ông chúng ta và những thế hệ trước đã xây dựng đất nước này cho chúng ta như thế. Truyền thống ấy chúng ta phải gìn giữ. Và di sản ấy chúng ta phải để lại cho những người sẽ đến.”
Những quy định trong sắc lệnh của Tổng Thống Obama sẽ triển hạn lưu trú cho khoảng 5 triệu di dân bất hợp pháp và xác định rằng biện pháp trục xuất nhắm vào các tội phạm chứ không tác hại đến các gia đình di dân. Nhưng thực tế có khoảng 11 triệu di dân bất hợp pháp đang sống tại Hoa Kỳ và như vậy chưa có gì bảo đảm cho số phận của hơn phân nửa số người này.
Phía Cộng Hòa từ lâu vẫn cương quyết chống đối dự định đơn phương hành động của Tổng Thống Obama.
Ít giờ trước khi Tổng Thống Obama nói chuyện, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng khối thiểu số Thượng Viện, lên tiếng cảnh cáo là “Quốc Hội sẽ có phản ứng” và “tổng thống sẽ hối tiếc về hành động của ông.”
Thượng Nghị Sĩ McConnell tuyên bố: “Chúng tôi đã xem xét nhiều giải pháp,” tuy nhiên ông không cho biết rõ chi tiết.
Nhưng theo tin của Bloomberg thì có sự chia rẽ sâu sắc giữa những người Cộng Hòa ở Hạ Viện về việc làm thế nào ngăn chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng Thống Obama. Cả hai thủ lãnh Hạ Viện và Thượng Viện đều xác định không muốn tái lập tình trạng đóng cửa chính quyền như hồi Tháng Mười năm ngoái trong vụ đương đầu với hành pháp về Obamacare.
Một số ý kiến khác cho rằng Quốc Hội có thể ngăn chặn ngân sách của cơ quan di trú để vô hiệu hóa sắc lệnh của tổng thống, tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ hiệu quả của phương án này.
Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions (Cộng Hòa-Alabama) nhận định rằng Quốc Hội không có quyền lực ngăn chặn sự chi tiêu ấy.
Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) cho rằng Hạ Viện nên có một nghị quyết chống sắc lệnh hành pháp của tổng thống, mở đường đi tới việc lập hồ sơ kiện.
Ðêm Thứ Năm, sau bài phát biểu của Tổng Thống Obama, chưa có phản ứng chính thức và kế hoạch mới nào khác từ phía Cộng Hòa được đưa ra
Theo báo Người Việt