Người Việt ảnh hưởng Tàu nên con cháu thường chúc ông bà sống lâu trăm tuổi (bách niên giai lão). Sống lâu theo quan niệm phương Đông là điều tốt lành. Dù tuổi thọ người xưa không cao do y học chưa phát triển, vấn đề chăm sóc sức khỏe còn lạc hậu nên hậu thế còn nghe, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Người sống tới bảy mươi tuổi đã hiếm thì mấy ai sống tới trăm năm được như lời chúc thọ của con cháu. Cái mốc “xưa nay hiếm” dừng lại ở tuổi bảy mươi, nhưng vẫn có người sống thọ hơn “cổ lai hy” trong đời…
Tôi còn nhớ năm mới lớp 11 hay 12 gì đó! Thằng “ông bầu” trong lớp thông báo với anh em, “Nhà thằng Thân có tang. Chiều nay, tụi bay đừng đi đá banh, đám con gái đừng đi tập hát. Tụi mình phải đi đám ma. Thằng Thân tuy lúa, nhưng là bạn tốt của tụi mình…”
Bạn bè trong lớp mừng rơn với một chuyến dã ngoại vì nhà thằng Thân ở xa thành phố tới mấy tiếng đạp xe. Tuổi trẻ càng vui khi có cớ đi chơi ra khỏi thành phố tù túng là mừng. Tuổi đó, chắc không có gì vui hơn là cỡi chiếc xe đạp thường ngày đi học, đi đá banh, đi chơi loanh quanh với bạn bè… Nhưng hôm đó khác là chở một cô bạn học phía sau xe đạp. Dĩ nhiên là ai đi chung xe với ai, cũng là chuyện hết sức ý nhị từ hai phía, tế nhị trước bạn bè…
Chúng tôi đạp xe mấy tiếng đồng hồ không uổng công, vì bạn bè có dịp hiểu nhau hơn trong không gian nhỏ bé của lớp học, không khí thành phố u ám như sự nghi kỵ lẫn nhau do chủ nghĩa xã hội giáo đầu.
Trên những con đường lộng gió, qua những cây cầu bong đinh, ván lót cầu miếng mất miếng còn do mục nát, trộm cắp của thời bưng bít. Bạn trai có cơ hội làm chút gì đó cho bạn gái bớt lo sợ, bạn gái có cơ hội biểu hiện tình cảm của mình với cái vịn vai, cái nắm tay – qua cầu. Chỉ là vịn vai hay nắm tay vì sợ lọt dép thôi, nhưng tình ý thấm vào huyết mạch tới trọn đời. Nhớ nhau còn đó, nhưng giấu mãi trong tiếng cười thằng nọ đòi cõng con kia qua cầu để đời tao không ân hận lấy vợ què; con nhãi nọ chờ thằng cu kia uống nước, để lấy sức đạp… Gió thổi hồn nhiên đi đâu để gió tàn thu chiều nay quay lại một góc trời, chỗ bàn tay vịn vai còn nặng oằn năm tháng…
Chúng tôi đi đám ma mà không thấy đứa nào khóc, có đứa ứa nước mắt chẳng qua nó mới biết cười. Chúng tôi ở lại qua đêm ở nhà có tang vì không thể về bởi khi tới nơi thì trời đã tối; nỗi lo sợ con gái chả bù cho đám con trai vui mừng với một đêm không thế lực thù địch là những cây ăng-ten của đoàn đội cứ bám miết chúng tôi, không thầy cô rầy rà, không cha mẹ răn đe…
Cái thằng “ông bầu” của lớp là thằng đá banh không biết, nhưng trận banh nào cũng có mặt để lo bánh mì, nước uống cho anh em cầu thủ bằng tài Hồng bang chủ của nó. Mục đồng đánh trâu còn điệu nghệ hơn nó đánh đàn, nhưng sân khấu nào cũng có mặt nó với vai trò cố vấn cho mấy em thích hát hò; Nó có mặt ở bờ sông trộm mía, cù lao trộm khoai… nó tới cả sòng bầu cua cá cọp để bảo vệ quyền lợi anh em (bằng cái miệng nó thôi, chứ khi bị chúng đánh thì nó chạy trước). Thế mà nó cũng thu xếp được nơi ăn, chốn ngủ cho anh em tử tế ở ngay nhà thằng bạn đang tang gia bối rối. Đúng là thiên tài cô đơn vì thuở nhỏ không bồ, lớn lên không vợ. Ngài cựu chủ tịch cộng đồng bên xứ cá sấu và chuột túi vẫn ở vậy nuôi thù, mơ ngày phục quốc.
Mấy chục năm sau mới biết đêm đó là kỷ niệm. Những ấp ủ trong lòng được nói ra, những ước mơ thầm kín được thấu hiểu; Chia sẻ, là điều đáng tin ở tuổi chưa biết nói dối. Dù chỉ là những điều nhỏ nhặt, thậm chí bị quên lãng theo dòng đời, hay để gió cuốn đi đến hôm gió hồn nhiên quay về đã lơ thơ tóc trắng, nhớ quá đi thôi một bàn tay. Riêng tôi nhớ thêm bà cụ già tới không thể già hơn. Bà không chịu vô nhà ngủ mà cứ toòng teng trên chiếc võng cói, mắc ngoài hàng ba. Bà nằm nghe nhạc đám ma hay nghe lòng già chảy máu. Đôi mắt bà khóc từ trong tâm nên mắt đã lòa, hay khóc con đi trước mẹ, đôi mắt hoen ố thời gian của cụ bà đeo đẳng theo tôi. Bà là bà cố của bạn tôi. Bà không có giấy khai sanh nhưng theo những chuyện bà còn nhớ thì con cháu đoán ra bà đã trăm tuổi, hay hơn nữa. Hôm đó là đám ma của ông nội Sáu của thằng Thân. Tức những ông, bà nội Hai, Ba, Tư, Năm… đã lần lượt ra đi trước mẹ. Ông nội của Thân là ông nội Út trai, nên nó còn có bà nội Út gái nữa… Hai người lọm khọm đó, thấy cũng rất tội. Hay là còn trẻ quá mà tôi đã thành ông cụ non khi nghĩ tới cái giá sống trăm năm không phải là hạnh phúc mà chỉ là sự trừng phạt. Tôi càng nghĩ càng không hiểu bà cố có lỗi gì mà phải sống tới trăm tuổi mắt mờ, tay run, phải lần lượt khóc từng người con ra đi trong mắt mẹ…
Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao người ta thích sống lâu. Tần Thủy Hoàng nổi tiếng lịch sử về việc đi tìm phương thuốc trường sinh bất tử. Nhưng rồi ông cũng chết ở tuổi 49. Giấc mơ trường sinh của Tần Thủy Hoàng còn mãi trong tâm thức phương Đông. Làm sao biết hết được bao người vẫn lặng lẽ đi tìm sự vĩnh cửu trong đời hạn hữu. Người ta ham sống lâu, nhưng để làm gì là hai chuyện ngày càng tách biệt theo tuổi tác.
Chẳng qua dư âm chiều nay đi uống ly cà phê với ông bạn đã làm hết ngày cuối trong đời công nhân của ông ta. Từ sáng mai, ông đã thực sự về hưu. Ly cà phê Starbucks – uống lúc nào cũng được. Nhưng tôi tin là ông sẽ nhớ hôm cuối cùng ở cái hãng mà ông đã làm việc hơn ba mươi năm. Ông đã đi uống ly cà phê chia tay với người bạn mới nhất ở nơi ông đã làm việc (coi như cả đời).
Chia tay ông ở quán cà phê, tôi thấy người đàn ông lớn tuổi ngậm ngùi bước ra xe, như không bao giờ trở lại cuộc đời này nữa. Không. Đó chỉ là chiếc lá khô đang cuốn theo chiều gió, không phải ông… Nhưng tôi biết chắc một điều, từ ngày mai, ông sống một cuộc đời khác rồi. Chiều nay về đến nhà, có lẽ việc đầu tiên ông làm là vứt cái đồng hồ báo thức vô sọt rác. Không máng cái thẻ công nhân chung với chùm chìa khóa xe, để sáng mai đừng quên. Ông không cất vội nó lần cuối vào nơi không bao giờ mở ra, mà ông thư thả ngồi cởi giày, ngồi nhìn lại ba mươi mấy năm bán sức lao động ở quê người, tới cái thẻ công nhân bạc thếch. Cái được đã mất là đàn con khôn lớn, nhưng chẳng đứa nào muốn quay về sống với ông già lẩm cẩm, khó tính, lại tiện tặn từng đồng từng cắc. Cái mất, ông đã được là mất hết tuổi đời, sức lực. Một ông già là lính cũ ngày xưa. Trong cái may không ăn viên đạn vô tình của Việt cộng thì cái rủi hiển hiện là nắm xương khô gởi lại quê người trong một ngày không xa. Những hứa hẹn của người quen kẻ biết chỉ là lời thuận miệng mà có lẽ tôi là kẻ đãi bôi cuối cùng. Vì tôi cũng tiếp tục cuộc vui, nhưng với bạn bè trang lứa; tiếp tục cuộc đời với những ai còn giá trị lợi dụng. Tôi tiếp tục chửi thề, kể chuyện tiếu lâm với những người còn làm chung, gặp mỗi ngày. Ngày nào là ngày tôi đến thăm ông như đã hứa! Có chăng là ngày người quen kẻ biết gọi cho hay thì tôi ghé nhà quàn viếng ông lần cuối… Cũng lại là vì tôi. Vì tôi còn sống nên phải vậy chứ lòng tôi chưa chắc đủ thân thương với ông bạn vừa già, vừa khó, vừa chi li… Với ông, chỉ có một lý do lớn hơn ông làm tôi sẽ đến viếng ông vì ông là lính cũ. Vì đó là tự giác của người miền Nam còn trọng tình quân dân.
Tôi khoát tay ra hiệu nhường ông: De ra trước đi. Ông de trước, chạy trước. Nhưng không có gì bảo đảm ông tới trước vì trời kêu ai nấy dạ. Tôi không có gì để bảo đảm là tôi đi viếng ông lần cuối ở nhà quàn hay ông lại mất thời giờ đi viếng tôi trước. Tôi ngồi lại trong xe với những người bạn tiễn tôi ra phi trường năm nọ. Bao nhiêu lời chúc phúc, cầu may; bao nhiêu hứa hẹn đọng thành. Nhưng tôi như ông già không bao giờ trở lại hãng nữa, tôi đã không về Việt Nam từ khi bước chân đi. Những ân tình khất lại đến bao giờ, hay mãi mãi…
Tôi khác mà giống ông già là khi đến Mỹ, tôi đi mua cái đồng hồ báo thức và đi làm cái thẻ công nhân. Rồi một ngày sẽ đến. Tôi cũng vứt cái đáng ghét nhất mà phải tốn tiền mua là cái đồng hồ báo thức vô sọt rác, cất cái thẻ công nhân lần cuối vào nơi không bao giờ mở; tập quên những hứa hẹn đời thường…
Tôi về. Bóng tôi là người bạn trên vách garage từ khi sang Mỹ. Ánh đèn vàng hắt xuống đống cứt trâu nên cái bóng cũng thối. Ngồi gom kỷ niệm vui với ông bạn già để viết chút gì đó cho người vô công rỗi nghề từ ngày mai đọc chơi! Nhưng niềm vui qua đi, chỉ nỗi buồn ở lại. Những lúc khúc khích cười với nhau sau khi bình loạn, muốn cười lại thì bóng hồng đã tan. Nhưng buồn tâm sự về con cái của ông như ma ám, quỷ trù, không buông tha…
Buồn (hay vui) khi chiều nay ông tâm sự ngoài Starbucks về một ước nguyện, chưa bao giờ nói ra, “Tôi ước gì được sống như bà ngoại Bảy của tôi. Năm ngoái tôi về, bà ngoại Bảy của tôi đã hơn trăm tuổi. Điếc đặc hai tai, nhưng nhìn miệng mình nói là biết mình nói gì nghe ông, trả lời trúng phóc. Tôi hỏi ngoại có bao nhiêu con, cháu? Ngồi kể không thiếu một đứa… đã chết. Trong khi những đứa còn sống, gần, thì không nhớ, mà nhớ đứa xa… Tôi hỏi, ông ngoại hồi xưa có đẹp trai không? Thì, tao quên mặt rồi! Ổng chết đời nào rồi, làm sao nhớ…”
“Sống lâu trăm tuổi” như cụm từ vô nghĩa, nó ám vô người ta từ người đời trước nên người đời sau nói theo, không suy nghĩ. Nhưng không chừng như thế lại hay hơn ngồi đến cái bóng cũng bốc mùi, rồi nghĩ bậy!
Ông bạn tôi lên giường đêm nay. Sự hưng phấn trước những lời chia tay của đồng nghiệp chắc mau phai. Vì tuổi đời của ông đã đủ thấm miệng đời. Đời dài suốt như đêm dài thao thức, không chừng ông bỏ bớt ước mong sống lâu trăm tuổi như bà ngoại Bảy của ông, người sống để nhớ những người đã chết, đã xa. Khi ngoại chết, có nhớ những người đã sống quanh ngoại cả trăm năm…
Ngoài cửa nhà tôi, đang là những đứa trẻ đang đi xin kẹo. Viên kẹo nào cho người trăm tuổi thấy hạnh phúc thì người ta quên chế tạo mà chỉ sản xuất những bộ xương người bằng nhựa như đồ chơi trẻ em. Đêm Halloween nghĩ về trăm tuổi như một trò đùa của số phận. Mong đừng nghiệt ngã với người ghiền ở trọ trần gian này.
Phan