Hôm nay, 24 tháng 11, sinh nhật của Phạm Thanh Nghiên. Tôi viết những dòng này để tặng Nghiên ngày sinh nhật, để cám ơn Mẹ Lợi đã sinh ra Nghiên, đã cho chúng con một người bạn, người chị, người em mà phong cách sống của con gái Mẹ đã làm chúng con còn hãnh diện mình là người Việt Nam.
Lúc Nghiên còn ở trong tù, đêm giao thừa nhớ Nghiên tôi viết mấy vần thơ:
em về giữa bốn thước vuông
thằn lằn chắt lưỡi: ngồi đây làm gì?
trả lời: tọa kháng tại gia
người ta không chịu nên mời vào đây
con ruồi rớt giữa bàn tay
đậu lên nỗi nhớ chưa quen đêm ngày
ở ngoài ma quỷ vây quanh
trong này yên ắng chỉ ruồi với em
(chia tay ruồi ngủ giấc êm
thằn lằn tới xực
giao thừa
nhậu
ngon)
Nhớ Nghiên, tôi chỉ có thể tưởng tượng được nỗi cô đơn của Nghiên trong bốn bức tường câm một cách lãng mạn kiểu thơ phú cải lương. Khi Nghiên ra tù và nghe kể lại tôi mới cảm nhận rõ ràng cuộc sống tù đày của Nghiên đã khủng khiếp như thế nào.
Tuy nhiên, 4 năm lao tù chưa bao giờ làm Nghiên gục ngã. Nghiên âm thầm "trả giá" cho trách nhiệm, lương tâm, lòng yêu nước và một chiều dài cuộc sống của Nghiên với bản án mà chế độ áp đặt lên Nghiên.
Nhưng Nghiên vẫn luôn luôn đứng thẳng. Nghiên chưa bao giờ gục ngã trước mọi giông tố của cuộc đời, của chế độ lao tù, của những cai tù lẫn những người tù độc ác không thua gì cai tù.
Cho đến sau ngày Mẹ mất.
Sự ra đi của Mẹ, hành vi sách nhiễu vong linh của Mẹ và an ninh, cán bộ đảng làm nhục gia đình trong đám tang của Mẹ đã làm cho Nghiên sau đó đã phải quỵ xuống, tưởng chừng không thể đứng lên nỗi.
Nhớ lúc ra tù Nghiên tuyên bố:
"Những gì tôi đã tranh đấu, đã làm trước kia tôi khẳng định là chính nghĩa, là đúng, xác định con đường của mình là chính đáng, là đúng thì mình vẫn tranh đấu, bởi vì tôi quan niệm rằng những người vì dân tộc mình là tranh đấu thì sẽ không bao giờ thất bại nếu mình không lùi bước. Vì những giá trị tự do, vì những giá trị công bằng thì mình không bao giờ thất bại cả..."
Mỗi ban mai thức dậy, trong căn nhà của chính mình đã bị biến thành một nhà tù với an ninh, côn đồ vây bọc chung quanh, Nghiên đã sống như những gì đã tuyên bố. Người tù tại gia, thân gầy dáng nhỏ, tình trạng sức khỏe suy yếu, ngồi nhìn màn hình một lát là chóa mắt, xây xẩm, có lúc phải âm thầm bỏ trốn về Hà Nội để khám bệnh, đã có những đóng góp cho công cuộc chung nhiều hơn rất nhiều người.
Những đóng góp đó có được vì bên Nghiên luôn có một người "bạn" đồng hành. Đó là Mẹ. Vẫn còn đó hình ảnh của Mẹ và con khắp nơi trên mạng cùng ngồi trong sân nhà, bên cành mai ngày tết, cùng nhau làm một cuộc dã ngoại Nhân Quyền để đồng hành với các bạn khác tranh đấu công khai cho quyền con người. Vẫn còn đó hình ảnh Nghiên ngồi bên "vườn rau" nhỏ xíu của Mẹ. Nhưng bây giờ Mẹ đã không còn nữa và căn nhà vẫn còn đông người đã trở nên quạnh quẽ, trống tênh.
Nỗi quạnh quẽ ấy, sự ra đi của Mẹ đã có sức công phá gấp trăm lần những khổ ải của nhà tù. Nhiều người không biết đằng sau con người can đảm, đứng thẳng trước mọi khủng bố của cường quyền ấy là một cô gái nhiều nước mắt và mang nhiều u uẩn.
Nhưng rồi Nghiên cũng đã gượng đứng dậy để cùng đứng, cùng đi với những người em, người bạn của Nghiên. Từ nơi bị quản chế, Nghiên đã tiên phong khởi xướng chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết. Khi chung quanh là an ninh bủa vây, khi đầu óc vẫn bị choáng váng nếu ngồi lâu trước màn hình, Nghiên vẫn kiên trì nối kết, vận động nhiều người - từ những bạn trẻ vô danh cho đến những người nổi tiếng như nghệ sĩ Kim Chi để họ tham gia thể hiện quyền được biết và đòi hỏi Quốc hội bạch hóa Mật nghị Thành Đô.
Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cho dù phải đối diện với nghịch cảnh, phải mang nhiều đau đớn từ thể xác đến tinh thần, vẫn có một người luôn đứng dậy và tiếp tục đi. Đó là Phạm Thanh Nghiên.
Hôm nay, 24 tháng 11, sinh nhật của Phạm Thanh Nghiên. Tôi viết những dòng này để tặng Nghiên ngày sinh nhật, để cám ơn Mẹ Lợi đã sinh ra Nghiên, đã cho chúng con một người bạn, người chị, người em mà phong cách sống của con gái Mẹ đã làm chúng con còn hãnh diện mình là người Việt Nam.
Vũ Đông Hà (Danlambao)