logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
nga  
#1 Đã gửi : 24/11/2014 lúc 07:37:29(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
UserPostedImage

“Thân thể con người cũng như một yên ngựa,
phải biết rời bỏ khi đã tới cuối hành trình”
Ibn Sina (Avicenne)
(rf Dr. Trịnh Nguyên Phước)

Trợ tử (Euthanasia) còn là một vấn đề cấm kỵ và rất nhạy cảm ở phần lớn các quốc gia tiến bộ, nhất là các quốc gia phương Tây, nơi mà cuộc sống con người rất được quý trọng.

Chuyện thương tâm bên Pháp
Sau tai nạn mô-tô 29/9/2008, Vincent Lambert, 38 tuổi, bị bại liệt tứ chi, hôn mê, câm và không còn biết gì hết về ngoại cảnh. Từ 5 năm qua, 24/24 giờ trong ngày, nạn nhân phải nằm liệt giường để được duy trì một tình trạng sống thực vật, v.v… Vợ, anh em cũng như nhiều thân nhân và cả bác sĩ chuyên khoa trách nhiệm đều đồng ý cần phải để cho nạn nhân ra “đi”. Mặc dù Conseil d’Etat cho phép ngưng cấp dịch truyền nuôi dưỡng, nhưng cha mẹ của Vincent Lambert là tín đồ công giáo ngoan đạo lại chống đối tới cùng… Nhân viên bệnh viện bị hăm dọa nếu họ ngưng cấp dịch truyền. Phải duy trì sự sống bằng mọi giá!
Thật đau lòng.
(Doan Bui, Condamné au silence – Le Nouvel Observateur, Fév 06, 2014)

http://tempsreel.nouvelo...condamne-au-silence.html

Đạo và đời, hai chiến tuyến trái ngược
Được biết giúp người khác tự vận hay trợ tử là một hành động không được pháp luật nhìn nhận và cho phép tại hầu hết các quốc gia tiến bộ, kể cả Việt Nam.
Tuy nhiên cũng có một số ít nơi cho phép trợ tử trong những trường hợp thật đặc biệt.
Đó là Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ, Hoa kỳ: 4 tiểu bang Oregon, Washington, Montana và Vermont.
Luật pháp Thụy Sĩ cho phép trợ tử. Hiến pháp dành một điều khoản đặc biệt cho khách hàng được toàn quyền quyết định. Luật dự trù phạt tù 5 năm cho ai giúp người khác chết vì mục đích ích kỷ và tiền bạc. Luật cấm bác sĩ kê toa thuốc ngủ đối với người còn khỏe mạnh, và ngăn cản việc trợ tử đối với những người bị bệnh tâm thần vì họ không có khả năng phán đoán một cách sáng suốt.
Ngược lại, tại các quốc gia độc tài, chuyên chính và các xứ kém mở mang nghèo khó, thì vấn đề trợ tử thường được nhìn theo một khía cạnh không mấy quan trọng và đơn giản hơn nhiều.

Người già càng nhiều số chết càng tăng
Đây là một gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.
Tuổi già thì phải bệnh, phải chịu đau đớn về tinh thần lẫn thể xác, và sau một thời gian thì phải ra đi đúng theo quy luật của tạo hóa…

Y phí trang trải để giúp các cụ kéo dài thêm cuộc sống tạm bợ không ngừng gia tăng thêm mãi.
Săn sóc cuối đời (soins palliatives/ palliative care), nhà già, viện dưỡng lão đã trở nên những nhu cầu cấp thiết trong xã hội.

Niềm tin vào tôn giáo và các giá trị triết lý nhân bản cũng có phần mai một trong đời sống ngày nay, cho nên con người phải tự mình đối mặt với cái chết qua một chuỗi tâm trạng phức tạp bắt đầu bằng sự tức giận, bất mãn, bị shock, kế đến là giai đoạn cam phận và cuối cùng là sự chấp nhận số mạng để ra đi cho được thanh thản.
Chắc chắn đa số các cụ cao tuổi, sức khỏe sa sút, đều muốn ra đi trong phẩm giá càng sớm càng tốt. Cụ không muốn phiền lụy đến gia đình và xã hội. Sống bấy nhiêu cũng quá đủ rồi.
Nhưng đâu phải muốn đi là được đâu…

Trợ tử chủ động (active euthanasia)
Đây là trường hợp bác sĩ hay một người nào đó cố ý tiêm, cấp một loại thuốc hay giúp phương tiện nào đó để bệnh nhân chấm dứt cuộc sống ngay lập tức. Có nhiều người cho rằng trợ tử chủ động giúp bệnh nhân chết rất nhanh, gọn và sạch, tránh cho bệnh nhân kéo dài sự đau đớn vô ích. Về một mặt nào đó, trợ tử chủ động tốt hơn, có vẻ “nhân đạo” hơn trợ tử thụ động.

Trợ tử thụ động (passive euthanasia)
Trường hợp nầy, bác sĩ không chữa trị đúng quy cách, không làm những gì cần thiết để duy trì sự sống của người bệnh, hoặc ngưng cung cấp những phương tiện hỗ trợ cho bệnh nhân có thể sống, chẳng hạng như: tắt máy hỗ trợ hô hấp, gỡ máy cung cấp chất dinh dưỡng, không thực hiện những cuộc giải phẫu cần thiết cũng như việc ngưng cấp thuốc để kéo dài thêm sự sống.

Du lịch tự sát, hay “từ Thụy Sĩ đến cõi vĩnh hằng”

http://www.parismatch.co...icalement-assiste-159044

Dignitas được thành lập từ 1998, tại Thụy Sĩ. Đây là tổ chức hợp pháp chuyên lo và thực hiện chuyến du lịch cuối cùng về bên kia thế giới. Không có vé khứ hồi.

Legal assistance for suicide with
DIGNITAS, To live with dignity, To die with dignity
(Sống trong phẩm giá, thác trong phẩm giá)
Điều lệ và giá biểu (*)
Bao trọn gói: tiền quan tài, tẩn liệm, lễ nghi, chôn cất lệ phí hành chánh, v.v…:12 600$,
hoặc 8 400$ (chỉ có tiền vé mà thôi, chưa có tiền quan tài, và tiền mai táng, v.v…).
Thanh toán chi phí trước ngày khởi hành.
Xin đừng gởi check vì ngân hàng tính lệ phí rất cao.
Liên lạc với Dignitas để biết thêm chi tiết và thủ tục thanh toán tiền vé.
Address:
DIGNITAS
P.O. Box 9
8127 Forch
Switzerland
Telephone: +41 43 366 10 70
Fax: +41 43 366 10 79
Internet: www.dignitas.ch
E-mail: dignitas@dignitas.ch

Có người gọi đây là du lịch tự sát vì dịch vụ dành cho tất cả khách hàng không phân biệt quốc tịch.
Dignitas cũng đảm nhận trợ tử cho từng cặp, từng đôi như vợ cũng muốn được cùng chết theo chồng cho vẹn tình vẹn nghĩa.
Đó là trường hợp đã xảy ra vào mùa xuân năm 2009, Dignitas thực hiện trợ tử cho cặp vợ chồng nhạc trưởng người Anh, Edward Dowes (85 tuổi) và bà vợ (74 tuổi), đã làm xôn xao dư luận ở Anh.
Ngoài ra, một bà vợ hoàn toàn khỏe mạnh khác ở British Columbia (Canada) cũng đòi được chết tại Zurich theo chồng đang mắc bệnh tim mạch rất trầm trọng. Sự việc được đem ra xét xử ở tòa án năm 2010, nhưng cuối cùng chỉ có ông chồng được phép ra đi về bên kia thế giới mà thôi. Bà vợ phải tự túc đi sau nếu muốn.
Việc làm của Dignitas cũng bị dư luận Thụy Sĩ và cả thế giới phê phán và chống đối dữ dội. Tuy vậy, thương vụ của Dignitas không vì thế mà bị giảm đi chút nào hết.
Cho đến nay, số khách hàng ghi danh, hồ sơ nóng (actif) cũng phải trên 6.000 người.
Từ 1998 đến 2013, đã có trên 1701 du khách được Dignitas giúp thực hiện chuyến lịch du một chiều rồi. (giá từ 8 400$ đến12 600$). Không có dịch vụ hậu mãi (service après vente).
Khách hàng đã đến từ 60 quốc gia khác nhau, đa số là người Đức, Anh, Pháp (159 người hay 10,63%), Hoa Kỳ, Do Thái, Ý, Hòa Lan, Canada, Liban…
Phần đông du khách đều có vẻ rất thanh tịnh 99%, và rất hài lòng (?) vì có thể thoát khỏi sự đau đớn vô cùng tận mà họ đã phải gánh chịu từ nhiều năm qua.

Thủ tục ghi danh Dignitas cũng đơn giản
– Không bắt buộc phải là công dân Thụy Sĩ;
– Mở hồ sơ ghi danh: 80$;
– Lệ phí hằng năm 50$;
– Giấy tờ, hồ sơ cho phép Dignitas trợ tử phải có 3 người chứng: gồm hai thân nhân và một người ngoài cuộc không liên hệ về nghĩa vụ và quyền lợi với khách hàng.
Sau khi ghi danh, thì phải chờ một thời gian, có thể vài ba năm hoặc mau hơn để Dignitas thu xếp cho cuộc hành trình được suôn sẻ và êm ái.
– Bắt buộc vị bác sĩ kê toa thuốc ngủ và khách hàng không phải là chỗ quen biết, có mối quan hệ mật thiết hay họ hàng gì với nhau;
– Khách phải khẳng định việc mình muốn chết để thoát khỏi cảnh đau đớn về thể xác và tinh thần;
– Khi được Dignitas cho biết ngày giờ chính thức thì khách hàng phải có mặt, lẽ dĩ nhiên đến với một vài thân nhân. Khách hàng khỏi cần mang theo hành lý làm gì.
– Khách được đưa đến ngụ tại một tòa nhà nằm ngay trung tâm khu kỹ nghệ Pfaffikon, phía đông thành phố Zurich;
– Người trợ giúp là y tá vào phòng nói chuyện, cắt nghĩa cách thức làm việc. Sau đó, chuẩn bị một ly cocktail nước ép trái cây có pha một hỗn hợp 30ml thuốc ngủ nhóm barbiturique;
– Trước khi uống ly thuốc ngủ, khách được cho uống một loại thuốc chống nôn mửa trước;
– Việc uống thuốc hoặc mở van phải do khách hàng tự tay mình làm lấy. Dignitas chỉ trợ giúp nhưng không được thúc ép;
– Dặn dò đâu đó kỹ lưỡng và xong xuôi rồi, y tá bước ra và đóng cửa phòng lại;
– Khách phải tự tay mình bưng ly nước mà uống vì luật cấm người khác trực tiếp giúp vào việc trợ tử. Tất cả các giai đoạn vừa nêu đều được thu vào video để làm bằng chứng.
– Sau khi uống, trong vòng 30 phút thì khách ra đi một cách rất êm ái (nghe họ quảng cáo vậy thôi!);
– Sau đó, Dignitas gọi cảnh sát đến làm thủ tục biên bản, chứng thật sự kiện;
– Mau lắm: sáng tới nơi thì chỉ nội trong ngày tất cả đều xong hết;
– Adios!

Đa số khách 99% đều có vẻ rất bình thản và thanh tịnh. Họ rất hài lòng (?) vì có thể thoát khỏi sự đau đớn vô cùng tận mà họ đã phải gánh chịu từ nhiều năm qua. Người gõ tin rằng đây là sự thật.
Tuy thế, đôi khi nhân viên Dignitas cũng bị thân nhân khách hàng đón đường sỉ vả thậm tệ là đồ satan, quỷ sứ, là sứ giả của tử thần, là nầy là nọ, vân vân và vân vân.

Các loại trợ tử, theo Bác sĩ Trịnh Nguyên Phước
(Bác sĩ chuyên ngành về tiêu hóa, giảng viên Đại học Saint-Antoine ở Pháp)
“…Có hai loại trợ tử cần phải được phân biệt là trợ tử tích cực (euthanasie active), nghĩa là gây nên cái chết bằng một hành động tích cực, và trợ tử thụ động (euthanasie passive), nghĩa là ngưng mọi điều trị để cho người bệnh chết một cách tự nhiên. Người ta còn gọi trợ tử thụ động là “sự ngưng chỉ hay bỏ sót các phương pháp điều trị kéo dài cuộc sống”.
Trợ tử còn được phân chia làm trợ tử tự nguyện (euthanasie volontaire), trợ tử không tự nguyện (euthanasie non volontaire), và trợ tử không tùy ý (euthanasie involontaire).
Trợ tử tự nguyện (euthanasie volontaire) là trợ tử do người bệnh yêu cầu một cách rõ ràng, với sự chấp thuận sáng suốt của người đó (consentement éclairé), như trường hợp Vincent Humbert. Trợ tử không tự nguyện (euthanasie non volontaire) là trợ tử trên người bệnh trong tình trạng hôn mê hoặc lú lẩn, không còn khả năng yêu cầu trợ tử (như trường hợp Terri Schiavo). Trợ tử không tùy ý (euthanasie involontaire) là trợ tử trên người bệnh còn minh mẫn, không yêu cầu cái chết hoặc không chấp thuận trợ tử (chẳng hạn như khi câu hỏi không được đặt lên cho người đó).
Trợ giúp tự tử (aide au suicide) hay tự tử trợ giúp bằng y khoa (suicide médicalement assisté) là sự giúp đỡ, thường thường do một người thầy thuốc, một người bệnh đã quyết định chấm dứt cuộc sống của mình, bằng một liều thuốc độc hay một phương tiện khác. Hành động đưa tới cái chết là do người bệnh, nhưng người trợ giúp là người thầy thuốc.
Giảm đau cuối đời (sédation terminale), còn gọi là trợ tử gián tiếp (euthanasie indirecte), là sự điều trị bằng thuốc giảm đau loại morphine, nhằm giảm đau cho bệnh nhân, nhưng có thể đưa tới cái chết do tai biến suy giảm hô hấp. Thật ra, ai cũng biết rằng tất cả là tùy liều thuốc, nhẹ hay nặng, mà hành động này mang tính chất giảm đau hay trợ tử”.
Điều trị tạm thời (soins palliatifs) là điều trị không nhằm khỏi bệnh, mà nhằm thuyên giảm sự đau đớn của người bệnh, về thể xác cũng như tinh thần.
Điều trị tới cùng (acharnement thérapeutique), còn gọi là bướng bỉnh vô lý (obstination déraisonnable), là điều trị bằng mọi cách, nhằm kéo dài cuộc sống, tuy biết rằng bệnh nhân ở trong tình trạng cuối đời.
Tình trạng thực vật (état végétatif) là một thực thể y khoa xuất hiện từ những năm 1960-70, do những bước tiến của các phương pháp hồi sinh. Đó là một trong những hình thái tiến hóa của coma, sau khi não bị chấn thương nặng hoặc thiếu oxy. Người bệnh có vẻ tỉnh, mở mắt, nhưng không có hoạt động ý thức nào và hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều dưỡng trong đời sống hằng ngày. Sau một thời gian khoảng một năm, tình trạng có thể gọi là thực vật mạn tính (état végétatif chronique, persistent vegetative state), không còn hi vọng đảo ngược lại, với những biến chứng xảy ra do liệt giường lâu ngày. Đó là tình trạng của Terri Schiavo, kéo dài trong 15 năm trời và mới kết thúc gần đây”.

Liên Âu xôn xao về trợ tử
Chúng ta có quyền để một người đau bệnh trầm kha, nan y tự quyết định kết liễu đời họ để thoát khọi sự đau đớn thể xác hay không?
Tại Hòa Lan, việc trợ tử được xem như việc “trị liệu bằng thuốc” và chỉ có 40% ca trợ tử đã được chánh thức báo cáo.
Cũng tại Hòa Lan, 80% bác sĩ đã áp dụng phương pháp trợ tử chủ động (active) “tự tiện” giải phóng bệnh nhân thay vì phải áp dụng cách trợ tử thụ động (passive), như bớt thuốc, bớt chất dinh dưỡng, v.v…, để bệnh nhân kiệt sức mà mau thăng.
Belgique nối gót Hòa Lan cho phép trợ tử vào năm 2008.
Pháp còn dậm chân tại chỗ.
Vừa qua, đảng xã hội Pháp đã đệ trình một dự luật về trợ tử đối với những bệnh nhân trong giai đoạn cuối cùng của bệnh ngặt nghèo như cancer và không còn hy vọng.
Dự luật thuận cho việc trợ tử để bệnh nhân có thể chết trong phẩm giá.
Nhưng cuối cùng dự luật trên đã bị bác bỏ.(**)

Hoa Kỳ và trợ tử
Tại Hoa Kỳ, hầu hết tại các tiểu bang, trợ tử hay giúp cho người khác chết là một hành động bất hợp pháp ngoại trừ 4 tiểu bang: Oregon, Washington và Montana và Vermont.
Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò Gallup năm 2002 cho thấy có 72% dân chúng Mỹ thuận việc trợ tử.
Ngày 08/12/2009, tù nhân tử hình Kenneth Biros 51 tuổi bị đem ra “trợ tử” (xử tử) tại Ohio. Anh ta là tử tội đầu tiên bị giết bằng cách tiêm vào mạch một loại thuốc duy nhất mà thôi thay vì phải cần một hỗn hợp cocktail chứa 3 loại thuốc như từ trước tới nay thường được tòa án Hoa Kỳ áp dụng.
Một số trợ tử ít người biết tại Hoa Kỳ:
– Cha của bà Hillary Clinton
1993 – President Clinton and Hillary Rodham Clinton publicly support advance directives and sign living wills, acting after the death of Hugh Rodham, Hillary’s father
– Cựu TT Nixon và phu nhân TT Kennedy là Jackie Kennedy.(***)

Québec thì sao?
Quốc hội Quebec đã bỏ phiếu chấp thuận cho phép “săn sóc cuối đời” (trợ tử).
Thăm dò ở giới bác sĩ chuyên khoa cho biết 75% đều ok việc trợ tử. 75% bác sĩ gia đình cũng vậy.
Thăm dò Crop cho thấy 80% dân Québec đều thuận việc trợ tử nếu chính tay người bệnh nhân làm đơn xin.
Michel Dongois. L’euthanasie, un geste médical. L’Actualité Médicale, Le Journal du Médecin Vol 31 No 4/10 Mars 2010
“Tại Quebec, chính giới bác sĩ (chớ không phải bệnh nhân) đã đưa vấn đề cần trợ tử ra trước công luận.
Năm 2009 vừa qua, Collèges des Médecins du Québec, Fédération des médecins spécialistes du Québec FMSQ và Fédération des médecins omnipraticiens du Québec FMOQ đã e dè hé cửa đem vấn đề then chốt nầy ra bàn cãi.
Theo các thầy thuốc thì trợ tử phải được xem như một acte médical để giúp bệnh nhân thoát khỏi cảnh đớn đau thể xác.
Không biết việc nầy có sai với y đức éthique médical hay không?
Nhưng có điều chắc chắn là ý kiến quá táo bạo của các bác sĩ đã làm nổi dậy ngọn sóng thần tsunami từ nhiều phía: từ các nhóm bảo vệ sự sống, từ các nhóm khuyết tật handicapés, từ các tôn giáo lớn, từ những nhà đạo đức thiệt và cả các nhà đạo đức giả… Riêng các nhà chánh trị thì cẩn thận hơn nên họ có tránh né không dám tuyên bố nầy nọ, không có lợi cho đường sự nghiệp của họ. Cũng dễ hiểu mà thôi.
Nếu trợ tử được hợp pháp hóa thì lãnh vực săn sóc cuối đời sẽ mất đi hết ý nghĩa của nó. Số phận người già, người bị khuyết tật nặng và người bệnh trầm kha liệt giường liệt chiếu sẽ ra sao?
Chắc họ trước sau rồi cũng sẽ được giải phóng hết cho đỡ mất công cũng như để tiết kiệm ngân sách.
Bác sĩ có thể ngưng tiếp dịch truyền perfusion, chất dinh dưỡng và kháng sinh qua tĩnh mạch, để cho bệnh nhân từ từ kiệt lực hay bị nhiễm trùng huyết rồi cuối cùng phải thăng (euthanasie passive).
Tiến trình có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần lễ trước khi bệnh nhân chịu phép ra đi (kiểu nầy chỉ có bác sĩ và các y tá thân cận trong soins intensifs mới biết rõ mà thôi).
Một cách đúng phép, thông thường bác sĩ có thể giúp bệnh nhân giảm đau bằng morphine. Nhưng với những liều lượng nào đó (gia tăng) thì morphine cũng có thể giúp bệnh nhân đi luôn chỉ trong vòng đôi ba phút hoặc trong vài ba giờ mà thôi (euthanasie indirecte).
Nhưng nếu có chứng cớ bác sĩ tiêm một chất thuốc nào đó để cho bệnh nhân chết trong vòng vài ba giây (euthanasie active), bác sĩ có thể bị kết tội cố sát (homicide volontaire).
Những tình huống không rõ rệt tranh tối tranh sáng vừa nêu trên đã làm cho các bác sĩ rất khó xử, e dè và rất bối rối trong cách trị liệu.
Đó là lý do tại sao giới y khoa muốn làm sáng tỏ vấn đề và hợp pháp hóa vấn đề trợ tử càng sớm càng tốt.
Bác sĩ không muốn họ bị mang tiếng là người vừa ban bố sức khỏe mà cũng vừa là người ban bố sự chết”.
nga  
#2 Đã gửi : 24/11/2014 lúc 07:38:36(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
Tại sao có người chống đối việc trợ tử?
Nói rõ, chống đối trợ tử chỉ xảy ra tại những quốc gia tiến bộ, có tự do và dân chủ thật sự chẳng hạn như tại các quốc gia Âu Mỹ. Mọi người đều có quyền phát biểu quan điểm của mình mà không sơ bị trù ẻo, bị đì hay bị mời đi “làm việc”.
Nhóm chống đối đầu tiên là các tôn giáo lớn, rồi kế đến là những nhóm nhân danh bảo vệ quyền sống, nhóm người khuyết tật, Giáo hội, v.v… Họ không ngớt làm áp lực ngăn cản chánh phủ trong việc hợp pháp hóa việc trợ tử.
Các dân biểu, các chánh khách thì quá “rét”, cố né tránh bàn luận vấn đề quá tế nhị nầy, vì họ sợ bị mất lá phiếu trong mùa bầu cử sắp tới…

Một vụ án thương tâm
Vụ án giết con vì yêu thương (compassionate homicide) để chấm dứt sự đau đớn của đứa con gái 12 tuổi bị khuyết tật rất nặng là vụ Latimer ở Saskatchewan (Canada) vào năm 1993.
Tòa án tỉnh bang kết án tù chung thân. Dưới áp lực của hai phe chống và phe thuận trợ tử, bản án được đem xử lại tại Tối cao Pháp Viện Supreme Court Canada vào năm 1997. Án được giảm xuống còn 10 năm tù. Cuối cùng tòa xét lại và cho áp dụng một điều khoản khoan hồng đặc biệt trong hiến pháp (constitutional exemption). Latimer được National Parole Board cho phép hưởng (án treo?) parole từng phần. Năm 2008 được cho phép về thăm nhà trong 10 ngày mà không cần có người theo canh. Tháng 11/2010 thì Latimer được hưởng full parole (phóng thích). Vấn đề ở đây là Canada chưa có điều luật nào cho phép giết người vì lòng yêu thương hết (mercy killing).

Theo bà Jocelyne Saint Arnaud, Chủ tịch Ủy ban Y đức lâm sàng Bệnh viện Sacré Cœur Montreal (présidente du Comité d’éthique clinique de l’Hôpital du Sacré Cœur de Montréal):
– Nhiều người đồng ý trợ tử có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai miễn là người nầy được huấn luyện kỹ, chớ không nhất thiết phải cần đến bác sĩ.
– Ban đầu thì trợ tử chỉ dành cho những người tinh thần còn sáng suốt và họ có bày tỏ ý muốn một cách rõ rệt và tự do, đồng thời họ cũng có làm đơn nhiều lần xin được giúp trợ tử.
– Sau đó lần lần, trợ tử sẽ bị lạm dụng và lan qua các nhóm yếu thế khác, như người bị bệnh tâm thần, trí não không còn được sáng suốt, đang trong tình trạng hôn mê, những người mắc bệnh suy thoái nặng (maladie dégénérative), những người không làm đơn xin, và trẻ em.
Các sự kiện vừa nêu trên đã xảy ra tại Hòa Lan, nơi mà vấn đề trợ tử đã được coi là hợp pháp. Tại đây trợ tử đã lan ra:
– những nhóm người không nằm trong diện được phép trợ tử nhưng họ đã làm đơn từ trước đó.
– trẻ em từ 12 đến 16 tuổi, với sự ưng thuận của cha mẹ chúng.
– các hài nhi, cháu bé từ 0 đến 12 tháng tuổi, mắc phải những chứng bệnh ngặt nghèo, theo nghi thức Groningen (protocole de Groningen)

Trợ tử thú y dễ quyết định hơn
Theo đà phát triển của khoa học, rất nhiều kỹ thuật chuẩn đoán và phương pháp trị liệu tân kỳ mà trước đây chỉ dành riêng cho y khoa, ngày nay cũng được thấy đem sử dụng nhan nhản bên thú y.
Trợ tử ở người là một vấn đề rất gây cấn, bị chống đối và đả kích dữ dội khắp mọi nơi, bị lên án kịch liệt và hầu như bị ngăn cấm tại hầu hết các quốc gia Tây phương.
Ngược lại, trợ tử thú vật thì rất dễ dàng và dường như còn được khuyến khích nữa.
Ngày nay, tại các quốc gia Âu Mỹ, chó và mèo được xem như những thành viên trong gia đình và tình cảm mà con người dành cho chúng đôi khi cũng không kém gì tình cảm họ dành cho con cháu trong nhà.
Một mai vì một lý do gì đó, chẳng hạn như con vật bị thương tật đau đớn hoặc mắc phải một chứng bệnh nan y khó chữa trị được (cancer ác tính) hoặc chi phí chữa trị quá tốn kém, nhưng không chắc gì có được kết quả mong muốn.
Trong trường hợp này người chủ phải can đảm, gạt lệ, đắn đo giữa tình cảm và túi tiền, để nghĩ đến giải pháp trợ tử hầu có thể giải phóng con thú bất hạnh sớm thoát khỏi các khổ đau cùng cực một cách vĩnh viễn.
Trợ tử thú y là phương pháp giúp cho con vật chết một cách êm ái nhẹ nhàng trong tình yêu thương của người chủ, và cũng nhằm mục đích để giúp nó khỏi kéo dài lê thê sự đau đớn về thể xác do một chứng bệnh nan y hay một tai nạn nào đó gây nên.
Nếu trường hợp trợ tử ở người, thì mục đích là để giúp bệnh nhân bảo toàn được… phẩm giá và nhân cách của họ (sic).
Trợ tử thú y giúp cho người chủ đỡ tốn tiền, bảo vệ cái hầu bao, khỏi cần chữa trị con vật thân yêu của mình một cách vô ích.
Tại các quốc gia Tây phương, vấn đề trợ tử phải do thú y sĩ thực hiện. Thường là tiêm thuốc mê hoặc thuốc ngủ với liều lượng cao.
Thông thường có hai cách:
1) Tiêm vào tĩnh mạch chân một loại thuốc gây mê barbiturique như Thiopental (Nesdonal), Pentobarbital sodium (Euthanyl) hoặc T61.
2) Tiêm vào xoang bụng: tác dụng chậm hơn tiêm vào tĩnh mạch.
Trong bất cứ trường hợp nào, thú y sĩ cũng phải nghe tim đến khi nó hoàn toàn ngưng đập. Đôi khi cơ vòng hậu môn hoặc cơ bọng đái giãn ra lúc con vật vừa mới chết kéo theo sự thải phân và nước tiểu ra ngoài. Các tiết vật khác cũng có thể tiết ra từ các lỗ thiên nhiên.
Sau đó, theo thủ tục thì thú y sĩ chia buồn cùng chủ nhân.

Người gõ thực hiện trợ tử
Lúc còn dạy học tại Viện Đại học Cần thơ khoảng 73-74, mỗi năm để chuẩn bị mẫu vật thực tập cho môn cơ thể học, người gõ thường nhờ các em sinh viên đi lùng mua chó và bán lại cho Đại học. Trung bình lối chục con cho mỗi niên khóa.
Tại trường, các con chó đều bị tiêm một mũi thuốc vào mạch, có khi thẳng vào tim. Khi con vật chết rồi thì chúng được bơm thêm dung dịch formol vào khắp cơ thể để giữ xác khỏi bị thối rữa. Đây có thể nói là loại trợ tử chủ động (euthanasie active) vì khoa học.

Ngoài ra còn có trợ tử là vì… đổi đời.
Vào khoảng lối một tuần trước ngày miền Nam sập tiệm, tác giả cũng có thực hiện hai vụ trợ tử khẩn cấp theo yêu cầu của khách hàng tại phòng mạch thú y thuộc Đại học nằm cạnh bên đài phát thanh Cần Thơ trên đường đi Sóc Trăng.

Vụ thứ nhứt, một con chó Berger allemand to lớn mạnh khỏe, chủ là giám đốc phòng thông tin Hoa Kỳ tại Cần Thơ. Một nhân viên chở con vật đến phòng mạch Thú y, Viện Đại học Cần Thơ, nhờ tác giả giải phóng. Lý do, chủ con chó cần phải di tản về Hoa Kỳ gấp mà không thể mang con vật theo cùng. Ông ta không muốn con chó thân yêu của mình phải sống khổ cực với người khác cũng như ông sợ nó có thể sẽ trở thành món nhậu tại một quán nào đó nằm trên lộ 19 Cần Thơ chăng?

Vụ thứ nhì, cũng một con chó Berger allemand của một sĩ quan cấp tá chỉ huy trưởng một đơn vị chuyên ngành (hình như là Tiếp Vận) đối diện Trại Nhập Ngũ Số 4 tại Cần Thơ. Chó được anh Trung úy tùy viên chở đến phòng mạch thú y. Anh ta nói là ông Tá muốn nhờ bác sĩ cho nó một mũi. Lần nầy thì người gõ đã hiểu tại sao rồi. Thế là cho hai hũ Nesdonal (Thiopental sodium) vào mạch, kim vừa rút ra thì con chó cũng thở hắt ra một cái rồi êm ru luôn.
Ngày hôm sau, tình cờ gặp lại anh Trung Úy tại bến Ninh Kiều. Anh ta buồn xo, mặt xuống sắc và cho biết: Anh Chánh ơi, ổng vọt mất rồi!
Người gõ đứng đó chỉ còn biết thở dài, ngẩn ngơ mà thôi… Người ta sao mà sướng thiệt!
Đó là ngày 28 tháng 4 năm 1975. Tương lai rồi sẽ ra sao đây?
Rồi 5 năm sau đó, vào những năm đầu 80 lúc phải đi học lại tại Université de Montréal, trong giờ clinique, người gõ cũng thường chứng kiến và tiếp tay với mấy ông thầy để trợ tử chó của khách hàng mang đến trường đại học thú y tại St Hyacinthe, Québec.

Có hai loại Thuốc thường được sử dụng là:
– Euthanyl (Pentobarbital sodium), và
– T61 có chứa hỗn hợp: Embutramide (gây mê, làm liệt trung khu hô hấp), Mebozonium iodide (có tính của curare làm liệt các cơ vân và cơ hô hấp, suy sụp tuần hoàn), Tetracaine hydrochloride (gây tê làm mất cảm giác đau) và chất bảo quản Dimethylformamide.
Tại Canada, hiện nay giá trợ tử một con chó cũng phải từ 100$ trở lên tùy theo trọng lượng của con vật cũng như muốn chôn hay hỏa thiêu xác. Bên Pháp, giá trợ tử một con mèo (bốn cẳng) là 50 euros.
Tác giả tự hỏi không biết hiện giờ bên nhà có áp dụng trợ tử thú y hay không hay người ta chỉ nghĩ là vật dưỡng nhân mà thôi nên số phận của chó mèo thường được chấm dứt trong nồi, trong chão cho khỏi phí của Trời và cũng đồng thời tiện bề sổ sách để mọi người được vui vẻ.

Có thương thì phải có khổ
Những kỷ niệm êm đềm và những tình cảm kết tụ sau bao năm sống với nhau không dễ gì một sớm một chiều mà quên đi được.
Chúng ta muốn con vật thân yêu không bị đau đớn và sống mãi với ta, nhưng chúng ta không muốn chứng kiến cảnh mù lòa của nó, không muốn nghe nó rên rỉ, không muốn nhìn thấy nỗi bất công mà nó phải gánh chịu, v.v…
Chúng ta hy vọng có thể hoạch định được giây phút mà chúng ta sẽ mất nó đi một cách vĩnh viễn. Càng níu kéo dài sự sống của nó, chúng ta càng kéo dài sự đau đớn thể xác và làm chậm lại sự ra đi của nó.
Tuy biết vậy, nhưng trong thực tế rất khó cho chúng ta quyết định một cách dứt khoát đến lúc nào cuộc sống của nó phải dừng lại.
Để giúp chúng ta có thể phán xét một cách sáng tỏ, chúng ta nên căn cứ vào một số dữ kiện sau đây:
* Dự đoán diễn tiến bệnh trạng hay pronostic của nó ra sao? Có hy vọng cải thiện không? Và đến mức độ nào? Trị liệu có kèm theo đau đớn không? Có ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của nó không?
* Trong thời gian bao lâu chúng ta mới thấy được sự cải thiện và con vật có thể trở về nhà (trường hợp con vật đang nằm bệnh viện).
* Chúng ta tự hỏi xem chúng ta có đủ phương tiện và thời giờ để săn sóc nó tại nhà hay không?
* Con vật đau đớn đến mức độ nào (trong thực tế rất khó xét đoán).
* Nó có ăn uống được không?
* Có thở khó không?
* Nó có biểu lộ sự vui mừng khi gần gũi với con người và với các con vật khác hay không?
* Nó có thể tự di chuyển một mình được không hay chỉ nằm lì một chỗ?
* Quá già, mù mắt, di chuyển khó khăn… Thôi, cách hay nhứt, nói theo tiếng trong nghề là cho nó ngủ luôn (put to sleep) là thượng sách.

Trợ tử thú y cũng bị chỉ trích tơi bời
Tại các quốc gia Tây phương, vấn đề trợ tử phải do thú y sĩ thực hiện. Thường là tiêm thuốc mê hoặc thuốc ngủ với liều lượng cao.
Hình như danh từ trợ tử thường hay bị lạm dụng bên thú y.
Trường hợp xảy ra đại dịch, như cúm gia cầm H5N1, bệnh long móng lở mồm (Foot and mouth disease) ở heo, bò dê cừu, chẳng hạn, bên thú y thường có cách giải quyết. Đó là áp dụng cách ly (quarantine), nội bất xuất, ngoại bất nhập, và giết bỏ tất cả thú bệnh vả thú nghi đã bị nhiễm. Tiếng trong nghề là Stamping out, nghĩa là giết hết tất cả thú trong một khu vực nào đó, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sau đó là sát trùng và tẩy uế toàn diện chuồng trại, xe cộ, dụng cụ…
Đó là việc trợ tử cả trăm ngàn heo bò dê cừu bằng đủ mọi cách để chận đứng sự lan truyền của bệnh long móng lở mồm (FMD) ở Anh quốc năm 2002, cũng như việc trợ tử hàng triệu gà vịt ở Canada bằng carbon dioxide (C02) để ngăn chặn dịch cúm gia cầm tại Fraser Valley, British Columbia vào năm 2004.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ trích rằng phương pháp trợ tử của cơ quan CFIA Canada thật sự ra không đạt được kết quả mong muốn 100% một cách nhanh chóng như cơ quan nầy đã từng tuyên bố. Bởi lý do vừa kể, sự đau đớn của một số gia cầm bị kéo dài ra một cách vô ích…

Phật Giáo nói gì về trợ tử?
1) Theo cư sĩ Trịnh Nguyên Phước (rf Đạo Phật trước vấn đề trợ tử)
“Đối với bản thân tôi, hành nghề thuốc từ hơn ba chục năm nay đồng thời là một cư sĩ Phật tử, tôi không thấy có gì mâu thuẫn giữa hành động trợ tử của người thầy thuốc và con đường diệt khổ của đức Phật.
Cũng như nhiều đồng nghiệp và y tá chăm sóc những bệnh nhân tới giai đoạn cuối đời, chúng tôi đã hơn một lần quyết định, với sự thỏa thuận và nhiều khi do sự yêu cầu của gia đình, dùng những loại thuốc “cocktail lytique”, những liều thuốc opiacés gây hôn mê dần rồi tắt thở, đã viết trong hồ sơ mật hiệu DNR (do not ressuscitate), để từ chối điều trị đến cùng… Mỗi trường hợp là một trường hợp đặc biệt và không khỏi gây xúc động, nhưng chúng tôi đều có cảm tưởng đã hành động theo đúng y đức, đã làm giảm bớt và ngắn đi nỗi khổ đau của người bệnh và của gia đình, thay vì một cái chết kéo dài lê thê, hạ thấp phẩm giá con người, một cách vô ích.
Có người cho rằng đạo Phật có thể chủ trương để cho cái chết tới một cách tự nhiên, nhưng không chủ trương gây nên cái chết, và như vậy cho phép trợ tử thụ động, tức là ngưng điều trị, tắt máy thở, bỏ ống dẫn dạ dầy, nhưng không cho tiêm thuốc ngưng tim đập hay ngưng thở. Nhưng theo tôi, sự phân chia này có phần giả tạo và thiếu thực tế, và điều quan trọng vẫn là cái “tâm ý” của người bệnh và của gia đình: khi sự khổ đau trở nên cùng cực, cuộc sống nặng nề vô nghĩa, thì tại sao không cho phép người bệnh được giúp đỡ ra đi một cách tốt đẹp, nhanh chóng và an lành? Đó chính là ý nghĩa cao đẹp của sự trợ tử, phù hợp với tinh thần từ bi và trí tuệ, không chấp trước của đạo Phật.

Chúng ta có cái may mắn là đạo Phật đặt con người, hay đúng hơn cái tâm con người vào trung tâm điểm của cuộc sống. “Tâm dẫn đầu các pháp” là câu đầu của Kinh Pháp Cú (Dhammapada). Đạo Phật ra đời cũng vì cái khổ của con người, cho nên người Phật tử luôn luôn lấy diệt khổ làm kim chỉ nam. Khác với các tôn giáo thần khải, lấy Thượng Đế làm trung tâm điểm, lấy con người làm hình ảnh của Thượng Đế, với những giá trị tuyệt đối, những giáo điều cứng nhắc, cho nên khó lòng đổi thay, thích hợp với thời đại. Sau các cuộc cách mạng văn hóa mang lại bởi Copernic, Darwin, Freud, Einstein, v.v…, ngày hôm nay cuộc cách mạng sinh học cũng đang làm lay chuyển tháp ngà của các tôn giáo thần khải. Đạo Phật chỉ cần dựa lên giáo lý căn bản của mình mà hiện đại hóa, mà thích hợp với thời đại. Nếu không thì cũng sẽ, như các tôn giáo thần khải, càng ngày càng tách xa khoa học, xa xã hội, xa bước tiến của nhân loại…
Cuối cùng, tôi xin đọc một câu của Tuệ Trung Thượng Sĩ, vị thầy của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, trong bài “Sinh tử nhàn nhi dĩ (Sống chết nhàn thôi vậy)” để chúng ta cùng nhau suy ngẫm:
“Tâm chi sinh hề, sinh tử sinh.
Tâm chi diệt hề, sinh tử diệt”.
Khi tâm sinh, thì sinh tử cũng sinh. Khi tâm diệt, thì sinh tử cũng diệt.
Sinh tử không ở ngoài cái tâm. Vậy thì còn sợ gì sinh tử ?”

2) Theo Cư sĩ Nguyễn Phúc Bửu Tập (rf Quan niệm về trợ tử của đạo Phật)
(Cựu Dược sĩ Thiếu Tá VNCH, Nguyễn Phúc Bữu Tập, Ph.D Hoa Kỳ)
Gần đây, trên thế giới, nhất là tại Mỹ, dư luận bị kích động vì vài người y sĩ công khai tham gia hành động “trợ tử” (Euthanasia), và chấp nhận trách nhiệm, tự ý đưa tay vào còng của cảnh sát, hầu như thách đố pháp luật. Dư luận quần chúng rất phân tán, kẻ chê vô lương, người thì yểm trợ và đặc biệt là các tôn giáo lớn trong nước đều lên tiếng xác định lập trường. Câu hỏi ta tự đặt ra để tìm hiểu là lập trường của đạo Phật trong một vấn đề nặng về đạo đức, triết lý như vấn đề trợ tử, đã được đức Phật ngày xưa và kinh điển của Ngài để lại minh định như thế nào?
“…Đạo Phật tránh hành vi trợ tử không dựa vào nền tảng thực tiễn, mà dựa vào căn bản đạo đức và hướng linh. Đạo Phật đặt đời sống trong khung cảnh luân hồi (samsara). Đời sống của muôn vật (trong đó có con người) không chỉ khởi đầu lúc âm dương phối hợp để sinh sản; đời sống này cũng không chấm dứt khi cơ thể tan rã, hủy diệt. Cho tới khi đời sống được khai phóng, giải thoát khỏi vòng luân hồi, nó sẽ luôn luôn tiếp nối như một ngọn triều xô đẩy không ngừng… Hiểu được vậy, thì tránh khổ đau hiện tại bằng cách tạo được cái chết sớm hơn (trợ tử tình nguyện), hay giúp người khác sớm chết vì không muốn nhìn thấy đau khổ (hành động trợ tử tiêu cực) cũng chỉ là những hành động vô bổ, thiếu thực tế, không đưa kiếp người đến đâu.
Trình bày quan điểm nhà Phật không tán thành hành động trợ tử, nặng tính cách lý thuyết. Nhưng thông thường những bài thuyết giảng của đức Phật không phải chỉ thuần túy lý thuyết mà lại được rút ra từ những trường hợp cụ thể. Học giả Phật giáo S.K. Nanayakkara sưu khảo trong kinh Vinaya Pitaka (quyển II) có những trường hợp cụ thể đức Phật phán quyết về hành động trợ tử…”

Trợ tử qua cái nhìn của Thiên Chúa Giáo
Tại sao Giáo Hội chống lại việc trợ tử? Phải chăng đó là chuyện không bình thường khi giúp xoa dịu bớt sự đau đớn của người già theo ý muốn của họ?
Giáo Hội chối từ việc giới hạn giá trị đời sống của một người nhằm để họ có thể sống trong sự không đớn đau. Như vậy, chúng ta đụng vào bản thể của sự sống. Con người không có quyền hủy hoại những gì mà họ không thể tạo ra được (sự sống).
Ngược lại, Giáo Hội khuyến khích việc săn sóc cuối đời hầu giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được tối đa những đớn đau cũng như tránh cho họ phải chịu cảnh “bị” điều trị tới cùng.
Một người được bao bọc bởi tình thương yêu thật sự sẽ không bao giờ xin trợ tử. Đó là một tiếng kêu cứu hơn là một sự yêu cầu thật sự (cũng không khác gì sự quyên sinh bất thành ở giới trẻ). Thỏa mãn nguyện vọng đó chẳng khác nào diệt bỏ triệu chứng hơn là căn bệnh.
Có người khuyết tật nặng đã truyền đạt đến người khác một sức sống mang tính năng động tuyệt vời. (Chẳng hạn như J.Lebret, bị mù hai mắt và thiếu cả hai bàn tay nhưng đã chứng minh sức vui sống tại nhiều học đường).
Ở đây một lần nữa, Giáo Hội bảo vệ sự sống lúc cuối đời cũng như lúc khởi đầu.
Những ý niệm “cuộc đời không đáng sống” và “cảm thông trước nỗi thống khổ” đã xuất hiện lần đầu tiên trong các bài diễn văn của Hitler. Đó là những giáo đầu nhằm biện minh cho việc tàn sát hàng ngàn người “không đem một lợi lộc nào về mặt kinh tế”.

Chết trong phẩm giá là ước muốn của đa số các cụ
Các cuộc thăm dò tại nhiều quốc gia cho biết đa số người dân đều thuận tình với việc hợp pháp hóa vấn đề trợ tử.
Có người cho rằng trợ tử là một hành động dã man và trái đạo đức. Người khác thì cho rằng đó là điều rất cần thiết trong trường hợp những bệnh ngặt nghèo và đau đớn không có hy vọng cứu chữa được nữa.
Trợ tử là một vấn đề có thể liên hệ đến bất cứ ai, bạn cũng như tôi, một lúc nào đó trong tương lai.
Có thể chúng ta sẽ phải tự quyết định cho chính mình hay quyết định thay cho người thân trong trường hợp người nầy đang trong tình trạng hôn mê hay không còn đủ sáng suốt để phán đoán.
Vậy chúng ta nên suy nghĩ cho chín chắn ngay từ lúc bây giờ là vừa.

Quý cụ có chuẩn bị chưa?
Văn hào Arthur Hugh Clough (1819-1861, Anh Quốc) có nói một câu bất hủ:
Thou shalt not kill but needst not strive, officiously, to keep alive
(Anh không được giết người, nhưng cũng không cần phải cố gắng để giữ lại sự sống.)

Di chúc sinh học (Testament Biologique) hay Di chúc sống (Living Will)
Là điều cần thiết phải làm ngay từ bây giờ khi mình còn đầy đủ sáng suốt. Mục đích để giúp cho bác sĩ và thân nhân biết ý muốn thật sự của mình. Như vậy họ dễ quyết định khi tình huống bi đát, không còn một mảy may hy vọng nào nữa.
* Dưới đây là tóm tắt mẫu di chúc sống của tác giả làm tại phòng chưởng khế Montreal vào năm 1999.
– Trong tình trạng sức khỏe quá tồi tệ, không được làm đủ các thứ test định bệnh một cách vô ích.
– Không dược áp đặt cách chữa trị tới tấp, đặt ống thức ăn, làm đủ thứ kỹ thuật hồi sinh, hỗ trợ hô hấp bằng máy móc…
– Mong muốn được chết trong phẩm giá. Từ chối sự sống bị kềm giữ lại một cách nhân tạo và tôi đòi hỏi phải có được sự săn sóc cuối đời, đặc biệt là các thuốc làm giảm đau morphine (ma túy), để được khỏe… mặc dù các thuốc đó có thể làm cho tôi chết sớm hơn.
– Không muốn được chữa trị hay phải chịu đựng các cuộc giải phẫu có thể để lại trong tôi những di chứng nghiêm trọng hay làm cho tôi rơi vào một tình trạng sống thực vật.
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Montreal, 2014
————–
Chú thích:
(*) http://www.dignitas.ch/i...roschuere-dignitas-e.pdf
(**) Discutée le 25 janvier 2011 en séance publique au Sénat, la proposition de loi visant à légaliser l’euthanasie en France a été rejetée. Adoptée par la Commission des affaires sociales le mardi précédent, elle avait suscité de vifs débats entre les associations concernées ainsi qu’au sein des partis politiques.
Les mots “euthanasie” ou “suicide assisté” n’ont pas été prononcés. Pourtant, François Hollande a relancé le débat sur la fin de vie, lors de sa conférence de presse du mardi 14 janvier, tout en maintenant le flou autour de ses intentions.
Le président s’est prononcé pour une loi qui permettrait à une personne atteinte d’une maladie incurable de demander, dans un cadre “strict”, une “assistance médicalisée pour terminer sa vie en dignité”. Il s’agirait là de la première réforme majeure depuis la loi Leonetti de 2005, qui limitait l’acharnement thérapeutique.
(***) Chronology of assisted dying

http://www.deathwithdign...historyfacts/chronology/

Tham khảo
Video: The right to live, the right to die

Video: Craig Ewert assisted suicide in Switzerland



Video: Vincent Lambert-Condamné au silence

http://videos.tf1.fr/inf...tien-en-vie-8438638.html

Video: Jean Luc Romero (auteur Les voleurs de liberté) sur TV5Monde
Les Québécois pourront «mourir dans la dignité»

http://www.lapresse.ca/a...urir-dans-la-dignite.php

– USA– State-by-State Guide to Physician-Assisted Suicide (last updated 4/17/2014)

http://euthanasia.procon...ceID=000132#legal_states

– BBC. Active and passive euthanasia

http://www.bbc.co.uk/eth...ew/activepassive_1.shtml

– Assisted suicide and euthanasia in Switzerland: allowing a role for non-physicians

http://www.ncbi.nlm.nih....pmc/articles/PMC1125125/

– Trịnh Nguyên Phước. Đạo Phật trước vấn đề trợ tử

http://chimviet.free.fr/thoidai/trotu/sdd0055.htm

– Nguyễn Phúc Bữu Tập. Quan niệm về trợ tử của đạo Phật

http://www.thuvienhoasen...-50_6-2_17-98_14-1_15-1/

– Marta Spranzi, Peut-on distinguer euthanasie active et euthanasie passive

http://www.laviedesidees...stinguer-euthanasie.html

– Quelle est la position de l’Eglise sur l’euthanasie

http://qe.catholique.org...sition-de-l-eglise-sur-l

– Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan. Chết có thật sự đáng sợ hay không?

http://www.advite.com/ChetCoThatDangSoHayKhong.htm

Sửa bởi người viết 24/11/2014 lúc 07:40:03(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.653 giây.