Tất cả mọi người trong chúng ta đều có những nỗi sợ về điều gì đó – sự thất bại, thành công, cô đơn, đám đông, cái chết,
sự sống – cả một danh sách dài những nỗi sợ không thể liệt kê ra hết được. Và dĩ nhiên là không một ai được miễn trừ.
Nỗi sợ ám ảnh từ kẻ có quyền lực đến người yếu hèn, già hay trẻ, giàu hay nghèo. Nếu nói đến sự bình đẳng thì không gì
bình đẳng hơn nỗi sợ hãi, nó chia đều cho mỗi người, không thiếu một ai.
Có những nỗi sợ, chẳng hạn như khi bất chợt nghe một tiếng động lạ trong đêm thật vắng lặng, thì nỗi sợ đó chỉ xuất hiện
trong tích tắc, đến rồi biến mất thật nhanh. Nhưng cũng có những nỗi sợ, chẳng hạn như mắc phải một căn bệnh hiểm
nghèo hay bị người thân yêu ruồng bỏ, có thể ám ảnh ta cả đời, cứ bám riết vào tâm trí và gặm nhấm dần mòn cái cảm
giác an toàn của ta – và cuối cùng thì nỗi sợ đó kiểm soát và phần nào định đoạt luôn cuộc đời của chúng ta.
Vì vậy, sống ở trên đời không ai là không có một vài nỗi sợ, nhưng nhiều khi lại là những nỗi sợ hãi hết sức vu vơ. Nỗi sợ
đó có thể là bất cứ thứ gì: một tiếng động, một tiếng chó sủa, cảm giác rờn rợn khi một mình trong căn nhà vắng, bóng tối,
từ một ký ức xa lơ xa lắc nào đó vọng về, hoặc những thứ chưa hề thấy hay biết. Nhưng hầu như trong nhiều trường hợp,
nguồn gốc của những nỗi sợ đó thường không rõ ràng.
Có người lúc còn nhỏ một lần bất thình lình thấy một con rắn bò loanh quanh gần nơi đang đứng, sợ quá đến bủn rủn cả
tay chân, la hét thật lớn như trời sập đến nơi. Rồi đến khi lớn, nỗi sợ ấy vẫn cứ bám theo và cứ mỗi khi nhìn thấy rắn, dù to
hay nhỏ, dù có độc hay không, thì mặt mày vẫn cứ tái xanh như tàu lá chuối.
Các nhà nghiên cứu nói rằng nỗi sợ phần lớn đến từ kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Thế nên mỗi người có những nỗi
sợ khác nhau. Nhưng nỗi sợ đóng một vai trò quan trọng trong sự sinh tồn của loài người. Chẳng hạn như khi đang đi bộ
hay chạy bộ một mình, bỗng dưng thấy cảm giác rờn rợn lạnh người và tự động đứng lại nhìn xung quanh xem có gì
không. Các nhà nghiên cứu giải thích đó chính là phản ứng sinh học để đối phó với cái cảm giác như có điều gì nguy hiểm
gần đâu đó.
Nỗi sợ đến từ kinh nghiệm sống nhưng cũng có khi chỉ là sợ vu vơ không đâu. Có người chỉ cần thấy miếng kính vỡ hay
chiếc ly thủy tinh bể thì liền thất kinh ngay. Nhưng cũng người đó lại hút thuốc như ống khói nhà máy, liên tục hết điếu này
đến điếu khác, mà không hề có chút quan tâm đến thói quen nguy hiểm đó hay hậu quả hết sức tai hại đến sức khỏe do
việc hút thuốc. Nghĩa là có những trường hợp người ta sợ những điều chẳng đáng sợ nhưng lại tỏ ra không chút lo sợ
những điều rất đáng nên sợ như hút thuốc hay uống rượu say sưa, là những thứ thật sự gây chết người. Con người quả
thật khó hiểu.
Nhưng nếu nói tới nỗi sợ chung chung của đám đông, chẳng hạn như tại Mỹ, đã có người thử chia những nỗi sợ chung đó
ra từng thời kỳ:
Thập niên 1940 –1960: Nhiều người sợ họa Cộng sản, rồi nỗi sợ này tiếp tục qua hết thời chiến tranh Việt Nam. Mà quả
thật, không chỉ người Mỹ mà luôn cả nhiều người dân trên thế giới, có cả Việt Nam chúng ta nữa, quá sợ hãi họa Cộng
sản, đưa đến việc cả triệu người dân miền Bắc phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn di cư vào miền Nam, rồi sau đó hàng
triệu người lại đổ xô ra biển để tránh họa Cộng sản như tránh hủi. Mà sợ cũng đúng thôi, vì lúc ấy Chủ nghĩa Cộng sản
mạnh đến nỗi tưởng chừng như chẳng có gì có thể ngăn cản được. Ngay sau Thế Chiến Hai, một phần châu Âu đã bị
Cộng sản nuốt chửng, sau đó tưởng như sẽ nuốt hết châu Á, rồi lan sang châu Phi cũng như một số quốc gia thuộc Nam
Mỹ.
Thập niên 1970 – 1980: Người ta sợ chiến tranh lạnh, nhấp nhổm không biết ngòi nổ hạt nhân bao giờ sẽ nổ đây và nhiều
người cứ sống phập phồng trong lo âu. Rồi sợ cuộc khủng hoảng năng lượng, hậu quả của cuộc cách mạng Hồi Giáo do
Khomenei chủ xướng.
Thập niên 1990: Khi không còn kẻ thù bên ngoài để sợ thì người ta bắt đầu sợ lẫn nhau.
Thập niên 2000: Nỗi sợ hãi lớn nhất ở thời kỳ này là sợ khủng bố, sợ bệnh dịch Ebola và sợ vi trùng lây bệnh.
Tương lai: Với những kỹ thuật tân tiến ngày càng kéo người ta gần lại với nhau, và rồi sẽ còn rất nhiều điều để sợ hãi mặc
dù chúng chưa xuất hiện.
Trong một cuộc thăm dò hẳn hoi của viện Gallup cách đây không lâu, người ta muốn thử tìm hiểu xem cái gì làm người Mỹ
sợ nhất? Nhiều người nghĩ rằng người Mỹ sợ nhất bóng tối, hay sấm chớp, hay đi máy bay. Nhưng tất cả đều không đúng.
Cái mà người Mỹ sợ nhất lại là rắn. Có tới hơn một nửa người Mỹ, chính xác là 51%, sợ rắn hơn bất kỳ thứ gì khác. Kế đến
là sợ nói trước đám đông, chiếm 40%, và sợ chiều cao, 36%. Trong khi con nít Mỹ sợ nhất là bóng tối, thì chỉ có 5%
người lớn là sợ điều đó. Và chỉ 11% là sợ sấm chớp.
Nói đến sợ, hay ít ra là tự nhận mình có sợ, kết quả cho thấy là có sự khác biệt khá xa giữa hai giới tính. Theo kết quả của
cuộc thăm dò, phụ nữ thường sợ những thứ vu vơ nhiều hơn hẳn nam giới. Đặc biệt khi nhắc đến những loài như sâu bọ,
rắn rết, chuột thì phụ nữ là vô địch về sợ, không ai hơn được.
Nhưng tại sao là rắn? Các nhà khoa học giải thích là chính quá trình tiến hóa đã làm cho người ta sợ rắn, gần như là bẩm
sinh, dù có người cả đời chưa bao giờ thấy rắn, nhưng cứ nghe nói tới rắn là sợ. Ngay từ khi còn rất nhỏ, thậm chí chỉ độ
vài tháng tuổi, con người đã tự học hỏi để nhận biết thứ gì có thể gây nguy hiểm cho chúng ta, đó là cách để tự sinh tồn.
Một nghiên cứu cho biết không chỉ người lớn mà luôn cả trẻ em có thể nhận diện hình ảnh của rắn nhanh hơn bất kỳ hình
ảnh của những loài động vật khác như cóc nhái, sâu bọ. Các nhà nghiên cứu nói rằng nhờ có khả năng này đã giúp cho
loài người tồn tại trong thế giới hoang dã xưa kia.
Tuy nhiên, sự thật thì rắn mới chính là nạn nhân đáng thương. Khi còn nhỏ, rắn là nạn nhân của một số giống chim và động
vật có vú như heo rừng, chồn, cáo, lang, sói. Khi lớn, rắn trở thành nạn nhân của người bởi vì so ra mỗi năm số người chết
vì rắn không là bao nhiêu mà phần lớn trong số này lại là những người làm nghề bắt rắn, như ở Ấn Độ. Số rắn bị người ta
bắt mỗi năm đếm không xuể. Người ta bắt rắn vì nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là để lấy da làm ra nhiều sản phẩm,
từ giày dép, ví bóp đến dây thắt lưng cho cả nam lẫn nữ. Ở vài quốc gia, như Việt Nam chẳng hạn, thịt rắn trở thành những
món đặc sản được nấu nướng công phu thơm phức và được bày biện trên những bàn nhậu ở những bữa tiệc linh đình.
Vậy thì ai phải sợ ai đây.
Theo các nhà tâm lý, những nỗi sợ chính đáng nhất hẳn là nỗi sợ bị thất bại, sợ chết, sợ bị chối bỏ, sợ cô đơn, sợ thất
vọng, sợ đau đớn, v.v… Trong đó nỗi sợ bị thất bại phải được xếp hàng đầu. Hãy thử nhìn xem, tất cả những việc chúng ta
làm và không làm trong cuộc đời cốt là để tránh thất bại. Mà thất bại thì có nhiều hình thức khác nhau: sống không được
theo đúng ý của mình, biết mà không thể thay đổi được, là một thất bại; có nhiều dự tính và mộng ước nhưng không đạt
được là một thất bại khác; thấy mình là một người vô dụng thì đấy là một thất bại khác nữa; v.v… Nỗi sợ chính của thất bại
thường đi kèm theo sự thất vọng, cho dù đã có những cố gắng bản thân, nhưng khi sự việc không đi đúng như ta mong
muốn, và nó đưa tới một cảm giác chán nản và buông xuôi. Vì vậy mà nó là nỗi sợ lớn hơn hết so với những nỗi sợ khác.
Một nỗi sợ khác, theo các nhà tâm lý, cũng đáng được nhắc ở đây là nỗi sợ bị mất tự do. Trong khi sự định nghĩa chính
xác về sự tự do và giá trị của nó trong một xã hội vẫn còn là đề tài cần bàn thảo thêm, nỗi sợ mất tự do luôn luôn lảng vảng
trong tâm trí của loài người, mặc dù đó không phải là điều chúng ta nghĩ đến từng giờ từng phút, nhưng nó vẫn cho ta thì
giờ để suy tư và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta mất đi quyền kiểm soát cuộc đời của chính mình. Nỗi sợ này bắt
nguồn từ những việc tủn mủn như lúc nhỏ bị mẹ cấm không cho ra ngoài chơi, đến lúc trưởng thành thì bị những ràng
buộc hôn nhân, gia đình, rồi nghiêm trọng hơn nữa là bị tước quyền tự do bày tỏ suy nghĩ của mình. Có người đặt câu hỏi
rằng quyền tự do tuyệt đối có phải là cách hay nhất cho chúng ta hay không? Hay nếu có ai đó quyết định giùm cho ta thì
có làm cuộc đời này tốt đẹp hơn không? Thật ra, tự quyết định lấy cuộc đời mình, cho dù đúng hay sai, vẫn là việc làm có
ý nghĩa hơn cả.
Cũng chính vì hiểu thấu những nỗi sợ đó, những vĩ nhân của thời đại, những người luôn tranh đấu bảo vệ quyền làm người
của nhân loại thường quan tâm đến điều đó và kêu gọi mọi người hãy cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình, như
Đức giáo hoàng John Paul II đã có lần gửi thông điệp cho dân tộc Ba Lan nhân chuyến hành hương về quê hương: “Đừng
sợ hãi!” (Be not afraid!); hay như Aung Sang Suu Kyi trong tiểu luận Freedom From Fear: “Không phải quyền lực làm cho
tha hóa, mà chính là khiếp sợ.” (It is not power that corrupts but fear. – Lâm Yến dịch)
Nỗi sợ ví như chiếc còng khóa người ta lại. Khi sợ hãi người ta không thể cựa quậy, vì vậy mà không thể làm được gì cả.
Huy Lâm