Theo Ấn xá Quố tế, các quốc gia quan tâm đến việc bảo vệ các hoạt động theo dõi giám sát hơn là bảo vệ các quyền con người - REUTERS /Kacper Pempel
Hôm nay, 26/11/2014, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết không mang tính bó buộc về việc bảo vệ các liên lạc và thông tin liên quan đến đời tư. Nghị quyết cũng dự kiến khả năng người bị theo dõi bất hợp pháp khiếu nại để đòi bồi thường.
Nghị quyết, theo sáng kiến của Đức và Brazil, được Ủy ban Nhân quyền nhất trí thông qua, « tái khẳng định quyền bí mật đời tư » và yêu cầu tất cả các quốc gia « tôn trọng và bảo vệ quyền này, kể cả trong lĩnh vực thông tin kỹ thuật số ».
Văn bản nghị quyết thừa nhận những quan ngại về an ninh có thể biện minh cho việc chính quyền thu thập một số thông tin « nhạy cảm », với điều kiện họ phải tôn trọng « đầy đủ » các nhân quyền căn bản. Nghị quyết bảo vệ thông tin đời tư khuyến cáo « thành lập các cơ chế quốc gia » mang tính độc lập để giám sát khi có các dấu hiệu xâm phạm từ phía chính quyền.
Nghị quyết cũng chỉ ra phần trách nhiệm của các doanh nghiệp tư nhân trong việc thu thập và sử dụng các thông tin về dữ liệu cá nhân (metadata), bởi « một số thông tin về dữ liệu cá nhân, một khi được tập hợp lại, có thể cho biết về ứng xử, quan hệ xã hội, sở thích hay tính cách của một cá nhân ».
Nghị quyết của Ủy ban Nhân quyền nhấn mạnh chính phủ các nước cần « có các biện pháp cần thiết để chấm dứt việc xâm phạm » đời sống riêng tư. Dù không nhắc tên trực tiếp, Hoa Kỳ - với các bê bối do cựu nhân viên tình báo Snowden phát giác gần đây – nằm trong tầm ngắm của nghị quyết.
Theo các nguồn tin ngoại giao, các đàm phán về nghị quyết được 65 quốc gia đồng bảo trợ này (trong đó có Pháp, Nga và nhiều nước Mỹ Latinh) đã diễn ra kéo dài và khó khăn, do các bất đồng của nhóm các nước chia sẻ lập trường với Hoa Kỳ (Úc, Anh Quốc, Canada, New-Zearland).
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International ra thông cáo bày tỏ mối quan ngại về việc năm quốc gia nói trên, « dường như quan tâm đến việc bảo vệ các hoạt động theo dõi giám sát và trao đổi thông tin với nhau trong lĩnh vực này, hơn là bảo vệ các quyền con người ».
Nghị quyết của Ủy ban Nhân quyền sẽ dược đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng tới. Hồi năm ngoái, Đức và Brazil cũng đã trình ra Đại hội đồng một văn bản tương tự nhưng ít chi tiết hơn.
Sáng kiến này được đưa ra tiếp theo các phát giác của Edward Snowden về các hoạt động tình báo điện tử của Hoa Kỳ nhắm vào nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo RFI