Mẹ của Phương Uyên nói công an không cho cô đeo kính trong trại giam dù cô bị cận nặngMẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên viết thư cầu cứu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi năm lần tới Long An mà không được gặp con.
Cô Phương Uyên, 20 tuổi, bị bắt từ hồi đầu tháng 10/2012 ở thành phố Hồ Chí Minh và bị đưa về Long An giam giữ vì "vi phạm điều 88 Bộ Luật hình sự" với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Nhung nói với BBC con gái bà đang đau ốm trong trại giam và bà hy vọng ông Sang sẽ can thiệp để gia đình cũng như luật sư được gặp cô Phương Uyên:
"[Gia đình] không còn con đường nào [khác] ngoài gửi đến Chủ tịch nước, một người mà người dân Việt Nam còn hy vọng là một người vì nước vì dân.
"Sau khi suy nghĩ rất nhiều, rất cặn kẽ, tôi đã quyết định gửi bức thư này đến chủ tịch nước với tất cả niềm hy vọng và sự tôn trọng và tất cả những thỉnh nguyện tha thiết nhất đến chủ tịch và rất mong rằng được sự quan tâm của chủ tịch."
'Suy nghĩ khác'Thư của bà Nhung gửi cho ông Trương Tấn Sang đề ngày 12/1 có đoạn:
"Thưa Chủ Tịch nước, là một người mẹ đứng trước tai nạn đáng lý không xảy ra cho con tôi bởi vì với chúng tôi hành vi chống Trung Quốc của con tôi là hành vi yêu nước, do đó không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của một người mẹ, biết con mình làm điều tốt phải chịu một thảm họa đẩy con tôi vào tương lai tăm tối.
"Chúng tôi tha thiết thỉnh nguyện Chủ Tịch nước là một người lãnh đạo cao nhất của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và chắc chắn cũng là 1 người cha của con, Chủ Tịch Nước có thể chia sẻ được nỗi đau này của tôi và gia đình tôi."
Tiếp theo đó bà Nhung đề nghị ông Sang can thiệp để gia đình có thể gặp cô Phương Uyên cũng như để luật sư có thể đại diện cho cô tại một phiên tòa mà gia đình đề nghị xử công khai để "luật sư, gia đình và con tôi được tạo điều kiện để tranh luận và bào chữa cho con tôi."
Cô Phương Uyên bị khởi tố hôm 3/11/2012 trong vụ án cũng có liên quan tới ông Đinh Nguyên Kha, sinh năm 1988, về tội Bấm rải truyền đơn chống nhà nước.
Cơ quan công an nói một người khác được cho là đầu mối của vụ việc, Nguyễn Thiện Thành, đã trốn sang Thái Lan.
Truyền thông trong nước hồi tháng 11/2012 nói các tang vật mà cơ quan điều tra thu được gồm hơn 700 tờ truyền đơn, cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ miền Nam Việt Nam trước đây cùng hơn hai kg hoá chất tạo thuốc nổ cùng một số tang vật khác.
Bà Nhung nói gia đình ông Đinh Nguyên Kha cho bà biết ông Kha và người anh từng tự làm pháo hoa để dùng trong các dịp kỷ niệm và các hóa chất công an tìm thấy chỉ đủ để làm pháo chứ không thể chế tạo ra các chất nổ khác.
Ngay sau khi Phương Uyên bị bắt hồi tháng 10/2012, các bạn học của sinh viên này cũng đã gửi thư 'cầu cứu khẩn cấp' tới ông Trương Tấn Sang nhưng dường như vị chủ tịch nước không có hồi âm gì.
Bà Nhung nói nếu thư của bà không tới được ông Sang, bà 'có thể' tìm gặp trực tiếp ông để trao thư.
Bà cũng nói nếu ông Sang không có hành động gì "thì đó cũng thể hiện lên một điều...tất cả những công dân Việt Nam đang đặt niềm tin vào Chủ tịch sẽ có suy nghĩ khác."
Source: BBC