logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 26/11/2014 lúc 09:58:33(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tóm lược: Bài hát "Giã Từ Sài Gòn" không là một bài hát thịnh hành trong miền Nam trước năm 1975 và ít người biết đến. Tuy nhiên, bài hát có những nét đặc sắc qua lời ca êm ái, giai điệu nhẹ nhàng, và tiết tấu chậm buồn. Bài hát nói lên tâm tình một anh lính trẻ thuộc Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong chuyến đi rời Sài Gòn ra đơn vị lần đầu sau ba tháng quân trường. Với cách diễn tả cân bằng, cách dùng chữ đơn sơ và chân thật, tác giả mô tả anh lính có nhiều tình cảm với đồng đội, người yêu, thành phố, và núi rừng đất nước. Những chi tiết đặc thù cá nhân về anh lính giúp người nghe có một hình ảnh cụ thể về bối cảnh chiến tranh trong miền Nam và hiểu thêm tâm tư anh. Bài hát biểu lộ bản chất hiền hòa và lòng yêu nước của người lính VNCH, khác hẳn với những bài hát "Nhạc đỏ" của cộng sản sặc mùi chém giết và hận thù.


Bạn bức xúc, một độc giả Dân Làm Báo, yêu cầu tôi viết một bài về bản nhạc "Giã Từ Sài Gòn." Bài hát không được thịnh hành lắm và do đó có ít tài liệu về lời ca, nốt nhạc, và tác giả. Cả bạn bức xúc và tôi không biết tên tác giả bài hát. Tôi chưa từng nghe và biết bài này trước đó, nhưng chắc chắn là bài hát được viết bởi một nhạc sĩ miền Nam trước 1975. Có đề cập trên mạng cho biết tác giả có thể là Tú Nhi (tức ca sĩ Chế Linh), nhưng tin này chưa được kiểm chứng. Danh sách những tác phẩm của Tú Nhi trên mạng không có bài "Giã Từ Sài Gòn." Nếu độc giả biết ai là tác giả xin cho biết. Nhan đề của bài hát cũng không rõ rệt. Có vài trang mạng ghi là "Giã Biệt Sài Gòn." Tuy nhiên, tôi nghĩ "Giã Từ Sài Gòn" đúng hơn vì đó là câu ngay trong bài hát.


Chưa từng nghe bài hát trước đó là một thử thách cho người viết về bài hát. Đó là vì khác với các thể loại nghệ thuật khác (thơ, tiểu thuyết, hội họa, phim ảnh, kiến trúc), âm nhạc thường đòi hỏi một thời gian lắng nghe để thưởng thức. Có những ca khúc mới nghe ta đã thích liền. Có những ca khúc phải nghe thật lâu, nghe đi nghe lại mới thấy hay, mới cảm nhận được ý nghĩa lời ca. Không biết tác giả là ai cũng tạo chút khó khăn vì ta không biết cuộc đời, nghề nghiệp, gia đình, thân thế, và các tác phẩm khác để có chút manh mối trong việc tìm hiểu ý nghĩa bài hát.


Ngược lại, các sự thiếu sót này cũng có lợi trong việc tìm hiểu bài hát. Vì mới nghe bài hát lần đầu, tôi có được cảm xúc và ấn tượng nguyên thủy, và không bị chi phối bởi những ý thích trong quá khứ. Ngoài ra, vì không biết tác giả, tôi có được nhận xét khách quan hơn và không bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm khác của tác giả.


Khi tôi mới nghe "Giã Từ Sài Gòn" lần đầu, tôi không có cảm xúc hoặc ấn tượng mạnh lắm, nhưng tôi nhận ra giai điệu nhẹ nhàng rất thích hợp với ngôn từ chân thật biểu lộ nỗi niềm tha thiết của anh lính cho đồng đội, người yêu, và quê hương đất nước. Tôi tiếp tục nghe, mỗi ngày, mỗi đêm. Nghe đi nghe lại. Dần dà, tôi thấy hứng thú. Khi nghe tới lần thứ 114 (trong vòng một tuần), tôi biết là tôi phải viết về bài này, và không ráng nghĩ kế thối thác với bạn bức xúc (đùa chút thôi).


Nguyên văn lời bài hát như sau.


Cùng trang cùng lứa
chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu,
nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương đồng hành
Vui chung cuộc hành trình,
phong sương chưa lần bước, ba tháng dài được là bao
Hỏi em em lại khóc,
bàn tay xin níu lại xin thời gian chưa qua mau.


Ngày xa thành phố,
nỗi vui cùng nỗi buồn đầy ắp ba-lô nặng lắm
Tám thằng trong chúng tôi,
đứa nghiêng vai ngồi tiếc nuối, đứa khoanh tay nhìn trời
Xa nhau trong vài giờ,
không gian thì lại cách xa ngút ngàn rồi em ơi
Gió Sông Hương lạnh lắm,
phải chăng sông núi lạnh hay tại vì anh xa em?


Bao nhiêu thương nhớ giăng đầy
Bọn tôi cũng gượng cười mà lòng nghe buồn riêng vấn vương
Khói thuốc chưa lần châm mồi
Chưa từng quen mùi mà giờ thì nghe ấm môi.


Đêm nay viết cánh thư tình
Đêm đã khuya rồi mà lời lòng chưa vừa ý
Giờ buồn người ở phương xa, vẩn vơ từ đêm qua.


Đời trai nghiệp lính
biết đi là gian khổ nhưng vẫn đi cho thoải chí
Mấy thuở được làm quen
đó đây sông cùng núi, chia sẻ đau thương ngọt bùi
Cho nên dù người thương
cho nên dù người nhớ, ba tháng dài được bao nhiêu?
Có yêu thương thành phố,
phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang.



Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Giã Từ Sài Gòn." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận về các khía cạnh văn chương của lời nhạc.


A. Bối cảnh cho câu chuyện trong bài hát:


Để có thể hiểu rõ ý nghĩa và tâm tư anh lính, ta nên có chút khái niệm về bối cảnh chiến tranh tại miền Nam trước 1975. Tôi sẽ chỉ chú trọng đến hai khía cạnh của bối cảnh này liên hệ đến bài hát: Vấn đề gia nhập quân đội và các binh chủng của quân lực VNCH (QLVNCH). Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết mà chỉ nói qua những chi tiết giúp ta hiểu thêm về anh lính trong bài hát.


1. Gia nhập quân đội:


Trong suốt chiến tranh Việt Nam, chính quyền kêu gọi thanh niên gia nhập quân đội qua những sắc luật Tổng động viên. Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, lệnh Tổng Động Viên kêu gọi thanh niên từ 18 tới 43 tuổi. Tới năm 1972, tuổi 18 sụt xuống một tuổi thành 17 (Nguyễn Quý Đại 2013). Dưới lệnh Tổng động viên, mọi thanh niên trong tuổi động viên phải gia nhập quân đội, trừ phi được hoãn dịch. Có nhiều trường hợp hoãn dịch: nghề nghiệp (thí dụ nhân viên chính quyền), sức khỏe, gia cảnh (thí dụ con một), và học vấn.


Hoãn dịch vì lý do học vấn dựa vào tuổi tác và lớp học. Thời VNCH, trung học có hai cấp: trung học đệ nhất cấp, từ lớp đệ thất (lớp 6) tới lớp đệ tứ (lớp 9); và trung học đệ nhị cấp, từ lớp đệ tam (lớp 10) cho tới đệ nhất (lớp 12) (Huỳnh 2013). Để được ra trường trung học, phải thi đậu các kỳ thi Trung học đệ nhất cấp (sau lớp 9), Tú Tài I (sau lớp 11) và Tú Tài II (sau lớp 12). Sau này, kỳ thi trung học đệ nhất cấp được bãi bỏ, và tiếp theo là Tú Tài I, chỉ còn Tú Tài (tức Tú Tài II). Vào niên khóa 1969-1970, các lớp được đổi lại như sau: đệ thất, lục, ngũ, tứ, tam, nhị, nhất được đổi thành 6, 7, 8, 9, 10, 11, và 12, theo thứ tự đó.


Nếu bạn học đúng tuổi hoặc trễ một năm thì được hoãn dịch. Nếu bạn học trễ hai năm trở lên thì phải nhập ngũ. Đúng tuổi là 11 tuổi bắt đầu học lớp 6, 17 tuổi bắt đầu học lớp 12, 18 tuổi bắt đầu học năm thứ nhất Đại học, v.v. Nếu bạn rớt Trung học đệ nhất cấp (lúc còn kỳ thi) hoặc chỉ học tới lớp 10 và tới tuổi động viên (do đó trễ tuổi), thì bạn chỉ học ba tháng quân trường và thành binh nhì. Nếu bạn đậu Trung học đệ nhất cấp (hoặc miễn thi vì kỳ thi đã hủy bỏ), nhưng rớt Tú Tài I, và bị trễ tuổi, thì sẽ đi học hạ sĩ quan, ra trường với cấp bậc trung sĩ. Vì vậy mới có câu "Rớt Tú Tài, anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ bồng con."


Nếu bạn đậu Tú Tài I nhưng rớt Tú Tài II và trễ tuổi, thì sẽ đi học sĩ quan trừ bị ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy. Nếu bạn đậu Tú Tài II, nhưng trễ tuổi hoặc rớt các năm đại học và bị trễ tuổi, bạn có thể đi học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, hoặc học sĩ quan trừ bị ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Để vào Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, bạn phải qua một cuộc thi tuyển gay go. Học trình ở Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt từ năm 1966 là bốn năm. Tốt nghiệp Đà Lạt tương đương với bằng Cử Nhân, và có cấp bậc Thiếu úy (Nguyễn Ngọc Chính).


Với tỉ lệ đậu Tú tài I khoảng 15-30% và Tú tài II khoảng 30-45% (Huỳnh 2013), số học sinh phải tòng ngũ khá cao. Hầu hết học sinh sinh viên nào trong tuổi động viên tại miền Nam đều có bạn bè là quân nhân trong VNCH.


2. Các đơn vị trong QLVNCH:


QLVNCH được phát triển qua nhiều giai đoạn: Giai đoạn hình thành (1945-1954), giai đoạn phát triển lần thứ nhất (1954-1968), và giai đoạn phát triển lần thứ nhất (1968-1975) (Nguyễn 2001, 819-881). Câu chuyện anh lính trong bài "Giã Từ Sài Gòn" rất có thể xảy ra vào giai đoạn thứ hai khi cuộc chiến trở nên ngày càng khốc liệt. Trong giai đoạn này, QLVNCH có khoảng hơn một triệu quân nhân: chủ lực quân có khoảng 450 ngàn (trong đó 152 ngàn thuộc các sư đoàn bộ binh, và phần còn lại thuộc các binh chủng và các đơn vị yểm trợ), lực lượng địa phương quân ó khoảng 325 ngàn và nghĩa quân khoảng 200 ngàn. Nữ quân nhân có khoảng 4 ngàn (Nguyễn 2001, 865).


QLVNCH gổm có Lục Quân, Không Quân, và Hải Quân. Trong phần sau đây, tôi chỉ nói về lục quân vì đó là ngành của anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn."


Một cách đại khái, lục quân VNCH chia ra làm hai loại: cố định và lưu động. Lực lượng cố định gồm có các đơn vị bộ binh (BB), địa phương quân (ĐPQ), và nghĩa quân (NQ). Lực lượng lưu động gồm có ba binh chủng Tổng Trừ Bị (ND, TQLC, BĐQ), và vài đơn vị đặc biệt khác (thí dụ Biệt Cách Dù). Các đơn vị khác gồm có Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Quân Cảnh, Quân Cảnh Điều Tra Tư Pháp, và Quân Nhạc. Chi tiết về lịch sử, các giai đoạn hình thành, các lực lượng, trường huấn luyện, của QLVNCH có thể được tham khảo các nguồn trên Internet hoặc sách vở, tài liệu (Xem, thí dụ như, Nguyễn 2001).


Các sư đoàn BB thường trấn thủ khá cố định tại tỉnh hoặc quân khu. "Sư đoàn bộ binh chỉ hoạt động trong khu vực quân khu và khu chiến thuật của mình, rất ít ra khỏi vùng trách nhiệm, ngoại trừ một vài biệt lệ" (Phạm). Các lực lượng ĐPQ và NQ trú đóng tại địa phương của họ và thực hiện mục tiêu “càn quét và giữ đất” (Long Điền). ĐPQ và NQ không được trang bị đầy đủ và có những yểm trợ như pháo binh hoặc không quân như BB và các đơn vị Tổng Trừ Bị, nhưng họ đóng góp đáng kể trong việc gìn giữ quê hương.


Các đơn vị Tổng Trừ Bị khác với các sư đoàn bộ binh ở chỗ họ luôn luôn di động khắp mọi miền đất nước để đáp ứng với đòi hỏi khẩn cấp của những mặt trận mà những đơn vị BB hay ĐPQ và NQ không giải quyết được (Phạm). "Vai trò của ba binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân không có sự trùng hợp, bởi sự phân nhiệm chiến đấu từ lúc khởi đầu các binh chủng này được hình thành" (Phạm).


Tinh thần tác chiến và tâm lý lính VNCH thường bị ảnh hưởng bởi hội chứng gia đình (family syndrome). Lính VNCH bị bất lợi trầm trọng bởi hiện tượng này (Kleinen, 273). Vợ con họ sống trong các khu nhà xập xệ gần trại lính hoặc nhiều khi ở ngay trong căn cứ quân sự. Lính VNCH khi đánh trận, lo lắng cho an ninh của gia đình vợ con, nhiều khi đào ngũ để về với gia đình (sđd.) Đó là một phần lý do tại sao các đơn vị lưu động chiến đấu rất dũng cảm vì binh sĩ không phải lo lắng đến gia đình đang an toàn tại các trại lính xa chiến trường. Quân cộng sản rất sợ các đơn vị TQLC, BĐQ, và ND vì các đơn vị này thiện chiến và dũng cảm. Ngược lại, các đơn vị lưu động này có bất lợi là họ thường xa gia đình khi đi đánh trận. Câu chuyện về các vợ lính VNCH phải lo cho con cái khi chồng đi xa rất là thông thường, và là một trong những hy sinh ít được biết đến trong chiến tranh.


Trong những tháng đầu năm 1975, quan trọng hơn hết là hội chứng gia đình. Tuy không bào chữa cho sự xụp đổ của quân đội VNCH, hội chứng gia đình là chính yếu để hiểu những biến cố vào cuối tháng ba năm 1975 (Veith 2012, 329). Vào tháng ba năm 1975, khi lệnh di tản chiến thuật ban ra, Quân Khu I và II trở thành thảm họa, nhiều toàn thể đơn vị xụp đổ khi binh sĩ đào ngũ để về cứu vợ con (sđd., 441).


Hội chứng gia đình và tinh thần chiến đấu của lính VNCH được chứng minh qua trận Xuân Lộc vào tháng tư năm 1975. Đây là trận đánh vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Khi được tin ba sư đoàn quân cộng sản (sau này được tăng cường thêm hai sư đoàn và một trung đoàn) tiến tới Xuân Lộc, tướng Lê Minh Đảo chuẩn bị cuộc phòng thủ. Một trong những chuẩn bị hay nhất là di tản hầu hết gia đình binh sĩ của sư đoàn 18 BB đang trấn đóng Xuân Lộc về Long Bình, gần Biên Hòa (Veith 2012, 441). Khi biết gia đình được an toàn về Long Bình, các chiến sĩ của sư đoàn 18 BB và ĐPQ, hỗ trợ bởi các tiểu đoàn BĐQ và ND, chiến đấu thật anh dũng mặc dù thiếu thốn đạn dược và quân liệu vì Mỹ cắt viện trợ. Với quân số ít hơn một phần ba quân số địch, chiến sĩ VNCH đẩy lui các đợt tấn công biển người, và gây tổn thương nặng nề cho quân cộng sản. Trận Xuân Lộc được coi như là trận đánh oai hùng nhất của QLVNCH và cho thấy lòng can đảm, quyết tâm, và ý chí của chiến sĩ VNCH (Le Gro 2006, 173-174; Davidson 1988, 170; Tucker 1999, 185; Noyes).


Trong bối cảnh chiến tranh này, các chi tiết về nhập ngũ và các binh chủng VNCH giúp ta hiểu rõ thêm vài đặc điểm cá nhân của anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn" như sẽ được trình bày sau. Khi biết thêm những chi tiết này, những nhân vật trong bài hát không còn xa lạ với người nghe. Người nghe cảm thấy gần gũi với anh lính và hiểu rõ được tâm tư anh lính qua lời anh kể lể trong bài hát.
song  
#2 Đã gửi : 26/11/2014 lúc 10:01:40(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
B. Bài hát là lời tâm sự một anh lính trẻ trong chuyến đi ra đơn vị lần đầu và cho thấy vài đặc điểm cá nhân về anh lính:


Bài hát là lời tâm sự của một anh lính trẻ, vừa mới hoàn tất ba tháng huấn luyện ở quân trường, cùng các bạn đồng ngũ đi ra đơn vị, xa rời Sài Gòn. Tác giả kể câu chuyện qua miệng anh lính. Chúng ta hãy nghe câu chuyện anh lính qua từng câu ca.


Các anh lính cùng cỡ tuổi và ở trong cùng đơn vị và thương mến nhau trong một toán (Cùng trang cùng lứa/ chúng tôi cùng đơn vị/ thương mến nhau chung một toán). Với "một toán" và "cùng đơn vị," ta có thể hiểu chắc họ ở trong cùng một tiểu đội. Tuy tác giả không nói rõ tuổi tác họ, ta cũng hiểu họ chưa tới hai mươi, có lẽ là độ 17-18, và gia nhập quân đội dưới lệnh Tổng động viên, như sẽ được phân tách sau.


Các anh lính trong toán phải giã từ Sài Gòn để tới đơn vị vùng chiến tranh. Chuyến đi xảy ra lúc nửa đêm và họ có dịp tâm tình với nhau trong chuyến đi (Giã từ Sài Gòn yêu/ nửa đêm tâm sự lính/ kiếp tha hương đồng hành). Ta không rõ quê quán các anh ở đâu, nhưng với lời lẽ thương yêu Sài Gòn, các anh chắc sống rất lâu ở tại Sài Gòn và vùng phụ cận như Gia Định, Gò Vấp.


Đây là chuyến đi tới vùng khói lửa đầu tiên của các anh vì các anh chưa có dịp bước phong sương sau ba tháng quân trường (Vui chung cuộc hành trình /phong sương chưa lần bước/ ba tháng dài được là bao). Tác giả nhắc lại "ba tháng" hai lần trong bản nhạc, cho thấy đó là khoảng thời gian đặc biệt trong đời lính. Đó là ba tháng huấn luyện quân sự đầu tiên cho mọi thanh niên nhập ngũ, trừ các trường đặc biệt như Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Ba tháng quân trường này thường được thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung. Trung tâm này là nơi đào tạo binh sĩ và giai đoạn đầu cho Hạ Sĩ Quan và Sĩ Quan, tọa lạc tại địa phận Quán Tre, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (Wikipedia. 2014a). Với binh sĩ, sau ba tháng quân trường, họ được đưa ra chiến trường, như trường hợp các anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn." Với hạ sĩ quan và sĩ quan, họ trở về trường huấn luyện để tiếp tục chương trình huấn luyện như Trường Đồng Đế ở Nha Trang hoặc Trường Bộ Binh ở Thủ Đức (sau này chuyển về Long Thành). Độc giả có thể tìm hiểu thêm về các chương trình huấn luyện QLVNCH ở các nguồn thích hợp.


Anh lính chia tay với người yêu trước khi lên đường ra đơn vị. Cuộc chia tay đó chắc không xảy ra vào đêm các anh lên đường, mà chắc xảy ra trước đó, có thể tại Vườn Tao Ngộ ở Quang Trung. Cuộc tiễn đưa đó hẳn nhiên là buồn. Người yêu anh lính không muốn xa anh vì không biết cuộc đời chinh chiến của anh sẽ ra sao. Nàng khóc, níu kéo anh, mong muốn thời gian bên nhau được kéo dài thêm (Hỏi em em lại khóc/ bàn tay xin níu lại/ xin thời gian chưa qua mau).


Ngày anh xa Sài Gòn, ba lô anh đầy ắp đồ năng chĩu, tâm tư anh buồn vui lẫn lộn (Ngày xa thành phố/ nỗi vui cùng nỗi buồn/ đầy ắp ba-lô nặng lắm). Ta có thể hiểu tại sao anh buồn, vì anh xa người thân, người yêu, và cả thành phố Sài Gòn mến thương. Nhưng tại sao anh cũng vui? Trong các đoạn sau, ta sẽ hiểu tại sao. Đó là vì anh sẽ có dịp thỏa chí tang bồng hồ thỉ, đi khắp nơi sông núi rừng ̣để bảo vệ non sông, làm tròn bổn phận người trai thời loạn.


Nhóm anh, tám anh lính mới ra quân trường, chờ lên đường ra đơn vị. Mỗi người có tâm trạng khác nhau. Người thì tiếc nuối thời gian đã qua, vui với gia đình, người thân yêu. Người thì ưu tư, không biết chuyện gì sẽ xảy đến, khoanh tay nhìn trời (Tám thằng trong chúng tôi/ đứa nghiêng vai ngồi tiếc nuối/ đứa khoanh tay nhìn trời).


Đơn vị các anh lính ở Huế (Gió sông Hương), cách Sài gòn chỉ độ vài giờ, nhưng sự xa cách thật ngút ngàn (Xa nhau trong vài giờ/ không gian thì lại cách/ xa ngút ngàn rồi em ơi). Nhóm chữ "vài giờ" trong "Xa nhau trong vài giờ" không có ý thời gian, mà là không gian. Chi tiết khoảng cách chỉ vài giờ đi, cho ta biết phương tiện chuyên chở các anh là máy bay vì khoảng cách giữa Sài Gòn và Huế khoảng 650 km, không thể nào đi bằng xe được. Thời bấy giờ, chuyên chở binh sĩ thường qua phi cơ cánh quạt hoặc trực thăng. Loại phi cơ thường dùng là Hercules C-130A, máy bay cánh quạt bốn máy, bay với vận tốc khoảng 500 km/ giờ và tầm bay (range) khoảng 3.500 km. Máy bay C-119 cũng được dùng, nhưng không thông dụng bằng C-130A. Loại trực thăng thường dùng là Bell UH-1 Huey với vận tốc khoảng 200 km/giờ và tầm bay khoảng 500 km, không thể nào chuyên chở các anh lính ra Huế. Trực thăng Chinook CH-47 cũng được dùng trong việc chuyên chở binh sĩ, với sức chở 33-55 lính, vận tốc khoảng 240 km/ g và tầm bay độ 740 km. Tuy nhiên, trực thăng thường dùng để chuyên chở binh sĩ trong lúc hành quân, và it khi dùng để chở tân binh ra đơn vị. Ngoài ra, trực thăng thường dùng ở các quân khu, và ít dùng ở phi trường Tân Sơn Nhất. Hơn nữa, Chinook CH-47 thường được dùng là vận tải quân liệu, trọng pháo, v.v. Do đó, nhóm các anh lính chắc là được chuyên chở bằng Hercules C-130A với sức chở khoảng 60 - 70 lính với đầy đủ quân trang.


Huế có phi trường Phú Bài, cách Huế độ 15 km về phía Nam, là nơi mà "từng đón những chuyến bay C130 chở hàng trăm Cảnh Sát Dã Chiến" (Lê 2014) thời Phật giáo biểu tình. Chuyến bay chở các anh lính trên chiếc C-130A từ phi trường Tân Sơn Nhất lúc nửa đêm, và đáp xuống phi trường Phú Bài sau gần hai tiếng đồng hồ bay. Từ phi trường Phú Bài, các anh lính được xe đưa về Huế tới đơn vị, ̣đi qua sông Hương, có thể lúc hai ba giờ sáng. Anh lính cảm thấy lạnh lẽo, không biết vì gió sông Hương hay vì xa người yêu (Gió sông Hương lạnh lắm/ phải chăng sông núi lạnh/ hay tại vì anh xa em).


Tới nơi rồi, sau khi thu xếp về trại lính, nỗi buồn xa cách mới thực sự thấm. Các anh thương nhớ những người thân yêu, thành phố Sài Gòn dấu ái. Nỗi buồn dâng cao, nhưng các anh cố nén và gượng cười với nhau, mỗi người theo đuổi tâm tư nhung nhớ riêng (Bao nhiêu thương nhớ giăng đầy/ Bọn tôi cũng gượng cười/ mà lòng nghe buồn riêng vấn vương).


Các anh lính trẻ, tuổi 17-18, chưa học xong trung học, hoặc bỏ học đi làm, chưa từng biết hút thuốc, môt thói quen xấu của thanh niên thời loạn. Nhưng xa nhà, nhớ người yêu, các anh châm điếu thuốc đầu tiên trong đời, và cảm thấy ấm lòng trong cơn lạnh (Khói thuốc chưa lần châm mồi/ Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi).


Rồi màn đêm buông xuống, anh lính trẻ xa nhà, nhớ người yêu da diết, viết lá thư tình cho nàng. Nhưng viết đi viết lại mà vẫn chưa vừa ý, có lẽ không có ngôn từ nào diễn tả được tâm trạng anh ta. Và anh cứ vẩn vơ nghĩ đến người yêu, nhớ nhung nàng xa xôi tại Sài Gòn (Đêm nay viết cánh thư tinh/ Đêm đã khuya rồi mà lời lòng chưa vừa ý/ Giờ buồn người ở phương xa/ Vẩn vơ từ đêm qua).


Nhưng anh không thể nhớ nhung người yêu mãi, vì anh là lính tráng. Anh biết cuộc đời lính cực khổ, nhưng anh chấp nhận vì anh được thỏa chí tung hoành. Làm sao mà anh có dịp đi đó đi đây, băng rừng xuyên núi, vui với thiên nhiên đất trời, chia sẻ vui buồn với các bạn đồng ngũ? (Đời trai nghiệp lính/ biết đi là gian khổ/ nhưng vẫn đi cho thoải chí/ Mấy thuở được làm quen/ đó đây sông cùng núi/ chia sẻ đau thương ngọt bùi).


Vì vậy, sau ba tháng quân trường ngắn ngủi, cho dù có người yêu thương nhớ, anh vẫn biết là anh phải thương yêu cả núi rừng lẫn thành phố, anh mới đúng là người trai kiêu hùng (Cho nên dù người thương/ cho nên dù người nhớ/ ba tháng dài được bao nhiêu?/ Có yêu thương thành phố/ phải yêu thương núi rừng/ mới là người trai hiên ngang).


Câu "Có yêu thương thành phố phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang" cho thấy bản chất mộc mạc, gần như là "ngây thơ" của anh lính. Tác giả không giải thích tại sao đã yêu thương thành phố, thì phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang. Nhưng ta hiểu tại sao. Thành phố và núi rừng có đặc tính khác hẳn nhau. Thông thường, ít ai yêu thích cả hai cuộc sống. Những người thích sống thành phố thường không thích núi rừng, và ngược lại. Vậy ai là người có thể thích cả hai cuộc sống? Hỏi tức là trả lời. Chỉ có những người yêu thương đất nước thực sự mới có thể yêu thương cả thành phố lẫn núi rừng, vì cả hai đều thuộc về đất nước. Lòng yêu thương thành phố, núi rừng, non sông, biểu hiện một ý chí cao cả hơn chuyện chém giết quân thù.


Bài hát nói lên bản chất hiền hòa, đầy nhân bản và tình người của dân miền Nam trước 1975:


Điểm nổi bật nhất của bài hát là anh lính không hề nhắc đến chiến tranh, mặc dù anh đang là một tân binh đang đi ra đơn vị nơi chiến trường. Anh không nói gì đến súng đạn, chỉ nói đến ba lô nặng chĩu vui buồn. Anh cũng không hề nói đến kẻ thù, lính cộng sản, và những tội ác quân cộng sản gây ra trên quê hương. Với anh, điều hạnh phúc là anh được dịp tung hoành nơi rừng núi vả chia sẻ ngọt bùi với các bạn đồng ngũ. Anh lính phản ảnh bản chất hiền lành và đầy tình nghĩa qua lời tâm sự chân thành.


Chúng ta đã thấy tính chất hiền hòa nhân bản của người miền Nam trước trong các bài hát tôi viết trước đây, từ Một Mai Giã Từ Vũ Khí, Sương Trắng Miền Quê Ngoại, cho tới Tám Nẻo Đường Thành, Tình Thiên Thu. Các bài hát viế́t về lính do các tác giả quân đội phục vụ trong Cục Tâm Lý Chiến không hề có lời nguyền rủa quân cộng sản hoặc kích thích lính VNCH giết quân thù, ngay cả khi tội ác của cộng sản đang được phơi bày.


Ta hãy đọc những ca khúc miền Bắc cộng sản trong thời chiến tranh:


Nổ máy lên ta một dạ xung phong... Trước quân thù là chỉ biết có tiến công ("Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng").


Từ ngày đô thị vùng lên chị em mình đi tải đạn để các anh đi diệt thù... Lòng người đang độ mùa xuân trào dâng niềm vui đánh Mỹ... Đường về đô thị còn xa ngày nay đi diệt thù cứu nước có ta có mình ("Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn").


Tay vót chông miệng hát không nghỉ... Mỗi mũi chông nhọn hoắc căm thù... Xiên thây quân cướp nào vô đây... Ê quân xâm lăng gian ác bay muốn vào mũi chông sẵn sàng đây ("Cô Gái Vót Chông").


Anh đi trước hàng quân, tiến về giải phóng nông thôn, tiến về thành phố thân yêu đạp trên xác thù... Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước, mỗi bước ta đi diệt tan bao bốt đồn thù... Mỗi bước ta đi giặc Mỹ tan tành sợ hãi, nhưng lực lượng ta mỗi ngày một lớn lên ("Mỗi Bước Ta Đi").


Lời thôi thúc phải đánh tan giặc kia... Và khi phá lộ chặn đánh xe giặc qua... Ta chào mùa xuân thành phố diệt Mỹ ngụy... Mùa xuân thắng lợi giặc Mỹ sẽ phải tan... Nam Bắc hai miền chung tay diệt Mỹ ("Cùng Hành Quân Giữa Mùa Xuân").


Áo bà ba súng quàng vai hôm sớm ra đi... ghi chiến công giết giặc lẫy lừng... nối tiếp nhau làng quê nổi dậy, đồn giặc tan thắm lại màu xanh ("Những Cô Gái Đồng Bằng Sông Cửu Long").


Ta thấy lời ca trong "Nhạc Đỏ" đầy rẫy hận thù, giết chóc, và thúc dục kêu gọi dân đánh Mỹ diệt Ngụy. Những câu "diệt thù," "mũi chông nhọn hoắc," "xiên thây," "đạp trên xác thù," "vùi thây quân giặc," "diệt tan bao bốt đồn thù," "phá lộ chặn đánh xe giặc," "diệt Mỹ ngụy," "giết giặc," "đồn giặc tan" cho thấy tinh thần tàn bạo ác độc của quân cộng sản trong chiến tranh. Đó là không kể những bài ca ngợi Hồ Chí Minh, kẻ thù dân tộc.
song  
#3 Đã gửi : 26/11/2014 lúc 10:02:50(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Lời ca có những chi tiết cho biết vài dữ kiện cá nhân của anh lính:


Bài hát "Giã Từ Sài Gòn" có lời ca nhẹ nhàng, nói về chuyến đi ra đơn vị đầu tiên của anh lính trẻ và các bạn đồng ngũ. Bài hát có những chi tiết giúp ta có được những dữ kiện cá nhân về anh lính. Biết được những đặc điểm này giúp người nghe tưởng tượng ra hình ảnh cụ thể và quý trọng tâm tư anh. Những chi tiết khá đặc thù về anh lính giúp người nghe hiểu thêm được bối cảnh xã hội tại miền Nam trước 1975 và tâm tình người lính trong thời chiến tranh. Những chi tiết về việc tòng quân, các binh chủng được trình bày ở trên và có thể được tìm hiểu thêm qua các trang mạng (Xem, thí dụ như, Nguyễn Ngọc Chính) hoặc sách vở, tài liệu (Xem, thí dụ như, Nguyễn 2001).


1. Cấp bậc, tuổi tác, trình độ học vấn, và binh chủng:


Bài hát không nói rõ cấp bậc, tuổi tác, trình độ học vấn, và binh chủng của anh lính. Nhưng qua những chi tiết kín đáo, ta có thể suy diễn như sau.


Trước hết, anh rất có thể là lính trơn (trơn vì không đeo lon), cấp bậc binh nhì (thực ra là không có cấp bậc). Đó là vì anh chỉ có ba tháng quân trường là đã được đưa ra đơn vị. Binh nhì là cấp bậc thấp nhất, rồi đến binh nhất. Sau đó là các cấp hạ sĩ quan. Sau đó là các cấp sĩ quan (Wikipedia 2014b).


Là binh nhì, anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn," có thể có trình độ học vấn không quá lớp 10, như cho biết trên về các điều kiện hoãn dịch vì lý do học vấn. Anh ta không thuộc vào người rớt Tú Tài I vì nếu vậy, anh sẽ được đi học Hạ sĩ quan. Nếu không đi học thì anh ta làm gì? Ta không rõ anh ta ngưng học từ lúc nào, nhưng có điều khá chắc chắn là anh ta không thuộc hạng du đãng phá làng phá xóm, hoặc những kẻ trốn quân dịch. Đó là vì dựa vào lời lẽ tâm sự, anh lính có nhiều tình cảm, bản chất hiền hòa, có phần lãng mạn (viết thư tình), không biết hút thuốc trước khi đi lính. Ở Sài Gòn, những người trốn quân dịch thường phải ở nhà luôn luôn, không đi ra ngoài vì cảnh sát soát giấy tờ thường xuyên trên đường phố. Anh lính không phải là người trốn quân dịch vì anh biểu lộ tình yêu nước và muốn là người trai hiên ngang, đi đây đi đó, vui với núi rừng. Ta chỉ có thể phỏng đoán là anh ngưng học và đi làm phụ giúp gia đình, hoặc có thể nuôi đàn em nhỏ.


Vì anh học trễ tuổi hoặc không đi học mà đến tuổi động viên, anh chắc lả ở tuổi động viên nhỏ nhất, tức là 18 tuổi trước năm 1972 hoặc 17 tuổi năm 1972 và sau đó.


Ta hãy thử suy đoán anh lính thuộc binh chủng nào.


Qua lời tâm sự kể lể, anh không thể thuộc Không Quân hoặc Hải Quân vì hai ngành này có những trường huấn luyện đặc biệt và anh lính cho thấy rõ là yêu thích "núi rừng" chứ không phải bay trên cao hoặc sông biển. Do đó, anh chỉ có thể thuộc Lục Quân, bộ binh hoặc một trong ba binh chủng Tổng Trừ Bị: Nhảy Dù (ND), Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), và Biệt Động Quân (BĐQ).


Anh lính tỏ ý thích "đi cho thoải chí," "đó đây sông cùng núi" và "yêu thương núi rừng." Vì vậy, anh không thể thuộc các sư đoàn BB, ĐPQ, hoặc NQ. Còn chi tiết nữa là anh có vẻ gắn bó với Sài Gòn, rất có thể sinh trưởng tại Sài Gòn, càng cho thấy anh không phải là BB, ĐPQ hoặc NQ thường đóng đồn ở các thành phố, thị xã, thôn quê, nơi họ sinh sống.


Do đó, anh chắc thuộc binh chủng lưu động: ND, BĐQ, và TQLC. Ta hãy xem xét anh thuộc binh chủng nào. Chi tiết "núi rừng" cho thấy anh không phải là TQLC, vì TQLC "giữ nhiệm vụ khởi đầu từ năm 1954 là hành quân thủy bộ, kiểm soát vùng biển và sông ngòi Miền Nam" (Phạm). Anh cũng không thể là BĐQ, vì BĐQ thường nhận binh sĩ, hạ sĩ quan, và sĩ quan từ bộ binh hoặc các binh chủng khác. Ngoài ra, BĐQ có trường huấn luyện riêng ở Dục Mỹ (Wikipedia 2014c). Ta thấy xác suất anh thuộc binh chủng ND rất cao. Có nhiều chứng cớ cho kết luận này.


Trước hết, "[k]hông giống như những đơn vị khác của QLVNCH, Sư Đoàn Nhảy Dù chỉ nhận những Quân Nhân hoàn toàn tình nguyện" (Võ và Nguyễn 2010, 82). Đó là vì binh sĩ ND thường tham gia các trận chiến khốc liệt, có thương vong rất cao. Lính ND có tiếng là can đảm, thiện chiến. Hàng năm, số người tình nguyện "trung bình khoảng 4000 thanh niên trai trẻ" (sđd.). Anh lính cho thấy là người thích đi đây đi đó, vào ra núi rừng, thành phố. Do đó, chuyện anh tình nguyện vào ND rất hợp lý.


Thứ nhì, chương trình huấn luyện cho binh sĩ ND khoảng ba tháng, và tại vùng Sài Gòn. Sau 9 tuần quân trường tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, các tân binh nhảy dù được huấn luyện kỹ thuật nhảy dù tại căn cứ Hoàng Hoa Thám trong ba tuần (Võ và Nguyễn, 2010, 82, 92).


Với những lý do trên, ta có thể suy đoán ra anh lính là một binh sĩ ND. Ta thấy anh tình nguyện đi ND mặc dù biết cuộc sống lính ND rấ̀t gian nan khó nhọc (biết đi là gian khổ/ nhưng vẫn đi cho thoải chí).


2. Anh lính là người Nam chính gốc:


Một chi tiết thú vị nữa là anh lính chắc là người Nam chính gốc. Tôi dùng nhóm chữ "Nam chính gốc" hoặc "Nam kỳ chính gốc" có chút khôi hài để chỉ người sinh trưởng trong miền Nam, có "gốc rễ" miền Nam lâu đời, và không phải là người Bắc di cư, hoặc người Bắc hay Trung di chuyển tới miền Nam sinh sống. Tôi đi đến kết luận anh lính chắc là người Nam chính gốc vì vài chi tiết biểu lộ trong bài hát sau đây.


Trước hết, anh rất yêu thương Sài Gòn, cho thấy anh có nhiều kỷ niệm và sinh sống tại Sài Gòn lâu năm. Đặc biệt, anh dùng "tha hương" khi nói về chuyện rời Sài Gòn ra đơn vị. Ý nghĩa "tha hương" có vẻ phóng đại nhưng cho thấy các anh lính rất có "gốc rễ" ở Sài Gòn. Cái tình yêu thương đó có vẻ chứa chan và sâu sắc hơn những người di cư vào Sài Gòn. Chuyện đó cũng chưa hẳn là đúng vì có rất nhiều người, tuy di cư vào Sài Gòn vẫn có lòng thương yêu Sài Gòn vì họ sinh sống từ lúc còn nhỏ và coi Sài Gòn như quê nhà mình. Nhưng một chi tiết quan trọng hơn khiến tôi khẳng định anh là dân Nam kỳ chính gốc. Đó là câu "lòng nghe buồn riêng vấn vương" và "nghe ấm môi."


Tại sao hai câu đó cho thấy anh lính là dân Nam kỳ chính gốc? Ta hãy đọc lại cả câu: "Bao nhiêu thương nhớ giăng đầy/ Bọn tôi cũng gượng cười mà lòng nghe buồn riêng vấn vương" và "Khói thuốc chưa lần châm mồi/ Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi." Đặc biệt, câu "Khói thuốc chưa lần châm mồi/ Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi" dính líu đến bốn giác quan: thị giác (thấy khói thuốc), thính giác (nghe), khứu giác (mùi), xúc giác (ấm môi). Câu "Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi" có nghĩa bây giờ anh lính nghe mùi khói thuốc và cảm thấy ấm môi.


Ta hãy chú trọng vào nhóm chữ "nghe mùi" và "nghe buồn." Bạn có bao giờ "nghe" được mùi vị thơm của khói thuốc hoặc "nghe" được nỗi buồn không? Hoặc "nghe" được cảm giác ấm áp trên môi không? Hoặc không nhất thiết là khói thuốc hay mùi thơm, bạn có thể nào "nghe" (dùng tai) mùi hoặc nỗi buồn được không? Chắc chắn là không. Ta chỉ có thể "ngửi" mùi hoặc "cảm nhận" nỗi buồn được thôi. Tôi không tin là tác giả đang cố tình dùng kỹ thuật mỹ từ để đem lại hình ảnh mới lạ cho "nghe mùi" hoặc "nghe buồn" vì thực ra "nghe mùi" hoặc "nghe buồn" là cách dùng rất thông dụng trong miền Nam.


Chỉ có dân miền Nam chính gốc mới dùng "nghe mùi" và "nghe buồn." Người Bắc hoặc người Trung ít khi dùng nhóm chữ đó. Ta phải hiểu đó là nét độc đáo của dân "Nam kỳ" và đó là lý do tại sao dân miền Nam có cách ăn nói thật bình dân. Tôi sẽ không đi sâu thêm nữa về các khía cạnh văn hóa dân "Nam kỳ," "Bắc kỳ," hoặc "Trung kỳ" và so sánh các khía cạnh này. Một cách đại khái, với người miền Nam chính gốc, có lẽ giác quan họ dùng nhiều nhất là "nghe." (Đây là câu nói đùa.) Tôi không rõ nguồn gốc thế nào, nhưng cũng có thể người miền Nam thích nghe lời đồn, nghe ngóng, và bàn tán tin tức. Họ thường dùng "nghe thấy" và dùng "nghe" trong hầu hết mọi trường hợp. Có thể đời sống nhàn nhã, ruộng lúa phì nhiêu, trai gái hát hò bên sông rạch hàng đêm, và dân nghe lời ca tiếng hát thường xuyên. Cũng có thể người miền Nam có tính lãng mạn, dùng mỹ từ cho các câu ví von, thét rổi quen đi, và người dân quên đi ý nghĩa "nghe" là dùng thính giác.


Dân các miền khác cũng có lối dùng từ ngữ đặc thù và đó cũng là điểm độc đáo của tiếng Việt đã khiến biết bao nhiêu người ngoại quốc khi học tiếng Việt phải điên đầu. Thí dụ như người Bắc dùng "buồn nôn" trong khi người Nam dùng "muốn ói." Khi nói đến chuyện bài tiết, người Bắc dùng "buồn" nhưng người Nam dùng "mắc." Hẳn nhiên điều đó không có nghĩa là người Bắc sầu não ("buồn") trong việc "nôn" hay bài tiết, hoặc người Nam thích thú ("muốn") trong việc ói mửa ̣hoặc khó chịu vướng víu ("mắc") trong việc bài tiết.


"Nghe mùi" và "nghe buồn" chỉ là hai thí dụ nhỏ trong hàng ngàn cách dùng chữ hoặc động từ của người miền Nam chính gốc. Tôi có một cô bạn người Nam chính gốc. Cô ta hay nói "em bắt điện thoại" (thay vì "nhấc/bật/ mở điện thoại.") Có lần tôi nói chọc cô, "Điện thoại em có tội tình gì mà em bắt nó? Bộ em định bắt nó bỏ vô bót hả?" Cô ta ngẩn người ra, và mặc dù cô ta biết tôi hay nói đùa giỡn, cô ta không hiểu có gì đáng cười với câu chọc đó. Đó là vì cô dùng chữ "bắt" trong "bắt điện thoại" quá thường và không thấy gì kỳ cục.


Tôi không muốn bị coi là phân biệt Nam Trung Bắc, nhưng sự thật là mỗi miền có cách ăn nói và diễn tả ý tưởng khác nhau, và đó là điểm đặc thù mỗi miền. Thực ra, đó cũng là điểm đặc sắc của dân tộc Việt Nam, và là điểm tốt đẹp vỉ nó cho thấy tính chất đa dạng của dân tộc ta.


Trở về anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn," anh ta đúng là dân Nam kỳ chính gốc mới có cách nói "nghe mùi" và "nghe buồn" như vậy. Có thể sẽ có người nói, "Tác giả mới là người Nam kỳ chính gốc, không phải là anh lính." Tuy nhiên, như đã trình bày trước, những gì tác giả viết là gán ghép cho anh lính. Bài hát là lời của anh lính, không phải là lời của tác giả. Tác giả vẫn có thể là người Bắc di cư, quen thuộc lối nói của người Nam, dùng lời người Nam vì muốn tạo ra nhân vật người Nam. Cũng rất có thể tác giả là người Nam chính gốc, không có ý định tạo ra nhân vật người Nam, nhưng mô tả anh lính với cách nói của người Nam một cách không cố tình. Trong cả hai trường hợp, nhân vật anh lính vẫn là đối tượng ta chú ý, và anh lính được tả là người Nam chính gốc. Thực ra ai cũng có thể đoán được anh lính là người Nam chính gốc, vì đa số dân miền Nam thời ấy là người Nam chính gốc. Tuy nhiên, cái suy đoán dựa vào lối ăn nói của anh chính xác hơn và cho ta thêm phần hiểu biết về những đặc thù của người miền Nam.


Đọc tới đây, chắc chắn có nhiều độc giả la lên, "Thằng cha Cao-Đắc Tuấn này khùng rồi. Suy diễn lung tung hết. Từ một bài hát với lời lẽ bình thường mà suy diễn ra đủ mọi chuyện về anh lính. Nào là anh ta 18 tuổi, trình độ học chưa quá lớp 10. Nào là anh ta bỏ học đi làm, là người hiền lành, đi lính binh nhì, tình nguyện vào Nhảy Dù, chia tay bạn gái trong Vườn Tao Ngộ. Nào là anh ta cùng các tân binh đồng đội ra Huế trên máy bay C-130A trong đêm khuya, đáp xuống phi trường Phú Bài sau gần hai tiếng bay. Và bây giờ lại dám kết luận anh ta là dân Nam kỳ chính gốc."


Nếu bị trách, tôi xin chịu tội. Tôi lỡ là người thích viết văn, làm thơ, và nghe nhạc, nên có trí tưởng tượng dồi dào. Nếu độc giả nào trách tôi, thì cũng nên châm chước dùm vì tôi có thói quen thưởng thức một bài hát dựa vào suy diễn chủ quan.


Diễn giải một ca khúc là ý kiến chủ quan trong việc thưởng thức ca khúc đó:


Có hai lý do bào chữa cho tôi.


Thứ nhất, những suy diễn, kết luận của tôi, chắc chắn không đúng 100%. Ngoài những câu đoán, tôi còn phạm nhiều ngụy biện luận lý. Tuy nhiên, những suy đoán, lý luận của tôi không hoàn toàn vô căn cứ. Bài hát tiết lộ những chi tiết rõ rệt và cụ thể phản ảnh tình trạng xã hội và chiến tranh bấy giờ. Dựa vào những chi tiết này, cộng với những chứng cớ liên hệ khá chặt chẽ, tôi đưa ra những kết luận. Do đó, những kết luận này không phải là đoán mò, mà được hỗ trợ bởi những bằng cớ và lý luận xác đáng.


Thứ nhì, và là lý do quan trọng nhất, bài này không phải là một bài bình luận hay diễn giải chính trị nghiêm trọng. Đây chỉ là ý kiến chủ quan của tôi về một tác phẩm nghệ thuật. Thưởng thức nghệ thuật có tính chất chủ quan, và không nhất thiết phải dựa vào một diễn giải khách quan đúng. Tôi có thể hiểu sai ý tác giả, nhưng điều đó không quan trọng bằng tiến trình tôi suy diễn trong việc đem cái diễn tả của tác giả lồng vào cái nhìn chủ quan của tôi trong lúc tôi thưởng thức tác phẩm của tác giả.


Có thể những diễn giải của tôi về anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn" và chuyến đi ra đơn vị́ của anh hoàn toàn sai bét. Tuy nhiên, hình ảnh một thanh niên người miền Nam trẻ tuổi hiền lành, đầy tình với bạn đồng ngũ, người yêu, và thành phố, ra đi tới chiến tuyến lần đầu trong một chuyến bay đêm lạnh lẽo, không có sự hận thù quân giặc, trong khi tình nguyện vào binh chủng oai hùng nhất, có tiếng là can trường và phải hy sinh nhiều nhất trong các trận đánh khốc liệt, để bảo vệ non sông với lòng yêu nước cao cả, tạo cho tôi cảm xúc bùi ngùi và xót xa cho những hy sinh của chiến sĩ VNCH.


Đó là cách tôi thưởng thức bài hát.


C. Ca khúc có lối diễn tả cân bằng, giản dị, và ít vần điệu cho thấy nét mộc mạc đơn sơ của anh lính:


Về phương diện hình thức và cách diễn tả, tác giả kể câu chuyện anh lính trẻ một cách hữu hiệu, nói lên được bản chất hiền hòa và lòng yêu nước của một người lính VNCH tiêu biểu. Cộng với giai điệu chầm chậm, nhẹ nhàng, tiết tấu đều đều, bài hát giúp người nghe cảm nhận tâm tư buồn vui lẫn lộn, cô đơn, ray rứt thương nhớ người yêu, và nỗi niểm yêu thương đất nước của anh lính trẻ.


Đặc điểm của lối diễn tả là sự vừa phải, cân bằng của kỹ thuật viết. Tác giả không dùng những kỹ thuật diễn tả thật nổi bật, mà chỉ dùng từ ngữ giản dị, phù hợp với câu chuyện. Tác gỉả dùng từ ngữ nhẹ nhàng, pha lẫn nét "dễ thương" của các anh lính trẻ 17-18 tuổi, mới ra đơn vị lần đầu.


Tác giả kể câu chuyện dùng cả kỹ thuật "kể" và "cho thấy" một cách dung hòa. Trong phiên khúc đầu, tác giả giới thiệu các nhân vật trong câu chuyện, gồm có các anh lính cùng trang lứa, và người yêu của nhân vật chính. Rồi tác giả kể chuyến đi ra đơn vị với những hình ảnh cụ thể như nét chấm phá cho bức tranh câu chuyện.


Để ý là tác giả dùng "chúng tôi," và "bọn tôi" ("Cùng trang cùng lứa chúng tôi," "Tám thằng trong chúng tôi," "Bọn tôi cũng gượng cười"), cho thấy anh lính nặng tình đồng đội cho dù mới xong quân trường. Tinh thần đồng đội này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài hát ("thương mến nhau," "đồng hành," "vui chung," "đứa nghiêng vai," "đứa khoanh tay," "chia sẻ đau thương ngọt bùi"). Ta không lấy làm lạ về tình "huynh đệ chi binh" của các chiến sĩ QLVNCH. Đặc biệt, với binh chủng ND, tình đồng đội còn thắm thiết hơn vì ND thường đánh trận dữ dội, và có nhiều dịp để chia sẻ đau thương và giúp đỡ lẫn nhau. Với các anh lính trẻ, họ hiểu chuyện đó hơn ai hết thẩy vì họ tình nguyện gia nhập ND, chấp nhận cuộc đời gian khổ. Tình huynh đệ chi binh không cần phải được phát triển trong những ngày chiến đấu vào sinh ra tử bên nhau, mà đã được hình thành ngay từ lúc gia nhập gia đình "thiên thần mũ đỏ" ND.


Tác giả "cho thấy" những hình ảnh cụ thể nhưng rất gây ấn tượng cho cuộc hành trình đầu tiên ra đơn vị. Tác giả dùng từ ngữ tượng hình để mô tả các anh lính trẻ với thái độ ngẩn ngơ trẻ con (nghiêng vai ngồi tiếc nuối, khoanh tay nhìn trời, gượng cười, khói thuốc chưa lần châm mồi). Các từ ngữ anh lính dùng cũng rất đơn sơ giản dị, không cầu kỳ ("nặng lắm," "em ơi," "lạnh lắm"), biểu lộ tâm hồn chất phác hiền lành. Ngoài ra, tác giả tả anh lính vẩn vơ nghĩ đến người yêu, viết thư tình mãi mà chưa xong. Câu "Gió Sông Hương lạnh lắm, phải chăng sông núi lạnh hay tại vì anh xa em?" cho thấy tình yêu anh dành cho người yêu thật thắm thiết và chân thành. Với những mô tả như vậy, ta không thể hình dung ra chiến sĩ ND can trường xông pha ngoài trận mạc. Điều đó có làm yếu kém ý tưởng hay không? Đương nhiên là không. Thực ra, những diễn tả ngơ ngác, vẩn vơ, hiền lành của các anh lính còn làm mạnh ý tác giả hơn nữa, vì tác giả đang muốn vẽ ra hình ảnh các chàng trai trẻ hiền hòa đầy tình cảm và có lòng yêu nước thiết tha.


Bài hát dùng rất ít vần điệu nhưng dủng chữ đơn giản. Toàn thể bài hát chỉ có một vài câu có chút vần điệu (Giờ buồn người ở phương xa/ Vẩn vơ từ đêm qua). Ta nên hiểu tác giả cố tình chọn không vần điệu, để tạo nét chân thật và mộc mạc cho anh lính. Vần điệu giúp bài hát có âm tiết trôi chảy nhưng có thể khiến lời nói anh lính trở nên màu mè, gượng ép. Cũng như trong thơ, vần giúp câu thơ trôi chảy, dễ nghe, nhưng đôi khi có sự gò bó trong cách diễn tả, vì ý tứ phải theo vần. Vì vậy, thơ theo thể loại tự do giúp người viết có dịp diễn tả ý phong phú, chính xác, và hiệu quả hơn.


Gần giống như thơ, lời ca trong bài nhạc, khi không bị gò bó bởi vần điệu, diễn tả ý tưởng chính xác và thể hiện tâm trạng chân thật hơn. Một điểm bất lợi của lời ca là cấu trúc mỗi đoạn bị chi phối bởi số phách trong mỗi ô nhịp và do đó không thể có những ngắt quãng tùy ý. Ngược lại, một lợi điểm là lời ca được diễn tả qua giai điệu lên xuống và tiết tấu nhịp nhàng, nên có được những tác dụng của âm thanh mà thơ thường không có (trừ phi được ngâm với lối ngâm thơ thích hợp).


Những câu trong "Giã Từ Sài Gòn" dùng từ ngữ đơn giản, rất it mỹ từ. Vì lời ca là lời anh lính, tác giả muốn dùng lời ca để phản ảnh bản chất, cá tính, và con người của anh. Thí dụ, câu "tám thằng trong chúng tôi, đứa nghiêng vai ngồi tiếc nuối, đứa khoanh tay nhìn trời" tả cảnh tượng chính xác, không mơ hồ, và dùng từ ngữ đơn giản. Câu "Khói thuốc chưa lần châm mồi, chưa từng quen mùi mà giờ thì nghe ấm môi" cho thấy sự chân thật và có chút gì "ngây thơ vô tội" của một cậu trai 18 tuổi. Ngay cả trong câu chót, "Có yêu thương thành phố, phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang," ta thấy có cái gì chất phác, mộc mạc, hơi chút quê mùa trẻ con, và không có triết lý gì cao sa.


D. Kết Luận:


Ca khúc "Giã Từ Sài Gòn" là một bài hát diễn tả tâm tình một anh lính trẻ, mới rời quân trường và ra đơn vị lần đầu. Qua cách diễn tả cân bằng, đơn giản, tác giả cho thấy bản chất hiền hòa, đầy tình cảm, của anh lính với nỗi niềm yêu thương đấ̃t nước, người yêu, và cuộc đời lính. Những chi tiết cụ thể trong bài hát cho biết vài đặc điểm cá nhân anh lính và giúp người nghe hiểu được tình trạng xã hội miền Nam trong thời chiến tranh và cảm thấy gần gũi với anh lính hơn.


Tuy những đặc điểm cá nhân này không nhất thiết đại diện cho tất cả chiến sĩ VNCH, các khía cạnh nhân bản đầy tình người và lòng yêu nước quả thật tiêu biểu tinh thần người miền Nam trước 1975 và chiến sĩ VNCH. Tinh thần ấy khác hẳn tinh thần hiếu chiến và tàn ác mà giới lãnh đạo cộng sản đưa vào đầu óc binh sĩ cộng sản qua những bài hát kích động giết chóc và hận thù.


CẢM TẠ


Tôi có lời cảm tạ anh Vũ Đông Hà và các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo, nhất là các bạn emSAIGON, Sài gòn, daubetangthuong, mythanh, và bức xúc, đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn bức xúc.

Cao-Đắc Tuấn
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (3)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.412 giây.