Lời ca có những chi tiết cho biết vài dữ kiện cá nhân của anh lính:
Bài hát "Giã Từ Sài Gòn" có lời ca nhẹ nhàng, nói về chuyến đi ra đơn vị đầu tiên của anh lính trẻ và các bạn đồng ngũ. Bài hát có những chi tiết giúp ta có được những dữ kiện cá nhân về anh lính. Biết được những đặc điểm này giúp người nghe tưởng tượng ra hình ảnh cụ thể và quý trọng tâm tư anh. Những chi tiết khá đặc thù về anh lính giúp người nghe hiểu thêm được bối cảnh xã hội tại miền Nam trước 1975 và tâm tình người lính trong thời chiến tranh. Những chi tiết về việc tòng quân, các binh chủng được trình bày ở trên và có thể được tìm hiểu thêm qua các trang mạng (Xem, thí dụ như, Nguyễn Ngọc Chính) hoặc sách vở, tài liệu (Xem, thí dụ như, Nguyễn 2001).
1. Cấp bậc, tuổi tác, trình độ học vấn, và binh chủng:
Bài hát không nói rõ cấp bậc, tuổi tác, trình độ học vấn, và binh chủng của anh lính. Nhưng qua những chi tiết kín đáo, ta có thể suy diễn như sau.
Trước hết, anh rất có thể là lính trơn (trơn vì không đeo lon), cấp bậc binh nhì (thực ra là không có cấp bậc). Đó là vì anh chỉ có ba tháng quân trường là đã được đưa ra đơn vị. Binh nhì là cấp bậc thấp nhất, rồi đến binh nhất. Sau đó là các cấp hạ sĩ quan. Sau đó là các cấp sĩ quan (Wikipedia 2014b).
Là binh nhì, anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn," có thể có trình độ học vấn không quá lớp 10, như cho biết trên về các điều kiện hoãn dịch vì lý do học vấn. Anh ta không thuộc vào người rớt Tú Tài I vì nếu vậy, anh sẽ được đi học Hạ sĩ quan. Nếu không đi học thì anh ta làm gì? Ta không rõ anh ta ngưng học từ lúc nào, nhưng có điều khá chắc chắn là anh ta không thuộc hạng du đãng phá làng phá xóm, hoặc những kẻ trốn quân dịch. Đó là vì dựa vào lời lẽ tâm sự, anh lính có nhiều tình cảm, bản chất hiền hòa, có phần lãng mạn (viết thư tình), không biết hút thuốc trước khi đi lính. Ở Sài Gòn, những người trốn quân dịch thường phải ở nhà luôn luôn, không đi ra ngoài vì cảnh sát soát giấy tờ thường xuyên trên đường phố. Anh lính không phải là người trốn quân dịch vì anh biểu lộ tình yêu nước và muốn là người trai hiên ngang, đi đây đi đó, vui với núi rừng. Ta chỉ có thể phỏng đoán là anh ngưng học và đi làm phụ giúp gia đình, hoặc có thể nuôi đàn em nhỏ.
Vì anh học trễ tuổi hoặc không đi học mà đến tuổi động viên, anh chắc lả ở tuổi động viên nhỏ nhất, tức là 18 tuổi trước năm 1972 hoặc 17 tuổi năm 1972 và sau đó.
Ta hãy thử suy đoán anh lính thuộc binh chủng nào.
Qua lời tâm sự kể lể, anh không thể thuộc Không Quân hoặc Hải Quân vì hai ngành này có những trường huấn luyện đặc biệt và anh lính cho thấy rõ là yêu thích "núi rừng" chứ không phải bay trên cao hoặc sông biển. Do đó, anh chỉ có thể thuộc Lục Quân, bộ binh hoặc một trong ba binh chủng Tổng Trừ Bị: Nhảy Dù (ND), Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), và Biệt Động Quân (BĐQ).
Anh lính tỏ ý thích "đi cho thoải chí," "đó đây sông cùng núi" và "yêu thương núi rừng." Vì vậy, anh không thể thuộc các sư đoàn BB, ĐPQ, hoặc NQ. Còn chi tiết nữa là anh có vẻ gắn bó với Sài Gòn, rất có thể sinh trưởng tại Sài Gòn, càng cho thấy anh không phải là BB, ĐPQ hoặc NQ thường đóng đồn ở các thành phố, thị xã, thôn quê, nơi họ sinh sống.
Do đó, anh chắc thuộc binh chủng lưu động: ND, BĐQ, và TQLC. Ta hãy xem xét anh thuộc binh chủng nào. Chi tiết "núi rừng" cho thấy anh không phải là TQLC, vì TQLC "giữ nhiệm vụ khởi đầu từ năm 1954 là hành quân thủy bộ, kiểm soát vùng biển và sông ngòi Miền Nam" (Phạm). Anh cũng không thể là BĐQ, vì BĐQ thường nhận binh sĩ, hạ sĩ quan, và sĩ quan từ bộ binh hoặc các binh chủng khác. Ngoài ra, BĐQ có trường huấn luyện riêng ở Dục Mỹ (Wikipedia 2014c). Ta thấy xác suất anh thuộc binh chủng ND rất cao. Có nhiều chứng cớ cho kết luận này.
Trước hết, "[k]hông giống như những đơn vị khác của QLVNCH, Sư Đoàn Nhảy Dù chỉ nhận những Quân Nhân hoàn toàn tình nguyện" (Võ và Nguyễn 2010, 82). Đó là vì binh sĩ ND thường tham gia các trận chiến khốc liệt, có thương vong rất cao. Lính ND có tiếng là can đảm, thiện chiến. Hàng năm, số người tình nguyện "trung bình khoảng 4000 thanh niên trai trẻ" (sđd.). Anh lính cho thấy là người thích đi đây đi đó, vào ra núi rừng, thành phố. Do đó, chuyện anh tình nguyện vào ND rất hợp lý.
Thứ nhì, chương trình huấn luyện cho binh sĩ ND khoảng ba tháng, và tại vùng Sài Gòn. Sau 9 tuần quân trường tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, các tân binh nhảy dù được huấn luyện kỹ thuật nhảy dù tại căn cứ Hoàng Hoa Thám trong ba tuần (Võ và Nguyễn, 2010, 82, 92).
Với những lý do trên, ta có thể suy đoán ra anh lính là một binh sĩ ND. Ta thấy anh tình nguyện đi ND mặc dù biết cuộc sống lính ND rấ̀t gian nan khó nhọc (biết đi là gian khổ/ nhưng vẫn đi cho thoải chí).
2. Anh lính là người Nam chính gốc:
Một chi tiết thú vị nữa là anh lính chắc là người Nam chính gốc. Tôi dùng nhóm chữ "Nam chính gốc" hoặc "Nam kỳ chính gốc" có chút khôi hài để chỉ người sinh trưởng trong miền Nam, có "gốc rễ" miền Nam lâu đời, và không phải là người Bắc di cư, hoặc người Bắc hay Trung di chuyển tới miền Nam sinh sống. Tôi đi đến kết luận anh lính chắc là người Nam chính gốc vì vài chi tiết biểu lộ trong bài hát sau đây.
Trước hết, anh rất yêu thương Sài Gòn, cho thấy anh có nhiều kỷ niệm và sinh sống tại Sài Gòn lâu năm. Đặc biệt, anh dùng "tha hương" khi nói về chuyện rời Sài Gòn ra đơn vị. Ý nghĩa "tha hương" có vẻ phóng đại nhưng cho thấy các anh lính rất có "gốc rễ" ở Sài Gòn. Cái tình yêu thương đó có vẻ chứa chan và sâu sắc hơn những người di cư vào Sài Gòn. Chuyện đó cũng chưa hẳn là đúng vì có rất nhiều người, tuy di cư vào Sài Gòn vẫn có lòng thương yêu Sài Gòn vì họ sinh sống từ lúc còn nhỏ và coi Sài Gòn như quê nhà mình. Nhưng một chi tiết quan trọng hơn khiến tôi khẳng định anh là dân Nam kỳ chính gốc. Đó là câu "lòng nghe buồn riêng vấn vương" và "nghe ấm môi."
Tại sao hai câu đó cho thấy anh lính là dân Nam kỳ chính gốc? Ta hãy đọc lại cả câu: "Bao nhiêu thương nhớ giăng đầy/ Bọn tôi cũng gượng cười mà lòng nghe buồn riêng vấn vương" và "Khói thuốc chưa lần châm mồi/ Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi." Đặc biệt, câu "Khói thuốc chưa lần châm mồi/ Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi" dính líu đến bốn giác quan: thị giác (thấy khói thuốc), thính giác (nghe), khứu giác (mùi), xúc giác (ấm môi). Câu "Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi" có nghĩa bây giờ anh lính nghe mùi khói thuốc và cảm thấy ấm môi.
Ta hãy chú trọng vào nhóm chữ "nghe mùi" và "nghe buồn." Bạn có bao giờ "nghe" được mùi vị thơm của khói thuốc hoặc "nghe" được nỗi buồn không? Hoặc "nghe" được cảm giác ấm áp trên môi không? Hoặc không nhất thiết là khói thuốc hay mùi thơm, bạn có thể nào "nghe" (dùng tai) mùi hoặc nỗi buồn được không? Chắc chắn là không. Ta chỉ có thể "ngửi" mùi hoặc "cảm nhận" nỗi buồn được thôi. Tôi không tin là tác giả đang cố tình dùng kỹ thuật mỹ từ để đem lại hình ảnh mới lạ cho "nghe mùi" hoặc "nghe buồn" vì thực ra "nghe mùi" hoặc "nghe buồn" là cách dùng rất thông dụng trong miền Nam.
Chỉ có dân miền Nam chính gốc mới dùng "nghe mùi" và "nghe buồn." Người Bắc hoặc người Trung ít khi dùng nhóm chữ đó. Ta phải hiểu đó là nét độc đáo của dân "Nam kỳ" và đó là lý do tại sao dân miền Nam có cách ăn nói thật bình dân. Tôi sẽ không đi sâu thêm nữa về các khía cạnh văn hóa dân "Nam kỳ," "Bắc kỳ," hoặc "Trung kỳ" và so sánh các khía cạnh này. Một cách đại khái, với người miền Nam chính gốc, có lẽ giác quan họ dùng nhiều nhất là "nghe." (Đây là câu nói đùa.) Tôi không rõ nguồn gốc thế nào, nhưng cũng có thể người miền Nam thích nghe lời đồn, nghe ngóng, và bàn tán tin tức. Họ thường dùng "nghe thấy" và dùng "nghe" trong hầu hết mọi trường hợp. Có thể đời sống nhàn nhã, ruộng lúa phì nhiêu, trai gái hát hò bên sông rạch hàng đêm, và dân nghe lời ca tiếng hát thường xuyên. Cũng có thể người miền Nam có tính lãng mạn, dùng mỹ từ cho các câu ví von, thét rổi quen đi, và người dân quên đi ý nghĩa "nghe" là dùng thính giác.
Dân các miền khác cũng có lối dùng từ ngữ đặc thù và đó cũng là điểm độc đáo của tiếng Việt đã khiến biết bao nhiêu người ngoại quốc khi học tiếng Việt phải điên đầu. Thí dụ như người Bắc dùng "buồn nôn" trong khi người Nam dùng "muốn ói." Khi nói đến chuyện bài tiết, người Bắc dùng "buồn" nhưng người Nam dùng "mắc." Hẳn nhiên điều đó không có nghĩa là người Bắc sầu não ("buồn") trong việc "nôn" hay bài tiết, hoặc người Nam thích thú ("muốn") trong việc ói mửa ̣hoặc khó chịu vướng víu ("mắc") trong việc bài tiết.
"Nghe mùi" và "nghe buồn" chỉ là hai thí dụ nhỏ trong hàng ngàn cách dùng chữ hoặc động từ của người miền Nam chính gốc. Tôi có một cô bạn người Nam chính gốc. Cô ta hay nói "em bắt điện thoại" (thay vì "nhấc/bật/ mở điện thoại.") Có lần tôi nói chọc cô, "Điện thoại em có tội tình gì mà em bắt nó? Bộ em định bắt nó bỏ vô bót hả?" Cô ta ngẩn người ra, và mặc dù cô ta biết tôi hay nói đùa giỡn, cô ta không hiểu có gì đáng cười với câu chọc đó. Đó là vì cô dùng chữ "bắt" trong "bắt điện thoại" quá thường và không thấy gì kỳ cục.
Tôi không muốn bị coi là phân biệt Nam Trung Bắc, nhưng sự thật là mỗi miền có cách ăn nói và diễn tả ý tưởng khác nhau, và đó là điểm đặc thù mỗi miền. Thực ra, đó cũng là điểm đặc sắc của dân tộc Việt Nam, và là điểm tốt đẹp vỉ nó cho thấy tính chất đa dạng của dân tộc ta.
Trở về anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn," anh ta đúng là dân Nam kỳ chính gốc mới có cách nói "nghe mùi" và "nghe buồn" như vậy. Có thể sẽ có người nói, "Tác giả mới là người Nam kỳ chính gốc, không phải là anh lính." Tuy nhiên, như đã trình bày trước, những gì tác giả viết là gán ghép cho anh lính. Bài hát là lời của anh lính, không phải là lời của tác giả. Tác giả vẫn có thể là người Bắc di cư, quen thuộc lối nói của người Nam, dùng lời người Nam vì muốn tạo ra nhân vật người Nam. Cũng rất có thể tác giả là người Nam chính gốc, không có ý định tạo ra nhân vật người Nam, nhưng mô tả anh lính với cách nói của người Nam một cách không cố tình. Trong cả hai trường hợp, nhân vật anh lính vẫn là đối tượng ta chú ý, và anh lính được tả là người Nam chính gốc. Thực ra ai cũng có thể đoán được anh lính là người Nam chính gốc, vì đa số dân miền Nam thời ấy là người Nam chính gốc. Tuy nhiên, cái suy đoán dựa vào lối ăn nói của anh chính xác hơn và cho ta thêm phần hiểu biết về những đặc thù của người miền Nam.
Đọc tới đây, chắc chắn có nhiều độc giả la lên, "Thằng cha Cao-Đắc Tuấn này khùng rồi. Suy diễn lung tung hết. Từ một bài hát với lời lẽ bình thường mà suy diễn ra đủ mọi chuyện về anh lính. Nào là anh ta 18 tuổi, trình độ học chưa quá lớp 10. Nào là anh ta bỏ học đi làm, là người hiền lành, đi lính binh nhì, tình nguyện vào Nhảy Dù, chia tay bạn gái trong Vườn Tao Ngộ. Nào là anh ta cùng các tân binh đồng đội ra Huế trên máy bay C-130A trong đêm khuya, đáp xuống phi trường Phú Bài sau gần hai tiếng bay. Và bây giờ lại dám kết luận anh ta là dân Nam kỳ chính gốc."
Nếu bị trách, tôi xin chịu tội. Tôi lỡ là người thích viết văn, làm thơ, và nghe nhạc, nên có trí tưởng tượng dồi dào. Nếu độc giả nào trách tôi, thì cũng nên châm chước dùm vì tôi có thói quen thưởng thức một bài hát dựa vào suy diễn chủ quan.
Diễn giải một ca khúc là ý kiến chủ quan trong việc thưởng thức ca khúc đó:
Có hai lý do bào chữa cho tôi.
Thứ nhất, những suy diễn, kết luận của tôi, chắc chắn không đúng 100%. Ngoài những câu đoán, tôi còn phạm nhiều ngụy biện luận lý. Tuy nhiên, những suy đoán, lý luận của tôi không hoàn toàn vô căn cứ. Bài hát tiết lộ những chi tiết rõ rệt và cụ thể phản ảnh tình trạng xã hội và chiến tranh bấy giờ. Dựa vào những chi tiết này, cộng với những chứng cớ liên hệ khá chặt chẽ, tôi đưa ra những kết luận. Do đó, những kết luận này không phải là đoán mò, mà được hỗ trợ bởi những bằng cớ và lý luận xác đáng.
Thứ nhì, và là lý do quan trọng nhất, bài này không phải là một bài bình luận hay diễn giải chính trị nghiêm trọng. Đây chỉ là ý kiến chủ quan của tôi về một tác phẩm nghệ thuật. Thưởng thức nghệ thuật có tính chất chủ quan, và không nhất thiết phải dựa vào một diễn giải khách quan đúng. Tôi có thể hiểu sai ý tác giả, nhưng điều đó không quan trọng bằng tiến trình tôi suy diễn trong việc đem cái diễn tả của tác giả lồng vào cái nhìn chủ quan của tôi trong lúc tôi thưởng thức tác phẩm của tác giả.
Có thể những diễn giải của tôi về anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn" và chuyến đi ra đơn vị́ của anh hoàn toàn sai bét. Tuy nhiên, hình ảnh một thanh niên người miền Nam trẻ tuổi hiền lành, đầy tình với bạn đồng ngũ, người yêu, và thành phố, ra đi tới chiến tuyến lần đầu trong một chuyến bay đêm lạnh lẽo, không có sự hận thù quân giặc, trong khi tình nguyện vào binh chủng oai hùng nhất, có tiếng là can trường và phải hy sinh nhiều nhất trong các trận đánh khốc liệt, để bảo vệ non sông với lòng yêu nước cao cả, tạo cho tôi cảm xúc bùi ngùi và xót xa cho những hy sinh của chiến sĩ VNCH.
Đó là cách tôi thưởng thức bài hát.
C. Ca khúc có lối diễn tả cân bằng, giản dị, và ít vần điệu cho thấy nét mộc mạc đơn sơ của anh lính:
Về phương diện hình thức và cách diễn tả, tác giả kể câu chuyện anh lính trẻ một cách hữu hiệu, nói lên được bản chất hiền hòa và lòng yêu nước của một người lính VNCH tiêu biểu. Cộng với giai điệu chầm chậm, nhẹ nhàng, tiết tấu đều đều, bài hát giúp người nghe cảm nhận tâm tư buồn vui lẫn lộn, cô đơn, ray rứt thương nhớ người yêu, và nỗi niểm yêu thương đất nước của anh lính trẻ.
Đặc điểm của lối diễn tả là sự vừa phải, cân bằng của kỹ thuật viết. Tác giả không dùng những kỹ thuật diễn tả thật nổi bật, mà chỉ dùng từ ngữ giản dị, phù hợp với câu chuyện. Tác gỉả dùng từ ngữ nhẹ nhàng, pha lẫn nét "dễ thương" của các anh lính trẻ 17-18 tuổi, mới ra đơn vị lần đầu.
Tác giả kể câu chuyện dùng cả kỹ thuật "kể" và "cho thấy" một cách dung hòa. Trong phiên khúc đầu, tác giả giới thiệu các nhân vật trong câu chuyện, gồm có các anh lính cùng trang lứa, và người yêu của nhân vật chính. Rồi tác giả kể chuyến đi ra đơn vị với những hình ảnh cụ thể như nét chấm phá cho bức tranh câu chuyện.
Để ý là tác giả dùng "chúng tôi," và "bọn tôi" ("Cùng trang cùng lứa chúng tôi," "Tám thằng trong chúng tôi," "Bọn tôi cũng gượng cười"), cho thấy anh lính nặng tình đồng đội cho dù mới xong quân trường. Tinh thần đồng đội này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài hát ("thương mến nhau," "đồng hành," "vui chung," "đứa nghiêng vai," "đứa khoanh tay," "chia sẻ đau thương ngọt bùi"). Ta không lấy làm lạ về tình "huynh đệ chi binh" của các chiến sĩ QLVNCH. Đặc biệt, với binh chủng ND, tình đồng đội còn thắm thiết hơn vì ND thường đánh trận dữ dội, và có nhiều dịp để chia sẻ đau thương và giúp đỡ lẫn nhau. Với các anh lính trẻ, họ hiểu chuyện đó hơn ai hết thẩy vì họ tình nguyện gia nhập ND, chấp nhận cuộc đời gian khổ. Tình huynh đệ chi binh không cần phải được phát triển trong những ngày chiến đấu vào sinh ra tử bên nhau, mà đã được hình thành ngay từ lúc gia nhập gia đình "thiên thần mũ đỏ" ND.
Tác giả "cho thấy" những hình ảnh cụ thể nhưng rất gây ấn tượng cho cuộc hành trình đầu tiên ra đơn vị. Tác giả dùng từ ngữ tượng hình để mô tả các anh lính trẻ với thái độ ngẩn ngơ trẻ con (nghiêng vai ngồi tiếc nuối, khoanh tay nhìn trời, gượng cười, khói thuốc chưa lần châm mồi). Các từ ngữ anh lính dùng cũng rất đơn sơ giản dị, không cầu kỳ ("nặng lắm," "em ơi," "lạnh lắm"), biểu lộ tâm hồn chất phác hiền lành. Ngoài ra, tác giả tả anh lính vẩn vơ nghĩ đến người yêu, viết thư tình mãi mà chưa xong. Câu "Gió Sông Hương lạnh lắm, phải chăng sông núi lạnh hay tại vì anh xa em?" cho thấy tình yêu anh dành cho người yêu thật thắm thiết và chân thành. Với những mô tả như vậy, ta không thể hình dung ra chiến sĩ ND can trường xông pha ngoài trận mạc. Điều đó có làm yếu kém ý tưởng hay không? Đương nhiên là không. Thực ra, những diễn tả ngơ ngác, vẩn vơ, hiền lành của các anh lính còn làm mạnh ý tác giả hơn nữa, vì tác giả đang muốn vẽ ra hình ảnh các chàng trai trẻ hiền hòa đầy tình cảm và có lòng yêu nước thiết tha.
Bài hát dùng rất ít vần điệu nhưng dủng chữ đơn giản. Toàn thể bài hát chỉ có một vài câu có chút vần điệu (Giờ buồn người ở phương xa/ Vẩn vơ từ đêm qua). Ta nên hiểu tác giả cố tình chọn không vần điệu, để tạo nét chân thật và mộc mạc cho anh lính. Vần điệu giúp bài hát có âm tiết trôi chảy nhưng có thể khiến lời nói anh lính trở nên màu mè, gượng ép. Cũng như trong thơ, vần giúp câu thơ trôi chảy, dễ nghe, nhưng đôi khi có sự gò bó trong cách diễn tả, vì ý tứ phải theo vần. Vì vậy, thơ theo thể loại tự do giúp người viết có dịp diễn tả ý phong phú, chính xác, và hiệu quả hơn.
Gần giống như thơ, lời ca trong bài nhạc, khi không bị gò bó bởi vần điệu, diễn tả ý tưởng chính xác và thể hiện tâm trạng chân thật hơn. Một điểm bất lợi của lời ca là cấu trúc mỗi đoạn bị chi phối bởi số phách trong mỗi ô nhịp và do đó không thể có những ngắt quãng tùy ý. Ngược lại, một lợi điểm là lời ca được diễn tả qua giai điệu lên xuống và tiết tấu nhịp nhàng, nên có được những tác dụng của âm thanh mà thơ thường không có (trừ phi được ngâm với lối ngâm thơ thích hợp).
Những câu trong "Giã Từ Sài Gòn" dùng từ ngữ đơn giản, rất it mỹ từ. Vì lời ca là lời anh lính, tác giả muốn dùng lời ca để phản ảnh bản chất, cá tính, và con người của anh. Thí dụ, câu "tám thằng trong chúng tôi, đứa nghiêng vai ngồi tiếc nuối, đứa khoanh tay nhìn trời" tả cảnh tượng chính xác, không mơ hồ, và dùng từ ngữ đơn giản. Câu "Khói thuốc chưa lần châm mồi, chưa từng quen mùi mà giờ thì nghe ấm môi" cho thấy sự chân thật và có chút gì "ngây thơ vô tội" của một cậu trai 18 tuổi. Ngay cả trong câu chót, "Có yêu thương thành phố, phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang," ta thấy có cái gì chất phác, mộc mạc, hơi chút quê mùa trẻ con, và không có triết lý gì cao sa.
D. Kết Luận:
Ca khúc "Giã Từ Sài Gòn" là một bài hát diễn tả tâm tình một anh lính trẻ, mới rời quân trường và ra đơn vị lần đầu. Qua cách diễn tả cân bằng, đơn giản, tác giả cho thấy bản chất hiền hòa, đầy tình cảm, của anh lính với nỗi niềm yêu thương đấ̃t nước, người yêu, và cuộc đời lính. Những chi tiết cụ thể trong bài hát cho biết vài đặc điểm cá nhân anh lính và giúp người nghe hiểu được tình trạng xã hội miền Nam trong thời chiến tranh và cảm thấy gần gũi với anh lính hơn.
Tuy những đặc điểm cá nhân này không nhất thiết đại diện cho tất cả chiến sĩ VNCH, các khía cạnh nhân bản đầy tình người và lòng yêu nước quả thật tiêu biểu tinh thần người miền Nam trước 1975 và chiến sĩ VNCH. Tinh thần ấy khác hẳn tinh thần hiếu chiến và tàn ác mà giới lãnh đạo cộng sản đưa vào đầu óc binh sĩ cộng sản qua những bài hát kích động giết chóc và hận thù.
CẢM TẠ
Tôi có lời cảm tạ anh Vũ Đông Hà và các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo, nhất là các bạn emSAIGON, Sài gòn, daubetangthuong, mythanh, và bức xúc, đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn bức xúc.
Cao-Đắc Tuấn