Kỳ 1: Thịt heo bơm nướcẢo thuật trong thực phẩm Việt rất thiên hình vạn trạng, đơn giản nhất thì chỉ là một lời nói dối, nhưng cũng có lúc đòi hỏi công đoạn, kỹ thuật cứ như hàng kỹ nghệ cao cấp. Một số những trò ảo thuật thần kỳ và nguy hiểm nhất là những màn liên quan đến món thịt, một nguồn dinh dưỡng tất yếu và cao giá.
Trò ảo thuật thô sơ nhất, như đã nói ở trên, là lời nói dối. Chẳng hạn như thịt trâu biến thành thịt bò. Đây là trò có lẽ đã có từ thời tiền sử. Một trò khác, không hiểu từ lúc nào, đòi hỏi nhiều công sức và trang bị hơn là bơm nước vào bụng heo trước khi đem bán để con heo cân nặng hơn và như thế dĩ nhiên người bán được nhiều tiền và lợi nhuận hơn.
Một quán bán thịt heo ở Bắc Hà, tỉnh Lào Cai ngày 2 tháng 11, 2014. (Getty Images)
Quá trình bơm này đã được diễn tả chi tiết trong một phóng sự của báo Thanh Niên. Phóng viên đóng vai thương lái được dẫn đến một lán ở ấp Bắc Hòa, xã Bắc Sơn, Huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Mỗi ngày, lán này có thể bơm nước hơn 100 con heo rồi chuyển đến các lò mổ để đưa đi tiêu thụ ở thị trường Sài Gòn. Lán được thiết kế như trang trại nuôi heo, chuồng chia ô, thành chuồng được làm bằng sắt.
Heo bị thúc lại gần thành chuồng rồi dùng dây dù cột chặt hàm phía trên, siết chặt vào thành chuồng sắt. Heo càng quẫy đạp, dây dù càng siết chặt mõm heo với thành chuồng. Con nào phản kháng sẽ bị thợ đạp cho phủ phục xuống nền rồi kéo lê lại sát thành.
Sau đó “thợ bơm” cắm ống nhựa gắn liền với thùng nước treo trên cao sâu vào miệng heo, rồi đổ nước vào thùng để theo ống vào bụng heo. Mỗi lần bơm khoảng 10 phút cho đến khi heo no nước. Khi rút ống nước, có nhiều con heo lảo đảo té xuống nền, nước từ miệng trào ra xối xả.
Theo “cò” heo trong phóng sự , đây chỉ là một trong nhiều lán tương tự trong vùng, thường xử dụng trong vòng quen biết nhưng cũng có lán hoàn toàn thương mại, có nghĩa là bơm nước phục vụ thương lái. Tổng cộng “công suất” của những lán này phải hơn 1,000 cho đến 2,000 con heo mỗi ngày.
Kết quả của công sức con người và của cải đổ vào quá trình hành hạ những con vật sắp chết là khoảng 200 ngàn đồng VN ($10 đô la) cho mỗi con heo. Con số này được tính toán như sau: sau khi bơm, heo tăng chừng 4 - 5 kg so với trước. Hiện nay giá heo khoảng 60,000 đồng/kg, như thế doanh thu do bơm nước tăng thêm 250,000 – 300,000 đồng/con, trừ khi khoản chi phí bơm nước là còn lại 200 ngàn đồng. Nói 200 ngàn đồng mỗi con heo thì như là chẳng đáng nhưng tính số heo nghìn con thì thấy ngay sự khác biệt. Giá heo bơm nước thấp hơn giá bình thường gần 1,000 đồng/kg, nhưng vẫn để khoảng cách biệt để người bán vẫn dư 100 ngàn đồng mỗi con, một món tiền “tự dưng mà có” khiến người ta khó cưỡng lại.
Khi trò ảo thuật bơm nước vào heo trở thành phổ biến, nó cũng tạo cái thế chẳng đặng đừng cho những người muốn làm ăn chân chính. Giờ đây, với giá thịt giảm và không có sự chênh lệch đáng kể giữa heo bơm nước và heo không bơm nước, những người không muốn bơm nước vào heo cũng phải làm theo nếu không muốn bị phá sản.
Trò ảo thuật này rõ ràng là gian lận người tiêu dùng, nhưng ngoài cái hại mua thịt cao giá hơn bình thường, còn cái hại nào khác không?
Theo bác sĩ Trần Văn Ký thuộc Hội Khoa học an toàn thực phẩm VN, việc bơm nước diễn ra ở các lán trại nên chắc chắn nguồn nước dùng bơm vào heo không đảm bảo vệ sinh. Nước bẩn có nhiễm vi sinh, hóa chất, kim loại nặng sẽ thấm vô từng thớ thịt của heo. Vi khuẩn, vi sinh sẽ phát triển trong thịt heo và hóa chất, kim loại nặng sẽ tích tụ độc chất trong cơ thể, sinh ra bệnh tật, nhất là bệnh ung thư cho người sử dụng.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan (chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt đến rau – củ - quả), thường nước bơm cho heo không phải nước sạch mà thường là nước phèn có độ pH cao thì nước mới thẩm thấu và giữ lâu trong thịt heo được. Nếu bơm nước sạch thì thịt không giữ được nhiều nước.
Ngoài những thứ độc hại (vi sinh, hóa chất) do nguồn nước mang đến, thịt heo bơm nước tự nó đã mang độc tố nhiều hơn bình thường, vì khi heo bị buộc siết vào thành chuồng, buộc phải uống nước, la hét vang dội, đấy là lúc những độc tố là phản ứng khi cơ thể cảm thấy đau đớn, hoảng hốt, đau đớn sẽ tiết ra. Sát sinh thực phẩm một cách nhẹ nhàng nhất cho con vật chỉ có một phần nguyên do là nhân đạo, phần còn lại là giữ chất lượng thịt về hương vị cũng như giảm thiểu độc tố (có thể ảnh hưởng hương vị).
Như thế, chuyện bơm nước vào heo trước khi mổ là chuyện trái luật pháp (một hình thức lừa gạt người tiêu dùng) cũng là chuyện gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, mười mươi cần phải “triệt phá.” Thế nhưng những lán bơm nước cứ làm ăn công khai vì cũng theo “cò” heo, “biết điều thì sống thôi!” Có thể dễ dàng hiểu bao quát là biết điều với quan chức chung chung, và chi tiết cụ thể thì là quan chức địa phương và cơ quan kiểm dịch.
Gì chứ chuyện “biết điều” thì dân kinh doanh ở Việt Nam biết rõ lắm và tuân thủ răm rắp. Thế nên chuyện bơm heo trở thành “khó phát hiện,” như một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai (đề nghị không nêu tên) nói. Người này than thở rằng đi trinh sát 2, 3 giờ sáng mà cũng không bắt được quả tang, cả năm chỉ phát hiện, xử lý được 2 vụ, mỗi vụ 3 con heo bị bơm nước, và xử phạt hành chính 11 triệu đồng. Chỉ có những lán có chủ “không biết điều” mới bị dẹp nhanh chóng gọn ghẽ, cho nên có thể kết luận trong năm qua chỉ có hai lán “không biết điều” mà thôi.
Hơn nữa, hiện trạng heo bơm nước ai cũng biết, phóng viên mò đến tận nơi làm phóng sự, thế mà ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai lại nói “có tin báo từ dưới lên chúng tôi mới phối hợp xử lý, chứ nếu địa phương không báo chúng tôi không thể nào biết hết được.” Nghe cứ như trụ sở của ông nằm đâu đó tận ngoài Bắc, xa xôi lắm không thấu việc địa phương, chứ chẳng phải ngay cái tỉnh Đồng Nai, và câu tuyên bố của ông thì đúng y boong cái kiểu chối tội, đùn đẩy trách nhiệm.
Có những cơ quan chức năng kiểu này nên mấy con heo sắp chết cũng chưa được yên thân, và người tiêu dùng thì chết sống mặc bay. Không chỉ là người dân, mấy quan chức nhỏ lớn và gia đình họ hàng gần xa của họ khi ngồi vào bữa ăn cũng khó tránh khỏi món thịt heo bơm nước!!
NGUYỄN PHƯƠNG