Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đọc diễn văn nhân dịp năm mới, Bình Nhưỡng, ngày 01/01/2013
REUTERSNhiều tín hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên có thể thực hiện cải tổ kinh tế. Mặc dù Trung Quốc là đồng minh chủ chốt của Bắc Triều Tiên, nhưng dường như Bình Nhưỡng muốn đi theo mô hình của Hà Nội hơn là của Bắc Kinh.
Bài phát biểu nhân dịp năm mới, ngày 01/01/2013 của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gây nhiều ngạc nhiên : Kim Jong Un kêu gọi thực hiện một sự chuyển hướng triệt để, nhằm xây dựng một cường quốc kinh tế, cải thiện mức sống của người dân.
Đối với ông Werner Pfennig, thuộc Học viện nghiên cứu Triều Tiên, tại Berlin, được website Deutsche Welle trích dẫn, thì tuyên bố trên đây của Kim Jong Un không phải là vô vọng.
Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine, gần đây, đã có đăng một bài viết nhận định rằng diễn văn đầu năm 2013 của Kim Jong Un có nhiều nội dung đáng chú ý chứ không phải là những câu chữ sáo mòn, vô nghĩa. Đặc biệt là bài báo nói đến việc các chuyên gia kinh tế Đức dường như tư vấn cho ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong vấn đề cải cách. Một chuyên gia tư vấn cho tờ báo biết, Bình Nhưỡng có thể bắt đầu thực hiện cải cách trong năm nay 2013 và Việt Nam sẽ là mô hình để Bắc Triều Tiên noi theo, hiện đại hóa đất nước.
Ông Pfennig nhấn mạnh : « Nếu Bắc Triều Tiên thật sự cần có một ví dụ để noi theo, thì đó là Việt Nam ». Bởi vì, « các đặc khu kinh tế theo mô hình Trung Quốc, nằm dọc đường biên giới, nói một cách ngoại giao, là không thành công lắm tại Bắc Triều Tiên ». Hơn nữa, chế độ Bình Nhưỡng tỏ ra rất ngờ vực đối với những chính sách thực dụng của ban lãnh đạo Trung Quốc. « Nếu một phái đoàn Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc học tập, họ nghĩ là họ đi sang phương Tây ». Thế nhưng, đó không phải là trường hợp đối với Việt Nam.
Theo chuyên gia Pfennig, vấn đề chính đối với Bình Nhưỡng là mối quan hệ giữa mở cửa và kiểm soát. « Suy nghĩ chung tại Bắc Triều Tiên là Việt Nam thực hiện một chính sách kinh tế và làm ăn với những quốc gia mà Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được tình hình. Chính điều này làm cho mô hình Việt Nam trở nên hấp dẫn ».
Về chính trị và tuyên truyền, chính quyền Bình Nhưỡng cho rằng Việt Nam đã đánh thắng Mỹ, thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh tới đường lối độc lập và cũng có một lãnh tụ được tôn sùng là Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia Đức nhận định, sự phát triển của Việt Nam dựa trên hai chính sách chủ yếu : Thứ nhất mở cửa thị trường trong nước ở một mức độ nào đó, khởi đầu là nông nghiệp, sau đó, cho phép triển kinh doanh ở mức độ nhỏ, hộ gia đình và cuối cùng là phát triển các doanh nghiệp lớn. Chính sách thứ hai là mở của ra các thị trường bên ngoài, qua đó, thu hút được đầu tư ngoại quốc.
Thành công của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, trong những năm 1990, gây ấn tượng mạnh cho Bắc Triều Tiên, vốn thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu lương thực triền miên.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Đức lại không tin tưởng là Bình Nhưỡng có thể phát triển được theo mô hình Việt Nam hay Trung Quốc, do không có những điều kiện cơ bản để thực hiện cải cách : Bắc Triều Tiên thiếu cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp. Nước này gần như bị cô lập hoàn toàn trên thế giới. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, đó là nguồn vốn, tri thức và quan hệ của cộng đồng người Triều Tiên ở hải ngoại. Cộng đồng Hoa kiều và Việt kiều hỗ trợ rất nhiều cho Trung Quốc và Việt Nam tạo dựng những kết nối với bên ngoài, trong giai đoạn ban đầu của tiến trình mở cửa.
Chính vì thế, theo các chuyên gia Đức, trước mắt, giải pháp tốt nhất đối với Bắc Triều Tiên là thay vì cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc hay Việt Nam, Bình Nhưỡng nên xây dựng các đặc khu kinh tế. Dự án đặc khu kinh tế Kaesong sử dụng tới 50 000 nhân công Bắc Triều Tiên, làm việc dưới sự quản lý của các doanh nhân Hàn Quốc và mang lại một nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho chế độ Bình Nhưỡng.
Source: RFI