logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 05/12/2014 lúc 06:19:51(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
WESTMINSTER, Calif (VN) - Thoạt nhìn, bìa cuốn "Lửa Cháy Trong Mưa," với khuôn mặt một phụ nữ tóc ướt đẫm dưới làn mưa, giọt lệ trên má, và những ngọn lửa cháy phần phật chung quanh, khiến người ta tưởng nhầm đây là một "tiểu thuyết lá cải," nhưng khi lật thử vài trang, sẽ ngạc nhiên thấy cuốn sách hoàn toàn liên quan đến lịch sử Việt Nam từ thời bà Trưng, bà Triệu đến hiện đại, và cả một nước Việt tự do dân chủ trong tương lai.

Lửa Cháy Trong Mưa được tác giả, ông Cao Đắc Tuấn gọi là một "tiểu thuyết lịch sử," và cho biết để hoàn thành nó, ông đã phải bỏ nhiều thời gian tìm tòi nghiên cứu, qua nhiều nguồn tài liệu như sách, các bài báo, tạp chí, và nhiều công trình học thuật khác, để viết sao cho thật "chính xác" lịch sử Việt Nam.

Đặc biệt, Lửa Cháy Trong Mưa được viết trước bằng tiếng Anh với tựa đề: "Fire in the Rain" rồi sau đó mới được (chính tác giả) dịch ra - viết lại - bằng tiếng Việt.

Tác giả Cao Đắc Tuấn giải thích với nhật báo Người Việt rằng ông viết bằng tiếng Anh vì: "một phần muốn nhắm vào những độc giả trẻ, không rành tiếng Việt, phần khác vì viết tiếng Anh có phần ... dễ hơn cho tôi, vả lại cũng muốn giới thiệu lịch sử việt Nam cho thế giới biết."

Cả hai phiên bản Anh (khoảng 450 trang) và Việt (khoảng 500 trang) đều do Hell Gate Press xuất bản.
UserPostedImage

Bày tỏ niềm vui cuối cùng sách được Hell Gate Press nhận xuất bản sau khi bị bao nhiêu nơi khác khước từ, ông nói:

"May quá tôi tìm được một nhà xuất bản chuyên về những tác phẩm quân sự, nên sách mới được in."

Thật ra việc sách được in, không hẳn là may mắn của tác giả, mà của biết bao người trẻ gốc Việt sống ở Hoa Kỳ không đọc được tiếng Việt, và những vị cha mẹ muốn con mình hiểu hơn về lịch sử nước nhà.

Bằng lối xây dựng những nhân vật hư cấu và tiểu thuyết hóa những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, bằng lối viết đơn giản và sống động, bằng cách khéo léo chuyển các sự kiện có thật của đất nước thành một thiên anh hùng ca và sống động như một cuốn phim hấp dẫn, đầy "action" mà cũng đầy tình cảm, tác giả đưa người đọc làm một cuộc hành trình thú vị theo những thăng trầm của dòng lịch sử nước Việt.

Lửa Cháy Trong Mưa hay "Fire in the Rain" là tuyển tập 11 truyện ngắn nói về những mốc quan trọng trong lịch sử của Việt Nam, bao gồm một khoảng thời gian hơn 2,000 năm. Duyệt qua cuốn sách, sẽ thấy chuyện ngắn về cuộc nổi dậy dành độc lập của Hai Bà Trưng, chuyện về trận Bạch Đằng Giang với Ngô Quyền, chuyện bà Bùi Thị Xuân bị xử trảm do chính con voi mình thường cưỡi ra trận giết chết, cuộc thảm sát Mậu Thân với những kẻ nằm vùng đưa bộ đội vào thành phố Huế giết hại người dân, chuyện các vị tướng Việt Nam tuẫn tiết sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản cuối tháng Tư, 1975, và cảm động nhất là buổi gặp gỡ tình cờ tại thủ đô của người Việt tị nạn, giữa một cựu sĩ quan quân lực VNCH và một người lính Mỹ trước kia từng tham dự trận đánh gay go với ông ở Huế.

Tác giả Cao Đắc Tuấn miêu tả nhân vật của mình với con mắt sắc sảo, đôi khi lột tả tâm lý nhân vật hay nói lên toàn cảnh chỉ bằng một câu văn ngắn gọn, hay một đoạn đối thoại.

UserPostedImage
Hình bìa cuốn tiểu thuyết lịch sử "Lửa Cháy Trong Mưa" của tác giả Cao Đắc Tuấn. (Hình: Người Việt)

Hãy đọc thử vài câu trong chuyện ngắn thứ nhất, trong đó hai cựu quân nhân Việt và Mỹ, sau khi tình cờ gặp lại nhau ở quận Cam đã trở thành thân thiết. Thấy bạn ở trong một tâm lý bế tắc, một mặt thì luôn hướng lòng về quê hương, mặt khác hết sức chán nản về tình hình ở Việt Nam, và thề không bao giờ trở lại quê nhà, người bạn Mỹ cất lời khuyên:

“Nếu anh thực sự quan tâm đến hàng triệu trẻ em ở Việt Nam và thế hệ tiếp theo, anh không thể chỉ nói mà thôi. Khi tôi nói chiến tranh chưa kết thúc, tôi có ý nói là chiến tranh ý thức hệ. Những người cộng sản chiến thắng quân sự, nhưng họ không nhất thiết thắng được trái tim của dân. Anh vẫn có rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn như đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam nếu anh thực sự muốn đạt được chiến thắng.”

Và đưa ra những nhận định xác đáng:

“Tiếng nói của các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam giống như những đốm lửa. Khi một đốm bị dập tắt, một đốm khác sẽ bốc lên. Chẳng bao lâu, những đốm lửa đó sẽ kết hợp lại thành những ngọn lửa. Cuối cùng, những ngọn lửa sẽ hợp nhất thành một cơn lửa đốt cháy với một cường độ mà không gì có thể dập tắt được.”

Dưới đây là một đoạn trong chuyện ngắn kể lại Hội Nghị Diên Hồng vào mùa Thu năm 1284:

"Đánh! Đánh! Đánh!

Âm thanh vang dội trên Thăng Long thành, lan tràn qua các đường phố trên nội thành và ra cả đến ngoại thành, nơi thường dân sống. Mọi người dừng hoạt động và nhìn về phía cung điện với vẻ mặt hoảng kinh. Họ biết về Hội Nghị Diên Hồng và sắc lệnh của Thái Thượng Hoàng. Nhưng họ không ngờ nghe tiếng các bô lão trong cơn bùng nổ kỳ diệu như vậy.

Đánh! Đánh! Đánh!

Tiếng hét rung chuyển bầu không khí với một nhịp điệu rõ ràng, như thúc dục lòng người..."


Và một đoạn trong chuyện Tiếng Khóc Vùi Chôn, về cuộc thảm sát Mậu Thân:

“Tên VC trong bộ bà ba đen giơ súng và bắn một phát độc nhất vào mặt người đàn ông đang đứng ở đầu chuỗi người. Ông ta ngã xuống rãnh, không một tiếng kêu, kéo những người khác theo với ông. Một người ngã, người kế tiếp ngã theo, và mọi người còn lại rớt xuống rãnh. Họ gào lên nhưng tiếng la hét của họ bị bóp nghẹn bởi giẻ nhét trong miệng thành những tiếng ú ớ.

“Lấp hố mau! Tên VC áo trắng quát với đám trẻ.

Phú cứng người. Nó không cử động được. Mấy đứa kia đứng chết sững.

Mấy tên VC chọc AK-47 vào đám trẻ. Tên VC áo trắng quất lưng Phú với báng súng. “Làm đi, nếu không tao bắn!”

“Không,” Phú la lên.

Tên VC áo trắng giơ cây AK-47 lên và nhắm vào đầu Phú. “Tao làm thiệt đó, lấp hố!”

Phú nuốt ực. Nó đẩy cái xẻng vào đống đất mới đào, cầm cán trong một tay và lau mắt bằng tay kia, ấn cạnh xẻng với bàn chân, kéo nó ra với nắm đất, và hất vào rãnh. Mắt nó mờ đi, tai nó ù lên. Nhưng nó cứ xúc mạnh và hất.

Một nơi nào đó ở xa xa, một tiếng nổ vang lên trong màn đêm yên tĩnh.”

Và còn nhiều đoạn nữa đáng được trích dẫn...

Nhưng người đọc, nếu đã thích những câu chuyện thì càng phải đánh giá cao những ghi chú, chiếm gần một phần tư cuốn sách, gồm tóm lược các tài liệu liên quan đến nhiều giai đoạn lịch sử. Một danh sách rất dài liệt kê các tài liệu tham khảo, các bài tiểu luận, những chi tiết ghi chú về vóc dáng của Lê Lợi, Bình Ngô Đại Cao Nguyễn Trãi, Võ Nguyên Giáp, v.v...

Nói tóm lại, nếu đo lường sự hữu hiệu của sách trong việc muốn thế hệ trẻ gốc Việt hiểu lịch sử Việt Nam thì có lẽ tác giả Cao Đắc Tuấn đã thành công, vì mới chỉ đọc qua vài chuyện, ý nghĩ đầu tiên của người giới thiệu sách là "phải bảo con trai minh nó đọc."
Và xác suất thuyết phục một thanh niên đang lớn đọc tiểu thuyết cao hơn một cuốn sách sử rất nhiều!

Độc giả muốn mua sách có thể vào website của Amazon.com theo đường chuyền: http://www.amazon.com/Fi...an-Cao-Dac/dp/1555717462


Hà Giang/Người Việt
phai  
#2 Đã gửi : 05/12/2014 lúc 06:26:49(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Giới thiệu sách Lửa Cháy Trong Mưa của Cao-Đắc Tuấn

Dân Làm Báo hân hạnh giới thiệu cuốn sách "Lửa Cháy Trong Mưa" tới độc giả trong thôn. Tác giả sách là Cao-Đắc Tuấn, một người đóng góp thường xuyên trên trang nhà Danlambao. Anh Tuấn đã đăng nhiều bài thơ và bài viết về cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 và 21, thành ngữ tiếng Việt, và một loạt bài về âm nhạc miền Nam trước 1975. Anh đã viết nhiều truyện nhưng "Lửa Cháy Trong Mưa" là sách anh xuất bản đầu tiên. Danlambao hy vọng độc giả sẽ thưởng thức sách này như những bài cùa anh, và mua sách ủng hộ anh Tuấn. Thông tin mua sách ở cuối bài này.


Dân Làm Báo phỏng vấn Cao-Đắc Tuấn

Dân Làm Báo (DLB): Xin anh cho biết từ lúc nào và lý do nào đã thúc đẩy anh viết "Lửa Cháy Trong Mưa"?

Cao-Đắc Tuấn: Ý tưởng viết một tuyển tập truyện ngắn lịch sử đến với tôi vào năm 2011. Lúc ấy, tôi đã viết xong ba truyện tiểu thuyết trong đó là một trường thiên tiểu thuyết lịch sử về Công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ. Tôi không kiếm được nhà xuất bản nào ở Mỹ nhận in sách, vì rất khó có người đại diện mình trong việc thương lượng với nhà xuất bản. Trong lúc chờ đợi, tôi nảy ra ý viết nhiều truyện ngắn lịch sử để giới thiệu lịch sử Việt Nam tới độc giả Mỹ. Tôi lúc nào cũng mê lịch sử Việt Nam. Tôi muốn viết về lịch sử Việt Nam để người đọc muốn học về sử ta không bị nhàm chán với chi tiết về các nhân vật, ngày tháng, và biến cố, như vẫn thường được mô tả trong các sách giáo khoa lịch sử. Tôi thấy tiểu thuyết lịch sử lả một khí cụ hữu hiệu dạy học sinh về sử và giúp độc giả có được hiểu biết sâu xa về các sự kiện lịch sử. Một lý do nữa là tôi muốn viết về sử chính xác có thể được để sửa lại những sai sót, nhất là trong chiến tranh Việt Nam.


DLB: Anh có thể giải thích ý nghĩa của nhan đề "Lửa Cháy Trong Mưa" được không?


CĐT: Được chứ. Nhan đề nói về tinh thần bất khuất của người Việt Nam chống lại đàn áp ngoại bang hoặc trong nước. "Lửa" thể hiện tinh thần này và "Mưa" thể hiện sự đàn áp. Trận mưa đang cố dập tắt cơn lửa, nhưng cơn lửa vẫn nổi lên càng lúc càng lớn và không bao giờ tàn. Bức minh họa ở bìa trước diễn tả ẩn dụ này. Tôi thêm vào khuôn mặt Âu Cơ, mẹ Việt Nam, đang chia sẻ nỗi đau thương hiện nay của con cháu bà như được diễn tả qua các sợi tóc ướt và bà biểu lộ nỗi buồn qua một giọt nước mắt trên mặt.
DLB: Có bao nhiêu truyện cả thảy?


CĐT: Có 11 truyện ngắn trong ba phần. Phần 1 có một truyện về hiện đại vào năm 2013. Phần 2 có 9 truyện về các biến cố lịch sử từ năm 42 tới năm 1980. Phần 3 có một truyện về thời tương lai vào năm 2056.


DLB: Truyện thời hiện tại nói về gì?


CĐT: Nhan đề truyện đầu tiên là "Lửa Cháy Trong Mưa" và cũng là nhan đề cả quyển sách. Truyện này nói về Toàn, một cựu sĩ quan bộ binh VNCH, sống tại Hoa Kỳ từ 1981 khi ông là một thuyền nhân vượt thoát Việt Nam. Ông sống cuộc đời bình thường ở Hoa Kỳ với người con trai, vợ anh ta, và hai cháu nội gái, và chôn vùi quá khứ ông. Một cuộc gặp gỡ tình cờ vào năm 2013 với Brad Miller, một cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và chiến hữu ông, làm sống lại quá khứ. Trong thời gian này, ông kể hai cháu nội gái những chuyện về lịch sử Việt Nam, dẫn đến các truyện ở Phần 2.
DLB: Truyện chót về gì?


CĐT: Nhan đề truyện này là "Giấc Mơ Mẹ" về giấc mơ của mẹ Việt Nam. Truyện này về nền dân chủ tương lai tại Việt Nam vào năm 2056 sau khi chế độ cộng sản xụp đổ.


DLB: Sao lại đến 2056? Lâu thế?


CĐT (cười): Tôi phải cho các nhân vật trong truyện trưởng thành chứ. Câu chuyện xảy ra năm 2056, nhưng nền dân chủ tại Việt Nam được hình thành trước đó. Đây chỉ là câu chuyện giả tưởng, hoàn toàn không phản ảnh chuyện có thể xảy ra hoặc ước vọng của tôi. Ngoài ra, vì nhiều người vẫn cho rằng chế độ cộng sản Việt Nam không thể bị xụp đổ, nên tôi muốn vẽ ra hình ảnh đất nước thế nào khi có nền dân chủ. Khi tưởng tượng chuyện đó, ta sẽ thấy chế độ cộng sản sẽ xụp đổ nhanh hơn. Ai cũng thấy trước sau gì chế độ cộng sản sẽ tan vỡ, sao ta không hủy diệt nó bây giờ?


DLB: Câu chuyện đó thế nào?


CĐT: Đó là câu chuyện về hai cô cháu nội của Toàn, được giới thiệu trong truyện đầu tiên. Cô chị trở về Việt Nam ra ứng cử Tổng thống. Cùng lúc, cô em ra ứng cử Tổng thống Hoa Kỳ.


DLB: Việc đó có thể được không? Hai chị em ra ứng cử Tổng thống tại hai quốc gia?


CĐT: Đương nhiên có thể được chứ. Thực ra, tôi nghĩ chuyện đó rất có thể xảy ra. Xác suất cho một người Mỹ gốc Việt là Tổng thống Hoa Kỳ rất cao. Chuyện Barack Obama là Tổng thống người Mỹ gốc Phi châu đầu tiên tạo nhiều cơ hội cho mọi người thuộc mọi sắc tộc, nam hay nữ. Còn ở Việt Nam, một khi đất nước có nền dân chủ, chuyện gì cũng có thể được hết.
DLB: Hai cô có đắc cử không?


CĐT (mỉm cười): Chuyện đó anh phải mua sách đọc mới biết được.


DLB: Sao anh nghĩ ra cốt truyện như vậy?


CĐT: Lịch sử Việt Nam trong sách khởi đầu bằng hai chị em bà Trưng. Tôi nghĩ để sách chấm dứt với hai chị em cũng hay.


DLB: Anh quyết định về các giai đoạn lịch sử của các truyện trong Phần 2 như thế nào?


CĐT: Tôi quyết định về các giai đoạn lịch sử dựa vào tầm quan trọng trong sử nước ta. Quyết định cho bốn truyện đầu dễ dàng vì các truyện đó có tầm quan trọng lịch sử: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền và trận Bạch Đằng (nhan đề "Thủy Triều Cao"), Hội Nghị Diên Hồng, và Nguyễn Trãi và Bình Ngô Đại Cáo. Quyết định cho năm truyện sau hơi khó. Tôi mất nhiều tuần mới quyết định xong. Sau cùng thì tôi quyết định viết về Bùi Thị Xuân (nhan đề "Giọt Nước Mắt Voi"), trận Điện Biên Phủ, vụ thảm sát Tết Mậu Thân (nhan đề "Tiếng Khóc Vùi Chôn"), sự xụp đổ miền Nam Việt Nam năm 1975, và cuộc hành trình thuyền nhân. Tôi tin là những truyện này là những bức ảnh chụp quan trọng của lịch sử Việt Nam trong hai trăm năm qua.
DLB: Tại sao anh bỏ những giai đoạn và nhân vật lịch sử quan trọng khác như Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, và Nguyễn Huệ?


CĐT: Trước hết, tôi không thể bao gồm mọi giai đoạn và nhân vật lịch sử quan trọng trong một cuốn sách khoảng 500 trang. Về Nguyễn Huệ, có lý do chính đáng. Như tôi nói ở trên, trước khi viết "Lửa Cháy Trong Mưa," tôi đã hoàn tất một trường thiên tiểu thuyết lịch sử về công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ nhan đề "Cành Đào Thành Thăng Long" nên tôi không muốn lập lại câu chuyện. Tôi hy vọng sẽ xuất bản "Cành Đào" không bao lâu.


DLB: "Lửa Cháy Trong Mưa" phản ảnh một góc nhìn về lịch sử Việt Nam. Làm cách nào anh thể hiện góc nhìn lịch sử ấy một cách độc lập nhất để dẫn đến những diễn giải chính xác nhất có thể có được?


CĐT: Câu hỏi rất hay. Tôi cố giữ khách quan và tìm tòi tra cứu kỹ lưỡng cho các truyện. Tôi mua sách, mượn sách từ thư viện khắp nơi trên nước Mỹ, và đọc tài liệu trên mạng. Khi tôi phải đối đầu với các nguồn mâu thuẫn, tôi phải suy luận để tìm lối diễn giải thỏa đáng nhất. Thì giờ tôi mất cho tra cứu khoảng bằng thì giờ tôi viết truyện. Khoảng một phần ba sách dành cho những sự kiện lịch sử trình bày trong các truyện. Tôi cũng có danh sách rất nhiểu tài liệu tham khảo. Đương nhiên tôi không thể biết được những diễn giải của tôi có chính xác hay không, nhưng tôi đã cố hết sức.


DLB: Có ai viết bài phê bình sách không?


CĐT: Có. Sách được phê bình bởi Kirkus Reviews, một tạp chí phê bình sách Mỹ chuyên nghiệp, Tiến sĩ Larry Engelmann, George (Jay) Veith, Tiến sĩ Uwe Siemon-Netto, và báo Người Việt ở quận Orange, California. Lời phê bình của Kirkus Reviews, Larry Engelmann, Jay Veith, and Uwe Siemon-Netto nằm trong sách. Links cho phê bình của Người Việt ở dưới đây.


- Hà Giang. Giới thiệu tiểu thuyết lịch sử "Lửa Cháy Trong Mưa" của Cao Đắc Tuấn. 16-6-2014.
nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=190095&zoneid=3#.VF2uRsJ0xLM


- Ha Giang. ‘Fire in the Rain’: a must-read for those who want to know Vietnam history. June 27, 2014.
nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNV2.aspx?articleid=190722&zoneid=449#.VF2yWMJ0xLM


DLB: Larry Engelmann, Jay Veith, và Uwe Siemon-Netto là những ai?


CĐT: Larry là tác giả sáu cuốn sách. Một trong sách ông là "Tears Before The Rain" (Nước Mắt Trước Cơn Mưa), một cuốn sách về Việt Nam. Ông cũng từng là giáo sư sử tại Đại Học Tiểu Bang San Jose. Jay là một sử gia quân đội. Ông là tác giả cuốn "Black April" (Tháng Tư Đen), một sách về sự xụp đổ miền Nam năm 1975. Uwe là tác giả cuốn sách "Triumph of the Absurd, A Reporter’s Love for the Abandoned People of Vietnam" (Chiến Thắng Phi Lý, Lòng Yêu Thương Một Ký Giả Dành Cho Người Dân Việt Nam bị Bỏ Rơi), một cuốn sách về kinh nghiệm ông ở Việt Nam lúc ông là ký giả ở đó trong cuộc chiến.


DLB: Anh viết bằng tiếng gì trong văn bản gốc? Tại sao?


CĐT: Tôi viết tiếng Anh trong văn bản gốc vì ban đầu tôi muốn độc giả là người Mỹ và người Mỹ gốc Việt có thể không đọc tiếng Việt rành. Sau khi tôi viết xong phiên bản chót thì một người bạn đề nghị tôi nên có phiên bản tiếng Việt để độc giả Việt đọc vì sách sửa lại những sai sót về chiến tranh Việt Nam do tuyên truyền cộng sản. Vì vậy, tôi quyết định dịch các truyện sang tiếng Việt.


DLB: Độc giả có thể đọc một phần sách của anh được không?


CĐT: Vâng, đương nhiên. Trang mạng của Hellgate Press, nhà xuất bản, và Amazon có cho vài chương đọc thử. Ngoài ra, tôi cũng đăng hai truyện và một phần ba trên Dân Làm Báo vài tháng trước đây. Độc giả có thể đọc theo các links dưới đây:


- Không Cờ Trắng:
danlambaovn.blogspot.com/2014/05/khong-co-trang.html


- Chân Lý Tuyệt Đối:
danlambaovn.blogspot.com/2014/05/chan-ly-tuyet-oi.html


- Tôi Không Chết Đâu (chỉ một phần ba truyện):
danlambaovn.blogspot.com/2014/04/toi-khong-chet-au-1975.html


- The Absolute Truth:
danlambaovn.blogspot.com/search?q=The+absolute+truth


- No White Flag:
danlambaovn.blogspot.com/2014/05/no-white-flag.html


- I Did Not Die (only one-third of the story):
danlambaovn.blogspot.com/2014/04/toi-khong-chet-au-1975.html


DLB: Theo như anh cho biết thì vì vấn đề bản quyền, nhà xuất bản chỉ cho phép Danlambao đăng vài chương chứ không thể đăng tải toàn bộ tác phẩm. Do đó, làm thế nào để bạn đọc tại Việt Nam có thể mua được tác phẩm này?


CĐT: Tôi không biết. Tôi nghĩ cách dễ nhất là nhờ người quen mua bên này và gửi về Việt Nam.



DLB: Anh đã viết nhiều bài thúc đẩy cho tự do dân chủ tại Việt Nam. "Lửa Cháy Trong Mưa" có phản ảnh tinh thần đó không?


CĐT: Có chứ. Tôi nghĩ "Lửa Cháy Trong Mưa" là một đóng góp nhỏ nhoi trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Một mục tiêu tôi hy vọng đạt được qua cuốn sách này là khơi dậy lòng yêu nước trong giới trẻ tại Việt Nam và hải ngoại qua những hình ảnh sống động về lịch sử. Tôi tin rằng hầu hết người Việt có lòng yêu nước, nhưng một số người, có thể vì bị nhồi sọ lâu năm, đồng hóa lòng yêu nước với lòng yêu đảng cộng sản. Ngoài ra, có nhiều người, nhất là giới trẻ, vì quá bận rộn việc học hành hoặc làm việc sinh sống, nên cứ để lòng yêu nước đó nằm yên. Với các bạn này, những nhóm chữ "Con Rồng Cháu Tiên," "Hai Bà Trưng," "Bạch Đằng Giang," "Hội Nghị Diên Hổng" trở nên xa xôi và đôi khi còn có vẻ sáo ngữ trống rỗng. Tôi hy vọng những câu chuyện trong "Lửa Cháy Trong Mưa" làm sống lại tinh thần con Rồng cháu Tiên, và kích động lòng yêu nước đang ngủ trong giới trẻ. Một khi lòng yêu nước thực thụ phát huy và sống động, các bạn trẻ sẽ thấy rõ họ sẽ phải làm gì. Nó như là nội công trong võ thuật, hoặc hardware (cương liệu) trong điện toán.


DLB: Những loạt bài về âm nhạc miền Nam trước 75 mà anh viết cho DLB đã được nhiều bạn đọc yêu mến. Anh nghĩ rằng liệu chúng ta có thể có một tuyển tập mang tên... "Lửa Cháy Trong Tim" khi những dòng nhạc, giai điệu, lời ca ấy vẫn âm ỉ cháy mãi trong lòng nhiều người?


CĐT: Khi tôi viết hai bài đầu, "Hồn Lỡ Sa Vào Đôi Mắt Em" và "Một Mai Giã Từ Vũ Khí," tôi không nghĩ đến chuyện viết một loạt bài về âm nhạc miền Nam trước 1975. Nhưng khi độc giả yêu cầu tôi viết về những ca khúc các bạn yêu thích, tôi nhận ra rất quan trọng cho tôi tiếp tục viết về những bài hát này vì đó là tim và hồn của người miền Nam. Do đó, để trả lời câu hỏi của anh, vâng, tôi muốn viết một tuyển tập về những tiếng nói quyến rũ của người miền Nam trong thời chiến. Tôi có thể mượn tên anh đề nghị, "Lửa Cháy Trong Tim" được không? Tôi nhớ Deepak Chopra, một tác giả nổi tiếng, đã dùng tên này trong một sách của ông, nhưng thuộc thể loại khác nên cũng không sao.


DLB: Được chứ, anh cứ việc dùng "Lửa Cháy Trong Tim." Bao giờ thì anh nghĩ có thể xuất bản tuyển tập này?


CĐT (mỉm cười): Tôi sẽ cho ra "Lửa Cháy Trong Tim" vào ngày 6 tháng 7 năm 2015.


DLB: Nhanh thế?


CĐT (cười): Tại tôi không nghĩ là tôi có thể ăn mì gói suốt cả năm được. (Đây là câu nói đùa của tôi với các độc giả DLB.)


DLB: Cám ơn anh rất nhiều và chúc sách anh thành công.


CĐT: Cám ơn anh đã cho cuộc phỏng vấn này.


Lửa Cháy Trong Mưa, do Cao-Đắc Tuấn viết nguyên tác tiếng Anh (Fire In The Rain) và dịch sang tiếng Việt, là một tuyển tập truyện ngắn về lịch sử Việt Nam.

Lửa Cháy Trong Mưa (Fire In The Rain)


Tác giả và người dịch: Cao-Đắc Tuấn


Lửa Cháy Trong Mưa, một tuyển tập mười một truyện ngắn, kết hợp các câu chuyện dân gian Việt hấp dẫn với những sự kiện lịch sử của Việt Nam. Năm 2013, một cuộc hội ngộ tình cờ giữa Thiếu úy Toàn, cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và chiến hữu cựu chiến binh Việt Nam, Hạ sĩ Brad Miller, loé lên một chuyến ̣đi về quá khứ. Bắt đầu với hai chị em huyền thoại vào năm 42, các câu chuyện tiếp tục qua các mốc quan trọng của những cuộc đấu tranh Việt Nam chống lại Tàu, Mông Cổ, Pháp và chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng dẫn đến hình ảnh một nền dân chủ tương lai tại Việt Nam.


Những câu chuyện được làm nổi bật bằng nhiều hình ảnh minh họa tuyệt đẹp và xác nhận bởi những ghi chú lịch sử và sự kiện nghiên cứu tỉ mỉ, gồm cả bản đồ và danh sách tài liệu tham khảo. Độc giả sẽ tìm thấy nhiều sự kiện và lý thuyết hấp dẫn về chị em bà Trưng huyền thoại, trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, Hội nghị Diên Hồng năm 1285, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi và vụ án Lệ Chi Viên năm 1442, cuộc hành quyết bi thương của Bùi Thị Xuân năm 1802, ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ năm 1954, vụ thảm sát Huế năm 1968, sự xụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975, cuộc ra đi hàng loạt của thuyền nhân, và nền dân chủ tương lai tại Việt Nam vào năm 2056. Văn bản gốc tiếng Anh (FIRE IN THE RAIN) được dịch sang tiếng Việt do chính tác giả.


Phê bình:


Sắp đặt như những câu chuyện riêng biệt trong một cốt truyện chính, tuyển tập Cao-Đắc bao gồm 11 câu chuyện về Việt Nam từ năm 42 đến tương lai... Ưu điểm lớn nhất của các câu chuyện là lối diễn tả sống động về lịch sử, địa lý, và trang phục truyền thống và quân đội... Tác giả làm một việc đáng khen ngợi trong việc xây dựng sự kiện lịch sử thành truyện... Thỉnh thoảng, Toàn trở nên sống động trên trang giấy, và người đọc cảm thấy nỗi đau của anh ta trong chiến hào... Những chuyện có nghiên cứu kỹ lưỡng, sắp đặt một cách thông minh... - Kirkus Reviews


"Lửa Cháy Trong Mưa" là một cuộc thám hiểm thật hấp dẫn và gây xúc động trong toàn cảnh đầy đủ của lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến nay [và xa hơn nữa] bằng cách dùng phương pháp tiểu thuyết lịch sử. Ý định của tác giả là làm sống lại và tạo ý nghĩa cho các huyền thoại truyền thống từ quá khứ của Việt Nam cũng như đi vào những giai đoạn thường bị hiểu lầm hoặc nhớ sai hoặc quên lãng từ thời thực dân và các cuộc đấu tranh sau thời kỳ thuộc địa của dân Việt Nam. Cao-Đắc Tuấn thể hiện trong những câu chuyện này một khả năng khác thường trong việc tạo ra đối thoại làm sống động nhiều nhân vật trong truyện trên trang giấy. Và, trong một bài luận kết thúc có giá trị về các nguồn tham khảo thực sự, con người, sự kiện và huyền thoại mà trên đó ông dựa các câu chuyện ông, ông thể hiện khả năng vượt trội để hiểu rõ và giải thích các sự kiện có thật đã cho cảm hứng và cung cấp cho tiểu thuyết lịch sử của ông. Có một sự khẩn cấp và năng lực cho từng câu chuyện khi những truyện này chiếu sáng một quá khứ mà thường bị những người khác kém tài hơn Tuấn diễn tả là tiểu thuyết hóa trang như thật. Trong "Lửa Cháy Trong Mưa" tác giả dùng tiểu thuyết như một khí cụ để tìm sự thật trong các biến cố lịch sử, đôi khi bi thảm, đôi khi huy hoàng nhưng luôn luôn kích động và đáng nhớ. - Larry Engelmann, tác giả của Intemperance, The Goddess and the American Girl, Tears Before the Rain, Daughter of China, They Said That, và Feather in the Storm.


Dùng tiểu thuyết để chiếu sáng những biến cố then chốt trong lịch sử Việt Nam rộng lớn, Lửa Cháy Trong Mưa giới thiệu những cái hay nhất trong dân Việt; dũng cảm, quyết tâm bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của họ. Các cựu chiến binh sẽ ngay lập tức thấy chính mình trong những nhân vật này. Hoàn hảo trong lối diễn đạt, Tuấn là tác giả hiếm có mà có thể bắt được cái thời gian và không gia xa xưa, khiến cho người đọc cảm thấy hơi nóng của trận chiến, và cái hậu quả cay đắng sau đó. Tuy nhiên, Lửa Cháy Trong Mưa nhắc nhở chúng ta rằng con đường của Việt Nam không phải là buồn thảm, mà là hy vọng. - George J. Veith, tác giả của Code-Name Bright Light, Leave No Man Behind, và Black April.


Đọc Lửa Cháy Trong Mưa sẽ làm thích thú ít nhất ba loại người: Những người yêu thích nhạc cổ điển sẽ quý trọng rằng tác phẩm phi thường này được cấu trúc như phần đầu của một bản nhạc soạn cho nhạc cụ. Nó bắt đầu với cái gọi trong âm nhạc học là "giải trình" cho một chủ đề - trong trường hợp này câu chuyện tuyệt diệu về hai người phụ nữ có ảnh hưởng lớn lao đã cai trị Việt Nam trong thế kỷ thứ nhất. Nó tiếp tục với "phát triển" bi hùng của những câu chuyện hư cấu nhưng rất có thực trải qua hai ngàn năm sau, và nó kết thúc trong "phần tóm tắt" - hay "phần tái trình" - về hai người phụ nữ có ảnh hưởng lớn lao, chưa đến. Thật tuyệt vời! Những người yêu thích văn chương sẽ thưởng thức nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Và người hâm mộ lịch sử sẽ tìm thấy trong Lửa Cháy Trong Mưa cái khẳng định cho ý thức họ rằng lịch sử, tuy khép lại với quá khứ, luôn luôn vẫn còn mở cửa cho tương lai: nó sẽ tự sửa chữa. Chắc chắn, ngày đó sẽ đến khi Sài Gòn yêu quý sẽ là Sài Gòn lần nữa. Ta không biết khi nào, nhưng cuối cùng Sài Gòn sẽ dẹp bỏ cái tên lừa đảo của kẻ bạo chúa đã tạo ra cái chết của hàng triệu người - Hồ Chí Minh. - Uwe Siemon-Netto, tác giả của Triumph of the Absurd, a Reporter’s Love for the Abandoned People of Vietnam.


*


Lửa Cháy Trong Mưa
Tác giả và người dịch: Cao-Đắc Tuấn

Hellgate Press Fiction (Một Ấn Bản của L&R Publishing, LLC)
ISBN: 978-1-55571-758-2


Mua sách qua Hellgate Press, Amazon, Barnes & Noble, các nơi bán sách khác trên mạng, hoặc các tiệm sách quanh vùng.

Hellgate Press:
http://hellgatepress.com...-trong-m%C6%B0-fire-rain

Amazon:
http://www.amazon.com/Fi...7586/ref=pd_bxgy_b_img_y


Tự Lực Bookstore: 14318 Brookhurst Street, Garden Grove, California 92843, U.S.A.
Phone: 1-888-531-2280 (toll free) – 714-531-5290
Website: www.tuluc.com
e-mail: buybooks@tuluc.com

Danlambao
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.456 giây.