Một Dự luật, do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải bảo trợ, công nhận 30 tháng 4 là một ngày quốc lễ để kỷ niệm cuộc di tản của người Việt Nam tị nạn cộng sản và sự đón nhận của Canada sau ngày Sài Gòn rơi vào tay Bắc Việt đã tạo nên nhiều tranh cãi trong ngoại giao giữa Canada và Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Việt Nam rằng nó sẽ có tác động xấu đến quan hệ giữa hai nước, chính phủ Harper dường như đã quyết tâm thông qua dự luật này.
Dự Luật ban đầu được gọi là Đạo luật Ngày tháng Tư Đen vì 30 tháng 4 được nhiều người biết đến. Vì những phản đối om sòm của phía chính phủ Việt Nam, tên của Dự Luật này đã được đổi thành Dự Luật Hành Trình Tìm Tự Do. Nhưng nội dung Dự Luật vẫn không thay đổi.
Mùa Xuân vừa qua Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã trình bày trước Thượng viện Canada bắt đầu cuộc thảo luận về Dự Luật này.
“Đối với những người Canada gốc Việt Nam và cộng đồng người Việt hiện đang sống ở nước ngoài, 30 Tháng 4 là ngày Việt Nam rơi vào tay một chế độ cộng sản độc tài và áp bức, không quan tâm đến nhân quyền.
Chúng tôi nhớ 30 tháng 4 là một ngày đen tối vì nó là một ngày buồn, chúng tôi đã mất nước, mất gia đình, mất những người bạn, mất những mái nhà, mất tự do và mất quyền dân chủ của chúng tôi. Nó kỷ niệm một ngày của mất mát và đau buồn.” Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải trình bày.
Khi Dự Luật Hành Trình Tìm Tự Do được gởi đến Ủy Ban Nhân Quyền của Thượng Viện để nghiên cứu, Đại Sứ Việt Nam tại Canada đã viết thư cho chủ tịch ủy ban để bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về dự luật đó của chính phủ của ông, và yêu cầu được tham dự như là một nhân chứng. Đảng Bảo thủ, đa số trong ủy ban Nhân quyền Thượng viện, từ chối không mời Đại sứ Việt Nam theo lời yêu cầu, thay vào đó ủy ban Nhân quyền đã gởi thư cho ông Đại sứ.
Tuy nhiên, sau khi chỉ nghe từ ba nhân chứng, kể cả Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, ủy ban đã kết thúc phần nghiên cứu dự luật trước khi Đại sứ Việt Nam tại Canada đệ trình nhận định của ông.
Văn bản đệ trình đó, không được Ủy ban Nhân quyền cứu xét, đã cáo buộc Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải nạo vét quá khứ, tô vẽ một cái nhìn méo mó về lịch sử của quê hương ông và bỏ qua mối quan hệ song phương tích cực giữa Việt Nam với Canada trong 40 năm qua. Đại sứ CSVN viết thêm rằng chính phủ của ông đã trình bày nhiều lần đến cấp cao nhất của chính phủ và giới lãnh đạo của Quốc hội Canada bày tỏ mối quan tâm nghiêm trọng của VN về ngôn từ và mục đích của dự luật này.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ có ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương ngày càng phát triển giữa hai nước. Dư luật này đã gây tranh cãi, đáng nhẽ được bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện hôm thứ Năm nhưng các thượng nghị sĩ đảng Tự do yêu cầu có cuộc bỏ phiếu được ghi lại, đã hoãn việc biểu quyết về dự luật này cho đến tuần tới.
SBTN