Giáo sư Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Khoa nghiên cứu Châu Á và Quốc tế Đại học Hong Kong
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội mới gửi cho VOA Việt Ngữ một thông cáo, trong đó viết rằng “chính phủ Hoa Kỳ thực sự quan ngại về vụ bắt giữ các blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ”.
Tuyên bố có đoạn: “Tin cho hay, họ bị bắt vì đăng tải các bài viết chỉ trích các chính sách và hành động của nhà nước trên mạng. Chính phủ Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam thả các cá nhân này ngay lập tức và cho phép mọi người dân Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm chính trị, cả trên không gian ảo cũng như trong đời thực”.
Theo nhận định của chính phủ Mỹ, những vụ bắt giữ như thế này “làm tổn hại tới các nghĩa vụ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền”.
“Việt Nam cần phải bảo đảm rằng các luật lệ và hành động của mình phù hợp với các nghĩa vụ đó,” thông cáo viết.
Ông Nguyễn Quang Lập, chủ trang blog Quê Choa, bị bắt tại nhà riêng ở TP HCM hôm 6/12, nhưng không rõ về tội gì.
Trong thông cáo ngắn đăng tải trên mạng, Bộ Công an Việt Nam cho biết “đã bắt quả tang, ra lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự” đối với ông Lập và “đang tiếp tục điều tra làm rõ”.
Việc bắt giữ nhà văn là thành viên của nhiều tổ chức văn hóa thuộc nhà nước xảy ra một tuần sau khi một blogger khác, ông Hồng Lê Thọ, chủ trang blog ‘Người Lót Gạch’, cũng bị bắt giam để điều tra về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo điều 258 Bộ Luật hình sự.
Tiến sỹ Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, tại Đại học Thành thị Hong Kong, cho VOA Việt Ngữ biết, vừa qua, ông từng hy vọng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam “dần dần có tiến bộ” nên thấy “khó hiểu động thái của chính quyền Việt Nam hiện nay”.
Ông nói với VOA Việt Ngữ bằng tiếng Việt:
“Nó làm cho mình rất là thắc mắc, nhất là ngay sau một giai đoạn quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã có tiến bộ nhất định, và ngay trong quá trình [Việt Nam] cố gắng hoàn thành TPP chẳng hạn. Có những chuyện như thế này là một cái rất là khó hiểu một cách logic. Chúng ta thì cũng như nhau hết, tức là phải đoán mãi mới hiểu là làm sao có những chuyện như thế này. Có thể có những sự khác biệt về quan niệm trong giới lãnh đạo của Việt Nam. Hy vọng là trong một thời gian ngắn, thì hai người này cùng một số tù nhân lương tâm khác sẽ được thả để Việt Nam thực sự có tiến bộ trong hồ sơ nhân quyền như mọi người chờ đợi”.
Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Bảo vệ Ký giả Quốc tế cũng đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam “thả ngay và vô điều kiện” cho blogger Nguyễn Quang Lập.
Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam “chấm dứt việc sử dụng các đe dọa pháp lý để bịt miệng các blogger độc lập” cũng như “bảo vệ quyền tự do báo chí ghi trong hiến pháp”.
Một nguồn tin cho biết, vợ ông Lập hôm nay, 9/12, đã lần đầu tiên được vào thăm chồng kể từ khi ông bị bắt.
Trong một bài viết đăng tải trên mạng, nhà văn Phạm Thị Hoài, hiện sống tại Berlin, Đức, viết, xin trích: “Con thuyền của anh Lập, dập dìu sóng vỗ khi nào, là một con thuyền lẻ loi. Lật bởi sự tồi tệ của thể chế chính trị. Chìm bởi sự đơn độc của chính nó giữa vài ba con thuyền đơn độc khác. Đắm bởi sự bạc bẽo của phần lớn chúng ta”.
Việt Nam bấy lâu nay vẫn tuyên bố không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ bắt những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền luôn phản bác tuyên bố này.
Theo VOA