Đi nước ngoài, mới biết mình mất những gì. (Bùi Ngọc Tấn). Tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến Âu Châu nên không thể biết “dáng đi nét mặt” của người dân nơi đây “khác dân mình” ra sao. Chỉ quanh quẩn vài ba nước láng giềng - như Cambodia, Lào, và Thái - tôi cũng có thể biết là chúng ta mất những gì, và cảm thấy rất xấu hổ chỉ vì mình là người Việt!...
Mấy lúc gần đây, thỉnh thoảng, tôi vẫn có việc phải ghé qua Kampong Channang. Đây là một thành phổ nhỏ, nằm ở tả ngạn của dòng Tonlé Sap, cách thủ đô Nam Vang khoảng trăm cây số.
Tôi hay đi lơ ngơ qua những con phố ngập nắng (và ngập bụi) nhìn mấy bảng hiệu loằng ngoằng chữ Miên - đôi khi chữ Tầu - với ít nhiều lơ đãng. Riêng chiều qua, tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy một bảng gỗ nhỏ, trước một căn nhà, có ghi hàng chữ: KHMER KAMPUCHEA KROM HUMAN RIGHTS ASSOCIATION KG. CHANNANG.
Thiệt không vậy cà? Tui đứng chết trân, nhìn chăm chăm vào tấm bảng mà không còn dám tin vào đôi mắt của mình nữa. Không lẽ ở một tỉnh lỵ xa xôi, và nhỏ bé (téo teo) đến thế này mà cũng có văn phòng Hiệp Hội Nhân Quyền Của Người Khmer Kampuchea Krom sao?
Cửa mở sẵn nên tôi bước vào bên trong. Phòng khách trống trơ, chỉ độc một cái bàn làm việc với điện thoại và computer nhưng không có ai hết trơn hết trọi.
Tần ngần một lát, tôi vừa định bước ra thì nghe tiếng gọi phía sau. Tôi quay lưng không hiểu cô gái muốn nói điều gì nhưng nhìn nét mặt và nụ cười tươi tắn của người đối diện thì đoán là mình đang được đón chào. Chả hiểu sao, tôi lại chợt nhớ đến hai câu thơ của Phan Ni Tấn:
Chả hiểu em nói cái gì
Nhìn không một đoá xuân thì cũng thương!
Cô bé xinh xắn và dễ thương quá sức. Chỉ tiếc là tôi đã qua cái tuổi gặp ai cũng có thể thương được (và thương đại) mất rồi. Lúng túng, tôi chỉ tay vào tấm bảng gỗ trước nhà lắp bắp:
- Human rights, human rights...
Cô nhỏ nhắc lại (y chang) với giọng nói không dấu được ít nhiều hãnh diện:
- Human rights, human rights...
Thiếu nữ nói thêm một tràng tiếng Khmer như có ý hỏi “tôi có cần giúp đỡ gì không?” Tôi không biết trả lời sao nên đành cười (trừ) đưa tay ra dấu từ biệt, rồi bẽn lẽn bỏ đi.
Tôi đi mà mặt đỏ vì hơi ngượng, và cũng vì giận cho sự dốt nát của chính mình. Phải chi tôi nói được chút xíu tiếng nước người thì đỡ “khổ” biết chừng nào.
Về đến nhà trọ, tôi “google” liền và khám phá ra rằng Trụ Sở Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc - the Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights (OHCHR) - đã có mặt ở xứ Chùa Tháp từ năm 1993 lận.
Họ còn có chi nhánh ở tỉnh Battambang. Còn những phân nhánh nho nhỏ, cỡ như ở Kampong Channang, như tôi vừa thấy chiều nay thì chắc chắn là vô số.
Qua hôm sau, tôi nhờ một người bạn (dân bản xứ) đưa đi thăm Trụ Sở Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Nam Vang cho nó biết. Anh lắc đầu:
- Để bữa khác đi. Hôm nay lễ, chắc họ không mở cửa đâu.
- Lễ gì?
- National Human Rights Holiday. Đây là một trong những ngày lễ chính của Cambodia. Công sở, trường học, ngân hàng... đều đóng cửa mà.
- Thiệt không cha nội?
- Thiệt chớ!
Bán tín bán nghi, tôi lại “google” nữa (Public holidays in Cambodia) và tìm được dòng chữ này đây: December 10. This national holiday was established to commemorate the United Nations General Assembly's adoption and proclamation of the Universal Declaration of Human Rights.
Ai mà dè cái xứ Chùa Tháp này lại đàng hoàng và văn minh dữ dội, vậy Trời? Cùng ngày, ngày 10 tháng 12 năm 2014, Phom Penh Post có phóng sự (“Five-day march for rights”) thực hiện bởi Griff Tapper và Tat Oudom qua youtube.
Từ Phnom Penh, thông tín viên Quốc Việt RFA cũng có bài tường thuật: Hơn 200 tổ chức bảo vệ nhân quyền Campuchia cùng khoảng 6 ngàn dân chúng địa phương tổ chức biểu tình tuần hành khắp đường phố ở thủ đô Phnom Penh nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12). Mục đình đòi chấm dứt tình trạng những hành vi tội ác đã không bị trừng phạt và có một tòa án độc lập.
Nhìn dân chúng Cambodia diễn hành khắp thủ đô, rồi tụ tập đông đảo trước quốc hội, cùng với hình ảnh của những tù nhân lương tâm của xứ sở họ khiến tôi lại thốt nhớ đến cái cách chào đón Ngày Quốc Tế Nhân Quyền (tại gia, cùng với chó và mèo) của một thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam - cô Phạm Thanh Nghiên:
Tôi ăn mừng ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 sớm hơn 1 ngày. Cho nó... lành! vì theo kinh nghiệm đau thương quá khứ của năm trước, ngày 10 tháng 12 cũng là ngày côn-đồ-giả-dạng xuống đường để thực hiện quyền... cước võ tàu đối với những ai muốn tổ chức ăn mừng ngày trọng đại này của nhân loại. 10 tháng 12 cũng là sinh nhật 1 năm của Mạng Lưới Blogger Việt Nam mà tôi là một thành viên.
Để buổi tiệc kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền (QTNQ) được trang trọng tôi đã trang trí "nội thất nhà tù" của mình. Ở trên tường làm "phông" là 27 giấy "triệu tập" và giấy "phạt" (thật ra là 30 nhưng có tờ tôi xé trước mặt "họ", có tờ bé Múc nhà tôi xơi mất). 27 tờ giấy này cũng có nghĩa lắm đấy bạn. Nó cho thấy những câu viết "blogger Phạm Thanh Nghiên đã được trả tự do vào ngày 18/09/2012" tưởng vậy mà không phải vậy!
Cùng tham dự với tôi để ăn mừng ngày QTNQ năm nay là bé Múc và bé Bi Trố. Chào mừng NQTNQ tại gia có lẽ là cách an lành nhất mà một người Việt có thể thực hiện mà không bị hành hung hay xách nhiễu bởi những người đang cầm quyền tại Việt Nam. Làm khác đi là đổ máu như không, theo như thông tin của Dân Làm Báo:
Lúc 15:30' chiều ngày 9/12/2014, côn an CS đã huy động hàng chục những kẻ lạ mặt đánh đập dã man blogger Nguyễn Hoàng Vi. Đây là hành vi trả thù nghiêm trọng của nhà cầm quyền CSVN đối với Hoàng Vi vì các hoạt động vinh danh ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 và kỷ niệm tròn 1 năm ngày thành lập Mạng Lưới Blogger Việt Nam của cô.
Vụ tấn công xảy ra trước sự chứng kiến của hàng chục viên côn an, dân phòng đang bao vây và chốt chặn trước nhà riêng của Hoàng Vi tại hẻm 107 (đường Phan Văn Năm, quận Tân Phú, Sài Gòn).
Khi Hoàng Vi đang đi bộ gần nhà, cô bất ngờ bị 3 người phụ nữ lạ mặt lao xe đến tấn công. Hoàng Vi vừa tránh được cú lao xe đầy ác ý thì bất ngờ xuất hiện hàng chục kẻ lạ mặt khác chặn từ hai đầu xông đến túm tóc, rồi đánh đập cô túi bụi.
Trận đòn thù tàn ác của bọn chúng khiến Hoàng Vi nằm gục xuống đất. Ngày Nhân Quyền Quốc Tế ở VN đã được trang Dân Luận “tóm lược” với ít nhiều chua chát:
Ngày 10 tháng 12 hàng năm được tôn vinh là Ngày Nhân quyền Quốc tế, được các nước trên thế giới kỷ niệm, là ngày Liên Hợp Quốc công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Ngày này vào năm 1948, bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đã đại diện Liên Hợp Quốc tuyên đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền lịch sử này tại Paris, Pháp. (Theo Wikipedia)
Cũng ngày này vào năm 2014, Mạng lưới blogger Việt Nam cùng các tổ chức XHDS khác đã tổ chức những hoạt động chào mừng ngày này như: phát Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, bóng bay vào ngày 8/12 tại Thành phố HCM, và Hà Nội ngày 10/12. Những hoạt động này hầu hết đều bị sách nhiễu, cản trở, thậm chí chính quyền nghi dùng côn đồ để tấn công các nhà hoạt động.
Một năm sau, tình hình nhân quyền của Việt Nam cũng không trở nên sáng sủa, thậm chí tồi tệ hơn khi hàng loạt những nhà hoạt động bị bắt mới, đánh đập hoặc sách nhiễu khi gần kề đến ngày Nhân quyền quốc tế. Chúng ta cùng điểm lại những sự vụ mới đây mà chính quyền đã gây ra với các nhà hoạt động.
- Bắt giam các tiếng nói đối lập...
- Hành hung những nhà hoạt động...
- Sách nhiễu, bắt bớ tùy tiện...
Những việc làm của chính quyền VN đối với những nhà hoạt động nhân quyền đi ngược lại với những gì VN đã cam kết khi gia nhập thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, cũng như các khuyến nghị UPR của các nước mà Việt Nam chấp thuận.
Thả một người và bắt nhiều người khác có lẽ là chiêu bài quen thuộc của một thể chế độc Đảng. Tù nhân lương tâm VN vẫn là nguồn cung dồi dào cho những hợp động thương mại với quốc tế, hay đó chỉ là con bài để nội bộ lãnh đạo răn đe lẫn nhau? Những dự đoán sẽ mãi là dự đoán cho đến một ngày sự thật phơi bày khi quyền con người được tôn trọng trên quê hương Việt Nam. Chúng tôi tin là như vậy!
Bằng giờ này tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có đôi lời chua chát:
“Đi nước ngoài, mới biết mình mất những gì... Tôi sang châu Âu, tôi quan sát dáng người đi, nét mặt của họ khác dân mình lắm. Bên nhà chúng ta vừa đi vừa nghĩ mưu, thành ra ấn tượng nhất cho tôi là sự tự tin của bước chân, nét mặt người bên đó.”
Tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến Âu Châu nên không thể biết “dáng đi nét mặt” của người dân nơi đây “khác dân mình” ra sao. Chỉ quanh quẩn vài ba nước láng giềng - như Cambodia, Lào, và Thái - tôi cũng có thể biết là chúng ta mất những gì, và cảm thấy rất xấu hổ chỉ vì mình là người Việt!
Tưởng Năng Tiến