Hôm Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014, đức Giáo Hoàng Francis tuyên bố việc nhiều người đồng hóa Hồi Giáo với bạo động là sai lầm; Ngài kêu gọi những nhà lãnh đạo Hồi Giáo giúp sửa chữa sai lầm này bằng cách lên án khủng bố. Giáo hoàng tuyên bố như vậy tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhân dịp Ngài viếng thăm quốc gia Hồi Giáo này.
Việc làm vô cùng thiện chí đó của vị lãnh đạo tinh thần khối 1.2 tỉ tín đồ Thiên Chúa giáo có thể gây hiểu lầm trong những giới lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo chính trị, và nhiều nhà trí thức người Hồi Giáo. Tám năm trước -năm 2006- vị tiền nhiệm của Ngài, Giáo Hoàng Benedict XVI cũng tạo sóng gió dư luận khi Ngài nhận định bạo động gặp nhiều thuận lợi phát triển trong khối tín đồ Hồi Giáo hơn là trong những tôn giáo khác. Lần đó Giáo Hoàng Benedict nói dư luận hiểu sai thiện chí của Ngài, nhưng Ngài vẫn xin lỗi.
Lần này, hình thức đầu tiên giới lãnh đạo Hồi Giáo sử dụng để bày tỏ sự bất mãn là họ im lặng, không lên tiếng chỉ trích bạo động, không hưởng ứng lời yêu cầu của Giáo Hoàng Francis; bất chấp việc IS -Islamic State (Hồi Quốc Giáo) chính thức nhân danh Hồi Giáo để tấn công chiếm đất của hai nước Iraq và Syria. Họ còn thẳng tay tàn sát tín đồ những giáo phái khác, những tôn giáo khác.
Đầy thiện chí tìm sự cộng tác của những tín đồ trung dung thờ đạo Hồi, Giáo Hoàng Francis -một công dân Argentine- chỉ trích những người có phản ứng nóng giận đối với nhóm Hồi Giáo quá khích.
“Thiên Chúa giáo hay bất cứ tôn giáo nào cũng có những thành phần tuyệt đối, những thành phần quá khích; Hồi Giáo cũng vậy thôi,” Giáo Hoàng nói, “Kinh Koran là quyển tiên tri phục vụ hòa bình.”
Giáo Hoàng nói với phóng viên truyền thông là Ngài nói với tổng thống Thổ -ông Tayyip Erdogan- như vậy. “Tôi trình bày với Tổng Thống Erdogan giả thuyết tuyệt vời là quý vị lãnh đạo Islam, dù là lãnh đạo tôn giáo, chính trị, hay văn học nên cùng lên tiếng kết tội hành động khủng bố, được như vậy thì tiếng nói của Hồi Giáo sẽ che chở, sẽ minh oan cho tín đồ Hồi Giáo.”
Chuyến công du dài ba ngày của Giáo Hoàng vào lãnh địa Hồi Giáo rõ rệt chuyên chở mục đích vận động quân IS có thái độ ôn hòa hơn, bao dung hơn; Ngài nói với các ký giả tháp tùng chuyến công du là tín đồ Thiên Chúa Giáo phải bỏ nhà cửa, tài sản, để chạy thoát thân. “Rõ ràng họ đuổi chúng tôi ra khỏi Trung Đông,” Francis nói.
Trong buổi Thánh Lễ ngày Chủ Nhật 11/30, Giáo Hoàng lên án IS “xúc phạm trầm trọng đến Thượng Đế;” Ngài kêu gọi một cuộc thảo luận Liên Tôn để tìm giải pháp chống nghèo đói và chống va chạm tôn giáo.
Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt nghèo đói, vì nghèo đói cũng tạo dễ dàng cho những lực lượng khủng bố trong việc họ tuyển quân; tất cả những quan điểm này đều đã được Giáo Hoàng nhắc lại nhiều lần. Ngài quan niệm nghèo đói là gốc rễ của nhiều thảm họa, kể cả thảm họa bạo động.
Ngày thứ Bảy 11/29 Giáo Hoàng đến thăm Thánh Điện Sultan Ahmet, tại Istambul -thường được gọi là Thánh Điện Xanh.
Tại đây Giáo Hoàng cởi giầy, đi chân không, đứng cạnh vị Giáo Chúa (Grand Mufti) Rahmi Yaran, im lặng cầu nguyện thầm; Giáo Chúa là vị tu sĩ lớn nhất trong ngành luật pháp của giáo phái Sunni. Giáo Chúa ban hành luật đạo và giúp các thẩm phán xét xử.
Vài trăm du khách và dân địa phương đứng sau hàng rào cảnh sát nhìn hai vị lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện. Một số học sinh tay vẫy quốc kỳ Thổ và cờ giáo quốc Vatican miệng đọc khẩu hiệu “vạn tuế Giáo Hoàng Francis.”
Anh Halil Ibrahim Cil, 24 tuổi, làm việc tại bệnh viện Istanbul nhận định, “Cuộc thăm viếng thiện chí của Giáo Hoàng sẽ tạo cởi mở giữa hai tôn giáo lớn.”
Trong tổng số 75 triệu dân Thổ, chỉ có 120,000 theo đạo Thiên Chúa; Giáo Hoàng ở lại Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, một ngày, và ở Istambul, thành phố lớn nhất nước, hai ngày. Thời điểm thăm viếng Thổ rơi đúng vào lúc nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo sống tại Syria và Iraq phải bỏ chạy sang Thổ tị nạn IS.
Trong bài diễn văn đọc tại Ankara, Giáo Hoàng nói, “Một tổ chức quá khích và bảo thủ đã man rợ, bạo hành giết người, giết chỉ vì tín ngưỡng và chủng tộc của nạn nhân.”
Hôm thứ Sáu, tại Istanbul, Giáo Hoàng làm lễ tại thánh đường Holy Spirit, cùng với Giáo Chủ Bartholomew I. Holy Spirit là một nhánh của Thiên Chúa giáo.
“Chúng tôi hành lễ tại Holy Spirit để chứng minh là những giáo phái khác nhau vẫn có thể sống trong hòa bình, cởi mở và tuân lời Chúa.”
Eastern Orthodox Church là một nhánh của Thiên Chúa giáo với khoảng từ 225 đến 300 triệu tín đồ sống rải rác tại các quốc gia Belarus, Bulgaria, Cyprus, Georgia, Greece, Macedonia, Moldova, Montenegro, Romania, Russia, Serbia và Ukraine; nhiều nhóm nhỏ hơn định cư tại Bosnia, Herzegovina, Albania, Kazakhstan, Israel, Jordan, Lebanon và Syria.
Tôn giáo là tín ngưỡng, và tín ngưỡng là những điều tin tưởng đôi khi không cụ thể chứng minh được, do đó nhiều người cùng một tôn giáo nhưng tin tưởng khác nhau, và do đó tôn giáo chia thành giáo phái.
Tín đồ Hồi Giáo tại Iraq gồm khoảng từ 60% đến 70% theo giáo phái Shi'a, khoảng 20% đến 30% theo giáo phái Sunni; khoảng 10% là người Kurds, đa số dân Kurds cũng theo giáo phái Sunni.
Tình trạng bất đồng tín ngưỡng của người Iraq không hiền hòa như tín đồ Thiên Chúa Giáo Vatican và tín đồ Thiên Chúa Giáo Eastern Orthodox Church; họ không cầu nguyện chung như Giáo Hoàng Francis và Giáo Chủ Bartholomew I cầu nguyện tại thánh đường Holy Spirit; tín đồ Sunni sẵn sàng lái xe bom đâm vào thánh đường Shi'a, và ngược lại.
Tổ chức IS khai thác sự bất mãn của tín đồ Sunni đối với chính phủ Shi'a của thủ tướng Nouri al-Maliki để tấn công chiếm lãnh thổ Iraq và lãnh thổ Syria hầu có đất lập quốc; do đó Tổng Thống Obama đòi Thủ Tướng Maliki phải từ chức -như một điều kiện tiên quyết để ông gửi quân Mỹ sang trợ chiến quân chính phủ Iraq. Ngoài việc đòi vị thủ tướng Shi'a từ chức, Obama còn đòi chính phủ Iraq trọng dụng các chính khách theo giáo phái Sunni.
Muốn tránh một cuộc chiến tranh giáo phái, Obama giới hạn đến cả mọi cuộc hành quân của Iran tấn công IS để giúp chính phủ Shi'a tại Iraq. Người Syrians cũng theo giáo phái Shi'a -trong một nhánh khác nữa.
Tình hình rất tế nhị; tính theo số tín đồ Hồi Giáo trên toàn thế giới thì giáo phái Sunni đông hơn Shi'a rất nhiều; khoảng 85 đến 90% người Hồi Giáo tại Á, Âu và Mỹ Châu là tín đồ Sunni; người Shi'a chỉ chiếm đa số tại Iran (khoảng 90-95%), Azerbaijan (khoảng 85%), Iraq (khoảng 60-65%) và Bahrain (khoảng 65%).
Hoa Kỳ đang nỗ lực giới hạn chiến tranh giáo phái vào lãnh thổ Iraq, mặc dù nó đang lan rộng qua Syria và Iran. Việc tín đồ Thiên Chúa giáo bị bức hại quả là đáng trách, nhưng không có giải pháp nào khả dĩ giúp che chở họ.
Cần phải hết sức dè dặt trong nỗ lực đem sức mạnh tôn giáo hỗ trợ sức mạnh quân sự để giải quyết chiến tranh, vì việc làm đó có thể tạo phản tác dụng.
Nguyên nhân của chiến tranh Trung Đông đã là khác biệt tín ngưỡng; thì nỗ lực giải quyết khác biệt tín ngưỡng bằng cách giết những người tin tưởng không giống mình -như quân IS đang làm- là cuồng tín, nhưng đem niềm tin của mình truyền giảng cho những kẻ đang tin tưởng sai lại có phản tác dụng, khiến chiến tranh bị kéo dài hơn, ác liệt hơn
NGUYỄN ĐẠT THỊNH