Huyền thoại về sứ mệnh của các nhà thơ
Ở Việt Nam, người ta hay nói về sứ mệnh cao cả của nhà thơ. Tôi cho vấn đề sứ mệnh ấy chỉ là một huyền thoại.
Tuy nhiên, trước hết, cần phân biệt khái niệm “sứ mệnh” và khái niệm “chức năng”. Nói đến chức năng là nói đến mối quan hệ giữa thơ và xã hội, chủ yếu là nói đến tác dụng của thơ. Nói đến sứ mệnh là nói đến mối quan hệ giữa nhà thơ và xã hội, chủ yếu là nói đến nhiệm vụ của nhà thơ. Nhiệm vụ ở đây là nhiệm vụ lúc cầm bút, lúc sáng tác chứ không phải là nhiệm vụ chung chung. Do đó, những nhiệm vụ ấy, trên nguyên tắc, chỉ có thể thực hiện được với điều kiện: chúng phải hợp với chức năng của thơ, bởi vì thơ là phương tiện để nhà thơ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ví dụ, nếu cho chức năng của thơ chủ yếu là chức năng thẩm mỹ thì sứ mệnh của nhà thơ chỉ là làm thế nào để có thơ thật hay, thật đẹp mà thôi. Trong trường hợp này, đòi hỏi nhà thơ phải dùng thơ như một thứ vũ khí tranh đấu là một điều vô duyên. Ngược lại, lời hô hào Nay ở trong thơ nên có thép chỉ có thể “nghe được” khi người ta tin chức năng chủ yếu của thơ là giáo dục và kích động.
Bởi vậy, giữa khái niệm sứ mệnh và khái niệm chức năng có quan hệ chặt chẽ với nhau: để xác định sứ mệnh của nhà thơ, người ta phải xác định chức năng của thơ trước. Nhưng, như René Wellek và Austin Warren đã nhắc nhở trong quyển Lý thuyết văn học (Theory of Literature), thơ có thể có nhiều chức năng, song chức năng chính yếu và tiên quyết của nó là phải trung thành với bản chất của chính nó (1).
Bản chất của thơ là gì? Đưa ra ý kiến của một nhân vật tên tuổi nào đó, trong hay ngoài lãnh vực văn học, về thơ rồi bảo bản chất của thơ đã rõ ràng như điều nhiều người thường làm ở Việt Nam chỉ là một sự nhảm nhí. Theo dõi lịch sử văn học cũng như lịch sử tư tưởng văn học của một số trung tâm văn hoá chính trên thế giới, chúng ta dễ dàng nhận ra những cái gọi là bản chất của thơ, hoặc của văn học nói chung, là cái gì rất bấp bênh: một nhà thơ lãng mạn sẽ nói khác hẳn một nhà thơ cổ điển; một nhà thơ hiện thực (?) sẽ lại nói khác hẳn nhà thơ lãng mạn; một nhà thơ siêu thực sẽ lại nói khác nữa, v.v... Ai đúng, ai sai? Có lẽ ở đây không có vấn đề đúng sai mà chỉ có vấn đề thay đổi cách nhìn, góc độ nhìn và từ đó, vấn đề vận động của bản thân thơ.
Nếu thơ là cái gì vận động liên tục, đặt ra vấn đề chức năng của thơ chỉ là một điều phiêu hốt: trừ Việt Nam và có lẽ, một số quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa khác, từ mấy thập niên gần đây, trên thế giới ít ai bàn đến vấn đề này nữa. Ngay trong các từ điển thuật ngữ lý thuyết văn học nổi tiếng, mục từ “chức năng” cũng biến mất từ thời nào.
Khi vấn đề chức năng của thơ không còn nữa, vấn đề sứ mệnh của nhà thơ cũng bị đổ nhào. Song với người Việt Nam, nó lại chưa bị đổ. Đây đó, trên sách báo, ở trong nước, một số người vẫn tiếp tục tru tréo về sứ mệnh của nhà thơ là phải thế này thế nọ; ở hải ngoại, một số người vẫn tiếp tục gào thét về sứ mệnh của nhà thơ là phải thế kia thế khác. Người ta nói bằng một giọng đầy quyền uy. Sự “lì lợm” ấy xuất phát từ nguyên nhân: người ta không quan tâm đến mối quan hệ giữa nhà thơ và thơ mà chỉ chăm chắm vào mối quan hệ giữa nhà thơ và xã hội. Cách nhìn như thế, một mặt, thể hiện thái độ bất cần thơ; mặt khác, nó chỉ là “tàn dư” của một quá khứ xa xăm.
Quá khứ đó là thời giới cầm bút là những người trí thức độc nhất trong xã hội. Theo phương pháp giáo dục ngày xưa, vào trường là chỉ để học về thơ văn kinh sử và mục tiêu tối hậu là phải biết làm thơ viết văn - chủ yếu là làm thơ - thành thạo. Với vốn học như thế, sau khi thi đậu, người ta được bổ làm quan, làm tướng để dẹp loạn, để an dân, để trị nước. Ở Việt Nam, từ gần một trăm năm nay, tình hình đã đổi khác: xã hội càng ngày càng được chuyên môn hoá, giới cầm bút không những mất vị trí độc tôn mà, nói một cách thành thực, cũng không còn giữ được một vai trò gì đáng kể trong sinh hoạt trí thức nữa. Kiến thức và khả năng của họ chỉ thu hẹp trong giới hạn của chữ nghĩa. Trong hoàn cảnh ấy, tiếp tục yêu sách nhà thơ, nhà văn tiếp tục đóng vai trò một người hướng đạo trong xã hội là một điều phi lý: nó xuất phát từ cái nhìn nhuốm đầy màu hoài cổ (2).
Quá khứ đó cũng là thời sách vở là hoạt động văn hoá có quy mô lớn nhất và mạnh nhất trong xã hội. Một buổi ca múa: vài chục hay may lắm, vài trăm người tham dự. Một bài thơ, một áng văn hay: hàng ngàn, hàng chục ngàn, hoặc thậm chí, hàng trăm ngàn người đọc, nghe, nhớ. Ảnh hưởng của nó cả hàng ngàn lần lớn hơn ảnh hưởng một buổi văn nghệ. Nhưng thời ấy qua rồi. Khi báo chí xuất hiện, rồi máy truyền thanh xuất hiện, rồi phim ảnh xuất hiện, rồi tivi xuất hiện, rồi máy vi tính xuất hiện, vị trí của sách vở càng lúc càng bị lung lay và mờ nhạt. Số người đọc sách so với số người nghe radio, xem tivi, xem phim ảnh trở thành cực kỳ khiêm tốn. Hơn nữa, vì số đầu sách được ấn hành càng ngày càng nhiều, càng tràn ngập, số lượng độc giả thực sự của mỗi đầu sách lại càng ngày càng giảm đi. Ở Việt Nam, chúng ta hay khen Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Trần Vũ, Đỗ Kh., Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài... nhưng có bao nhiêu người thực sự đọc họ? Số ấn bản sách của họ thường chỉ vài ngàn cuốn, bán ì ạch cả mấy năm trời mới hết. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong thời hiện đại, liên quan đến các vấn đề thời cuộc, tiếng nói của một nhạc sĩ, một ca sĩ, một tài tử điện ảnh, một nhà bình luận chính trị trên báo chí hoặc trong hệ thống truyền thanh, truyền hình có ảnh hưởng lớn lao hơn một nhà văn, một nhà thơ rất nhiều. Nỗi lo sợ của giới lãnh đạo cộng sản tại Việt Nam hiện nay đối với giới cầm bút, thực ra, chỉ là sự rơi rớt của một thứ tâm lý cổ lỗ.
Đặt vấn đề sứ mệnh của nhà thơ không những sai lầm và lỗi thời. Nó còn có hại. Nếu huyền thoại về một nước thơ chứa đựng một nghịch lý: một mặt chúng ta tự hào về lòng yêu thơ của mình, mặt khác, chúng ta lại rẻ rúng thơ, huyền thoại về sứ mệnh cao cả của nhà thơ lại gắn liền với một nghịch lý khác: chúng ta vừa đề cao thơ (và văn học) lại vừa rẻ rúng những người làm thơ (và những người cầm bút nói chung).
Chả khó khăn gì việc tìm dẫn chứng cho nghịch lý ấy. Chúng ta cứ nghe lời của Trần Thái Tông: “Văn bút tảo thiên quân chi trận” (Văn chương phải có thế trận đuổi nghìn quân giặc), lời Lê Quí Đôn: “Hảo bả văn chương tăng quốc thể” (Phải giỏi lấy văn chương để tăng thể diện quốc gia), lời của Phan Bội Châu: “Sức vãn hồi bút mạnh hơn gươm”... rồi nhìn lại cái chết oan khốc của Nguyễn Trãi, của Cao Bá Quát, thái độ rụt rè, khúm núm của Nguyễn Du trong triều nhà Nguyễn. Chúng ta cứ đọc lại những lời tán dương thơ và văn học của các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... rồi nhớ đến số phận thảm khốc của những người thuộc nhóm Nhân văn - Giai phẩm, những toan tính ê chề của Chế Lan Viên trước những chiếc bánh vẽ (3), những giọt nước mắt tuôn trào lã chã trên cốc rượu của Nguyễn Tuân (4), nghe lại lời của Nguyễn Đăng Mạnh: “Lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ” (5), lời của Mai Văn Tạo: “Chưa bao giờ văn nghệ sĩ bị rẻ rúng như bây giờ” (6), lời của Nguyễn Minh Châu: “Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai chẳng thấy mình hèn?” (7) Chúng ta cứ nhìn vào văn học Trung Hoa nơi có đầy những giai thoại thú vị về sự ưu ái của cuộc đời đối với nhà thơ: nhà thơ này say ngất ngưởng giữa triều mà vua không hề trách mắng, nhà thơ kia châm chọc vua mà vua không hề tức giận, nhà thơ nọ làm được một bài thơ hay được vua hay một nhà quý tộc nào đó thưởng cả trăm lượng vàng, cả ngàn thước lụa, rồi nhìn lại lịch sử văn học nước nhà, đố ai tìm ra người nào hưởng được một, dẫu chỉ một, trong vô vàn những sự may mắn ấy? Tự nhiên tôi lại nhớ đến hai câu thơ tương truyền của Lê Ngô Cát, tác giả quyển Quốc sử diễn ca, đời Tự Đức:
Vua khen thằng Cát có tài
Ban cho cái khố với hai đồng tiền.
Giai thoại kể tiếp: sau, hai câu thơ đầy vẻ châm biếm ấy, cuối cùng, lọt vào tai Tự Đức. Tự Đức nổi giận đẩy ông lên làm bố chánh Cao Bằng, một vùng biên ải xa xôi, hẻo lánh, chẳng khác gì một biện pháp lưu đày.
Bằng chứng về tính chất nghịch lý giữa một bên là lời ca tụng thơ nhiệt liệt và một bên là thái độ thờ ơ hay rẻ rúng trước nhà thơ ê hề trong lịch sử văn học Việt Nam, đặc biệt thời hiện đại, từ năm 1945 lại đây. Có điều, theo tôi, nếu tính chất nghịch lý trong huyền thoại về một nước thơ là một nghịch lý thật thì tính chất nghịch lý ở đây chỉ là một nghịch lý giả, nghĩa là, nghĩ cho cùng, nó chẳng có gì là nghịch lý cả. Nó tự nhiên, nó đương nhiên như thế. Thực chất giữa việc sốt sắng đề cao sứ mệnh của thơ, của nhà thơ và việc rẻ rúng người làm thơ có một mối quan hệ nhân quả: người ta càng đề cao sứ mệnh của thơ, của nhà thơ bao nhiêu, nhân phẩm của nhà thơ càng bị hạ thấp bấy nhiêu.
Thì cũng dễ hiểu. Trước hết, nên để ý: khi nói đến sứ mệnh, bao giờ người ta cũng nhắm đến khía cạnh đạo đức hoặc khía cạnh chính trị, thường nhất là khía cạnh chính trị, nhưng chính trị, ở đây, bao giờ cũng nhuốm màu đạo đức: người ta lấy một giá trị đạo đức như hoà bình, công bằng, tự do... để làm lý tưởng hầu dễ phát động một phong trào chính trị. Đạo đức, như vậy, ở đây, lại trở thành một công cụ cho chính trị. Khi nhà thơ hay nhà văn theo đuổi sứ mệnh đạo đức của mình, thực ra, họ đang phục vụ cho một mưu đồ chính trị. Dù muốn hay không, họ cũng biến thành chiến sĩ. Là chiến sĩ, người ta phải đứng trong đội ngũ: chỉ có văn chương đồng phục là được mùa. Là chiến sĩ, người ta phải có tinh thần kỷ luật: cái thường gọi là “văn nô” ra đời từ đấy. Là chiến sĩ, người ta phải coi mục đích cao hơn phương tiện, trong khi nghệ thuật, tự bản chất, là một cái gì ngược lại: ở đó, phương tiện, tức màu sắc, hình ảnh, làn điệu, ngôn ngữ lại cao hơn cái mục đích diễn đạt. Trong sự xung đột ấy, nghệ thuật thường bị thua thiệt, nhường bước cho tuyên truyền.
Cuối cùng, là chiến sĩ, người ta được đánh giá theo một tiêu chuẩn riêng: công trạng trong chiến đấu. Nhưng ở đây lại nảy sinh ra hai vấn đề.
Thứ nhất, từ cái nhìn của xã hội, công trạng của một bài thơ, một áng văn là một cái gì rất khó đánh giá, hết sức mơ hồ. Một mặt, vì mơ hồ, nó dễ bị quên lãng. Hiếm có nhà thơ nào được gắn huân chương chỉ vì sáng tác của họ. Chúng ta nhớ Nguyễn Trãi, trong cuộc kháng chiến chống Minh, được ghi nhận là “luôn luôn ở bên cạnh Lê Lợi, bên trong thì bày mưu, lập kế, bên ngoài thì viết thư, thảo hịch, trở thành bộ óc và tiếng nói của nghĩa quân Lam Sơn” (8), nhưng sau chiến thắng, lại chỉ được Lê Lợi phong cho tước Quan phục hầu, đứng sau hàng mấy chục người. Mặt khác, cũng vì tính chất mơ hồ ấy nên khi cuộc chiến đấu thất bại, người ta lại thường dễ, và trên thực tế, thường hay đổ tội cho những người cầm bút. Sau năm 1975, ở hải ngoại, thỉnh thoảng có người, trên báo chí và trong các cuộc hội thảo, trực tiếp hay gián tiếp ám chỉ giới văn nghệ sĩ phải chịu một phần trách nhiệm trong việc làm Miền Nam sụp đổ!
Thứ hai, từ cái nhìn của cá nhân, cũng vì tính chất mơ hồ trong việc đo lường hiệu quả chiến đấu bằng ngòi bút ấy, các nhà văn, nhà thơ hay bị mất tự tin. Do đó, trong những giai đoạn lịch sử có nhiều thử thách, họ thường buông bút với ý nghĩ: bất cứ việc làm nào cũng đều có ích hơn là việc viết lách. Hơn nữa, cũng vì mất tự tin, người ta tự thấy mình nhỏ nhoi, hèn hạ: khi viết về các chiến công, các anh hùng, người ta viết bằng cái nhìn của anh binh nhì khi đối diện với một vị tướng. Chữ nghĩa, bởi vậy, ít khi dám vượt ra ngoài vai trò của một thỏi son. Nó chỉ trang điểm. Năng lực sáng tạo bị thui chột.
Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
___________
Chú thích:
1. Wellek, R. & Warren, A. (1977), Theory of Literature, Harcourt Brace Jovanovich publishers, San Diego, tr. 37.
2. Xem thêm Võ Phiến (1968), “Viết trong tiếng súng”, in lại trong Tạp Bút, Văn Nghệ, California, 1989, tr. 125-140.
3. Bài “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên được đăng trên Hợp Lưu số 14 (12. 93 & 1. 94), tr. 63, như sau:
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui.
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...g
4. Trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” đăng trên Văn Nghệ (Hà Nội) số 49-50 ra ngày 5.12.1987, Nguyễn Minh Châu viết: "Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”. Nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng". Không nói ra, nhưng ai cũng đoán chắc nhà văn đàn anh ấy chính là Nguyễn Tuân.
5. Văn Nghệ số ra ngày 17.10.1987.
6. Dẫn theo Nguyễn Trọng Tín trên Văn Nghệ số ra ngày 3.7.1988.
7. Nguyễn Minh Châu, bđd.
8. Phan Sĩ Tấn & Trần Thanh Đạm (1980), Thơ văn Nguyễn Trãi, nxb Giáo Dục, Hà Nội. tr. 229.