Sony, nạn nhân của tin tặc Bắc Triều Tiên ? REUTERS/Yuriko Nakao
Ngày 24/11/2014, các máy chủ của tập đoàn Nhật Bản Sony đã phải hứng chịu một cuộc tấn công tin học hết sức tinh vi. Ngay sau đó, một khối lượng lớn dữ liệu bị đánh cắp đã được những tin tặc không biết rõ xuất xứ công bố trên mạng. Ngay từ đầu, giới điều tra đã tình nghi Bắc Triều Tiên là thủ phạm. N
hưng trước mắt chưa thể chứng minh, cho dù một số động thái « chiều ý » Bình Nhưỡng của giới lãnh đạo Tập đoàn Nhật Bản như đã xác nhận giả thuyết đó.
Ngay khi vụ tấn công hãng Sony xảy ra, giới quan sát đã nghĩ ngay đến Bắc Triều Tiên. Lý do rất đơn giản. Trước đó, chế độ Bình Nhưỡng đã cực lực đả kích tập đoàn Nhật vì đã dám làm ra một bộ phim hài, trong đó có đề cập đến việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bị ám sát.
Mang tựa đề « Cuộc phỏng vấn chết người », bộ phim là một câu chuyện hư cấu về hai nhà báo muốn ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Khi nội dung phim được tiết lộ, chính quyền Bình Nhưỡng không nén cơn giận dữ, đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn không cho phát hành bộ phim. Vào tháng 7/2014, Bắc Triều Tiên còn dọa trả đũa « không thương tiếc » nếu bộ phim không bị cấm.
Tệ sùng bái lãnh tụ tại Bắc Triều Tiên đã thần thánh hóa lãnh tụ Kim Jong Un mà không ai có quyền đụng chạm. Vấn đề là uy lực của chế độ Bình Nhưỡng đã không cấm được bộ phim, và không loại trừ khả năng là đĩa DVD của bộ phim này được đưa vào Bắc Triều Tiên, khiến cho chính quyền nước này hết sức giận dữ.
Các dấu hiệu khả nghi Về phương tiện, Bắc Triều Tiên từng nổi tiếng là có một đơn vị tin tặc rất tinh nhuệ, và từng có tiền án trong lãnh vực này. Vào tháng Tư năm 2013, máy chủ của nhiều ngân hàng và kênh truyền hình Hàn Quốc đã bị tấn công, thủ phạm bị nêu tên là Bắc Triều Tiên.
Các cuộc tấn công vào máy chủ của Sony rất giống với đợt tấn công vào Hàn Quốc năm ngoái. Bên cạnh đó, một phần của mã virus đã được sử dụng để xâm nhập vào máy chủ của Sony lại được viết bằng tiếng Hàn.
Các manh mối kể trên dĩ nhiên không phải là bằng chứng, mã tiếng Hàn hoàn toàn có thể được sử dụng để đánh lạc hướng điều tra. Chính quyền Bắc Triều Tiên đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm về cuộc tấn công, nhưng đồng thời cũng tỏ ý hoan hỉ trước vụ tấn công, cho đấy là một hành động « chính đáng », và cho rằng đấy có thể là một « công việc đạo đức của các cảm tình viên » của chế độ.
Sony đã phải chiều ý Bình Nhưỡng Có một điểm chắc chắn là một số đòi hỏi của Bắc Triều Tiên đối với tập đoàn Sony đã được đáp ứng. Mới đây, Sony loan báo là bộ phim « Cuộc phỏng vấn chết người » sẽ không được trình chiếu ở châu Á.
Và theo một số thư điện tử bị tiết lộ, chủ tịch hãng Sony, Kazuo Hirai còn đã ra lệnh điều chỉnh một số nội dung trong bộ phim, điều đã khiến nhà đồng đạo diễn Seth Rogen cực kỳ tức giận vì đã phải thay đổi một cảnh trong phim để « chiều lòng người Bắc Triều Tiên. »
Theo Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul, các tin tặc tấn công vào máy chủ của hãng Sony tự nhận là những người « gìn giữ hòa bình ». Trong những ngày qua, họ đã thường xuyên tung lên mạng dữ liệu mà họ đã đánh cắp được của Sony, từ những bộ phim chưa hề được công bố, cho đến những dữ liệu bí mật như kịch bản phim, hợp đồng, thông tin về các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Họ cũng gởi email đe dọa đến nhân viên của Sony và gia đình của họ viết bằng tiếng Anh bập bẹ. Mới đây họ còn công bố những bức email cá nhân của một số lãnh đạo Sony, có những bức có thể gây sốc, như lời lẽ đầy tính kỳ thị chủng tộc của Phó Chủ tịch Sony Pictures khi đề cập đến Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ba ngày trước khi tấn công, các tin tặc cũng đã từng đòi Sony một khoản tiền chuộc, để đổi lấy việc không phát tán dữ liệu. Sony đã từ chối, và kể từ khi đó, tin tặc cho công bố nhỏ giọt các thông tin bị đánh cắp.
Theo RFI