Theo một nguồn khả tín, Tướng Tô Lâm, một ngôi sao đang lên nhanh của Bộ Công an, đồng môn thuở C500 của Anh Ba Sàm, từng gặp trực tiếp Anh Ba Sàm để khuyên nhủ. Nhưng, Anh Ba Sàm, cho đến khi bị bắt, hẳn chưa một ngày rời Ba Sàm. Có lẽ chỉ có những người đã ấp ủ, trăn trở và rất tha thiết với Tự do hơn tất cả mọi thứ mới có ứng xử như Anh Ba Sàm đã thể hiện: tiếp tục tình bạn nhưng “anh đường anh tôi đường tôi” dù “anh” đã dốc bầu tâm giao và dù “anh” là một chỉ huy quyền uy của lực lượng chuyên chính hiện hành. Chắc chắn tâm giao đó, khuyên nhủ đó phải được hiểu theo hai mặt, là những cam kết, hứa hẹn, tưởng thưởng, viễn cảnh không nhỏ về vật chất và ở mặt kia là một đe dọa của thì tương lai gần cùng những tương lai xa hơn đầy tai ương, uy hiếp.
Chắc chắn nhiều người đã từng hoài nghi, nghi ngờ Anh Ba Sàm. Việc bắt Anh Ba Sàm đã làm chỉ số tín nhiệm và tin tưởng nơi anh tăng vọt, nhưng, tôi tin, sự thận trọng, nghi ngờ chưa hẳn đã hết. Song, tôi cũng tin những người khó tính nhất, thận trọng nhất phải thừa nhận bản kết toán về truyền thông do Anh Ba Sàm tạo ra có số dư dương rất lớn thuộc về khai trí giúp nhận chân lịch sử, xóa đi những ảo tưởng về lãnh tụ, xua đi những huyễn hoặc về chính trị nhằm “phá vòng nô lệ” cả Tàu và ta. Càng thấy giá trị và ấn tượng ghê gớm nếu ta lại đặt số dư đó ở giữa hai vật, một bên là tấm thẻ Đảng đỏ thẫm của một cố Ủy viên Trung ương, cựu đại sứ tại Liên Xô (cái nôi của toàn trị cộng sản) còn bên kia là bộ quân phục sĩ quan an ninh màu cỏ tối đã bạc. Nhưng hình ảnh này không còn thuộc riêng cá nhân và gia đình Anh Ba Sàm nữa, nó đã thành một biểu tượng chung cho đặc tính hấp dẫn, khơi gợi thiện tính trong con người của Dân chủ Tự do. Bất kỳ hốc tối, khoảng băng giá nào của xã hội cũng có thể sẽ bén hoặc bắt tia lửa Dân chủ.
Xem thế, những hoài nghi, nghi kị đã và đang tồn tại có điều gì đó thật nhẫn tâm. Nhưng tình trạng lòng người hoang mang, chao đảo như vậy không phải là điều mới hay là trường hợp đầu tiên. Cách đây chừng 15 năm, khi ấy các “nhà hoạt động” còn hiếm hơn “lá mùa Thu”, bản thân tôi, người có ít kinh nghiệm, đã chứng kiến ít nhất một trường hợp tương tự. Tình trạng mù mờ, hoài nghi xót xa và không dễ chia sẻ, không thể lý giải được ngay một cách thấu đáo như thế vừa là hệ quả tất yếu vừa là một bi kịch không chỉ của đương sự, nghề nghiệp cá nhân, lịch sử gia đình mà còn là của lịch sử một dân tộc đã phải chịu nhiều tráo trở, là hệ lụy rất khó rời ngay được của một xã hội đã phải vượt thoát, sống còn bằng luồn lách với gần như mọi thủ đoạn trên nửa thế kỷ. Nhưng đó cũng là thách thức, là thử thách đối với tất cả những người muốn tiến bộ. Mọi sự nghi ngờ theo năm tháng dai dẳng đến đâu cuối cùng chỉ làm tăng thêm giá trị, niềm tin, ngưỡng phục, phẩm hạnh cho cái thật, dĩ nhiên chỉ khi cái thật đó không bải hoải, không bị giết chết bởi nghi ngờ.
Những chi tiết trình bày như thế không thể tránh được hệ quả gợi lên trong tâm trí nhiều người về nỗi cô đơn, lẻ loi của Anh Ba Sàm. Tuy nhiên, dù chúng ta không thích, đó vẫn là một thực tế hiển hiện của thân phận những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ tại Việt Nam từ nhiều thập niên qua cho tới tận hôm nay, dù đã có những cải thiện. Đã có nhiều trăm người ký tên thật vào các thỉnh nguyện đòi trả tự do cho Anh Ba Sàm (và nhiều người khác) – một vượt bực so với chỉ 5 năm trước. Nhưng đã có bao nhiêu người có hành động mang tính rời xa thực sự cái Đảng, cái chính thể đang trấn áp Anh Ba Sàm (cùng nhiều người khác), như trả thẻ Đảng, bỏ ngành công an, tuyên bố rời những chức vị chẳng danh giá cho lắm, v.v., vì Anh Ba Sàm? Hiện thực này khiến tôi không thể không liên tưởng tới một hoạt cảnh múa đôi:
Bên này, nhà độc tài ngày càng phát ra những ngôn từ, những động tác, hình thái mới gần hơn với dân chủ nhưng quyết không để cái gì làm tổn hại tới các thiết chế độc tài, bên kia, người bị trị cũng ngày càng xướng ra những phát ngôn ủng hộ dân chủ, biểu tỏ phản đối trấn áp tự do nhưng cũng quyết không làm điều gì tổn hại tới danh vị, đặc quyền bản thân do độc tài ban phát.
Song, nói như thế không có nghĩa cố tình không biết đến những tấm lòng thơm thảo, những con tim đang trăn trở, nhức nhối, những chuyển động âm thầm trong lòng người. Nhưng nếu trung thực và mạnh dạn, chúng ta phải thấy rằng độc tài từ bao năm qua luôn đưa tay ghìm bớt tiếng cười khi liếc mắt nhìn những thỉnh nguyện có những lập luận rằng “người ấy” là “người yêu nước”, “không vi phạm pháp luật”, “không phải bất đồng chính kiến”, “không muốn làm anh hùng”, “đang đầy bệnh tật”, “rất ôn hòa”, “vì sự thật”, “đã có công với Đảng”, “thuộc gia đình cách mạng”, “chỉ vì lợi ích của Đảng” v.v.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ cái sự “một mình” (alone), chứ không phải “cô đơn” (lonely), luôn là một thuộc tính bất biến của mọi khai phá, sáng tạo.
Tôi đã từng có lần yếu đuối rất đáng trách thốt ra lời “Thương anh” với người vì tự do mà bị lao tù. Nhưng nghĩ thêm, đối với những người bị lâm nạn vì đã khát khao tự do thực sự, cái “tình thương” đó không phải là điều họ cần nhất.
(Bảy tháng và 11 ngày sau khi Anh Ba Sàm cùng đồng sự bị bắt. Cuối ngày thứ Mười, ngày đã hết lệnh tạm giữ – tối đa 09 ngày – phải chuyển sang lệnh tạm giam,tức có “khởi tố”- thủ tục tố tụng tối thiểu để giam giữ lâu dài và đưa đến các thủ tục khác: truy tố, xử án, kết án – sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt.)
© 2014 Phạm Hồng Sơn & pro&contra
Theo blog của phạm thị hoài