Lần đầu tiên tại Việt Nam, sáng ngày 18 tháng 12, 2014 tại Hà Nội, một công ty truyền thông phối hợp với nhà xuất bản của Hội Nhà Văn đã cho khai mạc cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm ra đời trong thời kỳ 1930 – 1945 tại Việt Nam.
Một số tập sách nằm trong danh sách “Việt Nam danh tác” được mang ra trưng bày, như “Kỹ Nghệ Lấy Tây”, “Số Đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng; “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng, “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, “Lều Chõng” của Ngô Tất Tố, “Quê Ngoại” của Hồ Dzếnh, “Gió Đầu Mùa” của Thạch Lam, v.v.. Báo Tuổi Trẻ cho biết, cuộc triển lãm này sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 22 tháng 12, 2014 tại Trung tâm Văn hoá Pháp Hà Nội.
Công ty truyền thông Nhã Nam ở Hà Nội cho hay, sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hoá Pháp Hà Nội tổ chức buổi toạ đàm mang chủ đề “Danh tác xưa, người đọc mới” và khẳng định rằng, họ không vi phạm bản quyền của tác giả. Trước đây, thân nhân của nhà văn Ngô Tất Tố đã lên tiếng tố cáo công ty Nhã Nam vi phạm quyền tác giả khi in lại các tác phẩm của ông.
Theo dư luận, ngành xuất bản các tác phẩm văn học ở Việt Nam chỉ mới làm một chiều, khi giới thiệu với người đọc các tác phẩm đặc sắc thời tiền chiến, trong khi bỏ qua những tác phẩm đang gây sự chú ý trên văn đàn hiện nay, như cuốn “Chuyện Kể Năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa mới qua đời, như “Đèn Cù” của nhà văn Trần Đĩnh, “Sự Thật Cần Được Biết” của ông Đặng Chí Hùng đã được bày bán khắp thế giới hiện nay
SBTN