VRNs (21.12.2014) – Sài Gòn – Thái độ và hành động của những quan tham chiếm nhà công, chiếm đất công cũng giống hệt như thái độ và hành động của những người cầm đầu bất tài vô đức nhưng vẫn tham ghế, ngồi lì để tham nhũng.
Công an biến thành côn đồ hành hạ nhân dân, đàn áp những người dân chủ, vì những người lãnh đạo họ là những tên đồ tể, không chỉ tàn sát dân lành mà còn dùng mọi thủ đoạn đê hèn ám hại lẫn nhau.
Cha nào con nấy. Cán bộ chỉ là phiên bản của lãnh đạo, rập khuôn theo cách suy nghĩ và hành động của lãnh đạo họ. Vì thế lạm quyền, tham nhũng, bất công và tàn ác đã kết thành hệ thống chân rết từ những quan ngồi trong Bộ chính trị tới các chi bộ đảng trong phường-xã. Nguy hiểm nữa là hai phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn dũng đang phá nhau rất tàn bạo trước Hội nghị Trung ương 10 và Đại hội 12 để giữ ghế, giành phần!
Chính chế độ độc đảng toàn trị là thủ phạm đã kéo dài trên 60 năm. Phải chấm dứt sớm chế độ bất nhân này để xây dựng một VN mới dân chủ, công bằng, hạnh phúc, văn minh và độc lập!
Tài sản công và nhân dân là hai nguồn lực vật chất và tinh thần căn bản và quan trọng nhất của một nước. Tài sản công được hiểu ở đây là đất đai, nhà cửa, tiền thuế, tài nguyên thiên nhiên. Nhân dân bao gồm mọi thành phần sinh sống trên đất nước: nông dân, công nhân, chuyên viên, trí thức… Không cần nghe những lời hứa hẹn hay những tuyên bố hùng hồn của các người cầm đầu nhà cầm quyền, nhưng chỉ cần quan sát cách quản lí, chi thu các loại tài sản công và cách cư xử, giáo dục và đào tạo đối với nhân dân của họ, người ta có thể đo được rất chính xác về năng lực, ý thức trách nhiệm và tinh thần đạo đức của nhà cầm quyền một nước. Từ đó biết rõ tương lai của chế độ này sẽ vươn lên hay tan rã.
Trong lịch sử VN đã từng có những thời kì rất hưng thịnh so với tiến trình văn minh của khu vực và thế giới của giai đoạn đó. Nhân dân được ấm no và được tôn trọng thì đất nước có ổn định. Lịch sử VN và thế giới đã chứng minh rằng, nơi nào người dân bị đối xử tàn bạo, tài sản công bị tiêu sài hoang phí và bất công, tham nhũng thì chế độ đó không thể tồn tại lâu, dù có công an mật vụ dầy đặc, quân đội vũ khí đầy mình. Chế độ Quốc xã của Hitler hay các chế độ CS ở cựu Liên xô và các nước Đông Âu đã minh chứng qui luật này. Ngược lại, nơi đâu các tài sản công được chi tiêu hợp lí, kiểm soát chặt chẽ và người dân được tôn trọng, thanh thiếu niên được giáo dục và đào tạo đàng hoàng và chuyên viên trí thức được trân trọng thì chính nơi ấy có đời sống cao, hạnh phúc, văn minh và ổn định chính trị thực sự. Đó là Hoa kì, Gia nã đại, nhiều nước trong Liên minh Âu châu, châu Úc. Trong các thập kỉ gần đây nhiều nước Á châu và Nam Mĩ cũng đã ý thức nên đã dứt khoát từ bỏ độc tài và kiên trì thực hiện chế độ dân chủ nên đang tiến tới hưng thịnh, hạnh phúc, văn minh và ổn định!
Trong khuôn khổ giới hạn, bài này chỉ bàn tới một số vấn đề rất nóng bỏng không chỉ trong các giới chuyên viên, trí thức, thanh niên, phụ nữ mà cả trong nội bộ đảng cầm quyền ở VN, nhất là đối với các đảng viên còn biết quí tự trọng. Một số vấn đề cực kì nóng bỏng và gây bất bình trong nhân dân là việc sử dụng và quản lí nhà công, đất công rất phí phạm và vô trách nhiệm; cũng như chủ trương và hành động ngược đãi qua cách đối xử thô bạo và rất phản văn minh của những người cầm đầu chế độ toàn trị ở VN đối với các công dân, nhất là với chuyên viên, trí thức và những người cầm bút.
*
Trong các xã hội dân chủ thực sự, khi đảm nhận các chức vụ công từ tổng thống, thủ tướng tới các bộ trưởng… chỉ được nhận tiền lương theo qui định của luật pháp, kể cả những tài trợ về công vụ như nhà ở…. Khi chấm dứt nhiệm vụ thì họ hưởng lương hưu trí nhưng phải trả nhà công vụ ngay.
Nhưng trong chế độ dân chủ XHCN ở VN thì lại có hiện tượng rất phổ thông và đặc biệt: Tuy luật pháp cũng qui định là, cán bộ các cấp sau khi nghỉ việc phải trả lại ngay nhà công, nhưng rất nhiều cán bộ cao cấp đã chẳng đếm xỉa gì tới luật pháp, cứ chiếm nhà công hết năm này đến năm khác, thậm chí như cựu Ủy viên Trung ương đảng Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thời Nguyễn Tấn Dũng sau ba năm mới trả lại nhà công, cùng lúc ông mua nhiều nhà, tậu nhiều đất xây biệt thự nguy nga hàng chục tỉ đồng. Còn Hoàng Văn Nghiên, nguyên Ủy viên Trung ương đảng và Chủ tịcỦy ban Nhân dân Hà nội thời Nguyễn Phú Trọng, tuy đã về hưu hơn chục năm nay nhưng vẫn chiếm biệt thư công và còn để con trai ở với giá thuê hàng tháng chỉ bằng 10 tô phở hay trên 20 Mĩ kim! Nhiều đảng viên còn biết tự trọng cho biết, đây chỉ mà bề nổi của tảng băng!
Tại sao có hiện tượng tước đoạt trắng trợn tài sản công như vậy? Các quan đỏ tham nhũng đã biện hộ như thế nào? Các người đương chức có trách nhiệm bảo vệ tài sản công từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước tới Thủ tướng… giải thích ra làm sao về trách nhiệm của họ trong việc quản trị tài sản công?
*
Trong các xã hội Dân chủ Đa nguyên các quyền tự do căn bản của công dân, trong đó có quyền an ninh về thân thể, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận… được ghi rõ trong hiến pháp, luật pháp, các cơ quan tư pháp và cảnh sát phải triệt để tôn trọng. Nhưng tại sao dưới chế độ dân chủ XHCN, tuy Hiến pháp cũng nhìn nhận các quyền của công dân, song trong thực tế nhận chỉ thị của thượng cấp nên công an vẫn ngang ngược bắt giam bất cứ ai khi thấy nguy hại cho uy tín và địa vị của họ. Như mới đây những người cầm đầu chế độ đã để công an bắt GS Hồng Lê Thọ và nhà văn Nguyễn Quang Lập, các Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy….hay xử tù bà Bùi Thị Minh Hằng và một số người khác; mặc dầu đứng về phương diện nhân quyền họ chẳng có tội gì, trong các xã hội Dân chủ Đa nguyên thì họ là những gương sáng! Chẳng những bắt người trái phép, những người cầm đầu chế độ độc đảng toàn trị còn rất ngang ngược trục xuất công dân trái phép ra nước ngoài, như gần đây bắt Blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải và TS Luật Cù Huy Hà Vũ phải rời khỏi VN! Tại sao họ lại có những hành động ngang ngược chà đạp nhân quyền, phản dân chủ như vậy? Mặc dầu họ vẫn vỗ ngực, chế độ độc đảng toàn trị dân chủ gấp cả ngàn lần Dân chủ Đa nguyên!
Tại sao nhà công trở thành nhà ông, đất công trở thành đất ông rất dễ dàng dưới chế độ toàn trị?: Tư duy và hành động của lãnh đạo đối với tài sản công
Mới đây tờ Cộng sản điện tử đã đưa ra các con số nhà công trên toàn quốc hiện đang do các cơ quan ở trung ương và địa phương quản lí là 61.249 căn với khoảng 1.603.489m². Trong đó có 81 biệt thự, 5.202 căn hộ chung cư và 55.966 nhà liền kề. Riêng quân đội và công an chiếm số lượng cao nhất đặt dưới quyền quản lí của Bộ Quốc phòng (2.956 căn tương ứng với 187.822 m2) và Bộ Công an (1.791 căn tương ứng với 90.904 m2). Mặc dù các con số đưa ra có lẽ mới chỉ là một phần- như số biệt thự không phải chỉ có 81 mà là cả ngàn. Tuy nhiên các con số trên cũng đã cho thấy, số nhà công vụ đặt dưới sự quản trị của các cơ quan là rất lớn. Đây là một phần tài sản công rất quan trọng giành cho các viên chức và gia đình vì công vụ phải thay đổi nhiệm sở có nơi tạm trú.
Mặc dù đã cầm quyền từ trên 60 năm, nghĩa là có thừa thời gian để qui định và tổ chức một xã hội lành mạnh, công bằng và văn minh trên các lãnh vực, nếu những người cầm đầu chế độ độc đảng toàn trị qua các thế hệ thực tình có ý muốn thực hiện. Nhưng gần đây một số cán bộ cấp trung đã về hưu cho biết, họ không nhận được chỉ thị hay quyết định bắt họ phải trả lại nhà công. Trong khi ấy những người cầm đầu thì lại lúng túng đổ lỗi cho nhau. Khi các vụ nhà công thành nhà ông, đất công thành đất ông của các quan lớn tham lam như Trần Văn Truyền và Hoàng Văn Nghiên thì báo chí lề đảng mới nhập cuộc. Nhưng nhiều tờ nhẩy vào không làm nhiệm vụ thông tin, lại chỉ đứng sau ông lớn này đánh phá ông lớn kia.
*
Trần Văn Truyền từng là Ủy viên Trung ương đảng hai khóa 9 và 10. Trong thời gian đó ông đã giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến tre, Phó Trưởng ban kiểm tra Trung ương và từ 2006, khi Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng, trở thành Tổng Thanh tra Chính phủ ngang chức bộ trưởng (2006-2011), phụ trách lãnh vực chống tham dũng do Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban khi ấy. Sau khi ông Truyền về hưu đã có nhiều tin và hình ảnh về căn biệt thự rất nguy nga ở Bến tre. Một số đại biểu Quốc hội đã yêu cầu điều tra, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và người kế nhiệm ông Truyền trong chức Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Thanh –cả hai đều dưới quyền trực tiếp của Nguyễn Tấn Dũng- đã tìm cách bào chữa cho Trần Văn Truyền. Nhưng sự việc sau đó lại rơi vào im lặng.
Mãi tới khi gần Đại hội 12 thì Ủy ban Kiếm tra trung ương mới điều tra vụ ông Truyền và cuối tháng 11 mới công bố kết quả điều tra. Nghĩa là chỉ ít tuần trước Hội nghị Trung ương 10 họp chuẩn bị đề án nhân sự ở cấp cao nhất cho Đại hội 12 sẽ diễn ra đầu 2016. Ủy ban Kiểm tra trung ương đã liệt kê ít nhất 6 trường hợp Trần Văn Truyền đã mua đất xây nhà hoặc sử dụng nhà công vụ trái phép ở Bến tre, Sài gòn và Hà nội. Có những căn nhà thửa đất ông Truyền đứng xin cho ông nhưng sau đó lại để cho con cái hay vợ quản trị hoặc cho thuê. Riêng ngôi biệt thự nguy nga trên thửa đất rộng hơn 16.000 m² ở Bến tre phí tổn xây dựng lên cả chục tỉ đồng. Làm sao ông Truyền có nhiều tiền như thế? Không những thế chỉ vài tháng trước khi về hưu ông Truyền đã vội vã bổ nhiệm ít nhất 60 cán bộ cấp vụ. Động cơ nào và ai cho phép?
Điều nổi bật nhất ở đây là, trong thời gian nắm các chức vụ quan trọng ở Bến tre và trung ương các yêu cầu của ông Truyền về nhà đất đã được các cơ quan nhà nước chấp nhận rất dễ ràng. Nghĩa là đối với các quan lớn, người có quyền lực dù ở cấp địa phương hay trung ương đã tự ý đạp lên luật pháp, sẵn sàng làm theo yêu cầu của cấp trên, dù biết rằng các yêu cầu này trái phép. Việc này cho thấy, từ chủ trương coi đất đai là tài sản công dưới chế độ độc đảng đã mau chóng trở thành tài sản của đảng, rồi trở thành tài sản riêng của các quan đỏ có máu mặt ở trung ương và địa phương chỉ là một cái nháy mắt khi họ nắm quyền lực.
Việc này chứng minh, trong chế độ độc đảng toàn trị người nắm quyền lực có tư duy như thế nào thì dẫn tới hành động theo logic ấy! Khi lên làm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng quyền lực đòi cho bằng được phải ghi tiếp tục vào Cương lĩnh chính trị 2011 và Hiến pháp 2013 là „đất đai là sở hữu công“, tức là của đảng cầm quyền, mà thực tế là tài sản riêng của các quan đỏ ngồi cao ở trung ương và địa phương. Thói tham nhũng trắng trợn của Trần Văn Truyền chỉ là trường hợp điển hình, như bề nổi của một tảng băng, nhân dân và đảng viên đều biết. Nhưng đầu tháng 12 Nguyễn Phú Trọng –kiêm Trưởng ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng- đã tìm cách bào chữa „không thể từ một vụ ông Truyền mà suy ra „đảng hỏng hết, vứt đi hết“ “. Khi mới lên làm Tổng bí thư ông Trọng hùng hổ đòi cách chức hết bọn quan tham nhũng kể cả „Đồng chí X“, tức ông Thủ, trở xuống. Nhưng càng về sau này ông càng thối lui thụt lùi, không còn dám ra tay, sợ bọn tham quan „gây thù gây oán“, hay „đánh chuột đừng để vỡ bình“ như lời ông thổ lộ gần đây! Đó chính là lời thú nhận sự bất lực của người cầm đầu chế độ độc đảng toàn trị trước bọn tham quan, vì thế nên ông Trọng vừa mới rầm rộ phát động phong trào chỉnh đảng đã phải vội đóng lại ngay, vì bọn tham quan quá mạnh, đánh phá nhau thì sợ mất đảng, ngay cả cái ghế của Nguyễn Phú Trọng cũng không vững!
*
Nạn tham nhũng của bọn tham quan đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ví như bầy sâu! Trong dịp tham nhũng nhà công đất công của Trần Văn Truyền và Hoàng Văn Nghiên một số cán bộ trung cấp về hưu đã giãi bày, vì sao họ không trả lại nhà công phản ảnh rất đúng với tâm tư và hành động trên.
Tờ Tuổi trẻ đã phỏng vấn mốt số cán bộ trung cấp về nhà công họ đang thuê nhà công vụ ở khu Hoàng Cầu, ngõ 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà nội đang do bộ Xây dựng quản lí. Trong đó có 80 căn hộ thì 59 căn đã bị sử dụng sai mục đích.
Cựu Thứ trưởng Tài nguyên-môi trường Nguyễn Văn Đức cho tờ Tuổi trẻ biết ngày 30.11.14:
„Khi còn công tác thì quyết định phân nhà cho tôi ở không ghi thời hạn. Về ở căn nhà đó tôi cũng đã xin phép sửa sang, cải tạo lại. Bây giờ tôi vẫn có nhu cầu ở đó, nhưng sau khi nghỉ tôi sống chủ yếu trong TP.HCM, mỗi tháng ra Hà Nội 1-2 lần, còn nhà đó thì người em tôi ở và làm việc là chính…Tôi khẳng định đến giờ này chưa thấy cơ quan nào đưa cho tôi quyết định thu hồi lại nhà, cũng chưa có ai ở cơ quan nhà nước lên tiếng đòi nhà, và nhiều nhà công vụ cũng không ai đòi, vậy thì nói không trả nhà công vụ thì đâu hẳn đã đúng.“
Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm (căn 405 khu Hoàng Cầu), tuy đã nghỉ từ 2011 cũng cho biết„Hiện nay nhà công vụ ở Hoàng Cầu con tôi đang ở,.“
Cựu thứ trưởng Bộ Giáo dục-đào tạo Đặng Huỳnh Mai (căn 608 khu Hoàng Cầu): „Gọi là cấp nhà công vụ cho lãnh đạo cấp thứ trưởng trở lên, nhưng thật ra đó chỉ là cấp nhà để được… thuê. Khi tôi còn làm thứ trưởng, tiền thuê nhà do Bộ GD-ĐT chi trả. Còn từ thời điểm tôi nhận quyết định nghỉ hưu (tháng 10-2007 – PV) thì tiền thuê nhà là do tôi tự bỏ tiền túi ra. Hiện gia đình con trai tôi đang ở căn hộ đó“.
Ngay cả đương kim Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Tô Quang Thu (khu Hoàng Cầu) cũng cho biết, căn hộ 50m² do của nhà nước giao cho, nay ông để cho gia đình con gái ông ở.
Những lời khai trên phản ảnh chung tình trạng sử dụng và quản lí nhà đất công, cho thấy hai điều: 1. Các căn hộ công dành cho các viên chức, mặc dầu họ đã nghỉ từ lâu nhưng các con cái của họ vẫn đang ở. Nghĩa là nhà công đã biến thành nhà riêng của các ông. 2. Cơ quan quản trị nhà công vụ từ trung ương tới địa phương đã không ý thức trách nhiệm của mình là đòi lại các nhà công vụ! Trong khi đó những người cầm đầu chế độ vẫn nhắm mắt bỏ qua! Chính tình trạng này cũng vừa được Trương Tấn Sang nhìn nhận khi tiếp xúc với cử tri ở Sài gòn.
Những lời khai trên đây của họ phản ảnh rất trung thực tục ngữ cha nào con nấy! Khi lãnh đạo chế độ toàn trị đòi ghi tiếp tục trong Cương lĩnh Chính trị và Hiến pháp „đất đai là sở hữu công“, coi tài sản công là tài sản riêng của đảng, thì các cơ quan cầm quyền của đảng này sẽ coi các tài sản này như tiền chùa, tự do phân phát cho đàn em, vây cánh!
Ông Tổng và ông Thủ đang ra tay đánh phá nhau trước Đại hội 12
Đối với các nhà công vụ bề thế hơn giành cho các cấp Ủy viên Trung ương đảng trở lên thái độ vô trách nhiệm của các cơ quan lại càng tồi tệ hơn. Điển hình như căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa ở ngay trung tâm Hà nội (nhà có diện tích 185,6 m2 trên thửa đất 410,9m2) được thành phố giao cho ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Ủy viên Trung ương đảng và cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giai đoạn 1994-2004. Nhưng cho tới đầu tháng 12.14 ông không trả lại biệt thự và hiện đang để con trai của ông ở với giá thuê nhà hàng tháng khoảng 500.000 đồng, chỉ bằng giá 10 tô phở!
„Như vậy tổng số tiền ông Nghiên phải trả để thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa chỉ có 459.688 đồng/tháng. Con số này chỉ bằng khoảng ¼ số tiền công nhân hoặc người nhập cư chi trả hàng tháng để có chỗ ở trong phòng trọ rộng chừng 12m2.
„Không bức xúc sao được khi phần đông người Hà Nội chen chúc trong những căn nhà hộp diêm với chi phí đắt đỏ thì gia đình ông Nghiên sử dụng biệt thự hoành tráng mà chỉ cần bỏ ra không đến…10 tô phở! ..“
Việc chỉ phải trả tiền thuê nhà hàng tháng rẻ như bèo, nên ông Nghiên vẫn không trả lại biệt thự công và còn để cho con trai ở, dư luận rộ lên từ vài năm trước nhưng rồi lại im lặng. Vì cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân „có công lớn“ với Thủ đô. Cho nên tháng 10 vừa qua, ông Hoàng Văn Nghiên còn được trao Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Nhưng vì sao vài tuần qua vụ Hoàng Văn Nghiên được hâm nóng lại? Sau vụ nhà cửa và đất đai của cựu Ủy viên Trung ương đảng và Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Truyền bị bung ra, nhiều báo chí tường thuật, nhiều nguyên lãnh đạo cao cấp từ Lê Khả Phiêu, Phạm Thế Duyệt, Tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Vũ Quốc Hùng tới cựu Phó trưởng ban Tổ chức Nguyễn Đình Hương…. nhập cuộc lên tiếng chỉ trích làm cho Nguyễn Tấn Dũng nóng rát mặt, vì ông Truyền từng nhiều năm dưới quyền trực tiếp của ông Thủ. Có lẽ vì thế GS Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội và là người ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng, đã vội vàng ra tay cứu chúa tố Hoàng Văn Nghiên, người dưới quyền của Nguyễn Phú Trọng từng làm Bí thư thành ủy Hà nội đầu thập niên 2000. Chỉ một ngày trước khi Hội đồng Nhân dân thành phố họp ông Quốc đã khai hỏa tố ngược lại “Thành phố Hà nội đã nói là sẽ xử lý, nhưng rồi lại để đấy. Sao lại không đi đến cùng được?”. Phe ông Thủ đã quyết để vụ Hoàng Văn Nghiên hâm nóng trở lại đúng vào dịp trước Hội nghị Trung ương 10 bàn về đề án nhân sự ở cấp cao nhất để trả đũa việc ông Tổng tung vụ Trần Văn Truyền. Làm như thế Nguyễn Tấn Dũng không chỉ đánh Nguyễn Phú Trọng mà còn phá – hay ít nhất đặt điều kiện – cả ý định của cánh bảo thủ đang tính đưa Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị làm người kế nghiệp Nguyễn Phú Trọng.
Trong cuộc tranh cãi với một số đại biểu Hội đồng thành phố, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũ Hồng Khanh đã để lộ ra cách quán lí vô trách nhiệm, đổ lỗi lẫn cho nhau giữa những cơ quan và giữa những cán bộ quản lí nhà công vụ, đặc biệt những biệt thự dành cho các quan lớn. Đáng chú ý nữa là trong dịp này tờ Công an Nhân dân, được coi là theo cánh của Nguyễn Tấn Dũng, đã tường thuật tỉ mỉ.
Khi trả lời tại sao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội đã tự ý rút 312 biệt thự (nhà công) ra khỏi danh mục đã được Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt, Vũ Hồng Khanh cho biết, „thẩm quyền để ra quyết định liên quan đến các biệt thự trên,Ủy ban Nhân dân TP đã giao Sở Tư pháp, Sở rà soát và báo cáo Ủy ban Nhân dân TP nên việc ra văn bản của Ủy ban Nhân dân TP hợp thẩm quyền.Ủy ban Nhân dân TP yêu cầu Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ văn bản của Hội đồng nhân dân, vì vậy mới có văn bản trả lời của Ủy ban Nhân dân TP “Nghĩa là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đổ tội cho sở Tư pháp và bộ Tư pháp. Sau cùng Vũ Hồng Khanh còn đổ là vì “Khối lượng công việc lớn, khó khăn phức tạp“.
Vụ Hoàng Văn Nghiên giữ biệt thự công làm của riêng cho mình và con trai kéo dài 8 năm, nhưng cuối cùng Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố vẫn không nhận trách nhiệm và đổ cho các cơ quan khác, hoặc không có thì giờ, thậm chí còn đổ thừa là „quản lí hồ sơ có sai sót do lịch sử để lại“! Điều này phản ảnh tư duy của lãnh đạo coi tài sản công là của đảng, nên bọn quan dưới coi nó như của chùa, tự do chia chác, không thấy có trách nhiệm phải kiểm soát. Vì thế mới có tình trạng nhà công thành nhà ông và đất công thành đất ông!
*
Trong khi cơ quan và cán bộ có trách nhiệm tìm mọi cách trốn trách nhiệm, còn cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hoàng Văn Nghiên, người 8 năm chiếm biệt thự công, có thái độ như thế nào? Trong cuộc phỏng vấn của tờ Tiền phong ông Nghiên đã nói rất tỉnh bơ, coi việc sống trong biệt thự công là rất tự nhiên:
“Tôi chả có việc gì để nói chuyện cả. Tôi có làm gì đâu mà chuyện với trò. Nguyện vọng của tôi, tôi đã nói với chính quyền từ 10 năm nay rồi, còn bây giờ chả có gì để nói cả. Sống đàng hoàng thì chả phải nói gì với ai.”
Cuối cùng ông bảo, muốn biết vì sao thì hãy hỏi chính Ủy ban Nhân dân thành phố:“Anh đến Sở Xây dựng hoặc lên Ủy ban Nhân dân TP mà hỏi, họ sẽ trả lời. Có ai nói gì với tôi đâu. Cơ quan người ta không nói gì với tôi, tôi không nói gì với cơ quan thì việc gì phải nói nhỉ?. Tôi không bận tâm gì mà người ngoài đi nói thì lạ quá”.
Nhưng chỉ vài ngày sau Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã cho biết, ngày 6.12 Hòang Văn Nghiên đã làm đơn chính thức trả lại nhà và thành phố đã chấp thuận. Ai đã ép ông Nghiên phải trả nhà vào dịp này và vì sao? Ở đây cần phải rõ nội tình cung đình của chế độ toàn trị đằng sau của quyết định mới của ông Nghiên. Bị hạ uy tín mạnh trong vụ Trần Văn Truyền nên phe Nguyễn Tấn Dũng phản công. Chỉ riêng Dương Trung Quốc chưa đủ sức mạnh, nên đã cử Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương và Phó chủ tịch Quốc hội –vừa dẫn đầu nhận được số phiếu „tín nhiệm cao“ trong kì họp Quốc hội vừa qua – ra đứng mũi chịu sào. Sau khi về quê nhà Bến tre dàn xếp để Trần Văn Truyền công khai nhìn nhận các việc làm sai trái trong việc nhà đất, bà Ngân thừa thắng tới thẳng „sào huyệt“ đối phương. Trong buổi khai mạc cuộc họp của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà nội sáng 2.12 Nguyễn Thị Kim Ngân đã đòi:
„HĐND Thành phố Hà Nội cần tập trung giám sát những vấn đề quan trọng, vấn đề nhân dân đang bức xúc, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan thông tin báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát; Tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc với cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, ý nguyện của nhân dân, đồng thời, quan tâm đôn đốc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri.“
Những đòi hỏi của bà Ngân được tờ Đại đoàn kết ghi lại toàn bộ. Tờ này dưới quyền của Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân, người cùng dịp với bà Ngân được cánh Nguyễn Tấn Dũng cất nhắc vào Bộ chính trị phá tan ý đồ của Nguyễn Phú Trọng. Sau đó Hoàng Văn Nghiên đã trở thành đối tượng chính trên báo chí lề đảng trong nhiều ngày để phe Nguyễn Tấn Dũng tấn công hạ uy tín Nguyễn Phú Trọng và Phạm Quang Nghị trong kì họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà nội. Nhiều tờ báo lề Nguyễn Tấn Dũng, nhất là tờ Công an Nhân dân, đã khai thác vụ Hoàng Văn Nghiên.
Chính vì vậy phe Nguyễn Phú Trọng đã ép Hoàng Văn Nghiên phải làm đơn trả biệt thự công để nó không còn trở thành đề tài nhạo báng trong Hội nghị Trung ương 10 sắp tới. Chỉ hai ngày ông Nghiên trả lại biệt thự thì Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, vội vàng thân hành họp với Thường vụ Thành ủy Hà nội ngày 8.12, bề ngoài là để thảo luận về dự thảo Văn kiện Đại hội 12 (trong các tuần qua thường chỉ để Đinh Thế Huynh, Phó Trưởng ban Văn kiện, chỉ đạo các cuộc họp liên hệ ở các tỉnh và thành phố). Ngồi cạnh Phạm Quang Nghị ông Trọng đã hồ hởi nói „Đảng bộ HN phải là đảng bộ mẫu mực, gương mẫu cho cả nước“ Việc làm này không chỉ đánh bóng bộ mặt cho mình mà còn cho cả Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị, người được dư luận đồn đãi là được phe Nguyễn Phú Trọng cử ra tranh chức Tổng bí thư trong Đại hội 12 sắp tới. Vì thế ngay hôm sau ông Nghị đã hớn hở gặp cử tri Hà nội và loan báo chính thức việc ông Nghiên trả lại nhà!
Ngay ngày hôm sau Bí thư Thành ủy Hà nội còn để cho Ban Tuyên giáo Thành ủy mở cuộc họp báo giải thích về việc ông Nghiên trả lại biệt thự công. Trong đó bào chữa việc đã để Hoàng Văn Nghiên tiếp tục giữ biệt thự nhiều năm vì ông là „nguyên lãnh đạo Thành phố, có nhiều công lao“. Tại cuộc họp báo Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà nội Phan Đăng Long còn tỏ ra bực bội việc nhiều báo lề Nguyễn Tấn Dũng tấn công vụ chiếm nhà công của Hoàng Văn Nghiên: “Chúng ta cũng thế thôi. Nhà đã có, của con cái hay của chính bản thân, nhưng nằm trong tiêu chuẩn, chính sách rõ ràng thì ông Hoàng Văn Nghiên đương nhiên được hưởng. Không nên đặt vấn đề tại sao”. Cuối cùng Phan Đăng Long còn nói như ra lệnh cho báo chí là „không nên kéo dài việc này trên báo chí“ nữa.
Ai theo dõi nội tình các phe trong Trung ương đảng đều thấy, càng gần tới Đại hội 12 cán cân lực lượng giữa phe ông Tổng và ông Thủ đang ở tình trạng bên nửa cân bên chín lạng, tình thế rất căng thẳng, thua-thắng chưa ngã ngũ. Cho nên mỗi bên phải tranh giành nhau từng bước một, trước hết mỗi bên đều phải tìm cách xóa những điểm nóng gây bất lợi cho phe mình, như Nguyễn Tấn Dũng đã để Trần Văn Truyền nhận tội và vài ngày sau Nguyễn Phú Trọng bắt Hoàng Văn Nghiên trả lại biệt thự.
Mặt khác các phe còn đang ráo riết đẩy mạnh cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Trung ương đảng trong các lãnh vực khác. Sáng 13.12 cũng Nguyễn Thị Kim Ngân với y phục lộng lẫy cùng Nguyễn Văn Bình, Thống độc Ngân hàng Nhà nước và cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng, đã tổ chức long trọng „Lễ tuyên dương“ trao huy chương xuất sắc cho 244 chi bộ tiêu biểu của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp trung ương. Phe Nguyễn Phú Trọng quyết không chịu thua, ngay chiều cùng ngày tại Trụ sở Trung ương đảng Nguyễn Phú Trọng đã gặp riêng 60 Bí thư Chi bộ xuất sắc cũng của Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương. Ai cũng biết, các Doanh nghiệp Nhà nước đang thu vén phần lớn ngân sách và tài sản nhà nước, nhưng đại đa số lại làm ăn rất thua lỗ và từ lâu trở thành hang ổ của bọn quan tham nhũng, nhất là các cán bộ trung và cao cấp. Bộ phận này từng là sân sau của Nguyễn Tấn Dũng, nhưng nay phe Nguyễn Phú Trọng cũng đang tìm cách giành giật lại ảnh hưởng trước Đại hội 12. Chính vì vậy nên phe ông Tổng và phe ông Thủ quyết tổ chức riêng rẽ hai buổi lễ tuyên dương bọn tham quan trong các Doanh nghiệp nhà nước vừa tổn phí ngân sách lẫn thời gian! Chắc chắn cuộc tranh giành ghế và quyền lực giữa các phe sẽ còn tiếp diễn ác liệt và đầy thủ đoạn từ nay cho tới Đại hội 12.