Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa có bài viết trên trang blog đề cập tới tầm quan trọng của sự thật và hậu quả của việc sống với 'dối trá'.
Giáo sư Châu nói con người trở nên đớn hèn khi sống với sự dối tráBài 'Giữ ký ức' được đặt trong mục 'độc thoại' trên blog thichhoctoan.net mở đầu với chuyện người Đức thẳng thắn nhìn vào quá khứ Phát xít đau thương của họ.
Tác giả dẫn lời một người bạn đã sống hàng chục năm ở Đức kể chuyện học sinh trung học được giao làm bài tập bằng cách đi tìm xem trong khu phố của mình đã từng có người Do thái nào sinh sống và số phận của họ ra sao dưới thời Đức Quốc xã và viết:
"Ký ức về một trong những tội ác kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại cần được làm sống lại, không chỉ qua những trang sách lịch sử, mà cả bởi những ngôi nhà, những khu phố thân quen.
"Cần phải mở toang những cánh cửa cứ muốn khép lên số phận những con người đã từng bị đối xử như súc vật."
Giáo sư Châu cho rằng "dân tộc Đức là một dân tộc đã trưởng thành, người Đức muốn con mình trở thành thành viên của một dân tộc trưởng thành."
Ông lý giải tại sao họ "không lờ những gì nhục nhã, chỉ lưu lại lại những gì vinh quang, ngọt ngào":
"Người Đức có lẽ hiểu rất rõ rằng thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật.
"Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình.
"Thế nhưng người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn. Vì sự thật nhiều khi không có lợi, hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi."
'Bóng và Gió'Giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ là người gần đây nhất nhắc tới mối liên hệ giữa sự thật và tính cách cũng như vận mệnh của mỗi con người và cả một dân tộc cho dù ông không nói trực tiếp tới Việt Nam.
Nhà báo Huy Đức, tác giả của bộ sách Bên Thắng cuộc cũng nói về chuyện sự thật cần phải được nói ra cho dù nó có cay đắng tới đâu.
Ông Huy Đức nói sự thật sẽ giúp các nhà lãnh đạo hiện nay tránh mắc lại sai lầm như trong quá khứ và có một hướng đi tốt đẹp hơn cho hiện tại và tương lai.
Giáo sư Châu từng tạm đóng blog sau khi lên tiếng về vụ xử Tiến sỹ Cù Huy Hà VũTrước đó blogger và nhà báo Trương Duy Nhất chỉ trích một số lãnh đạo Việt Nam "hèn hạ" khi phải nói chệch tên ủy viên Bộ chính trị bị đề nghị kỷ luật là "đồng chí X".
Nhưng nói bóng gió thực ra là một đặc tính của người Việt như nhà báo Robert Templer đã nhận xét trong cuốn sách Bóng và Gió. Nói rộng ra, lảng tránh sự thật hoặc thậm chí dối trá được cho là căn bệnh phổ biến ở các quốc gia cộng sản.
Năm ngoái, báo Pravda, tức sự thật, kỷ niệm 100 năm thành lập với khẩu hiệu có tiếng Mnogo Gazet, Pravda Odna, có nghĩ là 'Nhiều Báo, Sự thật chỉ một'.
Nhiều nhà báo Nga đã chỉ ra rằng những gì đăng tải trên Pravda phải được đọc với sự thận trọng, những lời khen luôn đáng nghi ngờ và sự chê bai đồng nghĩa với chuyện đối tượng được nhắm tới là người tài.
Sự dối trá trong xã hội cộng sản tồn tại như một định chế và được sự bảo kê cần thiết để tồn tại và phát triển.
Định chế đó nhắm tới cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nhưng nếu Đảng Cộng sản Liên Xô có thể gợi ý điều gì cho các đảng cựu vệ tinh thì đó chính là sự bảo kê không bao giờ có thể là vĩnh viễn.
Chính 'Sự thật' đã từng chết đi sống lại khi Đảng Cộng sản Liên Xô băng hà.
'Đẹp đẽ tinh khôi'Trở lại với blog của Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông dành phần cuối để nói về hành trình cùng bà ngoại đi tìm lại căn nhà với cây bàng trước cửa, nơi bà và ông đã quen nhau "khi đi dạy bình dân học vụ" ở làng Bạch Mai, Hà Nội.
Đối với một người từng sống ở Châu Âu cổ kính, vị giáo sư dường như tỏ ý tiếc cho sự phát triển không có tính kế thừa và thiếu tôn trọng quá khứ mà ông chứng kiến trong chuyến đi ngắn ngủi.
Ông viết: "Cái không may nhưng lại là may trong trường hợp của tôi là số bàng còn sống sót cũng không nhiều.
"Cái nhà giống nhất với những gì bà tôi còn nhớ bây giờ là một hiệu cầm đồ.
"Cả dãy phố đó còn lại một hai cây bàng nhưng có cả chục hiệu cầm đồ. Cái nào cũng giống cái nào, một đống máy vi tĩnh cũ nát, ba bốn cái xe máy lấm bùn.
"...Một vài người nhìn hai bà cháu tôi với ánh mắt thù địch.
"Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi có một ý nghĩ vu vơ, nhưng là một sự tiếc nuối vô bờ cho một ký ức đẹp đẽ tinh khôi đã bị mất, để đổi lại hình ảnh bạc nhược của một đống máy vi tính vô hồn cũ nát, của những chiếc xe máy gỉ sét trong tiệm cầm đồ.
"Đành rằng, cầm đồ là một loại hình kinh doanh có lợi."
Blog của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã gây tiếng vang lớn khi ông lên tiếng về vụ xử Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ nhưng ông cũng đã phải tạm đóng blog một thời gian vì các phản ứng dữ dội sau đó.
Ông cũng từng nói trên blog rằng ông không phải là người đi theo lề vì chỉ có "loài cừu" mới làm như vậy.
Hiện Giáo sư Châu tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại University of Chicago nhưng cũng là Giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp về Toán ở Việt Nam.
Source: BBC