Để đánh giá các tướng lãnh, người Tầu đặt ra sáu tiêu chuẩn Nhân, Trí, Dũng, Tín, Liêm, và Trung; tổng tư lệnh Obama đạt được hai tiêu chuẩn "trí" và "nhân", trong 6 tiêu chuẩn này. Là một trí tướng, ông dùng trí, loại được 2 lợi khí của quân IS: mìn và xe bom; ông đang đưa quân Mỹ vào chiến trường sa mạc để cứu viện cho Iraq, tấn công lực lượng khủng bố IS -bọn chuyên cắt đầu con tin- mà trong suốt 6 tháng giao tranh, không một chiếc quân xa Mỹ nào trúng mìn, không một căn cứ Mỹ nào bị xe bom lủi vào gây tổn thất nhân mạng.
Ngày xưa, ngày quân đội Mỹ tiến chiếm Iraq để giật xập tượng Saddam Hussein, và treo cổ nhà độc tài này, người lính Mỹ đã phải trả một cái giá máu rất đắt, vì ngày đó, vị tổng tư lệnh của họ không phải là một trí tướng.
Trong cuộc chiến ngày xưa đó, hàng trăm ngàn quân Mỹ được đổ vào chiến trường sa mạc, trang bị bằng vài trăm chiếc thiết giáp, vài ngàn quân xa tối tân, để đối đầu với những cục IED (improvised explosive device) xù xì, xấu xí -những quả mìn tự tạo- do quân kháng chiến Iraq chế ra bằng bất cứ thứ bom, đạn, thuốc nổ nào họ nhặt được.
Pháp và nhiều quốc gia tự do khác, gửi quân vào Iraq giúp Mỹ; một tài liệu nghiên cứu của quân đội Pháp ghi nhận trong tổng số 3,070 quân nhân đồng minh tử trận tại Iraq trong khoảng thời gian 44 tháng -từ tháng Ba 2003 đến tháng 11/2006- có 1,257 người bị IED giết, một số khác -4 lần nhiều hơn- bị thương tật.
Nhờ vị trí tướng Obama, giờ này IED không giết ai được nữa; đến cả cái tên của nó -IED- cũng bị quên lãng trong trận chiến Iraq giai đoạn 3, khởi diễn ngày 15 tháng Sáu 2014, do lệnh của tổng tư lệnh Obama. Ông đưa quân Mỹ vào chiến trường sa mạc giải cứu quân chính phủ Iraq bị quân IS tấn công gây nhiều tổn thất nặng nề cả về nhân mạng lẫn tài sản, và lãnh thổ.
Tháng Tám 2014, quân IS tấn công vào phía Bắc Iraq, một phần lãnh thổ này là đất Kurd, chúng chiếm 3 thị trấn, và gây cảnh tàn sát thường dân vô cùng khiếp đảm.
Ngày mùng 7 tháng Tám, không quân Mỹ thả dù nước uống, thực phẩm và y dược xuống đồi Sinjar, tiếp tế cho 80,000 thường dân bỏ nhà cửa, chạy lên núi để trốn quân IS. Ngày hôm sau, các phi công trẻ của Hải Quân Hoa Kỳ bắt đầu truy kích những đoàn xe hung hãn của IS.
Anh phóng viên chiến tranh Eric Schmitt của tờ The New York Times lên "nằm vùng" trên chiếc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đang thả neo trên Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) để tường thuật lối đủng đỉnh đánh giặc của khoảng 200 phi công, được 6,000 thủy thủ phụ giúp, sử dụng 20 chiếc khu trục cơ F/A 18 trong tổng số 60 chiếc máy bay mọi loại chen chúc nhau đậu trong lòng tầu.
Dĩ nhiên -như mọi người lính chiến khác- 200 anh phi công này cũng gánh chịu những nguy hiểm giao tranh, vì quân IS cũng có súng phòng không, có hỏa tiễn tầm nhiệt, nhưng khả năng khoa học và kỹ thuật của vũ khí Hoa Kỳ trên chân địch quân rất xa nên trong nửa năm giao tranh, lực lượng Mỹ vẫn chưa bị một tổn thất nào cả.
Phi công chỉ cần làm thật đúng những huấn thị điều hành; họ thận trọng và chuyên chú như những sinh viên trong phòng thí nghiệm, không để xảy ra một sơ sót nhỏ nào cả. Khoảng 60% phi công mới xuất trận lần đầu sau ngày tốt nghiệp, rời khỏi mái quân trường.
Đại tá Matt Leahey, 44 tuổi, chỉ huy trưởng lực lượng không chiến gồm 2,100 quân nhân và 63 chiếc máy bay trên chiếc HKMH Vinson, nói "ngay cả trong những phi vụ tác chiến, 80% công tác của phi công là thực tập những bài lý thuyết họ đã học, đã tập trong quân trường, nhưng chưa thuần thục, chưa thiện chiến."
Họ bay những chiếc F/A-18 -tốc độ tối đa 1,190 mph, cao độ tối đa 40,000 ft, đánh được nhiều loại bom, hỏa tiễn, ngoài 2 khẩu đại bác M 61 Vulcan 20 ly.
Hai bài học chiến trường của họ là giữ cao độ đủ cao, không chấp nhận nguy cơ bị bắn rơi, và nếu không tìm được mục tiêu thì đem bom trở về tàu, chứ không đánh sai mục tiêu để tránh không gây tổn thất dân sự.
Trung tá phi công Eric Doyle, người Houston, nói với anh Schmitt, "Trong những phi vụ đầu tiên anh em phi công trẻ còn lọng cọng, nhưng giờ này họ 'đánh' tốt lắm."
Với 1,200 phi vụ thực hiện trong 6 tháng tham chiến, lực lượng 200 chiến sĩ không quân trên chiếc Vinson đã loại trên 400 chiếc xe, vừa quân xa vừa xe dân sự của IS; nhiều đoàn công-voa chở đầy quân IS bị tiêu hủy trọn vẹn, một số lãnh tụ chính trị và quân sự của IS cũng bị hỏa lực không kích giết chết.
Schmitt mô tả hai phi công, với trang phục tác chiến đầy đủ, đưa nhau vào câu lạc bộ Không Đoàn, làm đuôi trước quầy thức ăn, lấy cà phê, đồ điểm tâm đem lại bàn bình thản vừa ăn uống,vừa chuyện trò, có anh gọi điện thoại cho gia đình tại Hoa Kỳ. Nửa giờ sau họ cất cánh, đánh bom những mục tiêu được tình báo cho biết là đang có địch hiện diện.
Khác biệt ngôn ngữ giữa phi công Hoa Kỳ và người lính Iraq tác chiến dưới mặt đất tạo nhiều trở ngại trong công tác yểm trợ giao tranh, nhưng tổng tư lệnh Obama vẫn không chấp thuận đề nghị của Ngũ Giác Đài đưa tiền sát viên điều không vào chiến trường như những cố vấn quân sự.
Ông muốn Hoa Kỳ giữ vai trò trợ chiến -như vai trò không quân Mỹ đã hoàn thành tốt đẹp qua việc không yểm bộ binh Việt Nam trong trận tổng tấn công 1972 của quân Cộng Sản Bắc Việt. Tại Iraq, Obama quyết liệt thực hiện chiến lược “Không Chạm Gót Xuống Đất.”
Kết quả ghi nhận được trong hai tháng đầu của trận chiến kéo dài đã 6 tháng, với 200 phi công thực sự tham chiến, Hoa Kỳ đánh tan 162 chiếc xe vận tải lính IS, phá vỡ 21 hệ thống vũ khí phòng không và đại bác, đánh hỏng 12 hệ thống lọc dầu, gây tử thương cho 822 người lính IS, và giết 72 thành viên al-Qaeda. Ngược lại lực lượng IS và al-Qaeda chưa gây được một thương tích nhỏ nào cho quân nhân Hoa Kỳ.
Tính bằng thành tích "quân Mỹ nhà giầu chưa đứt tay, lính ăn mày IS đã đổ ruột," thì tổng tư lệnh Obama xứng đáng được liệt vào hàng trí tướng; giỏi hơn cả danh tướng Do Thái một mắt Moshe Dayan. Trong trận chiến tranh 7 ngày -từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 10 tháng Sáu 1967- Dayan vẫn còn gánh chịu tổn thất 983 người lính Do Thái tử trận, 4,517 người khác bị thương, 15 người bị địch bắt, 400 chiến xa, 46 khu trục cơ bị bắn cháy hoặc bị bắn hư.
Thành tích "lính Mỹ không đứt tay" là thành quả của chiến lược “Không Chạm Gót Xuống Đất” -Obama chấp nhận thà đánh một cuộc chiến tranh dài hơn, chứ không hy sinh xương máu của người lính Mỹ; quan điểm chiến tranh này khiến ông được đánh giá là một nhân tướng -vị tướng nhân từ không xây dựng tiếng tăm thành công của mình trên hàng vạn bộ cốt khô.
Tuy nhiên, tính trên hiểu biết quân sự, Obama cũng không hiểu biết nhiều hơn một thiếu úy Việt Nam ngoài 20 tuổi vừa tốt nghiệp Võ Bị; bài học vỡ lòng về nghệ thuật cầm quân của anh thiếu úy -cấp chỉ huy quân sự nhỏ nhất trong quân đội- là bài "bố trí".
Bố trí là đặt người lính và một vị trí thuận lợi, để từ đó anh ta có thể thấy địch mà địch không thấy anh, bắn được địch, mà địch không bắn được anh. Trên 6,000 người lính Mỹ trên HKMH Vinson đang tác chiến trong hai lợi thế đó.
Lính IS không có hỏa tiễn để bắn chiếc Vinson thả neo ngoài vịnh Ba Tư, trong lúc đoàn phản lực cơ F/A 18 cất cánh từ đó đem bom, đem đạn trút xuống lộ trình của IS không cho họ xê dịch tìm quân Iraq để tấn công; đem bom, đạn trút vào xào huyệt của IS, không cho họ sống còn, như một lực lượng quân sự.
Lính IS cũng không biết đặt quả mìn IED trên con đường nào để phá chiếc quân xa mà các phi công Mỹ không sử dụng; không biết lái xe bom lủi vào đâu để gây tổn thất cho các căn cứ quân sự Hoa Kỳ không còn hiện hữu trên chiến trường sa mạc nữa.
Người lính Mỹ thụ hưởng tất cả những tiện nghi đó để tác chiến trên cơ địch quân, cũng chỉ vì trí tướng Obama biết bố trí họ; biết cái bí quyết giao tranh mà sĩ quan mọi cấp, trong mọi quân đội đều biết, nhưng đại tướng Westmoreland không biết, tổng tư lệnh George W. Bush không biết.
Những vị chỉ huy này không phải là trí tướng vì không biết cách tránh tối đa tổn thất cho binh sĩ chiến đấu dưới quyền họ, và cũng không phải là nhân tướng, vì không đau sót khi người lính đổ máu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chính nghĩa.
Tuy nhiên, vẫn còn tới bốn đặc tính Dũng, Tín, Liêm, Trung để họ chọn làm dũng tướng, tín tướng, liêm tướng, hay trung tướng, rồi đứng giữa biển máu, núi xác, đeo thêm một ngôi sao nữa vào những ngôi sao đang sáng chói trên cổ áo họ.
NGUYỄN ĐẠT THỊNH