Vào cuối năm 2013, trong buổi Lễ Giỗ tưởng niệm một người thân mới qua đời, tôi được nghe người cháu trong gia đình nói đại ý như thế này : “Vợ chồng chúng cháu lại sắp về Việt nam, đi Cambodia để tiếp tục công tác xã hội như vẫn làm từ mấy năm nay. Chuyện này thường được gọi là việc từ thiện nhân đạo nhằm giúp đỡ bà con đang gặp phải chuyện ngặt nghèo khó khăn về cái ăn cái mặc, chuyện đau ốm bệnh tật hay chuyện học hành của các em nhỏ, hoặc giúp các nạn nhân bị thiên tai bão lụt tàn phá nhà cửa, mùa màng v.v...”
“Chúng cháu dấn thân làm những việc này, đó chính là để hòan trả lại món nợ cho bà con, cho đất nước bởi vì xã hội đã cưu mang chăm sóc cho chúng cháu được ăn mặc, được học hành để nhờ đó mà chúng cháu mới trưởng thành chững chạc với tương lai được bảo đảm như ngày nay. Các cháu lại còn nói rõ hơn nữa rằng : Đây cũng là lời của vị Giám Mục Hòang Đức Oanh từ Giáo phận ở miền Cao nguyên Kontum trong chuyến đi qua Mỹ mới đây đã chỉ dẫn cho các cháu như thế.”
Tôi thật vui mừng phấn khởi được nghe các cháu nêu rõ ràng cái ý hướng đi thực hiện công tác xã hội để giúp đỡ bà con đang gặp cảnh khó khăn ngặt nghèo – đó chính là một dịp để hòan trả lại cái khỏan nợ, đền đáp lại những ân nghĩa mà các cháu đã nhận lãnh được kể từ ngày bước vào cuộc đời tại thế với xã hội này.
Câu chuyện do vợ chồng cháu Bảy và Thu Thủy nêu ra đó đã gợi ý cho tôi cần phải bàn thảo thêm chi tiết hơn về chuyện các bạn trẻ hiện đang dấn thân nhập cuộc phục vụ nhân quần xã hội tại quê hương đất nước Việt nam, cũng như tại những nơi khác trên khắp thế giới. Đó là lý do để bài viết này được trình bày tập chú vào mấy điểm chính yếu như sau :
* Thứ nhất: Ý thức rõ rệt hơn về những Ân huệ bao la mà xã hội đất nước đã hào phóng đem lại cho mỗi cá nhân là thành viên sinh sống trong một cộng đồng địa phương cơ sở. Ý thức về xã hội như vậy thì thường được người Mỹ gọi là “Social Awareness”.
* Thứ hai: Thái độ khiêm cung của người làm công tác xã hội : Đó chỉ là sự Hòan trả cái món Nợ mà mình còn thiếu đối với Xã hội – chứ đó không phải là Sự Ban Ơn Bố Thí của một kẻ bề trên đối với những người yếu kém hơn mình. Thái độ “Kẻ Cả” trịch thượng này trong tiếng Anh, thì được gọi là “Paternalism”.
I – Cần phải nâng cao ý thức về sự liên hệ gắn bó của mỗi một Cá Nhân người Công Dân đối với Tập Thể Cộng đồng Xã hội.
Từ vài ba trăm năm trở về trước, thì người dân Việt nam chúng ta hầu hết đều cư ngụ sinh sống trong những xóm làng với lũy tre bao bọc xung quanh và gia đình nào thì cũng đều làm nghề trồng cấy chăn nuôi hoặc làm nghề tiểu thủ công nghiệp như nhau cả. Vì thế mà giữa các cá nhân cùng trong một lối xóm, thì đều có sự quen thuộc, gắn bó liên kết với nhau thật là đằm thắm vững bền chặt chẽ. Và các vị tôn trưởng nơi mỗi xóm làng, thì đều được mọi người yêu mến kính trọng và sẵn sàng nghe theo lời chỉ dẫn khuyên bảo trong những công việc liên hệ đến sự an vui hạnh phúc của tập thể các thành viên nơi cộng đồng địa phương đó.
Nhưng ngày nay, sau bao nhiêu năm chiến tranh lọan lạc, hận thù chồng chất – do người cộng sản gieo rắc cái chủ thuyết dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp trong xã hội, thì người dân đâm ra chia rẽ, nghi ngờ óan trách lẫn nhau. Cụ thể như sau chiến dịch “Cải cách Ruộng đất” hồi giữa thập niên 1950 tại miền Bắc, thì giữa người dân với nhau có mối hận thù ân óan rất là trầm trọng nặng nề. Và rồi do tình trạng đô thị hóa phát triển, nên người dân sống phân tán, biệt lập xa cách đối với nhau – do đó mà sự gắn bó liên kết giữa các thành viên trong một dòng tộc hay trong xã hội không còn bền chặt nồng ấm như ngày xưa nữa. Nhất là bà con sinh sống tại các đô thị đông đúc, thì đã trở thành người xa lạ, kẻ vô danh (anonymous) – ít có những người mà còn quen biết, gắn bó thân thiết với nhau như tại xóm làng ở thôn quê thuở xưa nữa.
Vì thế, mà tuy cuộc sống vật chất có nhiều tiện nghi văn minh tiến bộ thỏai mái, nhưng mà về mặt tình cảm tinh thần, thì cái lối sống ích kỷ cá nhân chủ nghĩa đã làm giảm bớt, thui chột hẳn đi tinh thần liên đới và sự cảm thông gắn bó giữa người dân với nhau như vẫn thường có trong xã hội nông thôn truyền thống xa xưa của cha ông chúng ta vậy.
Rõ ràng là đang có một sự khủng hỏang tinh thần, sự suy thóai về nhân đức lễ nghĩa trong cuộc sống của phần đông người dân Việt nam chúng ta vào lúc này trong thế kỷ XXI – ở trong nước cũng như ở hải ngọai. Và một trong những nguyên nhân chính yếu của tình trạng này, đó là hiện nay ta thấy vắng bóng lớp người trượng phu quân tử vốn xưa kia nắm giữ vai trò lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng noi theo trong công cuộc xây dựng một xã hội an hòa, nhân ái và ngăn nắp trật tự. Cụ thể là hiện nay, tuy giới trí thức của ta thật là “học rộng biết nhiều” đấy, nhưng phần đông thì chưa có lòng Nhân ái đủ rộng lớn, chưa có sự Dũng cảm đủ thật kiên cương – để mà có trọn vẹn ba phẩm chất “Nhân, Trí, Dũng” của người trượng phu quân tử là mẫu người mà cha ông chúng ta vẫn đề cao tôn trọng từ thời xưa.
Để cho phần đông lớp con cháu sinh trưởng ở hải ngọai hiểu rõ hơn, tôi xin ghi thêm bằng tiếng Anh ba danh từ “Nhân, Trí, Dũng” vừa nói ở trên đây – đó là : “Compassion, Consciousness, Courage” – cả ba từ ngữ này đều bắt đầu bằng chữ C.
Nói vắn tắt lại, đây chính là cái nan đề, cái khúc mắc mà giới trí thức hàn lâm (Academy) cũng như giới lãnh đạo tinh thần trong các tôn giáo (Churches) – mà thường được coi là tinh hoa của dân tộc, là nguyên khí của quốc gia – thì các vị đó phải cùng bắt tay hợp tác với nhau để tìm ra được một lối thóat khả dĩ cho dân tộc chúng ta vậy.
II – Phục vụ Xã hội với tinh thần khiêm cung nhã nhặn.
Vì ý thức được rằng mình có nghĩa vụ phải đền đáp lại cái công ơn mà gia đình cũng như đất nước đã cung ứng mọi tiện nghi vật chất cũng như tinh thần cho bản thân để mà được ăn học thành tài – thì mỗi cá nhân đó phải có thái độ thành thực khiêm tốn nhẹ nhàng của một người phải “đi trả cái món nợ” – mỗi khi tham gia họat động xã hội để giúp đỡ bà con gặp cảnh khó khăn ngặt nghèo hay tranh đấu cứu thóat cho các nạn nhân khỏi sự bất công áp bức. Và như thế, thì tuyệt đối không được tự coi mình như là một kẻ bề trên, kẻ có tiền bạc quyền thế để ra tay cứu độ, ban phát ân huệ cho kẻ bề dưới, kẻ phải chịu ơn đối với mình.
Thái độ ngông nghênh tự cao tự đại, kênh kiệu như thế là điều dễ mắc phải, nên người Âu Mỹ mới có danh từ “paternalism” để chỉ cái tác phong “là bậc cha, chú” (pater trong tiếng la tinh là người cha), “là kẻ cả” đứng ở trên cao mà ban phát ân huệ xuống cho thần dân ở bên dưới.
Mà còn hơn thế nữa, cái thái độ kênh kiệu này người cộng sản cũng luôn mắc phải và lại rất trầm trọng nữa. Vì thế nên mới có từ ngữ “cái bệnh kiêu ngạo cộng sản” (the communist arrogance). Giới lãnh đạo cộng sản ở Việt nam đã từng vỗ ngực xưng mình là “đỉnh cao trí tuệ lòai người”, là “lương tâm của thời đại”. Họ tự coi mình là đi đúng với quy luật khách quan của lịch sử và chê bai những người khác với họ là “ những phần tử chưa giác ngộ”, là “ bọn người hủ lậu, phản động”, là “ bè lũ cải lương” v.v… Và từ đó mà họ đã thẳng tay đàn áp, tiêu diệt mọi phần tử đối lập được coi như là những người cản trở bước đường đi lên của họ. Vì thế mà từ trên 70 năm nay, dân tộc chúng ta đã phải chịu đựng bao nhiêu đau thương tang tóc – tất cả bi kịch tai họa đó thì cũng chỉ vì do cái tệ nạn quá khích giáo điều cuồng tín dã man cộng sản mà phát sinh ra cả thôi.
Chuyện của xã hội, của đất nước là một chuyên lớn, chuyện “quốc gia đại sự”, thì phải do nhiều người cùng chung vai gánh vác – chứ đó không phải là một chuyện nhỏ bé, dễ dàng mà chỉ cần một số ít người cũng có thể hòan thành được. Mà vì đây là công việc của cả một tập thể rất đông người cùng sát cánh chung nhau để thực hiện, thì cần phải có sự thuận thảo tổ chức ăn ý nhịp nhàng với nhau. Như người Mỹ thường nói : Đây là một thứ “team work” (công trình tập thể), thì mỗi thành viên trong nhóm đều phải có “team spirit” (tinh thần đồng đội). Và chỉ đến lúc ta có được một tinh thần đồng đội liên kết chặt chẽ tốt đẹp vững bền như thế, thì công việc mới có cơ thành tựu tốt đẹp viên mãn được.
Làm việc tập thể với đông người như vậy là điều rất khó, vì mỗi người mỗi ý kiến khác nhau, tính khí cũng khác nhau, ai cũng có tự ái của riêng mình. Do đó mà dễ phát sinh ra những mâu thuẫn, đối chọi lẫn nhau, dẫn đến xung đột làm tan vỡ hàng ngũ của tập thể và rồi còn gây ra cả những hận thù ân óan giữa một số cá nhân với nhau nữa.
Đó là căn nguyên cội rễ của sự chia rẽ manh mún trong các cộng đồng như ta thấy nhan nhản khắp nơi ở hải ngọai – là môi trường người dân có đày đủ mọi thứ tự do thuận lợi để hành động tùy theo sáng kiến và sở thích của từng người. Điều nghịch lý trái khóay là dù hầu hết đều là nạn nhân của chế độ độc tài công sản, nên phải bỏ nước ra đi làm người tỵ nạn chính trị ở xứ người – ấy thế mà lại hay xảy ra cái chuyện “chụp mũ lẫn nhau thế này, thế khác”. Vì thế mà công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền hiện vẫn còn bị hạn chế, thiếu sự năng động khởi sắc – vì do tính chất kém hiệu năng bởi những mâu thuẫn lấn cấn trong nội bộ các đoàn thể tổ chức đại để như thế đó.
III – Để tóm lược lại.
Như đã ghi ngay từ mấy dòng đầu của bài viết này, tôi thật vui mừng phấn khởi với cái nhận thức chân xác của hai cháu Bảy và Thu Thủy rằng : “Chúng cháu tham gia công tác từ thiện nhân đạo, đó là đi trả cái món nợ mà chúng cháu còn thiếu đối với xã hội, đối với đất nước dân tộc của mình…” Và từ đó mà tôi có hứng khởi để góp phần trao đổi cái suy nghĩ của mình tích lũy được qua nhiều năm sinh họat chung với các bạn cùng chí hướng trong những công tác phục vụ xã hội trước kia ở trong nước, cũng như tranh đấu nhân quyền gần đây ở hải ngọai.
Nói cho gọn lại, thì các bậc cha bác chúng ta cần phải cổ võ cho giới trẻ con cháu mình có được một nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mỗi người công dân đối với xã hội, đối với đất nước đã từng cưu mang vun đắp cho mình – để trở thành con người trưởng thành chững chạc với cái vốn liếng văn hóa nhân bản quí báu làm hành trang vững chắc để đi vào đời. Các cháu nhận lãnh từ xã hội không phải chỉ những tiện nghi vật chất cụ thể – mà còn cả những món phi-vật thể (immaterial items), điển hình như ngôn ngữ phong tục, luân lý, học thuật tư tưởng, văn chương, nghệ thuật v.v… nữa.
Và tiếp theo là các cháu phải tích cực dấn thân nhập cuộc cùng chung với những bạn đồng chí hướng khác – để cùng nhau góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia cho mỗi ngày một cường thịnh hơn, sung túc hơn và nhân ái thuận thảo gắn bó yêu thương lẫn nhau hơn mãi. Đúng với câu tục ngữ dân gian thường nói, đó là : “ Ơn đền, Nghĩa trả”, “Ăn cây nào, rào cây ấy”.
Có làm được như vậy, thì các cháu mới thực sự thanh thỏa được cái nghĩa vụ của mình đối với dân tộc và đất nước rất mực thân thương yêu quý của bản thân mình vậy./
Costa Mesa California, cuối tháng 12 năm 2014
Đoàn Thanh Liêm