Rạp Silent Movie Theatre, Los Angeles, California, Hoa Kỳ chiếu bộ phim "Cuộc phỏng vấn chết người", ngày 25/12/2014
Vụ tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của Sony Pictures là một trong những vụ tin tặc lớn nhất mà một công ty ở Hoa Kỳ phải chịu đựng. Vụ này đã dẫn đến việc công bố trên internet dữ liệu bí mật của 47.000 nhân viên của hãng phim, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng. Washington đã cáo buộc Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên đã phủ nhận và đề xuất một cuộc điều tra chung.
Diễn biến mới nhất này có khả năng làm quan hệ giữa hai nước căng thẳng thêm lên không ? François Durpaire, giảng sư tại Đại học Cergy-Pontoise đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Ban Pháp ngữ RFI Alexandra Cagnard, ngày 22/12/2014.
RFI : Barack Obama hứa sẽ trả đũa mà không rõ là như thế nào. Ông cũng cho biết đã xác định trở lại sự kiện này thành hành vi "phá hoại trên mạng", thay vì "hành động chiến tranh". Phải chăng đó là một cách để giới hạn thiệt hại ?
François Durpaire : Barack Obama không muốn vạch ra một đường màu đỏ trên cát, (tức là ra vẻ hùng hổ rồi sau đó không làm gì). Đó là điều mà người ta đã trách ông sau vụ vũ khí hóa học do Bashar al-Assad sử dụng.
Do đó, ông đã có những lời lẽ rất cứng rắn, nhưng cùng một lúc lại tự nhủ "mình có thể làm được gì một quốc gia sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài ?". Điều đó có nghĩa là không có quyết định nào giống như những trừng phạt mà người ta đã dùng đối với Nga hay Iran có thể có tác dụng đối với Bắc Triều Tiên. Ngay cả một cuộc phản công về mặt công nghệ chống lại một đất nước đang bị cô lập về công nghệ sẽ không đạt hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra là phải phản ứng thế nào ? Và xung quanh ông Barack Obama, nhiều người đã phải gãi đầu và tự nhủ rằng đây là một vấn đề có khả năng rất phức tạp. Có lẽ Mỹ phải nhờ đến Trung Quốc, nhưng điều đó rất phức tạp.
Tình cảnh lúc này chưa phải là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nhưng cũng gần là như thế. Cứ thử nghĩ xem : Dù sao thì hãng Sony Pictures cũng từng quyết định không tung bộ phim "Cuộc phỏng vấn chết người" ra chiếu ngoài rạp, và đó là một hình thức tự kiểm duyệt, điều chưa từng thấy trong lịch sử văn hóa của năm mươi năm nay !
RFI : Sự việc phải chăng cũng có một sắc thái hơi điên rồ vì tất cả các rắc rối như đều xuất phát từ bộ phim "Cuộc phỏng vấn giết người", vốn chỉ là một tác phẩm hư cấu ?
François Durpaire : Các dữ liệu của Sony Pictures hiện đang nằm trong tay của nhóm tự nhận là "Người bảo vệ hòa bình", nhưng mọi người đều biết rằng kẻ đứng phía sau là Bắc Triều Tiên. Điều đó có nghĩa là Sony thừa biết rằng có những bức thư riêng nhân viên của họ không nên bị tiết lộ công khai.
Người ta chẳng hạn đã nói đến một số thư mang nội dung phân biệt chủng tộc. Vì danh tiếng của mình, Sony không thể để cho các bức thư trên được công bố. Kịch bản của bộ phim James Bond sắp tới ở trong tay của Bắc Triều Tiên quả là một cái gì đó hi hữu.
Một số chuyên gia chống khủng bố tại Hoa Kỳ cho vụ tin tặc tấn công Sony này còn tệ hại hơn cả Daesh - tức là tổ chức Nhà nước Hồi giáo - bởi vì có một sự bất đối xứng lực lượng thiên về phía Bình Nhưỡng. Mọi người đều biết là Bắc Triều Tiên có một đạo quân tin tặc gồm khoảng 1200 người, để chống lại Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Lực lượng này đông hơn nhiều so với phía Mỹ.
Giả dụ rằng RFI nói xấu Bắc Triều Tiên trong vòng một tuần lễ, hệ quả sẽ là quý vị sẽ mất hẳn trang web ! Dĩ nhiên là không có chuyện các nhà báo bị bắt cóc, nhưng tất cả các thư từ điện tử nội bộ có thể bị một thế lực nước ngoài kiểm soát, họ sẽ cố gắng hủy diệt danh tiếng của bạn. Chúng ta không hẳn là đang sống trong một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng đó là những gì đang xảy ra với hãng Sony Pictures tại Mỹ.
RFI : Thế nhưng dường như ông Obama đang cố gắng để "giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng" của các sự kiện ?
François Durpaire : Thì đó là những gì tôi đã nói lúc đầu. Ông ấy biết rằng thực tế rất nghiêm trọng nhưng đồng thời cũng hiểu rằng cái khó đối với ông nằm ở chỗ : Đây không phải là một cuộc tấn công vào nước Mỹ, mà là vào một công ty tư nhân. Mà quan hệ giữa tư nhân và Nhà nước rõ ràng là một cái gì đó khá đặc biệt.
Nhưng mặt khác, ông Obama không thể cho thấy là ông lùi bước, ông đã tỏ ra rất kiên quyết để sau này không ai có thể nói rằng rốt cuộc điều gì đã xẩy ra ? Hành động phản công như thế nào ? Nước Mỹ đã làm gì để đáp trả ? Và đấy cũng là những gì chúng ta đang muốn biết.
Tuy nhiên, có vấn đề trước mắt và lâu dài. Trước mắt, coi như không làm được gì nhiều, nhưng về lâu về dài, thì phải xác định trở lại các mối đe dọa, coi xem đe dọa đến từ các cuộc tấn công mạng trong tương lai là gì, phải chăng các cuộc chiến trong tương lai sẽ là chiến tranh trên không gian mạng ?
RFI : Biện pháp trừng phạt kinh tế có rất ít ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng. Có ý kiến cho rằng phải đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các nước khủng bố. Điều đó có nghĩa lý gì không ?
François Durpaire : Điều đó sẽ ghi thêm tên của Bắc Triều Tiên vào một danh sách, nhưng vấn đề là hệ quả cụ thể đối với người Triều Tiên sẽ ra sao ? Tại đấy, người dân đang phải sống trong tình trạng nghèo khó. Họ không thể nghèo hơn được nữa vì đã nghèo khó cùng cực rồi. Vậy thì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên sẽ là gì ? Một lần nữa điều đó cho thấy sự bất lực của chính phủ Mỹ trong việc xử lý hồ sơ này.
RFI : Một phản ứng quân sự có nằm trong khả năng hay không, hay đó chỉ là một điều hoàn toàn không tưởng ?
François Durpaire : Không, đó là một điều không tưởng. Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Lẽ dĩ nhiên Mỹ đã tính đến khả năng tấn công tin học vào các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng việc đó, có thể lôi kéo thế giới vào vòng nguy hiểm và Barack Obama không muốn leo thang như thế.
RFI : Ông có đề cập đến việc Washington đã kêu gọi Bắc Kinh giúp đỡ trong hồ sơ này. Đây quả là một điều khó hiểu vì lẽ chính Bắc Kinh đã từng phát động cuộc tấn công tin học vào Washington ?
François Durpaire : Vâng, đúng thế. Đây chính là giới hạn trong hợp tác Mỹ-Trung trên vấn đề này. Điều gì sẽ được ưu tiên ? Liệu Trung Quốc lần này sẽ thấy là nên chấp nhận hợp tác với Hoa Kỳ để chống lại chế độ của Bắc Triều Tiên.
Mọi người đều rõ là một phần các cuộc tấn công tin học vào Sony được thực hiện từ lãnh thổ Trung Quốc. Còn cuộc tấn công mà chúng ta đang nói đến thì xuất phát từ một khách sạn sang trọng ở Thái Lan.
Hiển nhiên, hành vi khiêu khích tột cùng của Bắc Triều Tiên là đề nghị Mỹ cùng hợp tác điều tra. Đó chẳng khác gì hành động của một kẻ sát nhân đề nghị với cảnh sát để cùng điều tra về những gì đã xảy ra !
Khiêu khích của Bắc Triều Tiên là một khiêu khích kép : Đồng thời với đề nghị hợp tác họ lại nói : "Chúng tôi sẽ hợp tác với quý vị, nhưng chúng tôi sẽ không làm như quý vị là sử dụng tra tấn".
Và trước hành vi khiêu khích đó, người Mỹ có vẻ như bất lực.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 26/12/2014 lúc 10:45:52(UTC)
| Lý do: Chưa rõ