Chắc hẳn trong chúng ta, có không ít người đã phải trầm trồ khi thấy trang Facebook của một người nào đó có hàng triệu cái like, hay một video nào đó của Youtube được hàng triệu lần xem. Thế nhưng, những số liệu đó rất có thể là không đúng thật, vì ngày nay, trên internet, đã ngày càng có nhiều vụ có thể gọi nôm na là « mua fan bán like » nhằm tạo một danh tiếng giả hiệu cho một người nào đó, không chỉ trong giới văn nghệ sĩ, mà cả trong giới chính khách.
Theo hãng tin Pháp AFP, mới đây, mạng xã hội Instagram đã quyết định « dọn dẹp nhà cửa », để xóa bỏ các tài khoản gọi là giả hiệu hay không hoạt động. Kết quả là một số ngôi sao trong giới văn nghệ sĩ đã mất đi hàng triệu người hâm mộ có đăng ký – gọi nôm na là fan. Sự kiện này đã phơi bày một hiện tượng gian lận trên các mạng xã hội : Đó là việc mua fan giả để làm tăng sự nổi tiếng của mình.
Thực hư của vấn đề này là như thế nào, cách thức tạo fan giả ra sao ? Ai là thành phần đi tìm mau fan giả ? Hãng AFP ngày 30/12/2014 vừa qua đã công bố kết quả công cuộc tìm hiểu của minh thông qua việc trả lời một sô câu hỏi thiết yếu.
Có thể mua fan giả trên Internet hay không ?Câu trả lời là có. Chỉ cần đánh từ khóa « mua fan » trên Internet, là sẽ xuất hiện một loạt địa chỉ web, đề nghị khách hàng trả tiền để đẩy mạnh tiếng tăm của mình trên mạng Twitter, hay Facebook – thông qua việc tăng gia lượng fan đi theo trang mạng liên quan - hay tăng gia số lần xem (view) trong trường hợp mạng video YouTube.
Các trang web cung cấp dịch vụ này, ở Pháp hay ở nơi khác trên thế giới, thường đòi một khoản chi phí khiêm tốn vài euro cho vài trăm fan, nhưng có thể đòi đến hàng ngàn euro cho những khách hàng muốn trở thành triệu phú về số fan đăng ký.
Làm thế nào để tạo ra fan giả hiệu ? Các website cung ứng dịch vụ này thường dùng cách thức tạo ra những chân dung số giả thông qua một chương trình vi tính, hay là nhờ đến những cư dân mạng bằng xương bằng thịt.
Một chuyên gia trong lãnh vực này tại Pháp là Yannick Deslandes 38 tuổi, đã thành lập vào năm 2011 trang web Acheter-des-fans.com (tạm dịch Mua-fan.com). Theo Yannick Deslandes : « Những cư dân mạng đó là những con người thực sự, họ sẽ bấm chuột trên những trang mạng hay nhân dạng để sau đó được hưởng những món quà nhỏ trên Internet (món tiền nhỏ, trò chơi...)
Ai mua fan giả ? Yannick Deslandes cho biết khách hàng của anh chủ yếu là những công ty giao tế, quảng cáo hay các ông bầu trong giới nghệ sĩ, muốn nâng cao uy tín của các nghệ sĩ mới vào nghề để dễ thương lượng hợp đồng với giới làm đĩa hay tổ chức biểu diễn.
Khách hàng cũng có trong giới luật sư, các trung tâm thương mại và cả các tổ chức phi chính phủ. Còn trong giới chính trị, Yannick Deslandes cũng có rất nhiều khách hàng nhất là trong thành phần các đại biểu dân cử địa phương, trong những kỳ bầu cử. Yannick cho biết anh bán 99 euro cho mỗi 1000 fan đăng ký trên Twitter hay Facebook. Trong giới này, nhiều khi cũng nổ ra tranh cãi khi số fan đột nhiên tăng cao đối với một đại biểu nào đó.
Mua bán fan giả có hợp pháp hay không ?Dù bị cấm trong nội quy riêng của Facebook, Twitter hay YouTube, việc mua sự nổi tiếng giả hiệu trên Internet không bị luật pháp trừng phạt.
Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, và các mạng khác, đều có những phương tiện tự động hay có nhân viên chịu trách nhiệm phát hiện các fan giả hiệu, và xóa bỏ các tài khoản giả hay không hoạt động. Trên Internet, những website như Social Bakers, Twitter Audit hay Status People đều đề nghị xem xét cụ thể người theo giả hiệu của một tài khỏan như Twitter.
Có điều các “công cụ” này có thể nhầm lẫn, ngộ nhận fan giả hiệu với một người có thái độ thụ động trên Twitter. Có đến 40% người đăng ký tham gia mạng Twitter chưa bao giờ chính mình gởi thông điệp. Vào giữa tháng 12 này, Instagram, mạng xã hội ảnh của Facebook, đã xóa đi hàng triệu tài khỏan giả, làm cho những ngôi sao như Justin Bieber, Kim Kardashian hay Beyoncé chẳng hạn mất đi rất nhiều fan.
Tại sao có sự dọn dẹp đó ? Đó là vì sắp tới đây, Instagram sẽ nhận đăng quảng cáo, vì vậy, muốn thu hút khách hàng, mạng này phải rất rõ ràng trong các số liệu của mình.
Theo RFI