Hãng thông tấn chính thức KCNA liên tục tung ra hình ảnh của Kim Jong Un tươi tắn ''ôn hoà'' - Reuters
Thời sự quốc tế có vẻ lấn át thời sự Pháp trên trang nhất các báo ngày 05/01/2015, với bầu cử sắp diễn ra ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, nơi cánh tả triệt để được dự đoán thắng cử - Libération dành hàng tít lớn nói đến « Mùa Xuân của cánh tả đỏ (ở) Nam Âu » - và với làn sóng người tỵ nạn Syria mà Châu Âu và Liban phải đối phó như nhận định của Le Monde. Nhưng một hồ sơ lý thú lại ở trang trong báo Le Figaro dưới hàng tựa : « Bình Nhưỡng cố phá thế cô lập của mình ».
Le Figaro nhắc lại bối cảnh là trong lúc quan hệ với Mỹ ở mức tồi tệ nhất, lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un vừa qua, tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với Seoul với một số điều kiện. Tác giả bài báo - Sébastien Faletti - nhìn thấy đây quả là thời điểm của những quyết định tốt lành ở bán đảo Triều Tiên.
Nhân dịp đầu năm 2015 này, Bình Nhưỡng và Seoul đều đưa ra những lời kêu gọi đối thoại, với hy vọng làm tan băng giá. Tuy nhiên chuỗi ý định tốt này, che đậy những tính toán chiến lược có nguy cơ dẫn đến một sự đối đầu mới giữa hai miền Bắc – Nam, với Hoa Kỳ nằm trong tầm nhắm.
Bài báo trở lại phát biểu nhân đầu năm của lãnh đạo Bình Nhưỡng, cho rằng Kim Jung Un đã bắn phát súng trước tiên, mở cửa cho một cuộc họp thượng đỉnh với Seoul khi tuyên bố « không thấy lý do gì mà không thảo luận ở cấp cao nhất ... » Giọng điệu khác thường này là lời nhắn nhủ gởi đến bà Park Geun Hye luôn tỏ thái độ cứng rắn từ khi nắm quyền vào năm 2012.
Tác giả bài báo trích dẫn phân tích của trang thông tin của những người đã trốn khỏi Bắc Triều Tiên, DailyNK, với những thông tín viên hoạt động bí mật tại miền Bắc, cho rằng sự thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng là để đáp ứng với ván bài mới trong khu vực và phá vỡ thế cô lập ngoại giao ngày càng lớn mà Bắc Triều Tiên đang phải chịu : Từ lệnh trừng phạt trả đũa của Washignton sau vụ Sony Pictures, cho đến sức ép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trên vấn đề nhân quyền.
Quan hệ với Bắc Kinh, đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng cũng không còn nồng ấm từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc. Hai nước chưa đi đến mức đoạn giao, nhưng quan hệ bị bào mòn thấy rõ. Ông Tập Cận Bình cho thấy giờ đây muốn đặt quan hệ vững chắc với Hàn Quốc, ông đã đến Seoul trong lúc vẫn chưa gặp Kim Jong Un.
Bối cảnh không mấy thuận lợi đó đã khiến lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên có những tính toán chiến lược khác : xích lại gần Nga, thương lượng với đối thủ Nhật Bản và dịu giọng với Seoul.
Tuy nhiên theo Le Figaro, tính toán của Bình Nhưỡng có lẽ sẽ không được như ý muốn. Một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc có thể giúp phá vỡ gọng kềm và Bình Nhưỡng được trợ giúp kinh tế, có điều Kim Jong Un đã đưa ra điều kiện, trong đó có việc ngưng tập trận chung với Mỹ, điều mà Seoul khó thể chấp nhận.
Le Figaro trích dẫn giới chuyên gia e ngại là cuộc tập trận mùa đông được dự kiến sẽ lại khuấy lên căng thẳng và sức ép quốc tế hiện nay sẽ là cái cớ để Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới.
Theo RFI