Chưa một chính khách nào thật tình và nhiệt liệt ca ngợi Tổng thống Mỹ Barack Obama bằng Tổng thống Nga Vladimir Putin; trong suốt cuộc họp báo dài 3 tiếng đồng hồ trưa thứ Năm 12/18/2014, tại Moscow, ông Putin nói lảm nhảm hết chuyện này, sang chuyện khác, khiến nhiều phóng viên ngoại quốc nhận định là Putin đang đánh mất cái lập trường chủ động cố hữu, và rất đặc thù từ nhiều năm nay.
Giọng thảm hại ông phiền trách Liên Âu và Hoa Kỳ có thái độ thù nghịch đối với Nga, ông than thở, “Ngày đập tan bức tường Bá Linh, NATO nói là họ sẽ không bành trướng qua Đông Âu? Giờ này họ đến sát biên giới Nga. Họ không xây tường, nhưng những chèn ép đang xẩy ra không là “tường” thì là cái gì?
Trách Liên Âu và Hoa Kỳ bao vây Nga cũng là một lối nói sảng, vì Âu, Mỹ không hề siết Nga vào một cái vòng, mà ngược lại họ đang rút ra, tẩy chay kinh tế, đang xa rời Nga, không đầu tư vào thị trường Nga, không nhập cảng sản phẩm Nga, không xuất cảng sang Nga nữa.
Tổng thống Hoa Kỳ Obama chủ trương chiến lược đánh đòn kinh tế, từ sau việc Nga thôn tính Crimea của Ukraine; nước này cầu cứu, Mỹ không gửi quân đến, cũng không viện trợ vũ khí, mà mở mặt trận kinh tế, tạo áp lực buộc Nga phải ngưng cuộc chiến thôn tính lãnh thổ lân quốc Ukraine.
Nhiều người chê là ông Bush yếu, không dám đưa quân Mỹ qua Ukraine, như Tổng thống Bush đã từng đưa quân Mỹ sang đánh Iraq, bắt sống Tổng thống Iraq Saddam Hussein, đem treo cổ.
Obama nói ông đánh đòn kinh tế; vũ khí kinh tế là một sáng tác mới của Obama, mới toanh đang còn trong vòng thử nghiệm. Putin và những lãnh tụ các quốc gia đối nghịch với Mỹ nói họ không sợ vũ khí kinh tế; ông Putin còn nói lãnh thổ Nga đủ lớn, tài nguyên Nga đủ nhiều, kỹ nghệ Nga đủ mạnh để tạo thị trường riêng cho kinh tế Nga.
Nhưng giờ này, ông nhận thức được kinh tế là một thứ vũ khí lợi hại không kém gì những loại bom, đạn điều khiển bằng điện tử ông chất đầy trong kho; vũ khí kinh tế còn nguy hiểm hơn, vì cả Nga lẫn Mỹ chưa nước nào chế ra được loại vũ khí tự vệ chống lại những cuộc tấn công kinh tế của đối phương, như họ đã chế ra loại hỏa tiễn chống hỏa tiễn.
Sáng thứ Tư 12/17, giá hối đoái là 68.25 đồng Rúp đổi được một Mỹ kim, tối hôm trước giá Mỹ kim còn ở mức 67.50, để rồi đột ngột vọt lên đến mức 80 Rúp/1Mỹ kim.
Ngân Hàng Trung Ương Nga (NHTƯN) trách nhiệm việc bảo vệ giá trị đồng Rúp, và họ tỏ ra rất tận tụy làm tròn trách nhiệm đó; trong nửa đầu của tháng Chạp 2014, họ đã tung ra 10 tỉ Mỹ kim mua đồng Rúp vào, để Rúp không mất giá; chỉ riêng ngày thứ Hai 12/15 họ đã sử dụng đến 2 tỉ Mỹ kim, để mua, hầu giữ giá đồng Rúp.
Chính phủ Nga đã nỗ lực đáng kể, nhưng trong tâm trạng hốt hoảng sợ đống bạc cầm trong tay, cất trong tủ, mất giá không mua được gì nữa, người Nga đem từng đống tiền Rúp đổ vào thị trường, mua bất cứ vật dụng gì có giá; họ mua cả những thứ không cần đến.
Họ không có sự lựa chọn những món thực dụng và có giá như xe hơi, truyền hình, computer, vì những bãi xe, tiệm điện tử đóng cửa nghỉ việc chờ giá trị đồng Rúp ổn định.
Mới vài tháng trước Tổng thống Putin còn đầy tin tưởng nói với giới doanh nhân Nga là Nga đủ khả năng đối phó với đòn kinh tế của Mỹ và Liên Âu.
“Họ rút vốn ra, thì chúng ta bỏ vốn khác vào, không có gì quan trọng,” Putin nói, và mọi người tin lời ông, vì khoản ngoại tệ của NHTƯN rất lớn, lớn đến 400 tỉ Mỹ kim; họ đã tung ra 10 tỉ, và sẵn sàng tung thêm ngoại tệ vào thị trường để giữ giá đồng Rúp.
Nhưng đồng Rúp vẫn không vững, vì đa số doanh nghiệp Nga đều sinh hoạt theo lề lối tín dụng–lề lối chung của thị trường thế giới–mua hàng trước, bán hết hàng rồi mới trả tiền. Giờ này, nguồn cung cấp bị phong tỏa, nợ cũ lại chưa trả, vay mượn NHTƯN không đủ nhanh chóng, không đủ linh động, nên thị trường Nga hết hàng.
Giám đốc điều hành Christopher Granville của tổ chức nghiên cứu thị trường Trusted Sources tại Luân Đôn, nhận định, “Ngân khố Nga có đủ tiền để tài trợ thị trường cho đến năm 2016–khoảng thời gian khá dài, nhưng vẫn có hạn định, và vẫn tạo ngờ vực cho quần chúng tiêu thụ. Hơn nữa, một phần của số lưng vốn $400 tỉ cũng đã đầu tư dài hạn vào nhiều dịch vụ, không rút ra sử dụng ngay được.”
Kinh tế Nga lại lệ thuộc vào thị trường dầu hỏa–lợi tức bán dầu chiếm đến 50% tổng sản lượng quốc gia, và 60% số lượng hàng xuất cảng. Giờ này dầu thô trên thế giới mất giá đến trên 50%, trong lúc dầu Nga lại bị tẩy chay trên thị trường Âu Mỹ, gây thất thoát nặng nề trên lợi tức quốc gia; và vì không nhìn thấy lối thoát kinh tế, ảnh hưởng tinh thần của quân chúng càng quẫn hơn, khiến không tín nhiệm vào đồng Rúp nữa.
Con số tín dụng giữa các thương gia Nga và thương trường thế giới lại rất cao, chỉ riêng trong tháng Chạp 2014, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Nga phải trả $30 tỉ tiền nợ đáo hạn; tổng số nợ phải trả sang năm lên đến $130 tỉ. Những công ty lớn như Gazprom, có nhiều khách tiêu thụ quốc ngoại nên có sẵn ngoại tệ, không phải lo thiếu tiền trả nợ tín dụng, nhưng đa số doanh nghiệp Nga không có thị trường xuất cảng, đang không có cách nào trả được nợ bằng ngoại tệ.
NHTƯN cũng được lệnh tài trợ những doanh nghiệp gặp khó khăn vì mất tín dụng của thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã apply xin tài trợ, và cũng đã được chấp thuận, nhưng không mấy ai tin là chuyện thương trường vô cùng phức tạp lại có thể giải quyết bằng những biện pháp hành chính đơn giản.
Kinh tế gia Lubomir Mitov–trưởng toán nghiên cứu kinh tài của tổ chức Institute of International Finance tại Âu Châu– nhận định, “thay đổi trên thị trường Nga không xẩy ra ngay hôm nay, hay tam cá nguyệt này, mà chỉ xẩy ra vào hạ bán niên 2015; nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa; sau đó tình hình mỗi ngày một tồi tệ hơn, nếu giá dầu thô vẫn không vượt trên $60, mỗi thùng.”
Số phận của đồng Rúp cũng đen tối như vậy, bất chấp mọi nỗ lực của NHTƯN để bảo vệ trị giá của nó; phụ tá tổng trưởng Ngân Khố Nga, ông Alexei V. Moiseev, nói, “nỗ lực tung ngoại tệ vào để cứu thị trường, là biện pháp không có một giới hạn nào là đủ, là thỏa mãn”; câu tuyên bố của ông nói lên tầm mức rộng lớn và gay go của vấn đề.
Viên chức trách nhiệm về chiến lược kinh tài Trung Âu, Đông Âu, Trung Đông và Phi Châu–ông Luis Costa–nhận định, “Nỗ lực của Nga để cứu đồng Rúp đang có kết quả tốt, nhưng tạm thời”; trong lúc Benoit Anne, Giám đốc ngân hàng Emerging Markets Strategy at Société Générale’s corporate and investment bank, lại chỉ trích những biện pháp “chữa cháy” của Nga không nằm trên bình diện toàn bộ, mà chỉ là những biện pháp vá víu, cục bộ, hư đâu, sửa đó.
Tâm trạng Putin cũng bối rối như tình hình thị trường của Nga; tính từ đầu năm đến nay, đồng Rúp đã mất đến 45% trị giá so với đồng Mỹ kim, và đang rơi tự do rất nguy hiểm; nhiều viên chức Nga gọi ảnh hưởng phối hợp của cuộc phong tỏa kinh tế Âu-Mỹ, và tình trạng mất giá của dầu thô là một trận cuồng phong.
Ngoại trưởng Liên Âu Federica Mogherini kêu gọi Nga thay đổi thái độ, thôi không gây hấn với Ukraine nữa, trả Crimea về với Ukraine, và trở lại cộng tác với thế giới trên cả 2 bình diện thị trường và chính trường–lời kêu gọi khó đáp ứng.
Cái khó của Putin là sĩ diện, việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga giúp uy tín lãnh tụ của ông lên rất cao; giờ này trả Crimea trở về với Ukraine, ông không tránh được tiếng đầu hàng trước đòn kinh tế của Hoa Kỳ.
Ông tâm tình với các phóng viên tham dự buổi họp báo hàng năm của ông, “người ta ví Nga là một con gấu; con người và con gấu có thể sống chung hay không? Con người sẽ tìm cách tròng vào cổ con gấu một sợi xiềng, rồi bỏ nó vào chuồng, rồi nhổ nanh, nhổ vuốt nó. Ngày nào Nga không còn khả năng nguyên tử, ngày đó, không ai buồn nhìn đến, nói đến con gấu nữa.”
Suốt cuộc họp báo dài 3 tiếng đồng hồ, Putin lảm nhảm độc thoại, nhưng mọi người tin rằng, đến lúc bị dồn vào chân tường, không còn cách nào để phục hồi thị trường, con gấu Nga –dù vẫn còn đủ móng và nanh– sẽ trao trả Crimea cho Ukraine để trở lại sống hòa bình trong trật tự chung của thế giới.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tiền tài và thị trường đang mang tính cấp bách; Putin không thể chần chừ quá lâu; mặt khác Obama lại vừa ký tăng cường thêm nhiều biện pháp phong tỏa mới, hầu thúc đẩy Nga sốt sắng hơn trong việc gia nhập sinh hoạt kinh tế và chính trị của thế giới.
Trong cuộc họp báo cuối năm, Putin không chỉ ca ngợi Obama, và đính chánh lời chỉ trích của dư luận Hoa Kỳ, cho là ông “xìu xìu, ển ển” không dám đối đầu với Nga, Iran, và IS; Putin còn cung cấp rất hậu hĩnh một lưng vốn chính trị, kinh tế cho bà Hillary Clinton, hoặc bất cứ ứng cử viên Dân Chủ nào khác tranh chức tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Nguyễn đạt Thịnh