Anh Chín Huế nói giọng Huế rặt. Anh bảo nhà anh ai cũng vậy. Ba anh bắt mọi người về đến nhà là phải nói tiếng Việt, cấm dùng tiếng Anh, dù trước 75 ông là giáo sư rất giỏi tiếng Anh, từng dạy tiếng Việt cho các viên chức ngoại giao Anh, Mỹ.
Sau 75 mấy người anh ruột của ông đi tập kết từ Hà Nội trở về, mới đầu là đoàn tụ hạnh phúc trong nhà, trong vòng tay yêu thương rộng mở của ông. Sau đó là bất đồng tư tưởng, và bôi mặt đá ông khi phe thắng trận hùa nhau ép buộc ông phải bán căn nhà từ đường và khu đất hương hỏa của dòng họ do một tay ông gìn giữ, bồi đắp để chia chác. Với người Huế như vậy là tội trọng, là hết tình, đau vì mất của một nhưng đau vì mất anh em mười, ông chấp nhận buông bỏ hết cho mấy người anh bất nghĩa vô thần giờ là cộng sản gộc, xuống ghe vượt biên với hai bàn tay trắng.
Số phận không mỉm cười, con gái lớn bị hải tặc bắt đi, vợ ông sang đến đảo thắt cổ tự vẫn. Sang được Canada ông làm ngày làm đêm, dồn sức nuôi anh Chín và ba đứa em ăn học nên người. Anh Chín học xong cao đẳng đi làm sớm phụ ông.
Ba đứa em anh Chín rồi đều thành tài.
Ngày thằng Út ra trường bác sĩ ông bắt đầu ăn chay niệm phật, bỏ làm. Ông quay lại đảo tìm mộ vợ, năm lần bảy lượt tìm không ra, ông như điên lên! Quay qua Thái Lan, đi mọi nơi nghe ngóng, tìm hiểu mong tìm gặp lại được cô con gái lớn bị hải tặc bắt đi ngày nào, tìm đến các tổ chức thiện nguyện quốc tế, các làng chài, các ổ điếm nghe nói có người Việt... Tất cả mọi nỗ lực, thời gian, tiền bạc của cả gia đình ông đều chỉ như chút muối thả vào trong biển, mọi chòi đạp mong mò kim đáy biển tìm lại mộ vợ, tìm lại con gái của ông ngày càng vô vọng thì ông ngày càng héo hắt, suy sụp nhanh chóng nhưng cứ có thời gian, cứ có đứa con nào xin nghỉ phép được là ông lại nài nỉ, rủ đi Thái Lan.
...
Anh Chín Huế là người quản lý ca đêm của hắn, anh rất tốt, giúp đồng hương hết lòng! Từ ngày chuyển nhà phải bỏ chỗ làm, cũng cả năm rồi, lúc đó anh đang đi phép Thái Lan với ba anh, hắn chưa gặp lại anh. Hổm rồi ghé thăm anh, thấy trên bàn thờ có hình ba anh và khói hương nghi ngút, chưa kịp hỏi thì anh đã kể. Ba anh đột quỵ mất mấy tháng rồi, ba anh chết mà không nhắm mắt, chết không nhắm mắt em ơi. Mộ mẹ và chị gái anh, đều không tìm được.
Trăn trối cuối cùng của ba anh là thiêu xác, rồi đem tro bụi thân xác của ông về thả xuống dòng Hương Giang. Chuyện nhỏ như vậy nhưng anh cũng không biết anh có sớm làm được không. Hủ tro thì anh đang gởi ở Chùa, nhưng giấy tờ xin vào VN chưa xong, không biết có phải tại lúc này anh hay viết báo, hay lên Fb bình luận... không.
Anh vừa nói vừa nhìn lên bàn thờ, mắt như lạc thần, như đang nói chuyện với ba anh, phân bua với cõi âm. Rồi bỗng anh quay lại nhìn hắn, lặp lại:
- Ba anh chết mà không nhắm mắt. Từ 75, rồi cả cuộc đời Việt kiều sau đó của ông ấy cũng toàn là đau khổ. Khổ còn hơn cả mấy người dân oan còn sống ở trong nước. Ông khổ đến chết, chết mà cũng không thể nhắm mắt!
...
Anh ngừng lại, đốt điếu thuốc.
Bây giờ thì anh hình như đã trở lại bình thường, và anh ngồi đó hút thuốc, mặt vẫn còn đầy nước mắt.
Tự nhiên mắt hắn cũng cay cay, và bỗng nhiên hắn thốt lên một câu thật vô duyên.
- Anh hút thuốc làm em cay mắt quá!
Và anh cũng vội trả lời.
- Ừ, khói thuốc cũng làm anh cay mắt quá!
Thế rồi cả hai người đàn ông đều đã trưởng thành, chững chạc, cùng tự nhiên ngồi chảy nước mắt tiếp vì... khói thuốc!
Không biết tụi họ đang nghĩ gì, cũng có khi là chỉ nghĩ đến chính họ, những thế hệ Việt kiều tiếp theo, rồi cũng có thể là sẽ chết đi mà cũng không thể nào nhắm mắt!
Tôn Thất Thành (RFA)