Kết thúc Hội nghị Trung ương 10 - CSVN cương quyết độc tài toàn trị Chiều ngày 12/1/2015, Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa 11 của ĐCSVN đã bế mạc tại Hà Nội sau 8 ngày làm việc. Vẫn như thường lệ, truyền thông trong nước lại ca ngợi theo dạng văn mẫu: “Hội nghị đã thành công tốt đẹp”, “hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra”…
Một số nội dung của hội nghị: hoàn thiện dự thảo văn kiện để gửi tới Đại hội Đảng, đề án tinh giản biên chế, các vấn đề về nhân sự trong nội bộ đảng: bầu các vị trí, chức danh bổ sung trong đảng, “lấy phiếu tín nhiệm” các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư của đảng, ...
Tổng kết Hội nghị này, truyền thông quốc doanh đồng loạt đưa tin và lời phát biểu bế mạc của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư theo bài văn mẫu. Nội dung bài viết vẫn với ngôn từ khẩu hiệu cũ rích, chung chung, ít có giá trị thông tin.
CSVN một lần nữa nhắc lại sự kiên định “đi lên chủ nghĩa xã hội” ; hoàn thiện nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; xây dựng nhà nước “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và “tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Những từ ngữ mà ngay chính CSVN còn chưa hiểu rõ là gì và đang vật lộn đi tìm lời giải! Đó là những thuật ngữ quái thai, phi thực tế. Bởi lẽ kinh tế thị trường không thể song hành cùng chủ nghĩa cộng sản; nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật, chứ không tuân theo nghị quyết của đảng và càng không chấp nhận việc chà đạp lên quyền con người như CSVN; tổ quốc thì không thể gắn chung với một ý thức hệ hay đảng phái nào cả mà CSVN đang cố gán ghép.
Một số điểm đáng chú ý:
+ Về thể chế chính trị: ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Phải nắm vững và khẳng định: đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của đảng ta, nhà nước ta…”. Đồng nghĩa với việc CSVN vẫn muốn tiếp tục duy trì chế độ độc đảng, toàn trị, không có cải cách đổi mới theo hướng dân chủ hóa đất nước. Nhà nước CSVN sẽ vẫn là một nhà nước phong kiến thời hiện đại. CSVN sẽ chỉ đổi mới trong một số những vấn đề bề nổi, để giảm bớt óan giận của người dân, nhưng cũng tạo ra các biện pháp cai trị tinh vi hơn.
+ Về báo chí, truyền thông: đề án “quy hoạch và quản lý báo chí” cho thấy báo chí vẫn chỉ là “phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng”; sau đó mới là “diễn đàn nhân dân”, nhưng vẫn phải “dưới sự lãnh đạo của đảng-nhà nước”. Báo chí sẽ vẫn chỉ là công cụ tuyên truyền, hướng dẫn dư luận của CSVN. CSVN nhấn mạnh một lần nữa về việc tuyệt đối không chấp nhận báo chí tư nhân, và nền báo chí độc lập khỏi sự lãnh đạo của đảng.
+ Về vấn đề “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ”: vẫn những lời lẽ sáo rỗng, chung chung, thiếu những giải pháp cụ thể. Thực chất, “biên chế” tại Việt Nam không chỉ có công chức, viên chức làm việc cho nhà nước, mà còn có thêm nhân sự của đủ các loại ban bệ của đảng, đoàn và các tổ chức chân rết của CSVN, nên biên chế rất lớn, tốn ngân sách. Chỉ cần tách biệt ĐCSVN và chân rết ra khỏi bầu sữa ngân sách, thì việc tinh giản biên chế đã thành công rất lớn ! Mặt khác, nếu chế độ “an ninh trị” bị dẹp bỏ, thì hàng trăm ngàn nhân viên công an, mật vụ sẽ bị thải loại, không còn trong “biên chế”. Dĩ nhiên, CSVN không mong muốn điều này, bởi chính đội ngũ này đang ngày đêm bảo vệ cho vị trí độc tôn của ĐCSVN.
+ Về vấn đề nhân sự: truyền thông quốc doanh cũng chỉ đưa tin chung chung về việc bầu bổ sung một số vị trí, chức danh trong nội bộ và lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư của ĐCSVN, chứ không nêu chi tiết ai được bầu vào vị trí nào, ai được số phiếu tín nhiệm bao nhiêu. Có thể nói rằng, CSVN giữ bí mật nội bộ, không công khai về các hoạt động này.
Thực tế, Hội nghị Trung ương 10 lần này hết sức phức tạp, những cuộc đấu đá nội bộ diễn ra mạnh mẽ, vấn đề nhân sự được giữ bí mật, không công khai có thể vì lẽ đó. Các cuộc đấu đá nội bộ đã diễn ra từ năm 2013, khi bắt đầu chuẩn bị nhân sự cho dịp Đại hội toàn quốc ĐCSVN năm 2015. Những vụ bắt bớ, xử tội người ủng hộ phe này, thân phái khác như ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Ngân hàng ACB, Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Tập đoàn Vinashin, … nằm trong chuỗi tiêu diệt phe cánh, “sân sau”, hạ uy tín của nhau. Mặt khác, trước kỳ hội nghị này, truyền thông “lề trái” được sử dụng để đưa tin về phe nọ, phái kia, như về ông Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, ... cũng nhằm tố cáo, hạ uy tín của nhau.
Theo nhiều người nhìn nhận, ĐCSVN đang bị khủng hoảng về mặt nhân sự, trong khi sự tranh giành quyền lực ngày càng lộ rõ. Thêm nữa, bàn tay của Trung Cộng vẫn đang can dự vào nội bộ của CSVN, nhằm giữ vững bộ máy thân Trung Cộng, có lợi cho các chính sách của Bắc Kinh, xa hơn là trong tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, sự đấu đá giữa các phe Thân và Chống Trung Cộng còn chưa ngã ngũ. Qua các phát biểu của ông Phùng Quang Thanh và ông Đinh La Thăng mới đây cũng thể hiện rõ 2 xu thế này trong nội bộ CSVN.
SBTN