Mới đây, một ngôi trường trung học tại Hà Nội đã ban hành các quy định “cấm kỵ” trên mạng xã hội Facebook đối với học sinh của mình.
Trong văn bản gửi tới học sinh toàn trường, Ban giám hiệu Trường PTTH Lương Thế Vinh vạch ra những điều “cấm kỵ” dành cho học sinh khi lên Facebook, cụ thể là:
- Thứ nhất, tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt, ví dụ như dm, vel, vl, bts…; phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần việt.
- Thứ hai, tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai.
- Thứ ba, chỉ like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những Status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước Status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.
- Thứ tư, tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc Status. Bởi vậy, viết Status phải rõ ràng.
Trường Lương Thế Vinh cũng lưu ý học sinh rằng, mọi việc đều có hai mặt, Facebook là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người. Bởi thế, người sử dụng Facebook luôn phải cân nhắc để thể hiện sự thông minh và hiểu biết của mình. Trường này nhắc các học sinh rằng Facebook là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, nên cần cân nhắc kỹ trước khi lên like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân. Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên facebook.
Trường này chưa cho biết sẽ kỷ luật những học sinh "vi phạm" những điều "cấm kỵ" trên ra sao. Tuy nhiên, nhiều học sinh đã phản ảnh sự việc này qua facebook của mình và cho rằng nội dung này hoàn toàn xâm hại đến quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, quyền tự do của học sinh đối với đời sống riêng tư của bản thân ngoài khuôn khổ giờ học, ngoài khuôn viên nhà trường quản lý. Bên cạnh đó, nhà trường còn can dự vào mối quan hệ giữa các học sinh với cộng đồng, qua việc bắt học sinh phải viết các trạng thái cảm xúc phải không được gây “hiểu lầm”, không được “nói xấu bất cứ ai”. Ngay đến cả việc thích một cái “status” trên Facebook, học sinh cũng bị bắt phải “chịu trách nhiệm”.
Giới trẻ Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều vấn đề trong văn hóa ứng xử, trong việc sử dụng ngôn từ và văn hóa tranh luận trên mạng xã hội, nhưng những điều này đều phát sinh từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường, và truyền thông. Việc cần làm là giáo dục con người từ tấm bé các giá trị nhân bản, tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng, hành xử có văn hóa, thay vì cấm đoán họ bày tỏ suy nghĩ một cách tự do.
Việc giáo dục công dân các giá trị nhân bản, các quyền tự do của cá nhân, sự tôn trọng các cá nhân khác và cộng động từ khi còn nhỏ, để tạo thành thói quen, nếp nghĩ cho mỗi người dân khi bước vào đời sống xã hội là điều hoàn toàn cần thiết và là điều kiện để phát triển một xã hội văn minh, nhân bản và tiến bộ.
SBTN