Khẩu hiệu "Je suis Charlie" qua lời kể của tác giảNhà báo Joachim Roncin là tác giả khẩu hiệu "Je suis Charlie" - DR
Chỉ ít giờ sau khi cả nước Pháp đang bàng hoàng lo sợ trước vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hôm 07/01 sát hại 12 người, khẩu hiệu "Je suis Charlie" đã ra đời và ngay lập tức đã trở thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết trong người dân Pháp và sự đồng cảm của cả thế giới.
Ít người biết được, cha đẻ của khẩu hiệu « Je suis Charlie » là Joachim Roncin, nhà báo, Giám đốc nghệ thuật tạp chí Stylist, một tờ báo phát hành miễn phí ở Pháp. Một tuần sau sự kiện này, ông mới lên tiếng qua bài viết đăng trên nhật báo Libération để kể lại sự ra đời của khẩu hiệu "Je suis Charlie". Chúng tôi xin trích dịch lại bài viết của ông :
Sáng thứ Tư, vụ nổ súng vào tòa soạn Charlie Hebdo đã làm ngưng lại mọi hoạt động của ban biên tập (Stylist). Ngồi sững sờ trước màn hình máy tính, tôi muốn diễn tả một đống cảm xúc đang làm tôi choáng váng. Cảm thấy quặn đau vì thấy mình đang sống trong một thế giới, nơi mà người ta có thể sát hại những con người chỉ vì họ đã vẽ tranh. Tôi ghép dán chữ Je suis vào Charlie và thế là hình ảnh « Je suis Charlie » ra đời. Hình ảnh này có nghĩa là « tôi tự do » và « tôi không sợ ».
Cẩn thận tôi đã hỏi một đồng nghiệp liệu câu này có chạm gì đến những nhạy cảm đối với người thân của Charlie Hebdo. Chúng tôi đều nhất trí là không. Tôi quyết định tải hình lên mạng và đi ăn trưa trong tâm trạng trống rỗng. Tôi đã suy sụp hoàn toàn khi theo dõi thông tin được biết những thần tượng thời tuổi trẻ của tôi đã bị chết. Chúng tôi trở lại phòng làm việc. Trên Twitter, một người bạn nhà báo hỏi tôi tại sao là việc đó. Tôi đáp : « Tôi đã tạo hình ảnh đó vì tôi không nói được lên lời ». Từ lúc đó trở đi bắt đầu hiệu ứng lan truyền. « Tôi là Charlie » được truyền đi khắp nơi, rất nhanh.
Khẩu hiệu đã trở thành cờ hiệu. Được chụp lại, in ra, treo trên các tòa soạn, trong phố, trong các trường học, dịch ra đủ thứ ngôn ngữ và được hàng triệu người xướng lên. Tôi đã nhận được số lượng tin nhắn nhiều kinh khủng qua mạng xã hội. Người ta nói với tôi đã nhận ra trong câu khẩu hiệu này một thông điệp giản dị, nhân bản, trung thực, tích cực. Trong giữa sự sợ hãi khẩu hiệu như ngọn đuốc, như nắm tay giơ cao.... Ngay sau đó tôi cũng được các cơ quan truyền thông liên hệ.
Là Giám đốc nghệ thuật của một tuần báo, tôi hiểu cần phải nuôi mối lợi này, nhưng thú thực tôi cảm thấy sẽ là không đúng đắn và bất nhã khi bơm mình lên qua vụ này. Tôi quyết định chỉ trả lời rải rác một vài tờ báo. Trong đầu tôi nghĩ là phải tránh xa chuyện lợi dụng ý tưởng.
Phong trào đoàn kết trong cả nước ra đời ngày 07/01/2015 đã khiến tôi xúc động sâu sắc, nhưng tôi không bao giờ cho mình là người đi tiên phong như một số người muốn gán vào phía sau hình ảnh này. Hành động của tôi chỉ là việc thể hiện một cách bộc phát tình cảm cá nhân không có gì là anh hùng.
Sau đó đã một loạt tin nhắn gửi tới tôi đề nghị gợi ý để « Je suis Charlie » được sử dụng in trên áo, quảng cáo.... Tôi đăng trên twitter : Thông điệp và hình ảnh được tự do sử dụng. Trái lại tôi sẽ lấy làm tiếc về mọi sử dụng vì mục đích thương mại. Và tôi cũng nhắc lại là mục đích thương mại duy nhất mà tôi ủng hộ đó là cho các hiệp hội mà tôi lựa chọn. Mặc dù vậy, hiện đã có 50 sản phẩm gán với khẩu hiệu Tôi là Charlie nộp lên cơ quan sở hữu bản quyền.
Chính vì lẽ đó mà hôm nay, tôi lên tiếng. Với tôi việc người ta có thế biến một khẩu hiệu tự do như vậy thành một nhãn mác thì quả là điều thô bỉ, không thể hiểu nổi. Và tôi sẽ còn lên tiêng để bảo vệ ba chữ « Je suis Charlie ».
Theo RFI