Ông Trần Anh Kim tại phiên xử ngày 29/12/2009 ở tỉnh Thái Bình. Hôm 7/1/2015, ông Kim đã mãn hạn 5 năm rưỡi tù giam về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ vì tham gia cổ xúy dân chủ-nhân quyền trong nước.
Một nhóm gồm hơn chục nhà hoạt động và bất đồng chính kiến tố cáo bị công an kết hợp với côn đồ đánh đập dã man sáng ngày 21/1 khi họ đến thăm một tù nhân lương tâm mới được phóng thích.
Đơn khiếu nại khẩn cấp của 12 người trong nhóm gửi Bộ Trưởng Công an nêu rõ vụ hành hung xảy ra lúc 10 giờ sáng tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, sau khi nhóm này vừa rời tư gia của ông Trần Anh Kim, cựu Trung tá quân đội Nhân dân Việt Nam từng giữ chức Chỉ huy phó Chính trị - Ban Quân sự thị xã Thái Bình.
Hôm 7/1, ông Kim vừa mãn hạn 5 năm rưỡi tù giam về tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ vì tham gia cổ xúy dân chủ-nhân quyền trong nước.
Đơn khiếu nại khẩn cấp của 12 người trong nhóm các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến gửi Bộ Trưởng Công an.
Trong số những nạn nhân bị hành hung hôm nay có hai người cao tuổi là nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi nay đã ngoài 70 và nhà khoa học địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, trên 80 tuổi.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội được nhiều người biết đến, thuật lại với VOA Việt ngữ:
“Chúng tôi đi xuống thăm trung tá Trần Anh Kim. Vừa ra về, công an mặc thường phục lẫn quân phục đến gây sự và đánh đập anh em rất tàn nhẫn. Họ kéo cả đến 4,5 chục người vây chúng tôi và cho một số công an giả danh thường dân vào đánh đập chúng tôi rất dã man. Những người bị thương nặng có Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tường Thụy, Trương Văn Dũng, Trần Thị Nga. Những người già như cô nghệ sĩ ưu tú Kim Chi cũng bị giằng xé, xô ngã hay như tôi cũng bị họ đánh loạn xạ, đấm bật cả kính mắt. Đây là việc làm vô pháp luật và vô đạo đức. Không chỉ ở ngoài đường, vào trong đồn công an rồi họ vẫn tiếp tục đánh anh em rất tàn bạo. Một phóng viên của Việt Nam thông tấn xã đi qua thấy tình cảnh này đã vào để quay lấy tư liệu cũng bị họ kéo vào đánh dã man. Người phóng viên ấy tên Tuấn.”
Về lý do nhóm bị công an đưa về đồn làm việc, ông Giang nói:
“Họ bảo ông Trần Anh Kim đang trong thời gian quản chế nên chúng tôi không được vào thăm. Chúng tôi bảo anh ấy bị quản chế chứ chúng tôi có bị quản chế đâu mà không được vào thăm anh ấy. Suốt 6, 7 tiếng đồng hồ ở đồn công an là một cuộc đấu tranh rất gay gắt giữa chúng tôi với công an.”
Các nhà hoạt động bị vây đánh.
Đáp câu hỏi rằng trong buổi làm việc tại đồn, phía công an phủ nhận hay xác nhận việc ra tay hành hung các nhà hoạt động, Tiến sĩ Giang cho biết thêm:
“Có, những lúc nóng nảy họ cãi cọ với anh em, họ bảo ‘Tao là công an, mày làm gì được tao?’ Họ dọa rằng ‘Đây không phải như ở Hà Nội của chúng mày đâu. Đây là địa phương, chúng tao có thể huy động người đến đây cắt cổ chúng mày.’”
Chiều tối cùng ngày, chúng tôi liên lạc trụ sở công an phường Trần Hưng Đạo, Thái Bình, để xác minh thông tin, nhưng viên công an trực ban vội vàng cúp máy sau khi từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào:
“Tôi là trực ban. Xin lỗi chị chúng tôi không thể trả lời qua điện thoại được nhá. Có gì chị đến trực tiếp gặp nhá. Chào chị.”
Vụ việc xảy ra 2 ngày sau cuộc Đối thoại Nhân quyền giữa Việt Nam với EU hôm 19/1 tại Bỉ, qua đó Liên minh Châu Âu một lần nữa bày tỏ quan ngại về tình trạng đàn áp những tiếng nói đối lập tại Việt Nam và kêu gọi Hà Nội tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế về pháp luật và nhân quyền.
Đôi bên cũng trao đổi quan điểm về Công ước Liên hiệp quốc Chống tra tấn và đối xử tàn bạo giữa bối cảnh nạn lạm quyền, bạo hành trong ngành công an Việt Nam đã lên tới mức báo động, gây căm phẫn công luận trong và ngoài nước.
Theo VOA
Sửa bởi người viết 21/01/2015 lúc 09:16:55(UTC)
| Lý do: Chưa rõ