Thứ trưởng Hà Kim Ngọc của Việt Nam tại hội thảo hôm 26/1/2015
Thời gian thấm thoắt đã hai chục năm từ ngày hai cựu thù “khép lại quá khứ” vào năm 1995.
Pete Peterson bước vào gian phòng hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa” và lại bắt tay cựu đại sứ Lê Văn Bàng, với những lời lẽ xã giao dường như lặp lại thời hai người còn trong vai diễn ở hai bờ đối lập.
Trong góc phòng, viên thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc mang dáng vẻ đường bệ với phát ngôn đắc thắng bất thường về "cam kết của cả Việt Nam và Hoa Kỳ về việc hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay" (2015).
Một lần nữa tính từ năm 2013, giới quan chức lãnh đạo vừa bộp chộp và vừa chuộng thành tích của Bộ ngoại giao Việt Nam lại áp dụng từ "cam kết" như một thái độ vừa thúc giục vừa áp đặt đối với người Mỹ. Trong khi đó, Washington vẫn giữ nguyên khí chất “người Mỹ trầm lặng’, hầu như chỉ thể hiện từ ngữ "có thể", "cố gắng", chứ chưa bao giờ can đảm đến mức "cam kết" với chính quyền Việt Nam về TPP.
Ted Osius là một ví dụ. Trong các cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam ở Hà Nội, họp báo ở Sài Gòn và ngay tại cuộc hội thảo 20 năm bình thường hóa Việt - Mỹ, vị tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn luôn giữ vẻ thận trọng không kiểu cách. Chưa bao giờ trên môi ông hiện ra từ "cam kết".
Ngay cả vào năm 2015 kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, "quyền đàm phán nhanh" còn chưa được Quốc hội Mỹ dành cho chính phủ nước này. Mà nếu không có được thứ quyền thiết yếu đó, Chính phủ Mỹ dù có hảo tâm đến mấy cũng sẽ không thể nào thông qua TPP cho Việt Nam được.
Chẳng cần ai phải thức nữaHội thảo “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa” do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Hoa Kỳ (CSIS) và Ðại Học Portland của Hoa Kỳ phối hợp tổ chức, có thể được xem là một sự kiện chính trị “không tuyên bố trước” và đượm “diễn biến hòa bình”.
Hội thảo này lại diễn ra sau cuộc họp báo có vẻ đặc biệt của tân đại sứ Ted Osius tại Sài Gòn và thái độ “lạc quan về TPP” của ông.
Hội thảo này cũng chỉ diễn ra vài ngày sau khi Đài truyền hình Việt Nam lần đầu tiên cho chiếu một bộ phim thời sự về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, mà chắc chắn phải được sự chuẩn y gấp nếp của Ban tuyên giáo trung ương.
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và hai cựu Đại sứ Douglas Pete Peterson và Michael Michalak tại hội thảo hôm 26/1
Bộ phim phỏng vấn cả những viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà cách nào đó có thể được đánh giá là sự thừa nhận chẳng còn cách nào khác của chính thể chiến thắng đối với những người thất bại, liên quan đến vai trò bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa trước mối xâm lắng của lá cờ “mười sáu chữ vàng”.
Những thước phim dù thật ngắn ngủi về hải chiến Hoàng Sa lại phác họa cả chiều dài 20 năm so đo lận đận Việt - Mỹ.
Tám năm trước, vào thời mà Việt Nam cầu cạnh để trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới, đã chẳng hề có sự ghi dấu bóng dáng nào dành cho kẻ bại trận ở Hoàng Sa.
Còn 15 năm trước khi xúc tiến Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt “năm 1975 có một triệu người vui nhưng cũng có một triệu người buồn” còn bị giới chuyên chính đảng ghi hồ sơ như một sự lệch lạc trầm trọng về quan điểm vô sản.
Nhưng giờ đây, tâm trạng chiến thắng đã bị lu mờ đến thảm hại.
Dù Việt Nam và chế độ một đảng vẫn luôn bị coi là một trong những nền chính trị bó kín toàn thân, nhưng thực ra biến động chính trường và khuynh hướng ly tâm chính trị ở đất nước “thơ tôi khóc, lệ rơi hình chữ S” này còn dễ đoán hơn nhiều so với trường hợp Hoa Kỳ.
Chân dung quyền lực là một ví dụ gần gũi và mang tính “chuyển hóa” nhất.
Sau trang Quan làm báo vào năm 2012, trang blog này nảy mầm từ cuối năm 2014 và nở hoa tung tóe ngay trong lòng đảng vào hội nghị trung ương 10 đầu năm 2015.
15 năm trước khi xúc tiến Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt “năm 1975 có một triệu người vui nhưng cũng có một triệu người buồn” còn bị giới chuyên chính đảng ghi hồ sơ như một sự lệch lạc trầm trọng về quan điểm vô sản.
Không thể nói khác hơn là chỉ có những người mang danh xưng cộng sản mới có được năng lực vượt trội trong việc truy tầm hồ sơ và bới móc nhau thấu cáy đến như vậy.
20 năm bình thường hóa Việt - Mỹ cũng vì thế đang trôi dạt sang một dòng sông khác: khác hẳn với bầu không khí so kè từng chút giữa Pete Peterson và Lê Văn Bàng vào thời kỳ hậu Đổi mới của Việt Nam, cũng khác rất nhiều so với câu chuyện quá khứ khi giới quốc phòng Mỹ tự ái “Mỹ sẽ tự tìm các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, chỉ cần Việt Nam cung cấp máy bay trực thăng”, vào lúc này dường như người Mỹ có được ưu thế về gần hết các mặt, từ ngoại giao đến kinh tế, và đặc biệt là quân sự khi năm 2014 vừa nổ ra vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc như một nốt phá cho bài ca “Bốn tốt” của Hà Nội.
Cuối 2014 cũng là thời điểm mà Hà Nội rất có thể đã lên cơn sốc ý thức hệ khi cả hai nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Cuba đồng loạt lên truyền hình tuyên bố về sự khởi đầu cho công cuộc bình thường hóa giữa hai quốc gia chỉ cách nhau 90 dặm biển.
Chủ thuyết “Việt Nam và Cuba cùng nhau canh giữ hòa bình thế giới” của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thời dĩ vãng hóa ra lại có ý nghĩa chưa từng thấy trong hiện tình: bây giờ chẳng cần ai phải thức nữa.
Hai lần bị bỏ rơiBộ chính trị Hà Nội đang đứng trước tâm trạng của kẻ bị bỏ rơi hai lần liên tiếp: một từ người đồng chí phương Bắc, và thứ đến bởi người anh em ở Tây bán cầu.
Rõ là hoàn cảnh đã khác xưa quá nhiều. Nếu ngay cả những người bảo thủ nhất trong đảng cũng phải dao động thì có thể hình dung ra tư thế “đu dây” đã chao nghiêng đến thế nào.
Hà Nội đang cần tới Washington để cân bằng lại với sức mạnh của Trung Quốc
Ván bài còn lại chỉ phụ thuộc vào tâm thế ngổn ngang và tràn phân hóa của giới lãnh đạo Việt Nam: họ sẽ “vừa đấu tranh vừa tranh thủ” tiềm lực kinh tế Mỹ để xuất siêu và nhận đầu tư nước ngoài, kiều hối như hai chục năm qua, hay sẽ phải quỵ một gối để thực sự cầu cạnh sức mạnh quân sự Hoa Kỳ trong “vai trò lớn hơn” để bảo vệ Biển Đông?
Phương trình “bốn mươi năm thống nhất đất nước” và “hai mươi năm bình thường hóa Việt - Mỹ” cũng vì thế mang nhiều hàm ý khó hiểu hơn: nếu không thể “kỷ niệm” với người Mỹ theo cái cách đầy mỹ từ khoa trương như trước đây, làm thế nào để chính quyền Việt Nam và chính phủ Mỹ có thể ôm hôn nhau như một cặp tình nhân chung thủy đích thực?
Sau “Đối tác toàn diện” dù đã được xác lập nhưng chưa đi tới đâu, “Đối tác chiến lược” đang là cụm từ thời thượng trong giới ngoại giao Việt Nam, bởi niềm hy vọng có vẻ khá thực tâm về tương lai mà người Mỹ sẽ đặc cách dành cho họ, dù về phía Washington chưa có một “cam kết” nào liên quan đến triển vọng còn quá non trẻ đó.
Hội thảo hai mươi năm Việt - Mỹ “thành công hơn” ở Hà Nội có lẽ chỉ là một động tác thăm dò trở lại. Và sự trở lại của cựu đại sứ Pete Peterson cũng có lẽ chỉ là những bước nhấp đầu tiên về hướng một Hà Nội chưa mấy ngoan ngoãn của ông già tốt tính.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng gửi cho BBC từ Sài Gòn