Ngày xửa ngày xưa, một xưởng phim hoạt hình có tên gọi là Walt Disney đã có một câu thần chú để kiểm soát hoàn toàn vương quốc thần tiên và vươn lên trở thành một tập đoàn truyền thông đa quốc gia còn to hơn cả cây đậu thần của Jack.
Kể từ đó, nhiều thế hệ trẻ em trên thế giới đã lớn lên với phim hoạt hình kể lại những câu chuyện mà trong hàng trăm năm trước thậm chí còn không được viết lại.
Maleficent (tức ‘Bà Tiên Ác’), tác phẩm điện ảnh mới nhất của Disney muốn khai thác những góc khuất của chuyện ‘Người đẹp ngủ trong rừng’.
Với ngân sách vượt 175 triệu đô la Mỹ, Maleficent do nữ tài tử Angelina Jolie thủ vai chính là một bà tiên cứng đầu, ngoan cố. Sự độc ác của bà ta được thể hiện qua cặp sừng, trang phục như ma cà rồng và cặp xương gò má nhô cao một cách nhân tạo.
Câu chuyện cổ tích kinh điển được kể lại từ góc độ của nhân vật nữ phản diện độc ác này. Nó cho khán giả biết làm sao mà một trái tim trong trắng lại hóa đá sau khi bị phản bội phũ phàng.
Diễn biến tâm lýTruyện cổ tích bắt đầu từ những câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Chuyên gia Jack Zipes từng viết trong một bài luận có tiêu đề ‘Phá vỡ lời nguyền của Disney’ rằng: “Cổ tích là những câu chuyện vỡ lòng, tôn thờ, cảnh báo hay thuyết giáo.”
Chính vì vậy mà chúng có đặc điểm nổi bật là nội dung đơn giản. Đó là những câu chuyện đơn thuần – không hề có những đoạn văn mô tả hay những đoạn độc thoại nội tâm làm cắt đứt mạch truyện và các nhân vật đều là một chiều.
Người tốt là tốt còn kẻ ác là ác. Hình ảnh trong truyện không phức tạp và những mô tả cảnh gần như rất đơn điệu: rừng sâu thăm thẳm, công chúa thì phải đẹp, đại loại như thế. Giống như lời ông Philip Pullman viết trên tờ The Guardian về nỗ lực của ông viết lại một số câu chuyện nổi tiếng nhất: “Không có diễn biến tâm lý trong truyện cổ tích.”
Hãy nói điều này với các nhà phân tâm học Freud hoặc Jung thử xem. Mặc dù không có diễn biến tâm lý rõ ràng nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ hơn thì sẽ thấy được những đặc tính tâm lý của các nhân vật. Hãy nghĩ về tấm gương được dùng để phản ánh nội tâm người soi gương trong truyện ‘Bạch Tuyết và Bảy chú Lùn’.
Những truyện cổ tích mà giờ đây được mọi người thuộc làu đã được một số người bỏ công ghi lại như Anh em nhà Grimm, ETA Hoffman hay Hans Christian Andersen.
Bằng cách làm này, họ đã hệ thống hóa những câu chuyện vốn luôn thay đổi qua những lời kể từ người này sang người khác và được thêm thắt hoặc mất đi chi tiết.
Nhưng một khi được ghi chép lại thì chúng trở thành những văn bản mà các học giả có thể phân tích và đối với hai nhà tâm lý học Freud và Jung thì những câu chuyện được chép lại này có giá trị như ngỗng đẻ trứng vàng.
Tượng trưng cái gì?Cả hai nhà nghiên cứu này đều có giả thiết của mình về tại sao những câu chuyện kể này lại ghi dấu ấn sâu sắc đến vậy trong tình cảm con người.
Đối với Jung, các nhân vật trong truyện cổ tích đều là nguyên mẫu và lý do chúng được khắc họa một chiều như thế là vì mỗi nhân vật đại diện cho một khía cạnh nào đó ở tính cách con người.
Còn đối với Freud, các câu chuyện cổ tích có nguồn gốc giống như giấc mơ và những mô-típ như khu rừng hay gai nhọn thể hiện những ham muốn bị đè nén và những tưởng tượng về đạt được ước mơ.
Cách tư duy của ông đã có ảnh hưởng lớn đối với những nhà phân tâm học lý thuyết như Bruno Bettelheim. Cuốn sách của Bettelheim có tựa đề ‘The Uses of Enchantment’ (Cách dùng sự mê hoặc) đã được nhiều người đón đọc vào cuối những năm 1970.
Trong cuốn sách này, ông mô tả làm thế nào mà khu rừng trong câu chuyện ‘Hai Anh Em’ tượng trưng cho nơi mà con người phải đối diện và đi qua những góc khuất bên trong mình, nơi mà câu hỏi mình là ai sẽ được trả lời và là nơi mà ai đó sẽ bắt đầu hiểu được mình muốn trở thành như thế nào. Kể từ thời xa xưa những khu rừng rậm gần như kín như bưng nơi con người dễ dàng đi lạc tượng trưng cho thế giới sâu kín gần như không chạm tới được trong tiềm thức con người.
Truyện cổ tích vẫn tiếp tục thu hút các nhà phân tâm học. Họ thấy rằng sự biến hình – chẳng hạn như hoàng tử biến thành ếch hay công chúa hóa thành chim – được xem là sự liên tưởng đến trạng thái rối loạn đa nhân cách còn những nhiệm vụ bất khả mà các nhân vật chính phải đối mặt như quay tơ thành vàng là dẫn chứng của tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong các gia đình gặp trục trặc.
Nhiều cách diễn giảiKhả năng cải biến phù hợp hoàn cảnh là bí quyết tạo nên sức sống của truyện cổ tích.
Đã có những diễn giải theo phương diện nữ quyền (Người đẹp và Quái vật là truyện ngụ ngôn về đức hy sinh của người phụ nữ trong xã hội nam quyền), phương diện Marxist (Bảy chú lùn trong truyện Bạch Tuyết là hình ảnh thu nhỏ của giai cấp công nhân phải lao động vất vả và đoàn kết để tồn tại), thậm chí phương diện Đức Quốc xã (hoàng tử phải đánh thức người đẹp Arya đang ngủ phía sau hàng rào rậm rạp của những mưu đồ Do Thái và cộng sản).
Hoàn toàn có thể đi sâu hơn nữa và đó là lý do tại sao mà chúng ta có cảm giác rất mới mẻ khi những câu chuyện hết sức quen thuộc này được dùng làm điểm khởi đầu cho những câu chuyện mới hoàn toàn mà trong số này Maleficent là trường hợp cải biên mới nhất.
Nhà văn đoạt giải Pulitzer, Michael Cunningham, đã đề tên Hans Christian Andersen trong tựa đề cuốn tiểu thuyết mới của ông có tựa là ‘The Ice Queen’. Đây là câu chuyện về một nhạc sỹ vật lộn với cuộc sống bên cạnh đứa em trai đồng tính và người bạn gái đang chết dần mòn. Tác phẩm tiếp theo của ông là tuyển tập các truyện ngắn viết lại các câu chuyện cổ tích.
“Các câu chuyện sẽ rất phong phú và ý tưởng chủ đạo là ‘chuyện gì thật sự đã xảy ra? Những người chúng ta đã lớn lên từ những câu chuyện của Disney đôi khi sẽ thấy sốc với cảnh giết người và nổi loạn vốn đã được cắt bỏ ra khỏi các phim hoạt hình. Chuyện cổ tích thường tăm tối, dữ dội và lạ lùng,” Cunningham nói
Theo BBC