logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
nga  
#1 Đã gửi : 13/02/2015 lúc 06:00:23(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
UserPostedImage

Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ khi nhỏ tên gọi Nguyễn Thắng, thi Hội rớt, đổi thành Nguyễn Khuyến, với dụng ý khuyên bảo mình cố gắng nhiều hơn nữa. Biệt hiệu là Quế Sơn.
Cụ Nguyễn Khuyến sinh ngày 15/02/1835, tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi. Sau nhiều năm lận đận về khoa cử và chốn quan trường, cụ từ bỏ trần gian ngày 05/02/1909, nhằm ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, hưởng thọ 74 tuổi. Tính đến tháng Giêng Ất mùi năm 2015, cụ chào đời tròn 3 giáp, tức 180 năm, cụ đã xa cõi đời tròn 106 năm.

Tuy nhà thơ Nguyễn Khuyến về cõi vĩnh hằng hơn 1 thế kỷ, thơ ca của cụ vẫn được người dân Việt Nam nhớ mãi.

Đời và thơ
Nhà thơ Nguyễn Khuyến chào đời ở làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm lên 8, theo gia đình về sống ở quê nhà là xã Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, thân phụ chính là tôn sư. Năm 17 tuổi (1852), Nguyễn Khuyến đi thi Hương lần thứ nhất không đỗ. Năm sau, dịch thương hàn lan rộng, cụ mắc bệnh suýt chết. Cha và em ruột, bố mẹ vợ, cùng nhiều họ hàng thân thuộc qua đời vì nạn dịch. Gia đình lâm vào cảnh tiêu điều xơ xác, đời sống ngày càng đói rét, cụ phải bỏ học, đi dạy thuê kiếm sống và nuôi mẹ. Không bao lâu sau, được ông nghè Vũ Văn Lý đem về nuôi dưỡng, cho ăn học. Năm 1864, cụ đi thi Hương lần thứ hai, đỗ Giải nguyên. Năm sau vào Huế thi Hội, lại “xôi hỏng bỏng không”. Năm 1871, đi thi Hội lần thứ hai, đỗ Hội nguyên, sau đó lại vào kinh đô Huế thi Đình, đỗ Đình nguyên. Ba lần thi Nguyễn Khuyến đều đứng đầu bảng, được phong là Tam Nguyên, người đời gọi cụ là Tam Nguyên Yên Đỗ. Từ đó cụ phải sống trong giai đoạn đất nước suy vong, lệ thuộc vào người Pháp.

Đỗ Đình nguyên, Nguyễn Khuyến được mời ra làm quan, lần lượt giữ những chức vụ như Đốc học Thanh Hóa, Án sát Quảng Bình, Bố chánh Quảng Nam, Thương biện Hà Nội, Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc…
Sống trong thời đại triều đình mục nát, quân viễn chinh Pháp xâm lược đất nước Việt Nam, Nguyễn Khuyến đối diện với cảnh vua quan cam tâm làm nô lệ cho Pháp, cảm thấy lúng túng trong việc xử thế: Học rộng tài cao không ra làm quan cho triều đình tức là trái với nghĩa tôn quân, ra làm quan chẳng khác gì cam tâm làm tay sai cho kẻ đang xâm lược nước mình. Bởi vậy cụ vô cùng day dứt trong lòng. Sau 12 năm lăn lộn chốn quan trường, cụ phải dùng đến tuyệt chiêu “tẩu vi thượng sách”, viện cớ đau mắt nặng, cáo quan về quê nhà ở ẩn lúc tròn 50 tuổi (1885).

Thơ Nguyễn Khuyến phần lớn sáng tác trong thời gian về quê ở ẩn, hiện có khoảng trên dưới 100 bài thơ chữ Nôm, 100 bài thơ chữ Hán, tập hợp lại trong Quế Sơn thi tập và Tam Nguyên Yên Đỗ thi ca. Đa số những bài thơ trong hai tập trên đều toát lên âm điệu xót xa, vì cụ luôn luôn cảm thấy mình về quê ở ẩn có nghĩa là thừa nhận bản thân bất lực và vô trách nhiệm trước thời cuộc.

Mạn hứng
Ô Môn nhất xuất toại qui điền
Bẩn bệnh niên lai độc tự liên
Song nhật ám di hồng ảnh cận
Trúc phong bất nhượng bạch đầu tiên
Bố ương bô lão tri hòa cước
Địch cốc nhân hồi dẫn đấu niên
Thừa hứng chỉ duy tôn tửu thích
Nam Sơn bằng diếu chính du nhiên

Cáo quan về ở nhà
Ngần ấy năm nay vẫn ở nhà,
Nghĩ ta, ta lại chỉ thương ta.
Bóng hiên hơi ngán hơi nồng nhĩ,
Ngọn gió không nhường tóc bạc a!
Thửa mạ rạch ròi chân xấu tốt,
Đấu lương đo đắn tuổi non già.
Khi buồn chén rượu say không biết,
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa.
(Chú thích: Bài thơ này tác giả tự dịch)

Dù về quê ở ẩn, nhưng điều hư tật xấu ngoài xã hội vẫn đập vào mắt nhà thơ, ảnh hưởng đến nhiều người khác. Trước tình cảnh đó, cụ Nguyễn Khuyến cảm thấy không thể ngồi yên khi ngoài xã hội đầy rẫy những cảnh xấu xa và bất công. Bởi vậy, nhà thơ dùng ngòi bút của mình phê phán những điều hư tật xấu ngoài xã hội, chê trách quan lại thối nát, giả dối; chế giễu những kẻ vì đồng tiền và quyền lợi vật chất làm những việc xấu xa bỉ ổi, mất nhân cách; đả kích việc học hành, thi cử thời bấy giờ.

Tặng đốc học Hà Nam
Ai rằng ông dại với ông điên,
Ông dại sao ông biết lấy tiền.
Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp,
Khoét thằng mắt trắng lấy tam nguyên*
Dấu nhà vừa thoát sừng trâu đỏ,
Phép nước xin chừa mông lợn đen**
Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt,
Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen.
(Chú thích: *Ba đồng bạc. **Ám chỉ ông đốc học từng bị Tây đá đít)

Vịnh tiến sĩ giấy (II)
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh thế mới hời.
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

Ngoài một số bài thơ châm biếm, đả kích, Nguyễn Khuyến sáng tác nhiều bài thơ miêu tả nông thôn, bởi vậy, nhiều người gọi cụ là nhà thơ của nông thôn Việt Nam. Qua những bài thơ chữ Nôm và chữ Hán, nhà thơ vẽ lên bức tranh phác họa cuộc sống gian nan và khổ sở của dân cày ở nông thôn trong những lúc mất mùa, lụt lội, những lo toan của họ về cuộc sống… Tuy nhiên, cũng có một số bài nói về phong tục tập quán hay niềm vui heo hút bé nhỏ của người nông dân.

Chốn quê
Năm nay cày cấy vẫn chán thua
Chiêm mất đàng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở nửa thuê bò.
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
Tằn tiện thế mà không khá nhĩ?
Nhờ trời rồi cũng mấy gian kho.

Gái góa than lụt
Con tạo ghen chi gái má hồng,
Mà đem nước đến vỗ tầm vông.
Gió lùa cửa cống bèo man mác,
Trăng xổ buồng trai bóng phập phồng.
Những sợ anh kình rình dưới rốn,
Lại lo chú chuối lần bên hông.
Quản chi điểm phấn trang hồng nửa,
Chỉ biết nơi sâu với chốn nôn.

Trong nhiều bài thơ nôm hay chữ Hán, cụ cũng tả cảnh thiên nhiên như mùa thu, mùa hè, tiết đông chí…

Thu điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo.
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí.
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lững, trời xanh ngắt.
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Đêm mùa hạ
Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thật oi ả.
Tiếng dế kêu thiết tha,
Đàn muỗi bay tơi tả.
Nỗi ấy biết cùng ai ?
Cảnh này buồn cả dạ
Biếng nhắp năm canh chầy,
Gà đà sớm giục giã.

Ngoài ra còn có nhiều bài thơ khác miêu tả phong cảnh các miền của đất nước, diễn tả những chuyện xảy ra hằng ngày trong cuộc sống và ngoài xã hội, đặc biệt là tình cảm của cụ đối với bạn bè hay người dân sống trong cảnh lam lũ, gặp nhiều khó khăn từ thiên tai đến nghèo đói.

Thơ xuân Nguyễn Khuyến
Thơ xuân của Nguyễn Khuyến có khoảng 10 bài, phần nhiều là thơ chữ Hán. Đọc thơ xuân Nguyễn Khuyến, ta cảm nhận được nỗi lòng day dứt của nhà thơ. Khi đối diện với mùa xuân, cụ không cảm thấy yêu đời, không còn dũng khí của một nhà thơ yêu nước, thương dân:

Xuân nguyên hữu cảm
Tân tuế phương lai cựu tuế chu,
Quần phương giai uyển ngã hà khô?
Tự liên vãn tiết cân hải quyện,
Vô lịch ná tri thư Giáp tý.
Hữu cừu vị cảm độc Xuân Thu,
Thử âm dĩ hĩ vô tha lự,
Huề trượng liêu vi hãn mạn du
Dịch
Cảm nghĩ đầu xuân
Năm mới vừa đến, năm cũ qua,
Mọi người vui vẻ sao ta buồn?
Thương mình gân cốt đã mòn hao,
Nào hay ngày tháng cứ lao đi.
Không lịch biết đâu là Giáp tý,
Thù còn đâu dám đọc Xuân Thu
Lòng ta dứt hết mọi mối lo,
Chi bằng chống gậy đi chơi xa.

Xuân bệnh (I)
Nhiễu nhiễu phong trần nhất hủ nho,
Nhàn lai ngô tự kiến chân ngô.
Phù danh hữu hạnh do tiên cái,
Thực lực phi tài thượng nhương nô.
Bán chẩm quan không thiên địa khoát,
Nhất sang cao ngoạ tính tình cô.
Sầu miên lẫn dục thôi lâm khởi,
Sương ám thần quang đạm nhược vô
Dịch
Mùa xuân bị bệnh (I)
Nhiễu nhương gió bụi bác nho gàn,
Nhàn rỗi khác gì tự trói chân.
Danh hão chỉ hơn anh bị gậy,
Tài xoàng, e kém chú che tàn
Hé nhìn nửa gối trời cao rộng,
Nằm khểnh bên song tính chiếc đơn.
Giấc ngủ buồn, ôm chăn ngại dậy,
Thoáng không, sương sớm khắp trời lan.

Tuy nhiên, trong thơ xuân của Nguyễn Khuyến cũng có bài đem lại cho người đọc bức tranh mùa xuân sống động, gần gũi, xác thực, gợi nhớ không khí ngày Tết của miền quê trong những năm đói kém với dáng người tất bật dưới mưa xuân, trong lòng thấp thỏm món nợ Tết vẫn không sao trả nổi. Bên cạnh đó cũng thấp thoáng những niềm vui nhỏ mọn khi nghe tiếng pháo giao thừa nhà nào đó nổ đùng đoàng.

Chợ Đồng
Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay chợ họp có vui không ?
Dở trời mưa bụi còn hơi rét,
Nếm rượu tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xao xác
Nợ nần năm hết hỏi lung tung
Năm ba ngày nữa tin xuân tới,
Pháo trước nhà ai một tiếng đùng

Câu thơ thấp thoáng niềm vui nhỏ mọn, nhưng nghiêng ngã như người “nếm rượu tường đền”. Ngày “dở trời mưa bụi” và hơi rét thế mệnh khiến câu thơ nhuốm vẻ xao xác, dường như mùa xuân chùn chân trước nhà mỗi người dân.
Nguyễn Khuyến cũng là người nặng tình nghĩa cha con, bởi vậy, trong thơ xuân của mình, cụ đã làm một số bài khuyên dạy các con.

Xuân nhật thị gia nhi
Đồi hồ mao phát tiệm tham tham,
Bất giác niên đăng ngũ thập tam.
Đương thế thi thư hà sử dụng,
Lãi lai quan đới thượng đa tâm.
Loạn ly xuân sắc chân vô lại,
Ưu khổ nhân tình tổng bất kham.
Đối thử quang âm hà dĩ uy?
Chư nhi do tự tửu ca hàm.
Dịch
Ngày xuân dặn các con
Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ,
Nay đã năm mươi có lẻ ba.
Sách vở ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
Xuân về ngày loạn càng lơ láo,
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng,
Sao con đàn hát vẫn say sưa?
(Tác giả tự dịch ra thơ chữ Nôm)

Bài thơ này cụ sáng tác sau ba năm cáo quan. Lúc bấy giờ cụ cảm thấy chữ nghĩa không còn tích sự gì. Nghĩ đến học vị, học hàm càng thêm thẹn. Đất nước nổi loạn, người dân cùng đường, “xuân về ngày loạn càng lơ láo”. Hai câu kết không khác gì tiếng thở dài. Khi trách con, dặn con trong lòng cảm thấy đớn đau vô cùng: “Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng, Sao con đàn hát vẫn say sưa?”.

Xuân nhật thị chư nhi
Tân tuế phương lai cựu tuế trừ,
Thanh bần ngô tự ái ngô lư.
Hoàn cư bất mãn cửu cao thổ,
Tố nghiệp vô tha nhất thúc thư.
Ủng hộ yên thâm sơn sắc quýnh,
Bàng tường vũ thiển cúc hoa sơ.
Nhi tào hoặc khả thừa ngô chí,
Bút nghiễn vô hoang đạo thục sơ.
Dịch
Ngày xuân dạy các con
Năm mới vừa sang, năm cũ qua
Tuy nghèo, ta vẫn mến nhà ta.
Chín sào tư thổ là nơi ở,
Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà.
Trước cửa khói dày non khuất bóng,
Bên tường, mưa ít, cúc thưa hoa.
Các con nối chí cha nên biết:
Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà.

Đây là bài thơ Đường thất ngôn bát cú, thể thơ sở trường nhất của cụ. Ta không chỉ ngưỡng mộ bút pháp điêu luyện mà còn ngưỡng mộ tấm lòng cao đẹp của cụ thể hiện sâu sắc trong bài thơ. Trong bài thơ trên, Nguyễn Khuyến dạy các con phải giữ lấy nghiệp nhà, nghiệp nho gia, phải thanh bạch và cần kiệm.
Hai câu 1 và 2: “Năm mới vừa sang, năm cũ qua, Tuy nghèo, ta vẫn mến nhà ta” bày tỏ lòng tự hào về nghiệp nho gia thanh bạch của mình một cách kín đáo, thâm trầm.

Hai câu 3 và 4: “Chín sào tư thổ là nơi ở, Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà” nói rõ cho các con biết cảnh nghèo của nhà mình: Không có ruộng tứ bề, vàng bạc đầy kho, sau khi đi làm quan xa, trở về quê hương gia sản chỉ có chín sào đất và một đống sách cũ ông bà lưu lại. Thật là thanh bạch đáng kính vô cùng.
Hai câu 5 và 6: “Trước cửa khói dày non khuất bóng, Bên tường, mưa ít, cúc thưa hoa” phác họa khung cảnh ngày xuân mới mẻ được miêu tả bằng hai mảng rất cân xứng: Cảnh trước cửa sương phủ dày che khuất dãy núi xa xa. Cảnh bên tường những đóa cúc thưa thớt trong mưa xuân. Đó là bức tranh xuân buồn, mang nhiều hàm ý, gửi gắm biết bao tâm sự.

Hai câu 7 và 8: “Các con nối chí cha nên biết, Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà”, Nguyễn Khuyến dạy bảo các con, muốn nối chí cha cần phải hiểu rõ, dù thành đạt đến đâu cũng phải luôn nhớ đến cội nguồn của mình. “Nghiên bút” là hình ảnh ẩn dụ về con đường công danh. “Lúa, đậu, cà” tượng trưng cho sự sống của con người. Nó là hồn của quê, hồn của đất, là cội nguồn gốc rễ, nơi ta sinh ra và nuôi dưỡng ta trưởng thành. “Lúa, đậu, cà” là quà tặng của đất trời, là sản phẩm lao động của người nông dân, trong đó có mồ hôi của cha mẹ, ông bà,… Những thứ tưởng chừng như đơn sơ, nhỏ bé lại là cái nôi của sự sống và tâm hồn. Nó cũng là điểm xuất phát của mọi vinh hoa, phú quý.

Tháng Giêng Ất Mùi năm 2015, kỷ niệm tròn 3 giáp, 180 năm của nhà thơ Nguyễn Khuyến, kẻ hậu bối sinh sau 100 năm, xin kính cẩn đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, đồng thời kính chúc quý độc giả Thời Báo an khang, thịnh vượng và vạn sự như ý.

Lý Anh
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.205 giây.