logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 16/02/2015 lúc 06:19:50(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Những ngày Tết Việt Nam, mùa xuân của Việt Nam thì bầu trời Montréal luôn luôn mù mịt tuyết, lạnh thấu xương…

Có những mùa xuân đến rất mau,
Ngồi nghe tuyết trắng dội ngang đầu,
Nghe hồn ray rứt niềm xa xứ
Nghe buốt trong tim vạn nỗi sầu.
Chợt nhớ màn nhung đà khép kín
Điêu Thuyền & Lữ Bố vãn từ lâu
Vang bóng một thời sân khấu cũ
Tuồng đời chưa vãn, vẫn sầu đau.

Những ngày tháng đó, tuyết trắng bay mù mịt trên bầu trời, tôi ngồi sau khung cửa kính, nhìn ra ngoài để mà đoán già đoán non về thời tiết để tính xem ngày mai, tôi có thể ra khỏi nhà đi gặp các bạn già hay là tôi sẽ phải ngồi co ro bên lò sưởi. Khi nào thấy mây trời vần vũ một màu xám đục, hôm sau tôi quyết định ở nhà uống trà và đọc sách, trái lại khi thấy mây trắng ửng hồng cả bầu trời thì dẫu ngày mai, đường đi còn lầy lội tuyết, tôi cũng khoác áo ấm đón xe bus đi ngao du tìm bạn bè hàn huyên tâm sự.

Nhu cầu gặp gỡ chuyện trò với bè bạn đối với tôi trong những năm gần đây thật là quan trọng vì nó giải tỏa cho tôi những cơn buồn xa xứ, giảm bớt đi nỗi nhớ các bạn nghệ sĩ cũ, những người đã ở cách biệt mù san dã nơi phương trời Việt Nam xa tít, xa hơn hai mươi ngàn cây số…

Người ta nói: tuổi trẻ thường bàn đến chuyện tương lai, tuổi già thường hoài niệm về quá khứ, tôi hay nhớ tới những kỷ niệm khi còn theo các đoàn hát xuôi ngược sông hồ, mỗi tuần ở một tỉnh hay một huyện lỵ nào đó, nay thì ở Saigon, ngày hôm sau đã ở Cần Thơ hoặc thoắt cái là đã đến vùng cao nguyên Đà Lạt hay ra tận cố đô Huế. Cuộc đời lưu diễn thường đưa tôi đến cảnh mới, gặp bạn mới nên những người sống chung trong một đoàn hát trở thành như những người trong gia đình ruột thịt của mình, những kỷ niệm về người thân ruột thịt đó không hề phai trong trí nhớ còm cõi của tôi, một lão già đã 93 cái xuân không còn xanh nữa! (nói xuân già thì tôi không chịu!).

Nhớ bạn nghệ sĩ, nhớ đoàn hát, nhớ tiếng đàn câu ca, nhớ tuồng tích, nhớ khán giả, nhớ món ngon vật lạ của từng địa phương mà đoàn hát đã đến, nhưng tôi bỗng khám phá ra rằng sau hơn hai mươi lăm năm định cư ở nước ngoài, tôi mất dần cái thói quen chuẩn bị đón Tết như khi tôi còn đi theo các đoàn hát ở Việt Nam trước năm 1975.

Còn nhớ, Tết năm 1964, đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga bán dàn hát miền Trung mà trạm đầu tiên là hát ở quận Ninh Hòa. Nguyên do là sau ngày ông Diệm bị đảo chánh (tháng 11 năm 63), tình hình Saigon bất ổn vì có nhiều cuộc xuống đường của sinh viên học sinh và của các ông sư và bà ni sư, nhiều gánh hát chạy xuống các tỉnh Hậu Giang hoặc phải ra miệt Phan Thiết, Nha Trang thì mới có hy vọng hát được vì cần phải tránh những cuộc biểu tình liên miên ở đô thành Saigon.

Thiếu tá Hoài, chỉ huy trưởng Tiểu khu Ninh Hòa, là bạn của anh Hoàng Giang nên ông tổ chức mua dàn hát của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, vừa giúp cho bà Bầu Thơ, cô Thanh Nga và vợ chồng anh Hoàng Giang, vừa làm cho dân chúng và quân đội ở tại quận lỵ Ninh Hòa có những ngày Tết vui vẻ vì ông rước được một đoàn hát đại ban đến hát ở quận trong những ngày Tết.

Dù mỗi khi đi hát xa bà bầu phát lương hai cữ cho mỗi suất hát, nhưng vì đoàn đi hát miền Trung cả tháng mới trở lại Saigon nên các nghệ sĩ nghèo phải chạy đôn chạy đáo vay tiền để lại nhà cho vợ con.
Xe camion chở cảnh trí, đồ hội, công nhân sân khấu và các em vệ sĩ đi trước ngày 28 Tết. Các nghệ sĩ không có xe hơi riêng thì đi xe đò của đoàn mướn. Bà Bầu Thơ, Thanh Nga và các nghệ sĩ Hữu Phước, Hoàng Giang, Kim Giác, Việt Hùng, Ngọc Nuôi đi xe hơi riêng. 6 giờ sáng đoàn xe khởi hành, các xe chạy nối đuôi nhau thành một đoàn để có thể giúp nhau khi cần.

Khi đoàn xe đến Biên Hòa, bà Bầu cho dừng lại nửa giờ để các nghệ sĩ ăn sáng, mua thức ăn nước uống mang theo, rồi đoàn xe lại tiếp tục lên đường.

Tôi thường đi lưu diễn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy các bạn ngồi chung xe đều có vẻ buồn chớ không có nói chuyện vui đùa ồn ào như những lần lưu diễn trước kia. Xe dừng lại gần chợ hoa Biên Hòa, tôi nhìn thấy những cành mai rực rỡ màu vàng, những chậu hoa Mãn đình hồng, những chậu hoa Cúc đại đóa thật đẹp mà nỗi buồn trong tôi như được nhân lên gấp mấy lần vì chợt nhớ năm nay tôi chưa kịp mua hoa để ở nhà cho vợ tôi như những mùa xuân trước.

Ngày Tết, trong nhà có vài chậu hoa Cúc đại đoá, hoa Mãn đình hồng, trên bàn thờ có bình hoa mai, có cặp dưa hấu, có chưng một mâm ngũ quả, có đèn nhang nghi ngút thì trong lòng mình cảm thấy vui vui vì đó là những nghi thức trang trọng để tỏ lòng thành kính của mình đối với ông bà, cha mẹ đã khuất, trong những ngày Xuân. Và trong nhà, vợ chồng cũng thấy ấm cúng hơn, yêu thương nhau hơn.

Tôi miên man nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ mấy đứa con của tôi, năm nay chắc chắn chúng nó không có pháo để đốt chung vui với các bạn. Những năm trước, năm nào tôi cũng mua nhiều pháo. Pháo dây treo từ lầu nhì xuống tới đất thì tôi đốt đêm ba mươi Tết, sau khi cúng rước ông bà. Dây pháo khác đốt sáng mùng một Tết để mừng đầu năm khai bút và xuất hành tới rạp hát hốt bạc. Dây pháo thứ ba sẽ đốt vào tối mùng ba Tết, coi như báo hiệu hết ba ngày ăn chơi, bắt đầu lo công ăn việc làm trong một năm mới. Còn các con tôi thì sau khi chúng nó tới chúc Tết mừng tuổi vợ chồng tôi thì ngoài tiền lì xì, mỗi đứa được cho một phong pháo điển để đốt chơi với các bạn. Vợ tôi thì không đời nào chịu tốn tiền mua pháo, vậy nên tôi nghĩ năm nay tôi đi hát xa nhà trong mấy ngày Tết, mấy đứa con tôi chắc không có pháo để đốt. Chắc chúng nó sẽ buồn hiu. Càng nghĩ tôi lại càng buồn, và buồn nhiều hơn.

Minh Điển chợt lên tiếng, phá cái không khí im lặng trên chuyến xe đi miền Trung bất đắc dĩ nầy: “Nếu đến Ninh Hòa, cũng có biểu tình, cũng có phe đảo chánh và phe phản đảo chánh, mình không hát được thì làm sao?”.
Anh Bảy Liêm, quản lý của đoàn hát, trả lời: “Thì nghỉ hát, ở không chơi, cũng có lương vì mình bán dàn, chủ mua dàn đã trả tiền rồi!”
Minh Điển: “Đành vậy! Nhưng nếu nghỉ hát mà vẫn được ở Saigon, gần vợ gần con, cái thời buổi lộn xộn nầy, vợ con cần mình ở gần để bớt sợ, để có người lo…”
Bảy Liêm: “Thôi đi cha! Vậy thì ở nhà mở quán cà phê bán kiếm từng cắc, theo gánh hát làm gì? Quân đội họ bị điều động ra tiền đồn, ra quân khu một, vô ở Cheo Reo, Phú Bổn, họ cũng phải chịu. Nghề nào có cái nghiệp nấy! Theo nghiệp Tổ đi hát giúp vui thiên hạ, thì chỗ nào có khán giả là mình tới hát. Biết sao mà chọn lựa?”

Xe qua khỏi Biên Hòa lâu rồi, đang chạy qua khu rừng cao su, nhìn ra hai bên đường thấy những hàng cây thẳng tắp chạy vùn vụt về phía sau. Không một bóng người, không cả những chiếc xe đò hay xe tải chạy qua mặt đoàn xe của chúng tôi hay chạy ngược chiều, hướng về Saigon. Chỉ có xe của đoàn hát chúng tôi chạy nhong nhong trên đường xuyên rừng hướng về miền Trung xa lắc xa lơ kia. Phía trước mặt có lẽ là gần đến đèo Chuối.

Bỗng tiếng thắng xe rít trên mặt đường. Chiếc xe đò của chúng tôi chồm lên như con ngựa bất kham đang bị ghì cương thật mạnh. Xe lết thêm một khúc đường rồi ngừng lại. Tôi ngồi hàng ghế thứ hai, gần đầu máy xe, tôi cảm thấy hơi nóng phả hừng hực vào mặt…

Chắc là xe bể hộp số, hay banh xúp bắp, hay bị lột dên! Mỗi người một câu đoán mò, tiếng nói ồn ào như nhóm chợ chồm hổm.

Bảy Liêm: “Chắc có ắc xi đăng! Anh em ai cần đi tiểu thì xuống xe, ra hai bên đường…”
Anh tài xế ló đầu ra cửa xe, nhìn phía trước, lớn tiếng ngăn liền: “Khoan! Mấy cha! Ngồi yên dùm một chỗ đi, phía trước có đắp mô kìa, ai nấy ngồi yên một chỗ để tôi kiếm cách trở đầu xe, chạy lui lại…”
Cô Thúy Lan: “Đường bị đắp mô? Gặp mấy chả rồi…!” Cô nói xong, với tay tháo hoa tai, dây chuyền, cà rá, gói trong khăn mu xoa, cuộn nhỏ lại nhét dưới nệm xe. Các cô Kim Hương, Thanh Hiền, Kim Anh, Bích Sơn, Bé Hoàng Vân nhìn nhau ngầm trao đổi ý kiến, rồi họ cũng tháo hoa tai, dây chuyền…
Kim Quang: “Nếu gặp cướp thì giấu như vậy, nó cũng lục ra. Còn gặp mấy ổng, không đưa ra, mấy ổng «cạch» liền hay bắt dẫn vô rừng, cũng chết!”

Bảy Liêm: “Thôi, mấy ông nội, bà nội, im dùm một chút đi, để coi tình hình ra sao rồi sẽ liệu, chớ mỗi người nói một câu, thêm rối trí! (rồi anh day qua hỏi tài xế) Sao, bác tài!”
Bác tài chưa trả lời, còn nhìn trước nhìn sau, vẻ mặt tỏ ra suy nghĩ lung lắm, giống như một ông tướng chỉ huy mặt trận, đang tính kế tiến tới hay rút lui.

Tôi nghểnh cổ nhìn qua kiếng xe phía trước… Xa… rất xa, gần các mô đất đắp trên đường, có nhiều nhánh cây lớn bị cưa xô ngã ngáng ngang đường, thấp thoáng vài ba người, đầu mình có ngụy trang lá cây, cầm súng, chạy tới, chạy lui, chỉ chỏ… Nhìn lại phía sau thì thấy xe hơi của bà Bầu và xe của Hữu Phước đang chạy thụt tới thụt lui để quay đầu xe trở về hướng Biên Hòa…
Có tiếng phi cơ trinh sát từ xa… Một chiếc L.19 rù rì… rù rì… rồi tiếng lớn dần… Chiếc phi cơ trinh sát bay rà rà dọc theo đường quốc lộ, hơi thấp… rồi vù một cái vút qua khỏi đoàn xe hơi của chúng tôi, ngước mũi lên vút thẳng vào không trung. Một loạt súng tạch tạch…tạch tạch…, giống như tiếng súng AK.47 bá đỏ, bắn vuốt đuôi máy bay.
Kim Quang la lên: “Đụng độ rồi, đụng độ rồi… Thầy Bảy (tức là ông quản lý Bảy Liêm) cho anh em xuống xe núp theo gốc cây hay ngồi trên xe chịu chết?”
Bác tài cố trấn an mọi người: “Đừng sợ! Máy bay của mình mà… Phi công bay thấp, biết là xe đò dừng lại vì đường bị đắp mô. Họ quan sát để hướng dẫn cho xe ủi lên phá mô đó. Anh em xuống xe, chạy lộn xộn, quân đội không biết ai, bắn lầm thì nguy hiểm lắm. Ngồi yên một chỗ đi. Tôi qua lại con đường này hoài, có kinh nghiệm rồi…”

Một tiếng nổ lớn như tiếng mìn, nhìn tới trước tôi thấy khói và đất cát bay mù mịt.
Kim Quang la lên: “Tôi phóng xuống đường đa!”
Hai cô Thanh Hiền và Kim Anh: “Chúng tôi cũng xuống nữa.”
Bé Hoàng Vân la: “Trời ơi! Minh! Sao mầy đái trên lưng tao vậy?”
(Bé Hoàng Vân là nữ diễn viên nổi danh trạng hề, nói theo các nghệ sĩ đoàn Kim Chung, Bắc di cư; còn nói theo miền Nam thì Bé Hoàng Vân được coi là nữ quái kiệt. Sau năm 1975, cô còn được gọi là hề gái!)
Minh (một vệ sĩ chuyên đóng vai quân sĩ): “Tui mới đứng lên,… mắc đái quá… Nó xịt bậy, chớ hỏng phải tôi sợ tới té đái à nghe!”

Bé Hoàng Vân: “Mồ tổ mầy, khai quá trời! Trời ơi! Rồi ở đây làm sao có nước rửa, làm sao thay áo? Mồ tổ mầy, mầy ăn cái giống gì mà nước đái khai quá trời vậy…”
Tôi nói xen vô: “Minh! Mầy mắc đái thì đái trong quần của mầy, sao lại xịt trên lưng của Bé Hoàng Vân?”
Minh: “Tại tôi mở nút quần sẵn để khi xuống đường là tôi tè ngay. Ai ngờ mới đứng lên, nghe nổ cái ầm, hoảng hồn, nó bung ra, xịt bậy… Để tôi giặt áo cho má, nè má cú đầu tui đi… nè cú đầu tui đi cho bớt giận…”
Bé Hoàng Vân dở khóc dở cười.

Mọi người lục tục xuống xe, bác tài xách lại một can nước, đưa cho bé Hoàng Vân: “Nè cô! Có can nước để dành đổ nước xe trước khi qua đèo, cô thay áo, nhúng khăn lau mình cho bớt khai… Dùng nước tiết kiệm một chút nhe… Lỡ rồi… Tại bữa nay mấy chả đắp mô, chắc họ tính là có đảo chánh ở Saigon, mọi hoạt động quân sự ở địa phương bị tê liệt nên họ mới đắp mô…”
Thanh Hiền, Kim Anh cùng với bé Hoàng Vân xách can nước đi vô cánh rừng, kiếm một chỗ xa xa để bé Hoàng Vân thay áo, dùng khăn lau cho bớt mùi khai.

Chúng tôi đem bánh mì, cơm nếp, nước uống, xuống xe, ngồi chung lại một chỗ, ăn uống vì đã quá trưa lâu rồi.
Có mấy chiếc xe jeep nhà binh chạy tới. Phía trước có xe ủi đất và hai chiếc GMC chở đầy lính chạy ngược lại. Một viên thiếu úy bước tới chỗ chúng tôi ngồi: “Mấy anh mấy chị ở đoàn hát hả? Đừng sợ… Mấy thằng du kích đắp mô, tụi nó tính ra tuyên truyền, kiếm chác chút đỉnh tiền nong… Chúng nó thấy phi cơ với quân đội lên nên chạy vô trong rừng trốn rồi. Đường đã thông, bác tài cho xe chạy ngay, đừng để trời tối, bất tiện!”

Thầy Bảy Liêm la lên: “Anh em lên xe liền. Đem lên xe ngồi ăn! (rồi kêu lớn tiếng) Hoàng Vân ơi, Hiền ơi, Kim Anh ơi, mau ra, xe chạy…”
Kim Anh la lớn: “Chờ chúng tôi với…” Kim Anh cầm can hết nước, chạy trước… Thanh Hiền chạy sau.
Bé Hoàng Vân vừa chạy vừa cài khuy áo… Ra đến xe, chợt nhớ: “Chết cha! Bỏ quên cái áo mouseline trong rừng rồi…”
Bảy Liêm: “Bỏ đi! Cái áo khai quá, đem theo xui xẻo.”
Bé Hoàng Vân điểm điểm mặt của thằng Minh: “Mồ tổ mầy… Kỳ nầy tới rạp, tao đậu chếnh mà thua đứt chếnh là tại mầy làm cho xui xẻo…”
Xe tiếp tục lăn bánh. Xe của bà Bầu và Hữu Phước cũng quay trở lại, hiệp đoàn chạy thật mau qua khúc đường có đắp mô mà quân đội vừa giải tỏa.

Trong xe chúng tôi tiếng nói cười ồn ào, dường như không ai còn nhớ đến cái chuyện Tết mà phải xa nhà nữa. Họ tranh nhau kể chuyện như vừa được tham gia một trận đánh oai hùng. Ai cũng tỏ ra gan dạ, tiếng súng hay mìn nổ hồi nãy giống như chuyện xảy ra trên sân khấu cắc bùm của đoàn hát Hoa Sen.
Văn Ngà xen vào: “Mấy cha nhát quá! Mới nghe bắn lạch tạch là muốn xuống xe núp rồi, bây giờ êm êm thì nói thần nói tướng.”

Kim Quang: “Tôi đòi xuống xe là để sẵn sàng, nếu có nổ súng, tôi sẽ bò lên, biết đâu không lượm được một khẩu súng chiến lợi phẩm.”
Văn Ngà: “Có cây súng mới xịt tùm lum của thằng Minh đó, Kim Quang lấy làm chiến lợi phẩm đi!”
Kim Quang: “Nói chơi vậy, đụng chạm à nghen… đụng chạm dữ rồi nghe…”

Thầy Bảy Liêm lại phải làm cái nhiệm vụ của người quản lý, thay mặt bà Bầu Thơ, bắt anh em dẹp cái chuyện đấu khẩu vô vị nầy đi.
Chuyến đi Ninh Hòa kỳ đó, chỉ trên đường xe chạy là đã có những kỷ niệm khó quên.

Gần bảy giờ tối chúng tôi mới đến Nha Trang, xe của bà Bầu Thơ, Hữu Phước, Việt Hùng, Hoàng Giang chạy luôn ra quận Ninh Hòa vì từ Nha Trang đến Ninh Hòa xa khoảng trên ba mươi cây số.
Thầy Bảy Liêm cho xe đò chở nghệ sĩ dừng lại bên hông rạp Tân Quang để anh đi gặp chủ rạp, ký giao kèo mướn rạp để hát sau chuyến hát bán dàn ở Ninh Hòa. Chúng tôi có thì giờ rỗi rảnh, bèn hùn tiền nhau vô tiệm cơm Nha Thành, ở con lộ sau rạp, để ăn một bữa cơm thịnh soạn, bù cho cái buổi trưa chỉ có gặm bánh mì khô cứng.

Độ hơn 9 giờ tối thì đến Ninh Hòa, ông thiếu tá quận trưởng tặng cho đoàn hát một con heo lớn. Tẩm khậu của đoàn nấu cháo lòng cho anh em ăn và chia thịt ra để nấu những nồi thịt heo kho tàu dùng cho những bữa cơm ngày Tết. Các học trò nghỉ lễ Tết nên trường học tạm thời thành những căn phòng ngủ cho nghệ sĩ.

Sân khấu được dựng trong sân vận động, gần ngã ba Ninh Hòa. Ghế dành cho quan khách và ghế thượng hạng là những ghế bành, ghế sắt xếp, do ông quận trưởng cho đem đến. Cũng có một số ghế mượn của dân chúng quanh vùng vì chúng tôi thấy dưới đít ghế có giấy dán, đề tên và địa chỉ của chủ từng chiếc ghế.

Hôm sau 30 Tết, còn được nghỉ một ngày trước buổi hát đầu Xuân nên chúng tôi kéo nhau đi chợ Ninh Hòa và vòng quanh các con đường trong phố. Các ngôi nhà, tiệm, quán đều trang trí đón xuân cũng như những tiệm quán ở Saigon, Chợ Lớn hay khắp các vùng của đất nước. Cũng những chậu hoa đẹp trước cửa tiệm, cũng những câu đối đỏ, những nhánh mai vàng, những chữ Phước, Lộc, Thọ viết bằng mực nhũ vàng trên những tờ hồng đơn đỏ, dán trên vách tường, dán ở quầy hàng, ở cửa tiệm… Người Hoa lập tiệm quán rất nhiều, nhất là ở khu chung quanh Chợ Dinh.

Dân chúng gần chỗ đoàn hát ở giới thiệu món ngon đặc sản Ninh Hòa là nem chua của bà Trực, chúng tôi năm ba đứa chuyên môn đi tìm món ngon vật lạ của địa phương, bèn kéo nhau đến tiệm bà Trực ăn thử nem chua. Đúng là nem chua Ninh Hòa ngon thiệt, miếng nem khô ráo, cắn một miếng nghe cái “xực”, nhai giòn giòn, vị thịt ngọt ngọt, chua chua, giòn giòn, ăn kèm với tỏi sống và có kèm một lát ớt, cay cay… nhất là ăn nem chua mà uống kèm với rượu nếp Ninh Hòa thì thật là ngon tuyệt. Chúng tôi cũng ăn nem nướng, rau sống, cuốn bánh tráng trong tiệm bà Trực. No say rồi lại cãi nhau chí chóe, Kim Quang nói nem Thủ Đức cũng ngon không thua gì nem Ninh Hòa, người khác nói nem Bà Điểm ngon hơn hết thảy, người khác lại thích nem Lái Thiêu, rồi lại có người nói thích nem bắc Mỹ Thuận… cãi nhau ồn ào như chệt chìm tàu! Vậy rồi gây lộn, vì Út Nhị là dân Tàu chánh gốc mà đi hát cải lương, nói ‘chệt chìm tàu’ thì Út Nhị lên tiếng, cho là có ý nói xiêng nói xỏ anh ta…

Người ta còn giới thiệu ở Ninh Hòa có bán trầm hương, có bán thuốc lá thơm nguyên chất màu vàng tươi giống Ruby, thuốc lá đen giống Algérie, nếu mình lấy lá thuốc đó tự vấn thành điếu xì gà thì ngon thật là ngon. Chúng tôi lại bàn nhau, dự định hôm nào sẽ đi kiếm mua trầm, mua lá thuốc giống Algérie…
Trong thâm tâm, chúng tôi ai cũng nhớ nhà. Khi có ai đó trong chúng tôi khen món ngon vật lạ của quận Ninh Hòa thì lập tức có người nhắc lại những món ngon vật lạ cùng loại đó ở Saigon, Chợ Lớn hay Gia Định. Khi anh em thấy thiếu tá cho lính vô rừng chặt những nhánh mai rừng để cho đoàn hát trang trí trên sân khấu, anh em nhớ đến những cành mai ở các vườn mai Thủ Đức, Bình Phước, Bình Nhâm

Ban đêm ở Ninh Hòa lạnh hơn ở Saigon, nhất là đêm ba mươi Tết, chúng tôi lạnh run vì khí hậu của một vùng ở gần rừng núi mà một bên là gần biển Đông, gió biển hay gió núi thổi rì rào suốt đêm. Mới gần mười giờ tối, chúng tôi không ngủ được, lại kéo nhau đi chùa Minh Hương ở gần cầu gỗ và cầu sắt thôn Mỹ Hiệp trong thị trấn Ninh Hòa.

Ở chùa Minh Hương có nhiều người Hoa đi cúng cầu an cầu phước cho gia đình và xin xăm Ông. Chùa Minh Hương thờ ông Quan Đế Thánh Quân. Vô chùa, đèn sáng trưng, trên bàn thờ, khói nhang cuồn cuộn vì quá đông người hành lễ, tôi thấy một ông Từ, thỉnh thoảng lấy bớt nhang trên lư hương để vô một cái chum lớn, nơi người cúng đốt vàng bạc. Trên bàn thờ có tượng thờ ông Quan Công, rất uy nghi. Chúng tôi vô đốt nhang, bái lạy. Trong chùa nhờ có đông người, có đèn nhang, có lửa đốt vàng mả cháy phừng phực, nên không khí rất là ấm cúng. Tôi liên tưởng đến những cái 30 Tết ở Saigon, chúng tôi cũng thường đi cúng và xin xăm ở Lăng Ông Bà Chiểu. Ở Lăng Ông Bà Chiểu, mình đi cúng thì thấy trong lòng tin tưởng hơn, thấy ấm cúng hơn, có lẽ khi đi đến Ninh Hòa, mình có cảm giác là ở xứ lạ quê người nên trong lòng có cảm giác cô đơn, nhớ nhà… Ninh Hòa cũng là Việt Nam; Saigon, Gia Định cũng Việt Nam, chỉ cách nhau có chừng năm ba trăm cây số, vậy mà sao có vẻ như xa cách ngàn trùng…

Đêm ba mươi Tết đó, bà Bầu Thơ cúng rước ông Tổ Cải lương và cúng ông bà tổ tiên ngay tại sân khấu dựng trong sân vận động Ninh Hòa. Nghệ sĩ chúng tôi cũng tập trung lại tại sân khấu để cúng rước Tổ nghiệp, sau đó mọi người cùng dự tiệc đón Giao thừa, tiệc có heo quay, bánh hỏi, bia 33 và rượu nếp Ninh Hòa. Đêm đó say quá, đám chuyên môn ăn nhậu chúng tôi gồm có Kim Quang, Minh Điển, Chí Hiếu, Thúy Lan, các em vệ sĩ và tôi, chúng tôi say mèm, chun xuống gầm sân khấu, giăng mùng ngủ vùi cho đến khi sáng ra, người ta đốt pháo mừng năm mới, chúng tôi tỉnh dậy, mới chợt nhớ là đêm ba mươi Tết, mình lại nằm dưới sàn sân khấu giữa sân đá banh, mê man chẳng biết trời trăng mây nước gì! Có lẽ Tết nhứt mà mình không về quê, không cúng ông bà tổ tiên nên ông bà mới đày đọa cho đáng đời đáng kiếp cái thân giang hồ. Buồn tái buồn tê nhưng cũng phải ráng dậy, đi kiếm cơm cháo ăn qua loa vì sắp đến giờ hát suất trưa mùng một Tết, không thể bê bối trong suất hát khai trương đầu năm của gánh hát.

Nhớ lại những ngày lang thang theo gánh hát, tuy cũng hát ở Việt Nam chỉ là ở tỉnh khác nhưng trong lòng mỗi chúng tôi đều cảm thấy như mình đang ở xứ lạ quê người. Mấy câu thơ của nhà thơ Thế Lữ: “Rũ áo phong sương trên gác trọ, Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang…” sao mà trùng hợp với tâm tư của những nghệ sĩ lang thang như chúng tôi.

Năm đó, khai trương Mùng Một Tết, hát tuồng Tình Xuân Muôn Tuổi. Mùng Hai Tết, hát tuồng Tình Tráng Sĩ. Mùng Ba Tết, hát tuồng Giấc Mộng Đêm Xuân.
Ngày mùng Một và mùng Ba hát hai tuồng vui trong ngày Tết thì không có gì phải lo lắng, riêng suất hát ngày mùng Hai, theo yêu cầu của Thiếu tá Hoài, đoàn hát tuồng Tình Tráng Sĩ, vì anh Hoàng Giang và Việt Hùng là bạn của Thiếu tá Hoài. Ông có đi Saigon coi tuồng Tình Tráng Sĩ và thích tuồng đó vì hai người bạn của ông hát tuồng đó rất hay, làm nổi bật tình cảm đồng sanh đồng tử của đôi bạn tráng sĩ. Thiếu tá Hoài nói: Như vậy mới đúng là huynh đệ chi binh!
Trong tuồng đó, anh Hoàng Giang và Việt Hùng là hai tráng sĩ, bạn thân với nhau, nhưng có một bóng hồng xuất hiện làm cho Tình Tráng Sĩ trở thành đôi kẻ đối nghịch nhau. Hữu Phước đóng vai em của Hoàng Giang, người yêu của sơn nữ Mộng Thu, do Thanh Nga biểu diễn. Mộng Thu lại là người đẹp mà hai tráng sĩ Hoàng Giang và Việt Hùng đang tranh giành. Thành ra nhân vật người yêu của Mộng Thu (tức vai do Hữu Phước thủ diễn) trở thành tình địch của cả hai chàng tráng sĩ Hoàng Giang và Việt Hùng.
Ông Thiếu Tá bạn của Hoàng Giang rất thích tuồng nầy vì khi hai tráng sĩ đấu với nhau thừa chết thiếu sống thì người em nhảy vào giữa can ngăn, vô tình hai lưỡi gươm của hai tráng sĩ tình địch đâm chết đứa em (Hữu Phước). Do cái chết đó, Mộng Thu cũng tự vận chết theo, nên hai người tráng sĩ hối hận vì sự tranh tình, làm hủy hoại một tình yêu trong sáng của em mình. Vai tráng sĩ Hoàng Giang thì xuống tóc quy y để cầu nguyện cho em và ăn năn sám hối tội nghiệt của mình. Vai tráng sĩ Việt Hùng thì đi hành hiệp, tế khổn phò nguy, để chuộc tội với bạn là Hoàng Giang. Pha hy sinh của vai Hữu Phước và Thanh Nga làm xúc động khán giả. Những pha đánh nhau giữa hai tráng sĩ làm cho người ta cảm kích khi người nầy sắp hạ được người kia thì vì tình bạn hữu mà nương tay tha chết cho bạn.

Sáng mùng một Tết, khi đoàn hát tuồng vui Tình Xuân Muôn Tuổi được một lúc, bà Bầu Thơ kêu tôi và Lê Khanh vô phòng bán vé, bàn chuyện vở tuồng hát vào ngày mùng hai. Bà nói đã lỡ bán dàn thì phải hát theo ý của người chủ mua dàn nhưng hát Tết thì không được hát những tuồng có đổ máu và chết chóc. Hai anh là soạn giả, phải cấp tốc suy nghĩ, viết lại những đoạn nào có đổ máu, chết chóc thì phải bỏ, phải sửa lại. Như pha đánh kiếm của hai tráng sĩ thì phải làm sao ngưng cuộc đấu mà không phải hy sinh đứa em là Hữu Phước. Bà nhắc những cấm kỵ khi hát trong những ngày Tết vì đoàn hát phải chiều theo ý của những khán giả đi bói tuồng. Rồi bà Bầu Thơ hỏi chúng tôi có biết cái tục lệ bói tuồng đầu năm của khán giả không? Ở Ninh Hòa, khán giả người Hoa đi xem hát rất đông và họ là những người tuân thủ những kiêng cữ trong ngày Tết, có khi còn nhiều hơn khán giả người Việt mình.

Tôi bỗng cao hứng, nhớ bài thơ Bói Tuồng Xuân của ông Hoàng Duy (không biết ông ta còn ở trên đời hay đã theo các anh Năm Châu, Năm Nở quy tiên rồi). Bà Bầu Thơ biểu tôi đọc cho bà nghe. Tôi lỡ nói biết bài thơ đó, thành ra tôi phải đọc luôn cho bà Bầu và Lê Khanh nghe:

Bà tôi xưa, mỗi độ Xuân
Dắt tôi vào rạp thành tâm bói… tuồng!
Đúng hồi dâng rượu quân vương,
Hát hay, múa đẹp, bà mừng gặp may!
Năm nay chắc sẽ phát tài
Cậu Út có vợ sinh trai đầu lòng!
Gặp đoạn bà thứ long đong,
Vua băng, nịnh soán, đẻ con giữa đường!
Giáo gươm khua, cảnh chiến trường,
Mạnh Lương bắt ngựa, giả khùng Ngọc Cơ,
Nỗi oan Thị Kính ở chùa,
Nguyệt Cô mất ngọc hóa hồ ly tinh!…
Bà buồn thầm nhủ riêng mình:
Năm nay sâu, hạn, nước lên, bão nhiều,
Bị lừa, mất trộm, vạ gieo,
Tháng ba, ngày tám, lắm điều khó khăn!
Vui nhất là gặp lúc ra quân,
Thư sinh đậu Trạng, khải hoàn, tôn vương
Cờ bay, trống giục, lộng giương
Miếng trầu cay, mặt bà hồng… trẻ ra!

* * *
Đường về nhắc tích tuồng qua
Trung đất nước, hiếu mẹ cha nên người!
Râu rìa mặt mốc một thời,
Bè gian lũ nịnh một đời tiêu tan!
Ngày xuân rực rỡ mai vàng
Nhớ bà nhớ chuyện ngày xuân bói tuồng.

Nghe xong, bà Bầu Thơ cười: “Hai anh là người trong nghề, biết tập tục bói tuồng thì hai anh biết phải làm sao rồi. Để tôi biểu con Mẫn (người tổng khậu nấu cơm của đoàn hát) nó lo cơm nước cho hai anh. Hai anh muốn ăn giờ nào thì biểu nó dọn cho ăn, có thịt kho, dưa giá, dưa hấu, bánh tét, bánh chưng, hai anh đừng uống rượu và đừng đi ăn ngoài quán ngoài tiệm, mất thì giờ. Thôi, đi lo dùm tôi đi.”
Tôi và soạn giả Lê Khanh nói: “Dạ, chị Năm yên chí! Để tụi em lo”. Nói xong, chúng tôi kéo ra sân sau hậu trường sân khấu, chỗ cô Mẫn, tổng khậu nấu cơm. Cô Mẫn có lịnh của bà Bầu nên không cần hỏi tới hỏi lui, dọn cho tôi và Lê Khanh một bữa cơm thịnh soạn. Chúng tôi sẵn đói bụng, nhào vô ăn liền. Vừa ăn vừa bàn coi phải sửa tuồng ra làm sao.

Tôi nói: “Hát tuồng ngày Tết, không cho đổ máu, không cho chết, không cho tự vận, thì hư cha nó cái tuồng nầy rồi. Vì có đánh kiếm tranh người đẹp giữa hai tráng sĩ (Hoàng Giang và Việt Hùng) thì thằng em (Hữu Phước) nhảy vô can nên mới bị đâm lòi ruột. Chỗ nầy Hữu Phước ôm bụng máu, ca hai câu vọng cổ lấy nước mắt khán giả. Rồi khi Hữu Phước ngáp ngáp thì cô đào (Thanh Nga) chạy vô ôm người yêu, vô vọng cổ. Hát ở bất cứ rạp hát nào, chỗ nầy Thanh Nga cũng được vỗ tay rần rần. Bỏ mấy câu vọng cổ của Hữu Phước và Thanh Nga, họ đâu có chịu! Làm sao bây giờ?”

Soạn giả Lê Khanh: “Dễ ợt! Mình cứ theo miếng cũ soạn lại!”
– Miếng cũ là sao?
– Cho Tiên xuống cứu! Cứ cho diễn như cũ, vẫn đánh kiếm, Hữu Phước nhào vô lãnh hai mũi kiếm, ôm bụng mà đừng cho máu chảy, Hữu Phước vẫn ca vọng cổ, Thanh Nga cũng ca vọng cổ, tới chừng Thanh Nga sắp tự vận thì cho bà Lư Sơn Thánh Mẫu hay Nam Cực Tiên Ông hay ông Lý Tịnh nổ một cái bốp hào quang sáng giới, Tiên hiện lên trên mây, cầm phất trần hay nhành dương liễu, hóa phép Tiên cứu sống, rồi quăng sợi dây tơ hồng ra buộc nhân duyên cho hai nhân vật Thanh Nga và Hữu Phước. Vậy là tuồng không có đổ máu, không có chết, không có ly tan! Để tao hóa trang làm Nam Cực Tiên Ông… hay là mầy dặn Thúy Lan đóng vai bà Lư Sơn Thánh Mẫu đi!

– Tầm bậy! Tầm bậy! Tuồng đánh kiếm La Mã, chuyện ở Hy Lạp mà cho ông Tiên bà Tiên bên Tàu nhào vô cứu, khán giả không chịu đâu, họ chửi hai thằng soạn giả khùng đó!
– Thì cho Tiên Hy Lạp xuống cứu. Hy Lạp cũng có chuyện thần thoại vậy, chứ bộ…

– Khoan… khoan! Để tính kỹ lại, đừng làm ẩu, coi không được. Hồi nào tới giờ tuồng La Mã, tuồng Tây đâu có chuyện Tiên xuống cứu người hay hóa phép, hô phong hoán vũ gì đâu nà…
– Thì mình chế ra! Chuyện tuồng cũng là do mình đặt ra, ông nầy yêu bà kia, ông khác tới xen vô gây rối, đoàn tụ hay chia ly hay vô chùa tu thì cũng do soạn giả bọn mình sáng tác ra, chứ chuyện đời đâu có giống y chan trăm phần trăm như mình viết đâu nà…
– Nhưng sáng tác hay chế biến thì… thì… cũng phải hợp lý, khán giả chấp nhận thì mới được. Làm ẩu, khán giả là người có học, họ hiểu đời, họ phản đối bằng cách là họ không thèm coi đoàn mình hát nữa thì đói… đói đó nghe không?
– Vậy thì mầy muốn sửa sao đó thì sửa! Tết nhứt, tao tính gọn hơ vậy thôi! Người Việt mình đi chùa Minh Hương, cúng lạy ông Quan Công… ông Quan Đế Thánh Quân ở bên Tàu, cả ngàn năm trước, vậy mà người ta cũng xin xăm, cầu phước. Ông Tiên Tàu hay ông Tiên La Mã, ông Tiên Hy Lạp gì thì cũng là ông Tiên, có ai hỏi ổng xuất thân ở nước nào đâu mà mầy lo… Tao đi chơi, mầy tính sao đó mầy tính!
– Bậy! Tuồng của mầy mà mầy biểu tao tính là sao?
– Tao là soạn giả, mầy là giám đốc kỹ thuật, theo soạn giả thì tao cho Tiên xuống cứu, còn giám đốc kỹ thuật thì mầy cho pháo nổ, điện chớp, Tiên bay trên trời hay dưới đất độn thổ lên là chuyện của mầy…
– Khoan… khoan! Tao có ý kiến rồi! Mầy nhắc tới mấy tiếng Giám Đốc Kỹ Thuật, làm cho tao nẩy ra sáng kiến… Tuồng La Mã thì mình cho Hữu Phước mặc áo giáp sắt bên trong, bên ngoài khoác chiếc áo choàng. Kiếm nào mà đâm lủng được chiếc áo giáp sắt? Nhưng Hữu Phước giả bộ bị thương, cũng ca hai câu vọng cổ cho mùi. Thanh Nga vẫn tưởng người bạn tình mình bị lủng ruột, nhào vô ôm Hữu Phước ca luôn hai câu vọng cổ. Sau khi hai tráng sĩ Hoàng Giang và Việt Hùng hối hận, xóa bỏ hận thù vô lý giữa hai bên, nhưng Thanh Nga tính tự vận vì người yêu bị tử thương thì Hữu Phước bỏ áo choàng ra, lòi cái áo giáp sắt, chứng tỏ là anh ta không bị thương. Mối tình của hai nhân vật Hữu Phước và Thanh Nga liền được hai tráng sĩ tác thành cho. Vậy là đoạn tuồng kết thúc có hậu. Vậy… được hông?
– Hay! Hay! Tao phục mầy! Đi, lại nói với bà Bầu và mấy anh em diễn viên biết…

Tôi vừa đến chỗ Thanh Nga thì Thanh Nga nói: “Chú Ba, đừng bỏ mấy câu vọng cổ của con à nghen. Con ca chỗ đó khán giả thích lắm. Chú sửa tuồng sao đó thì sửa nhưng đừng bỏ vọng cổ của con!”
Hữu Phước cũng vừa mới thấy tôi và Lê Khanh tới, anh ta cũng lên tiếng trước là không bỏ lớp ca vọng cổ khi bị đâm đổ ruột…
Tôi nói cho bà Bầu Thơ biết ý kiến của chúng tôi, sao đó đi dặn cho các nghệ sĩ biết lớp hát đó được sửa lại như thế nào, rồi dặn anh Nhánh, người lo “đồ giữa”, đừng để bọc máu giả trong áo của Hữu Phước như từ trước tới nay, dặn bà “đồ hội” lấy cái áo giáp sắt và cái áo choàng cho Hữu Phước mặc trong màn kết thúc. Sau đó tôi dặn anh Thiệt “xếp dàn cảnh” biết kéo màn vãn như thế nào, rồi dặn dàn nhạc Tây đệm nhạc đoạn kết thúc ra sao.

Mọi việc sắp đặt xong xuôi, Lê Khanh kéo tôi đi ra chợ nhậu bia để thưởng sáng kiến của tôi.
Đêm hát đó đúng là kết cuộc không có đổ máu, không có chia ly, khán giả vỗ tay tán thưởng mấy câu vọng cổ của Hữu Phước và Thanh Nga, bà Bầu Thơ thưởng cho tôi và Lê Khanh hai bao lì xì đặc biệt. Chỉ có ông Thiếu tá Hoài thì không chịu. Ông mời tôi và Lê Khanh vô nhà ông uống Whisky rồi nói: “Tuồng nầy hồi ở Saigon, Hữu Phước và Thanh Nga chết, khán giả mới xúc động. Hai anh sửa cho hai nhân vật đó sống, coi lãng nhách. Hết hay! Sao sửa kỳ vậy?”
– Dạ, Tết nhứt, hát trên sân khấu, kỵ đổ máu, kỵ chuyện chia ly, chết chóc…
– Còn chiến tranh, hai bên còn bắn súng liệng bom, hai anh làm sao mà viết cảnh tranh giành quyền lực và tình yêu mà không có đổ máu, ai mà tin?
– Dạ, sân khấu với cuộc đời, có chỗ giống nhau mà cũng có chỗ khác nhau. Cuộc đời có nhiều chuyện xảy ra ngoài sự dự liệu và ước mong của người trong cuộc. Còn trên sân khấu chuyện xảy ra là thể theo hoài vọng của soạn giả và của số đông khán giả. Nên chuyện đoàn tụ, chuyện kết có hậu, chuyện không có đổ máu là chuyện mà mọi người đều mong ước như vậy, nhứt là trong ba ngày Tết!
– Ừ! Thì… thì nói sao cũng được… Mà điều, tôi thấy kết thúc như vậy lãng nhách, giống như hai anh gạt khán giả.

Đêm đó chúng tôi không ngủ được. Ngày Tết, phải chiều theo ý thích của khán giả, mà đó cũng là ý của bà Bầu Thơ và đào kép chánh, nhưng sửa tuồng cũ, khán giả nào đã xem rồi, họ không chịu. Viết tuồng, giống như một tay nấu bếp, biết làm sao cho hợp với khẩu vị của khách hàng, đôi khi người đầu bếp phải gác lại một bên ý thích của riêng mình để chiều theo ý thích của thiên hạ.

Ngày nay tôi hết viết tuồng cải lương, hết sáng tác gì nữa rồi. Nhớ lại chuyện xưa, thấy mình hồi đó cũng bị lệ thuộc vào miếng cơm manh áo, viết tuồng thì cũng phải chiều theo ý thích của bà bầu, của nghệ sĩ và của khán giả. Phải chi hồi đó được hưởng “tiền già” như ở Montréal, khỏi lo cơm áo gạo tiền, chừng đó không lệ thuộc vào ý muốn của ai cả, mặc tình muốn viết sao thì viết… Nhưng nói vậy, mình cũng tự nhủ… viết tuồng hay viết sách mà không phù hợp với ý của độc giả hay khán giả, người ta không đọc, không xem thì mình viết ra có ích gì? Suy đi nghĩ lại, tôi đúng ra là một lão già lẩn thẩn.

Năm rồi tôi về quê hương, viếng mộ bà Bầu Thơ, Thanh Nga, Hoàng Giang, nhạc sĩ Hoàng Việt, đứng thắp nhang bên mộ, tôi nhớ lại chuyện hát ngày Tết ở Ninh Hòa…
Đi lang thang trong thành phố, thấy mọi người quanh mình lạ hoắc, không có những bè bạn nghệ sĩ cũ, giống như tôi đi du lịch ở một nước nào chớ không phải về Việt Nam.

Về quê, ngỡ lạc vào sa mạc,
Đứng giữa quê hương vẫn nhớ nhà!

Về Việt Nam, tôi lại nhớ Montréal! Ở Montréal tôi lại nhớ những bạn nghệ sĩ ngày xưa cùng tôi đi lang bạt sông hồ…
Ngày Tết, nhớ lung tung, nhớ bạn cũ, nhớ chuyện xưa buồn quá!
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)

Montréal, Tết Ất Mùi 2015, bồi hồi chuyện cũ năm xưa!
Nguyễn Phương 93 tuổi
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.427 giây.