Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc. REUTERS/Guang Niu
Trung Quốc hiện có nhiều tàu ngầm thông thường và tầu ngầm nguyên tử hơn Mỹ, và đang tiếp tục đóng thêm nhiều tàu mới. Hải quân Hoa Kỳ ngày 25/02/2015 đã lên tiếng báo động về tình hình trên nhân một cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ.
Trước Tiểu ban Hải quân, thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện, Phó Đô đốc Joseph Mulloy, một Phó Tư lệnh chuyên trách năng lực và tiềm lực của Hải quân Mỹ tuy nhiên đã cho rằng, về chất lượng thì tàu ngầm Trung Quốc vẫn thua kém nhiều so với tàu ngầm Mỹ.
Số lượng cụ thể của tàu ngầm Trung Quốc không được rõ, nhưng bản báo vào năm ngoái 2014 của Bộ Quốc phòng Mỹ gởi đến Quốc hội, đã ước tính rằng Trung Quốc có đến 77 chiến hạm chính, hơn 60 chiếc tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ cỡ lớn và cỡ trung bình, cùng với 85 tàu nhỏ có trang bị tên lửa dẫn đường.
Điều đáng lo ngại hơn, theo Phó Đô đốc Mulloy, là Bắc Kinh đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, với thời gian hoạt động được kéo dài thêm. Một cách cụ thể, Trung Quốc đã cho tiến hành ba vụ triển khai tại Ấn Độ Dương, và thời gian hoạt động ngoài khơi của loại tàu ngầm chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo đã được kéo dài lên thành 95 ngày.
Từ nhiều tháng nay, giới chức lãnh đạo quân đội Mỹ thường xuyên lên tiếng cảnh báo về tình trạng Trung Quốc đang chạy đua vũ trang, và nhấn mạnh sự cần thiết đối với Hoa Kỳ là phải duy trì thế mạnh công nghệ quân sự của mình đối với các nước như Trung Quốc hay Nga.
Về phần mình, Washington cũng phê phán Bắc Kinh về việc dùng sức mạnh quân sự để thúc ép các nước láng giềng trong các vụ tranh chấp chủ quyền.
Theo RFI