Từ đầu năm Ất Mùi đến nay, người dân trong nước từ ngỡ ngàng, cho đến cười ra nước mắt về những trò kệch cỡm trong xã hội.
Đầu tiên là chuyện chiếc “ngai vàng” của ông Nông Đức Mạnh – cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được đăng trên báo Tiền Phong ngày Mùng 1 Tết Ất Mùi. Bối cảnh của câu chuyện là đoàn cán bộ Đoàn Thanh niên do ông Hoàng Bình Quân dẫn đầu tới thăm tư dinh của các đời cựu Tổng bí thư. Sau khi tạo sóng dư luận, bài báo có ảnh chiếc “ngai vàng” của ông Mạnh đã bị gỡ xuống khỏi website báo Tiền Phong, nhưng đã kịp nhân bản, lưu truyền trong cộng đồng mạng. Trong khi người dân còn khổ cực, chuyện 1 ông Tổng bí thư có đời sống xa hoa là khó có thể chấp nhận.
Kế đến là chuyện sáng 23/2/2015 – tức Mùng 5 Tết, Chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức lễ “khai bút đầu xuân” tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Các quan chức đã tập tô chữ giống trẻ nhỏ học chữ, thay vì viết chữ. Cộng đồng đã bình phẩm về trình độ, nhận thức của các quan chức này, nhận định rằng họ đã phá hỏng ý nghĩa tốt đẹp của việc “khai bút đầu xuân” bởi sự kệch cỡm này.
Cũng vào ngày Mùng 5 Tết, tại buổi tưởng niệm Chiến thắng của Vua Quang Trung mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 trước quân Mãn Thanh xâm lược, chính quyền đã sử dụng cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm trong màn kịch tái hiện lại lịch sử. Nhiều người nói đùa rằng: Thời vua Quang Trung đã có đảng cộng sản rồi, chiến thắng đó do đảng chỉ đạo và Vua Quang Trung là tổng bí thư đầu tiên của ĐCSVN! Đây đúng thực là một việc làm vô duyên, lố bịch và xuyên tạc lịch sử trầm trọng.
Người dân cũng rất sôi nổi về hình ảnh ông “Quốc sư” của chế độ Cộng sản – Giáo sư Vũ Khiêu (đã 100 tuổi) hôn vào má cô tân Hoa khôi Việt Nam năm 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên (mới 19 tuổi). Bối cảnh của bức hình là chuyến thăm của cô hoa khôi tới nhà ông Vũ Khiêu chúc tết. Hình ảnh này nhận được nhiều bình luận là vô duyên, trái với luân thường đạo lý, không phù hợp với ứng xử, kể cả theo cung cách giao tiếp của phương Tây cũng không phù hợp. Thêm vào đó là chuyện ông Vũ Khiêu đã “đạo thơ” của Lý Bạch trong đôi câu đối viết tặng cô Kỳ Duyên. Việc này làm cho người ta đánh giá về tư cách và con người của ông Khiêu thêm xấu đi.
Trong 70 năm qua, với chính sách cai trị, tuyên truyền và giáo dục “ngu dân” của chính quyền Cộng sản, những chuyện bi hài, dị hợm, kệch cỡm trong xã hội Việt Nam không phải là hiếm. Nền tảng đạo đức và văn hóa tại Việt Nam đang bị băng hoại hơn bất cứ khi nào. Chỉ có con đường canh tân mới đem lại sự phát triển cho Việt Nam trong tương lai.
SBTN