Hồi ký, Al SeverTrong các câu tiếng Việt học được, theo ông Al Sever, đa số người lính Mỹ học nhanh nhất là câu "Xin Lỗi". Tác giả lớn lên tại một thị trấn nhỏ tại Pennsylvania, nơi mà mọi người đều quan niệm rằng một khi đã tham gia Quân Đội, người thanh niên phải toàn tâm toàn ý thi hành nghĩa vụ.
Vào thập niên 1960, nam sinh trung học con nhà nghèo thường không có nhiều chọn lựa ngành nghề, Quân đội là cơ quan duy nhất tới các trường để tuyển sinh. Năm 1966, cậu học sinh Al đăng lính, ngành phi cơ trực thăng, chỉ với ước mơ đơn giản là thoát khỏi nếp sống tỉnh lẻ nhàm chán.
Ban đầu, nhiệm vụ của Al là bảo trì trực thăng. Anh không được chọn lái máy bay vì bị cận thị. Thế nhưng sau cùng Al cũng thành "door gunner" / "gunship crew chief," người giữ khẩu súng đại liên M-60 đặt tại cánh cửa bên trái chiếc trực thăng chiến đấu.
Điều gì đã khiến một thanh niên 18 tuổi, tình nguyện leo lên chiếc phi cơ chứa đầy nguy hiểm, có khi phải đáp xuống cả những vùng "Hot LZ" (Hot Landing Zone) nơi lính Việt Cộng đang chực sẵn để nã đạn? Người lính trẻ đã tham gia 11 chiến dịch, có mặt từ Đà Nẵng, đến Củ Chi đến Đồng Bằng Cửu Long. Mỗi một lần chiếc trực thăng cất cánh, Al biết rằng đó có thể là ngày cuối cùng của mình, thế mà anh đã có mặt tại Việt Nam ròng rã suốt 31 tháng. Tại sao?
Câu trả lời không hề dễ dàng. Theo tác giả, có thể đó là sự phấn khích đến tột độ khi rơi đúng tâm điểm của cuộc chiến. Những âm thanh cuồng nộ, những cảm giác kinh hoàng, rồi sau đó - nếu thoát chết, là sự giải thoát đến ngỡ ngàng, tất cả tạo ra một khoái cảm kỳ quặc.
Cũng có thể đó là tình đồng đội gắn bó sẵn sàng sống chết vì nhau, điều không thể nào tìm thấy được giữa cuộc sống văn minh thanh bình. Dù thường xuyên bị dằng co giữa những câu hỏi "đúng-không đúng," "nên-không nên," bị dằn vặt vì hối hận về những điều đáng lẽ phải làm tốt hơn, bị nản lòng về một cuộc chiến mà kết thúc biết chắc là thảm hại, Al Sever vẫn muốn là người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, như lời tâm sự sau đây: "Trong khi tôi thực sự tin rằng quân đội VNCH sẽ thua trận, tôi vẫn muốn được ở lại trong trận chiến tới giờ phút chót. Tôi không hề hối hận đã quay trở lại để giúp họ chiến đấu, và luôn luôn mong muốn làm được nhiều hơn nữa. Dù rằng tôi chẳng mến yêu gì lắm các người lính VNCH, tôi đã sẵn lòng chiến đấu chống lại kẻ thù của họ trong hơn hai năm trời và sẵn lòng ở lại tới lúc cuối cùng."
Nhưng tuân theo mệnh lệnh như những người lính Mỹ khác, Al vẫn phải ra đi. Trên máy bay đưa anh ra đi, Al thì thầm lời vĩnh biệt: "Xin lỗi, Việt Nam."
Tiểu sử tác giả Al Sever
Từng phục vụ tại Việt Nam từ 1968 đến 1972. Hiện là giám đốc công ty Sever Engineering LLC tại tiểu bang Pennsylvania (USA).
Xin Loi, Viet Nam; Nxb Wiley, 256 trang, giá $12.45 USD.
Mua sách tiếng Anh trên trang Amazon.com
TIN SÁCH do Tủ Sách Tiếng Quê Hương & Book Club Nhà Việt Nam thực hiện nhằm giới thiệu các tác phẩm giá trị trong nước cũng như hải ngoại, kể cả các tác giả ngoại quốc. Mọi liên lạc xin email về:
tiengquehuongbookclub@gmail.com, hay gởi thư về: Tủ Sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG, P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA