Truyền thông Hoa Kỳ có thể không hiểu cuộc Hội Thảo Thượng Đỉnh (HTTĐ) tại Bạch Cung là để mưu tìm phương thức đối phó với quân khủng bố IS, nhất là đối phó với những tên khủng bồ đang có mặt trên lãnh thổ Hoa Kỳ với tư cách công dân Mỹ, hoặc thường trú nhân. Do không hiểu thấu đáo, hãng thông tấn AP viết là chưa bao giờ Tổng thống Barack Obama lại trắng trợn bảo thẳng những tín đồ Hồi Giáo đang sống tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác là họ cần khẳng định thái độ với IS, đừng để tổ chức khủng bố này nhân danh Hồi Giáo và nhân danh họ, để giết người bằng cách vô cùng tàn ác là cắt đầu con tin.
Đúng như AP và nhiều cơ quan truyền thông khác viết, ông Obama quả có kêu gọi người Mỹ gốc Trung Đông, tín đồ đạo Hồi, lên tiếng khẳng định IS không phải là Hồi Giáo, mà IS chỉ là những kẻ phản giáo, đi ngược lại những giáo điều nhân đạo của đạo Hồi.
Nhưng lời kêu gọi đó của ông Obama chỉ là một phần nhỏ, trong nhiều công tác phức tạp và khó khăn mà ông vạch ra cho những tổ chức mang danh nghĩa “cộng đồng nhân dân” thực hiện.
Theo tài liệu FACT SHEET: The White House Summit on Countering Violent Extremism, (SỰ KIỆN: HTTĐ tại Bạch Cung về cách chống lại bọn quá khích bạo động) do phòng báo chí Bạch Cung thực hiện và phổ biến, còn có nhiều chi tiết quan trọng cần được truyền thông loan tải đến quần chúng – độc giả hay khán, thính giả của họ.
Chi tiết đầu tiên về cuộc HTTĐ cần được ghi nhận là cái tên của nó – Countering Violent Extremism – Chống Cực Đoan Bạo Động. Obama quan niệm việc tấn công tờ báo Pháp Charlie Hebdo là một hành động khủng bố, cực đoan bạo động nhưng không phải là do chủ mưu của IS, mặc dù bọn tấn công đã giết đến 11 người dân Paris.
Ông cho đó là việc làm của bọn Violent Extremists -bọn cực đoan khủng bố- mà ông muốn ngăn chặn bằng hệ thống Countering Violent Extremism (CVE) được tổ chức tại từng địa phương, quận, hạt trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và trên khắp thế giới.
Obama coi đó là việc đáng buồn và đáng trách, vì thế giới tự do vẫn câu nệ hình thức, không muốn chấp nhận nhu cầu của một hệ thống “an ninh nhân dân” – người này để mắt đến hành động khả nghi của người khác.
Cảnh sát chìm không đủ đông, không có mặt khắp nơi, và không có mặt bất cứ lúc nào, để kịp thời ngăn chặn cuộc đánh bom hệ thống vận chuyển công cộng của thành phố Luân Đôn nên 4 tên khủng bố Hasib Hussain, Mohammad Sidique Khan, Germaine Lindsay, và Shehzad Tanweer đã dễ dàng đem bom đến ga xe điện ngầm, đến bến xe bus để đặt bom giết 52 thường dân và gây thương tích cho hơn 700 người khác vào giờ những công nhân này đón xe điện, xe bus đi làm. Chuyện xẩy ra ngày mùng 7 tháng Bẩy 2005, nên dư luận thường gọi là cuộc thảm sát Song Thất.
Nguy cơ nội tuyến không chỉ xẩy ra tại Pháp hay tại Anh mà Hoa Kỳ cũng đã gánh chịu hai cuộc tấn công, một bằng máy bay chúng không tặc chiếm giữ và điều khiển, và một bằng mìn, cả hai cùng do bọn nội tuyến thực hiện, cùng đến từ mụt ung thư trong ruột – nội tuyến.
Chuyện đánh bom xẩy ra trưa 15 tháng Tư 2013; vào lúc 2 giờ 49 phút, hai cái nồi ninh – được biến chế thành bom – đã phát nổ giữa đám đông những người tham dự cuộc chạy Marathon hằng năm của thị xã Boston. Hai quả mìn nồi đó giết 3 người và làm bị thương 264 người khác. Hai quả bom này được đặt cách nhau 190 thước, và nổ cách nhau 12 giây.
Sở cảnh sát Liên Bang FBI điều tra nội vụ bằng cách cắt nhiều chuyên viên ngồi nghiên cứu những video của các tiệm buôn đặt trước cửa tiệm, quanh mức đến của cuộc chạy Marathon, và khám phá ra thủ phạm là 2 anh em di dân Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev, gốc Chechen.
Sau khi FBI phổ biến chân dung thủ phạm, cuộc săn người diễn ra – ráo riết và tàn khốc; trong lúc tháo chạy hai nghi can giết một cảnh sát viên phục vụ tại trường MIT, Massachusetts, bắn bị thương một cảnh sát viên khác. Hung thủ Tamerlan Tsarnaev -người anh- bị trọng thương trong lúc đấu súng với cảnh sát, và chết vì bị xe cán – là một chiếc SUV do cậu em chiếm đoạt và trong lúc vội vã vọt đi tìm đường thoát thân đã cán lên Tamerlan, bị thương, đang nằm dưới bánh xe.
Hai anh em Tsarnaev đều là tín đồ Hồi Giáo, người em -Dzhokhar- mang song tịch -Mỹ và Kyrgyzstan- người anh Tamerlan Tsarnaev còn là một thường trú nhân, và cũng mang song tịch -Nga và Kyrgyz.
Tháng Giêng 2012, Tamerlan về Nga sống nửa năm, nhưng vẫn nhận food stamps của Mỹ trong khoảng thời gian sống tại Nga để được huấn luyện về cách chế bom, đặt bom.
Tờ New York Post, trong số phát hành ngày 18 tháng Hai 2015, nhắc lại những diễn biến này rồi nêu lên câu tuyên bố của ông Obama trong lúc khai mạc cuộc HTTĐ là, “Không tôn giáo nào chủ trương khủng bố; khủng bố và bạo động là trách nhiệm của con người.”
Obama chấp nhận việc dư luận chỉ trích ông là thiếu lập trường – họ viết trong lúc lính Mỹ chiến đấu và chết tại Trung Đông; thì chính ông lại không dám lên án Hồi Giáo; thật ra ông chỉ tránh không đối đầu với khối 1.57 tỉ tín đồ Hồi Giáo, chỉ tách khối IS quá khích ra khỏi khối Hồi Giáo, trong chiến thuật tránh diện, đánh điểm.
Trong chiến thuật Chống Cực Đoan Bạo Động, Obama nói với những nhân vật Hồi Giáo ông mời tham dự HTTĐ là chỉ có nửa phần ngàn tín đồ Hồi Giáo đang sống tại Mỹ bị ảnh hưởng của chủ trương bạo động, phá hoại trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Nửa phần ngàn của dân số 200,000 tín đồ Hồi Giáo mang quốc tịch Mỹ cũng đã nhiều đến 100 người; chủ ý của Obama là kêu gọi số còn lại -199,900 người công dân Mỹ theo đạo Hồi- không để cái thiểu số nguy hiểm đó núp dưới danh nghĩa Hồi Giáo, giết người Mỹ như 2 anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev đã giết. Quan niệm không ai biết người Hồi Giáo bằng những tín đồ Hồi Giáo khác.
Nỗ lực của Obama giải quyết nguy cơ nội tuyến là việc người Nam Việt đã chật vật thực hiện trong cuộc nội chiến dài nhiều chục năm với chiến lược Ấp Chiến Lược; những hào sâu đào quanh ấp, những nông dân võ trang, giữ không cho Việt Cộng xâm nhập vào ấp, trong lúc bên trong ấp những biện pháp thanh lọc, kiểm kê dân số giúp kiện toàn công tác chống nội tuyến.
Vào thời điểm 1963, trong lúc gần 100,000 du kích quân Việt Cộng bị trục ra khỏi Ấp Chiến Lược, không chịu nổi đói khổ xin về hồi chánh, thì chính quyền Mỹ giết anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, hai tác giả của chiến lược Ấp Chiến Lược, và do đó giúp nội tuyến Việt Cộng về đến Sài Gòn.
Năm nay, công tác “giải quyết nguy cơ nội tuyến” tại Hoa Kỳ có thể dễ hơn tại Việt Nam 52 năm trước, vì ông Obama không phải đối phó với nguy cơ bị giết như anh em ông Diệm đã bị giết; nhưng dễ dàng cũng chỉ giới hạn vào địa hạt an toàn sinh mạng của vị nguyên thủ quốc gia.
Ngoài ra, mọi khó khăn khác vẫn còn nguyên; một số người Mỹ vẫn chủ trương giao tranh trực diện với lực lượng Hồi Giáo như họ đã làm từ năm 2003 tại A Phú Hãn và Iraq. Nếu những người đó lên cầm quyền tổng tư lệnh để phải giải quyết nguy cơ nội tuyến, họ có thể bắt người Mỹ tín đồ Hồi Giáo sống trong các trại tập trung như họ từng bắt người Mỹ gốc Nhật sống tập trung trong những trại giam thời Thế Chiến Thứ Nhì.
Bắt giam người gốc Nhật hay tổ chức HTTĐ tại Bạch Cung cũng chỉ để tìm cách chống lại bọn quá khích bạo động, và cũng chỉ là 2 nỗ lực giải quyết nguy cơ nội tuyến – như Nam Việt đã làm bằng chiến lược xây dựng Ấp Chiến Lược.
Điểm trớ trêu là chuyện cũ rích tại Việt Nam đang được người Mỹ coi như một khám phá mới toanh.
Nguyễn đạt Thịnh