Một nhóm quân thánh chiến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang phá hủy các tượng cổ tại Bảo tàng Mossoul, Irak.
Ảnh chụp màn hình.
Báo chí Pháp hôm nay 02/03/2015 tiếp tục bình luận vụ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đập phá bảo tàng Mossoul, nơi lưu trữ nhiều cổ vật quý hiếm vô giá có từ thời văn minh Lưỡng Hà và Hy Lạp cổ đại (khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên). La Croix nhận thấy là thế giới « Nổi cơn giận sau vụ phá hoại các kho báu tại Mossoul ».
Tờ báo trích dẫn bình phẩm của nhiều chuyên gia về Syria, Hồi giáo và một số nhà văn, cho rằng hành động đập phá thô bạo của quân thánh chiến tại bảo tàng Mossoul là một « sự hủy diệt lịch sử nhân loại, xóa đi bản sắc của cả nhiều dân tộc trong khu vực ».
Một quan điểm cũng được Le Monde đồng chia sẻ qua hàng tựa « Tại Mossoul, nạn nhân nghệ thuật của hành động bạo tàn ». Bởi vì, tại đó, « Hành động tẩy văn hóa đang đi từ các bảo tàng thư cho đến cả các lăng tẩm » theo như quan sát của nhật báo. Vụ phá hoại này một lần nữa cho thấy Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang tiến hành một cuộc chiến toàn diện trên những vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát và quản lý.
Cũng giống như vùng Rakka của Syria, Mossoul - vùng đô thị lớn thứ hai của Irak được xây dựng từ những tàn tích của thành cổ Ninive, trung tâm vương quốc Assyria, một đế chế trải dài từ Địa Trung Hải cho đến Iran ngày nay, vào thời điểm vàng son nhất. Vậy mà vài tuần sau khi tiến vào Mossoul, quân thánh chiến Daesh đã cho nổ tung nhiều lăng tẩm cùng với nhiều thánh đường được xây dựng bên cạnh. Tổ chức khủng bố này quan niệm rằng những lăng tẩm biểu trưng cho sự tôn thờ thần tượng, do đó cần phải phá hủy.
Việc nhổ tận gốc văn hóa cũng chạm tới những chốn hiểu biết như đại học hay thư viện. Theo các nguồn tin lọt được ra ngoài, cho đến cuối tháng Giêng năm nay, hàng chục ngàn thư sách đã bị thiêu hủy. Phần lớn trong số đó là các tác phẩm thơ ca, triết học, khoa học. Nhiều tàng thư có từ thế kỷ XVII và XVIII. Duy chỉ có những tác phẩm thần học đạo Hồi nào phù hợp với quan điểm Hồi giáo đang được tổ chức khủng bố này tuyên truyền là được giữ lại.
Vụ đập phá bảo tàng Mossoul lần nữa cho thấy « Daesh đánh thẳng vào nền văn hóa ». Sự việc còn làm nổi rõ một vấn đề khác tại Irak hiện nay « những năm tháng chiến tranh và bị phong tỏa đã làm cho mối liên hệ xã hội bị tan rã », theo như phân tích của Tổng thư ký Hội đồng các bảo tàng Quốc tế, ông Samir Abdulac. Ông nói : « Xã hội không còn khả năng kháng cự lại, thảm kịch chỉ có ngày càng tệ hơn. Người ta chỉ có một mối bận tâm duy nhất, sự sống còn. Chỉ có một số ít đã chấp nhận hy sinh tánh mạng để bảo vệ các di sản ». Và cảnh dàn dựng đoạn video đó cũng nhằm hai mục tiêu chính : gây sốc phương Tây và tuyển dụng những người trẻ mất phương hướng.
Về phần mình, bài xã luận « Những con người và những viên đá » của nhật báo công giáo La Croix cho rằng động cơ sâu thẳm của hành động phá hoại các di sản là muốn xóa mọi dấu tích của một nền văn minh không « Hồi giáo ». Do đó, cần phải xóa sạch nhẵn những gì tồn tại trước khi đạo Hồi khai sáng vào thế kỷ VII sau Công nguyên. Và ý đồ cực quyền đó cũng chính là lý do mà Daesh dành cho số phận các thiểu số tín ngưỡng khác, nhất là với những người công giáo. Những người này không còn lựa chọn nào khác hoặc buộc phải cải đạo, hoặc phải bỏ trốn.
Theo RFI