Bài thi viết Cộng sản và tôi: Chuyện làng tôi
Truyện xảy ra đã lâu nhưng làng tôi trong lúc trà dư tửu hậu vẫn thường kể cho nhau nghe về đám ma của hắn. Hắn tên là Lê Văn Quả, là bí thư chi bộ của một cái xóm nhỏ nhoi không quá trăm nóc nhà, ngày hắn trút hơi thở cuối cùng, nước Sông Đà dâng cao tràn vào nhà hắn. Cái xác tươi được kê cao dần, lúc đầu được đặt trên tấm phản gỗ sau kê thêm mấy cái ghế nhưng cái xác được kéo lên cao bao nhiêu thì mực nước lại dâng cao bấy nhiêu. Sơn tinh thắng thủy tinh nhưng mấy anh em nhà hắn thì không, cuối cùng phải để cỗ quan tài đơn sơ chìm trong nước.
Đám ma của hắn vẫn được cho là có một không hai, không ai đưa tiễn, không trống kèn, không và không. Chừng như không gấp rút thì cái xác hắn được Hà Bá đưa ra biển, vậy là phải dùng tạm chiếc thuyền nan chở hắn vào chân đồi kiếm chỗ chôn vì nghĩa địa đã chìm trong biển nước mênh mông. Thuyền ra chưa khỏi ngõ trời bỗng đổ mưa, tay lái tay mũi ra sức chèo bơi, hai người đàn ông hộ tống vớ hai cái gàu ra sức tát nước mưa từ trong thuyền ra ngoài. Con thuyền nan tròng trành tưởng chừng sắp lật nhào cứ như được thần che chở vượt qua cánh đồng ngập lũ nước chảy cuồng cuộn cuốn theo cơ man rác rưởi, bèo tây, chuối tây, cây rừng. Đào huyệt vừa xong, nước tràn vào quan tài đặt xuống cứ nổi lềnh bềnh, một người sáng kiến đục lỗ cho nước tràn vào quan tài rồi lấy đá đè lên, loay hoay một hồi cũng thành công mỹ mãn. Nhưng khi lũ rút người nhà vào thăm thì chiếc quan tài không cánh mà bay, mọi người đồn đoán về một sự trả thù có thể, nhưng phần lớn cho rằng nước ngập lâu ngày cái xác chương phình rồi nổi lên kéo theo cả cỗ quan tài tạo điều kiện cho Hà Bá hoàn tất cái việc mà mấy ngày trước bị bỏ quên. Chỉ tội cho bốn ông phu huyệt mãi về sau gặp ai cũng thất thần: Đúng là trời cho sống mới được sống, nếu không ăn ở hiền lành, nhờ phúc tổ tiên thì năm ấy theo thằng Quả ra biển rồi.
Hắn béo lùn nước da đen bóng, hắn có cái tính rất thô bỉ, vài ba cô trong lúc làm đồng thường kể nhau nghe: Ông ấy cứ thấy tao sắp đi ngang qua là móc cu ra đái, tay cầm con vu vẩy vẩy miệng thì nói tía lia. Hắn là bí thư chi bộ của một cái xóm nhỏ nhoi không quá trăm nóc nhà nhưng hắn lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Hắn chỉ huy hơn chục dân quân du kích có nữ có nam ngày ngủ đêm tuần tra, ngày thường mục tiêu của hắn là những người buôn bán nhỏ với những chiến lợi phẩm là mấy cân trà, đường mía, có khi là mấy con gà dăm ký gạo. Hắn có tai mắt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, nhà nào nuôi lợn mà không thấy đăng ký bán nghĩa vụ và nộp đơn xin điều hòa thịt lợn ăn tết thì nhà đó có vấn đề (Thời ấy dân Miền Bắc nuôi lợn, gà phải bán nghĩa vụ thịt cho nhà nước, thịt ăn thì phải được hợp tác xã phân phối lại gọi là điều hòa). Hắn sẽ bố trí theo dõi cả ngày lẫn đêm dẫu có cánh cũng đừng mong thoát, thế nên vào dịp cận tết hắn thường vớ bẩm, ngoài ngõ nhà hắn tiếng khóc than ai oán.
Làng tôi không có nhà giam nên hắn có sáng kiến tận dụng cái lò sấy thuốc làm nhà giam để tạm nhốt những người chống lại chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước. Nếu có bị giam chừng nửa ngày trong cái lò sấy thuốc thì khỏi nói là dân quê tôi chứ ngay cái anh Võ Tòng hay Lâm Xung bên tàu chắc cũng lạy ông tôi chừa. Thế nên ngoài ngõ nhà hắn tiếng khóc than ai oán thảm thiết nhưng chống lại chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước thì tuyệt đối là không.
Những năm 70 của thế kỷ trước trên dòng sông Đà quê tôi thường có những người buôn gỗ, tre, nứa từ Sơn La, Hòa Bình về xuôi, những bè đi ngày thường chủ bè là những tay có máu mặt quan hệ với đám kiểm lâm, thuế vụ, chức sắc, còn những tay buôn lậu thì phải đi đêm, đẹp nhất là những đêm bão táp mưa sa, sương đông mịt mù. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, những đêm trái gió trở trời hắn tăng cường chỉ đạo bố trí các trạm ở đầu làng, giữa làng và cuối làng, cả chục cái đèn ba pin đại năm mười phút lại quét loáng loáng trên sông từ bờ bên này đến bờ bên kia hễ thấy bóng bè gỗ trên sông thì khai hỏa, vài khẩu súng trường đồng loạt bắn chỉ thiên, tiếng loa gò từ tấm tôn cũ kêu người trên sông lập tức cho bè vào bờ, một sợi dây thừng cột sẵn vào gốc cây ven bờ sông, đầu còn lại theo hai chiếc thuyền nan với vài tay súng đưa ra buộc chặt chiếc bè thế là nó ngoan ngoãn ghé dần vào bờ. Có những tay chủ bè khiếp sợ nhảy xuống sông hòng thoát thân nhưng có thoát được số phận hay không thì trời mới biết. Hôm sau trước sân đình hàng đống tre nứa được xếp gọn gàng, vài tạ măng, chục cân trà được thông báo bán hóa giá cho một số gia đình chính sách. Số gỗ quý tạm giữ ngoài sông bố trí dân quân canh gác đôi ngày rồi tự nhiên mất tích. Mấy tay chủ bè được dẫn về cửa lò sấy thuốc lá để chuẩn bị tạm giam năn nỉ khóc lóc xin tha, đám dân quân canh gác hờ hững cố tình để chúng trốn thoát thế là xong. Sau mỗi vụ như thế lại có tổng kết rút kinh nghiệm bồi dưỡng cho anh em dân quân, lợn ngoài trại chăn nuôi được đem về liên hoan tại nhà hắn cho tiện.
Dân quê tôi nghèo, phần lớn là người tứ xứ chạy loạn chiến tranh hai bàn tay trắng rồi tự lập làng, trước những năm 60 ai cũng được chia đất để canh tác, đất này là tịch thu của địa chủ Hiệp, địa chủ Lực, địa chủ Kiệt... Sau mấy năm nhiều người khá dần có trâu, có bò, có cày thay cuốc rồi nghe theo tiếng gọi của đảng ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, có bao nhiêu góp bấy nhiêu cùng vào hợp tác xã do hắn làm chủ nhiệm. Ai có cặp trâu đôi bò kinh tế có phần đủ ăn thì đêm ngày trằn trọc ăn không ngon ngủ không yên chẳng thể tưởng tượng ra cái HTX (hợp tác xã) nó như thế nào, đám lúa sắp thu hoạch ngoài đồng bỗng dưng không phải của mình, nhìn trước nhìn sau chỉ thấy toàn mất là mất. Nhưng hắn xuất hiện kịp thời, hắn ca ngợi, không tiếc lời khen: Bác thật tài giỏi, những người như Bác vào HTX làm cán bộ chỉ huy những người khác, Bác làm cán bộ quản lý, phân công công việc cho người ta, hướng dẫn người ta, còn Bác Gái tuần sau đi học lớp y tá, lớp bồi dưỡng chính trị... nghe cứ sướng cả hai cái lỗ tai rồi chẳng hiểu ma đưa lối quỷ chỉ đường ra sao mà đùng đùng lấy ngay giấy bút ra làm đơn xin vào HTX, lại còn ghi rõ tự nguyện góp mấy con bò và dăm sào ruộng đang chờ thu hoạch, thế có tài không?. Nhưng còn nhiều kẻ vô công rỗi nghề, nhà không vách, cơm không đủ ăn thì cứ vui như tết, ba tiếng HTX giống như mâm cỗ đầy làm theo năng lực hưởng đồng đều, chả thằng nào giàu hơn thằng nào, trâu bò của các ông bây giờ cũng là của tôi, cần là tôi báo rồi tôi đến tôi lấy đi làm không còn phải năn nỉ mượn hoặc mướn như trước nữa, thật là ngủ dậy sau một đêm thấy thiên đường không xa.
Sau mấy năm vào HTX hắn xây được nhà ngói ba gian, gạch ngói, vôi cát thì mua chịu của HTX còn công thì có đội xây dựng cũng của HTX, đại ý tất tật là từ HTX. Rồi hắn lấy vợ năm sau sinh con, đẻ sinh đôi, đứa ra đầu tiên làm bà đỡ cùng mọi người thất kinh: Da đen sì như da trâu, mắt mũi chẳng có, chỉ có cái miệng khóc oe oe vài ngày rồi chết (nghe nói bị chôn sống), đứa sau lành lặn tên là thằng Sung nhưng khi lên bốn năm tuổi thì bị thọt chân đi cà nhắc, hai đứa tiếp theo một đứa lành lặn khỏe mạnh lớn lên học hành cũng tạm, còn đức kia là thằng Lân thì lát nữa ta sẽ có dịp nhắc lại.
Phùng Vinh là đảng viên CS làm thôn đội trưởng chuyên về công tác nghĩa vụ quân sự có anh trai cả là Liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch biên giới Tây Bắc hồi kháng chiến 9 năm, anh kế tiếp làm cán bộ gì đó ở huyện nên cái uy cũng ác lắm. Vinh đang ngấp nghé các chức bí thư của ấp, điều này hắn biết và hắn đã chuẩn bị. Tháng tư năm 1966 danh sách nhập ngũ huyện gửi về, không biết do sự chậm trễ của Bưu Điện hay ở khâu nào mà chỉ cò tuần nữa là đến ngày ra quân thì mới về đến thôn. Danh sách tân binh lần này ngoài ba cái tên khác còn có tên Phùng Vinh, tin này nhanh chóng được thông báo rộng rãi, các đoàn thể: Chi bộ đảng, ban quản trị HTX, Hội phụ nữ, Hội bô lão, đoàn thanh niên tấp nập đến thăm hỏi chúc tân binh lên đường hoàn thành nhiệm vụ. Ba hôm sau tại sân đình buổi tối hôm sau cả làng làm lễ tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, người ta thấy ngay cái băng rôn to tướng: RA ĐI GIỮ TRỌN LỜI THỀ - KHÔNG HẾT GIẶC MỸ KHÔNG VỀ QUÊ HƯƠNG.
Hắn có lời khai mạc đại ý là: Bắc Nam như chân với tay - như da với thịt như cây với cành - toàn dân ra sức đấu tranh - căm thù giặc Mỹ cắt tình Bắc Nam. Miền Nam đất nước ta rất giàu và đẹp, vựa lúa đồng bằng Nam Bộ đủ nuôi sống cả các nước Đông Nam Á, cá tôm, trái cây nhiều vô kể, đồng bào Miền Nam đang rên siết dưới chế độ cai trị tàn bạo của bọn ngụy quyền tay sai. Nhân dân Miền Nam vô cùng anh dũng từ già đến trẻ đồng loạt đứng dậy giáng trả bọn cướp nước và bọn bán nước những đòn đích đáng, thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám đã tẩm xăng vào người làm bó đuốc sống đốt cháy kho xăng dầu lớn nhất Miền Nam, đảng và bác đã phong tặng danh hiệu anh hùng liệt sĩ cho thiếu niên Lê Văn Tám. Các đồng chí lên đường yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, ở hậu phương chúng tôi sẽ làm thay các công việc của các đồng chí, hẹn ngày đón các đồng chí trở về đất nước ta hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược. Các đoàn thể lên phát biểu, tiết mục văn nghệ của đoàn thanh niên, đại diện các cháu thiếu niên nhi đồng lên chúc các chú lên đường mạnh khỏe hăng say đánh giặc lập nhiều chiến công. Hai năm sau bỗng có tin về... Tốp thanh niên quê tôi đã chết trong đợt tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968. Việc báo tử và làm lễ truy điệu cùng một lúc cũng là sáng kiến hay để nhiều người thấy rằng quân ta "tổn thất không nhiều".
Đất đai không còn, chỉ còn tay trắng cuộc sống người dân quê tôi lại lùi dần cho đến những năm 70 thì đúng là không ai giàu hơn ai. Nhiều nhà trong thôn hai anh em mấy năm chỉ có một chiếc quần dài, đứa học sáng đứa học chiều thay nhau mặc còn nếu học chung buổi thì một thằng tự nghỉ. Tháng tám ngày ba cả làng ra đồng hái rau dại về ăn cho đỡ đói. Nhà hắn có lò đậu phụ, ai mua chịu hắn đợi đến mùa trả bằng thóc, buổi trưa hè cà làng đến nhà hắn mua nước đậu về húp ai cũng khen mát, làng ăn không hết hắn đổ cho lợn, lợn nhà hắn không trong biên chế nghĩa vụ nhà nước, hắn quất ngay tại nhà. Người làng ai muốn ăn cứ lấy cuối năm có thịt điều hòa thì trả một cân thành cân rưỡi số còn lại hắn đem ra chợ. Cuối năm khi tết đến chẳng hiểu hắn tính sao vừa trừ nghĩa vụ, vừa trừ nợ, vừa chuyển nghĩa vụ năm sau, nhiều nhà lợn gần tạ trong chuồng bỗng dưng mất trắng phải ra chợ đen mua vài lạng thịt mà không dám kêu ca nửa lời, vớ vẩn lại bị khép vào tội phá hoại chính sách của đảng và nhà nước. Lão Lục đầu làng có con đi làm ăn xa tết không về, thương đứa con dâu vất vả nuôi ba đứa con nhỏ, để bớt miệng ăn lão đã treo cổ vào chiều ba mươi tết, trước khi lìa đời lão con kịp để lại cho con dâu và ba đứa cháu hai cái măng tre mà đêm trước lão đào trộm ở rặng tre gai gần khu nghĩa địa.
Rồi đến những năm 80, nhà nước cởi trói nông nghiệp hay đúng hơn là cởi trói cho người nông dân bằng việc giao đất khoán sản phẩm, chịu khó làm thì cũng có bát cơm ăn nhưng mức khoán ngày càng tăng nhiều gia đình không trả nổi phải giao lại đất cho HTX, nhiều gia đình nợ sản phẩm thì ban quản trị HTX do hắn đứng đầu kéo theo đám dân quân, du kích đem xe cải tiến đến từng nhà có gì thu nấy, tiếng chó sủa, tiếng trống dồn, tiếng la hét, tiếng kêu khóc vang động cả một vùng quê. Có con mẹ gầy nhom áo quần xộc xệch vá chằng vá đụp đầu tóc rũ rượi cố giằng lại cái giỏ có mấy cân khoai lang liền bị hắn đạp cho một cái ngã bổ nhào, cái đầu may mắn lao vào đống rơm nếu không chắc vỡ sọ.
Thằng Côi là thương binh loại 4, một vợ năm con, cả nhà quần quật lam lũ quanh năm nhưng đói vẫn hoàn đói, dạo này đang bị đưa vào nghi vấn cố tình không giao nộp sản phẩm, tuyên truyền lôi kéo người khác chống lại chủ trương khoán nông nghiệp, kích động gây rối. Thế là có cả một nhóm người theo dõi thằng Côi cả đêm lẫn ngày. Nhiều người đi ra đường gặp thằng Côi bèn tránh sang đường khác, họp hành không ai ngồi gần thằng Côi. Đây đó xì xầm thằng Côi sắp bị công an bắt vì mấy hôm trước kho phân đạm bị mất khoảng chục bao hình như liên quan đến anh em thằng Côi. Người này nói thằng Côi chửi cả bí thư chi bộ, kẻ kia nói thằng Côi thách ai dám đụng đến cái lông chân của nó, dần dà sau này hễ ai mất con vịt con gà cũng đều bóng gió nghi cho thằng Côi. Đêm ấy cuối tháng, trời hè nóng bức thằng Côi chắc không ngủ được bèn nói với vợ để ra sông tắm ào cái cho mát, chùng nửa giờ sau tiếng la hét, tiếng chó sủa, tiếng chân người chạy rầm rập, mọi người đèn đuốc chạy ra thấy xác thằng Côi thoi thóp bên vũng máu chỉ thều thào được ba tiếng: Tôi bị oan rồi lịm hẳn, gần đó là cái vỏ bao đựng phân bên trong có hai con gà. Công an Huyện về điều tra không tìm ra ai là thủ phạm đã giáng cho thằng Côi một đòn chí mạng, biên bản ghi ngày giờ tháng năm, Trần Như Côi ba mươi sáu tuổi ăn trộm bị đánh chết... Ở quê tôi người dân ngu dốt, chỉ ít người biết đọc còn phần lớn là mù chữ nhưng hầu như tất cả đều không biết rằng trên đời này có cái được gọi là pháp luật. Cả chục trường hợp chết trong đồn công an nhưng mọi người chả ai quan tâm, cái đói, cái nghèo làm cho mạng người trở nên rẻ rúng, cái chết vì bất cứ lý do gì cũng nhanh chóng bị lãng quên.
Đầu làng tôi có một gian nhà ngói nhỏ gọi là nhà thuốc, nguyên do thời Pháp có lang y người tây hay bắt mạch, kê toa bán thuốc cho dân trong vùng. Hòa bình lập lại được sử dụng cho nhiều mục đích, có lúc làm lớp học cho các cháu mẫu giáo, có lúc làm cửa hàng bán muối mắm, tạp hóa của HTX, rồi nhiều năm bỏ không năm 1984 thì được trưng dụng làm đồn công an. Tại đây luôn có 6, 7 công an túc trực đêm ngày giữ gìn an ninh trật tự. Lại nói chuyện thằng Lân con lão quả năm ấy khoảng 16, 17 gì đó đi chơi đêm về gái trai trêu đùa rồi đánh nhau với đám trai làng bên. Hôm sau Lân được mời lên đồn công an, tại đây Lân phải quỳ, phải lạy từng người, Lân bị đá vào bụng, bị đánh vào gáy... bị làm tất cả những gì có thể và Lân được thả về. Lân về nhưng Lân vẫn nhớ những thằng đã đánh Lân...
Phiên chợ đúng vào ngày chủ nhật, mọi người kinh ngạc khi thấy một thanh niên tay cầm mã tấu đuổi chém một công an đang chạy phía trước, đuổi không kịp. Trong chớp mắt Lân thúc thủ trước ba bốn tay công an đi cùng. Lân bị còng tay và chuyển về công an huyện, ba hôm sau có tin Lân chết trong đồn công an. Lân chết trong đồn công an là chuyện được ghi nhận ở làng tôi từ 1986 đến nay chẳng ai bận tâm cứ bình thường như chuyện con trâu đực to khỏe nhà ông Hộ bị sét đánh chết giữa đồng, hay là chuyện nhà ông Lâm có con chó dại cắn người bị dân quân bắn chết. Mãi sau này (cách đây 1 năm / 2014) tôi có gọi điện về hỏi thằng Sung thọt về chuyện thằng Lân năm xưa. Thằng Sung ậm ờ rồi nhắc lại: Em tôi nó bị chết trong đồn công an. Tôi nói rằng nó không phải bị chết mà nó bị tra tấn dã man, bị đánh chết thê thảm trong đồn công an, gia đình phải cùng với những gia đình ông A, bà B... phải làm đơn yêu cầu cung cấp hồ sơ, biên bản để làm rõ về cái chết của thằng Lân và những người khác. Thằng Sung nghe nói hoảng sợ rồi cắt máy cái bụp.
Ba chục năm đi làm xa, đến khi về làng nghe chuyện đám ma và nhiều chuyện linh tinh hầm bà lằng khác, rời làng về Hà Nội thăm bà chị gái tuổi đã ngoài 60, lên mạng thấy phát động cuộc thi viết thì cũng thấy hay, góp vào đôi chuyện cho vui chẳng mong được giải. À quên, nếu không nhắc bạn đọc sẽ chẳng ai biết: Thằng Sung nay được bầu và đảng ủy xã chuẩn y làm bí thư chi bộ thôn. Vừa rồi một số người dân oan khiếu kiện đất đai bị đánh, bị nhốt trên đồn công an có đến hơn chục người trong đó có cả vợ chồng con nhà Bác Ty ở kế nhà tôi năm xưa, con Sửu đẻ con ngay trong đồn công an. Rời làng theo lối mòn ven sông để bước vào những ngày phiêu linh mới, lòng nao nao nhìn dòng nước lững lờ, nhớ gốc gạo cổ thụ hoa đỏ rực năm xưa đã bị đốn từ lâu, bỗng nhiên nước mắt trào ra: Trời ơi tại sao người dân quê tôi khổ thế?
Hoàng Hùng