VRNs (05.03.2015) – Sài Gòn- TTXVN cho biết, quan chức Ngoại giao VN hôm 3/3 đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) cần bảo đảm tính minh bạch, khách quan, không thiên vị, cũng như tăng cường đối thoại.
Phiên Cấp cao Khóa 28 Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra từ ngày 2 đến 5/3 có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của hơn 90 nước và tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ trong Phiên Cấp cao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết Việt Nam ủng hộ việc hạn chế đối đầu, áp đặt và chính trị hóa tại Hội đồng Nhân quyền.
Vị trưởng đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh việc đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thúc đẩy đồng thuận.
Lời kêu gọi từ phía VN vọng lại những chỉ trích của Nga hồi tháng 11/2014, khi quốc gia này cho rằng các hoạt động của cơ quan này rõ ràng quá thiên về giải quyết các vấn đề chính trị.
“Thiên hướng xử lý các vấn đề chính trị, đưa ra các khuyến cáo vô căn cứ và áp đặt trừng phạt nước này hay nước khác vì các động cơ chính trị của họ đang ngày càng thể hiện rõ trong các hoạt động của Hội đồng trong thời gian gần đây,” ông Alexander Viktorov, Vụ trưởng Vụ hợp tác nhân đạo và nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói tại một phiên họp của Đại hội đồng LHQ
Cũng trong phiên họp, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh về những thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, những nỗ lực trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.
Theo đó, các khuyến nghị tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ 2 đã được chấp thuận, các cam kết tự nguyện với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền, phê chuẩn Công ước Chống tra tấn và Công ước về Quyền của Người Khuyết tật.
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền và những nhà hoạt động trong nước cáo buộc Việt Nam vẫn duy trì vi phạm nhân quyền trong việc đàn áp tôn giáo, đàn áp và bắt giữ những người bất đồng chính kiến trong năm 2014.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở Mỹ nhận định trong Bản Phúc trình Toàn cầu năm 2015 hồi cuối tháng Một rằng, “tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2014 vẫn duy trì những đặc tính của một chế độ độc đảng, với các bản án mang động cơ chính trị.”
“Người lao động không được hưởng đầy đủ quyền lợi, tình trạng công an bạo hành tràn lan và các xung đột về đất đai tiếp tục gia tăng.”
“Chính quyền Việt Nam kiểm soát chặt chẽ tự do ngôn luận và tự do lập hội.” Những nhà hoạt động dân chủ “tiếp tục bị sách nhiễu, đe dọa, hành hung và tù giam.”
Phía Việt Nam luôn phủ nhận những cáo buộc này.
Đức Thiện, VRNs tổng hợp