Natuna và câu chuyện 'có vay, có trả' Bài viết cho mục Hồi Ức 30 tháng Tư và Đời Tị NạnNhân đọc một tin vắn ngày 26/02/2015. 'Mới đây Indonesia phải nâng cấp một căn cứ không quân trên đảo Natuna, phía
nam Biển Đông để có thể bố trí tiêm kích Su-27 và Su-30, kể cả Su-35 đang đàm phán mua của Nga.'
'Việc bố trí tiêm kích Sukhoi trên đảo Natuna là phản ứng của Indonesia trước yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền
hầu hết Biển Đông qua bản đồ đường lưỡi bò lan đến tận Natuna của Indonesia.'
Tự nhiên đọc đến địa danh Natuna, bỏ tờ báo xuống, những hình ảnh của tháng 5 năm xưa như quay lại trong tôi.
Thắm thoát đã hơn 30 năm, tôi rời đảo này sau hơn một tuần cư trú để qua đảo Kuku, trước khi 'đáp' qua hòn đảo nổi tiếng
là Pulau Galang. Từ Pulau Galang, thiên hạ chỉ cần đi tàu nhỏ chừng 1 giờ là đến Singapore để đi định cư.
Natuna, là một trong 272 hòn đảo của Indonesia. Là một hòn đảo quân sự, Natuna có một phi trường quân sự khá lớn và là
'tiền đồn' của Indonesia trên biển Đông. Dân chúng đa số là ngư phủ hay làm nghề nông. Và đa số là theo đạo Hồi, không
ăn thịt heo.
Năm 1984, chúng tôi ghé đến Natuna và cư ngụ ngay ở cảng Natuna. Năm xưa, Natuna còn rất đơn sơ. Cảng Natuna chỉ là
một bãi tàu đơn sơ với những chuyến tàu liên lạc với Jakarta vài lần một tuần.
Sau cuộc hải hành mệt mỏi, được nghỉ chân ở Natuna, chúng tôi đã trải qua những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn thật nhẹ
nhàng, ngay trên ghe của mình. Được cung cấp gạo, nước ngọt, nhưng thiếu thịt thà, chúng tôi tổ chức lại cuộc sống nấu
ăn hàng ngày.
Để giải quyết nhu cầu chất đạm trong khi có những đàn cá bơi tung tăng trong làn nước trong, sáng kiến của dân ghe là
dùng mùng ngủ, cột dây ở bốn góc ngoài. Bốn góc trong thì cột đá cho mùng nặng, chìm xuống nước. Sau đó thả mùng
ngược xuống nước và chỉ đợi đàn cá bơi vào giữa mùng là kéo dây lên là đủ cá ăn trong ngày.
Ở Natuna, tôi đã chứng kiến một sự việc hơi kỳ lạ. Có thể dùng sự việc này để chứng minh câu 'ở đời có vay có trả.'
Sự việc đó như sau: Khi ở Natuna được vài ngày thì chúng tôi bị đám cảnh sát nơi đó 'vòi vĩnh' là phải chung tiền gọi là 'phí
nhập cảnh' vào Natuna. Nếu không, sẽ không được cho ở lại, đi đâu thì đi! Trước viễn cảnh 'ra khơi' bắt buộc này, em nào
cũng run phát rét. Và một nhóm, thông thạo tiếng Anh được cử lên thương lượng với đám cảnh sát này.
Hai người lớn tuổi trong đó có một người từng đi tu nghiệp bên Mỹ và tôi được cử ra điều đình về số vàng mà cảnh sát đòi
là một chỉ vàng một người. Trên ghe có 49 người, vị chi là 49 chỉ vàng. Vấn đề là khi ghe chúng tôi đi từ Bến Tre năm xưa
thì chỉ sau 2 ngày trên biển, chúng tôi đã bị 'tóm gọn' bởi đoàn ghe đánh cá Tiền Giang.
Nói là ngư dân đánh cá Tiền Giang thì không biết có phải không nhưng cứ nhìn những ngư dân này, đầu cột khăn, xâm
mình và trang bị súng M16 và cả súng phóng lựu M79 và cách họ gọi nhau trên biển bằng cách bắn súng lên trời khi biển
lặng, trời quang thì mấy ai nghĩ là đó là ngư dân?
Những ngư dân này ròng ghe của chúng tôi bằng dây , kéo đi theo họ đánh cá trên biển. Khi biển lặng, sóng êm, không gió
và bị kéo ghe đi như vậy, trong ghe cực nóng, thiên hạ nhào xuống biển
tắm.
Nước biển ở dây không còn là màu xanh đậm nữa mà phải nói là màu gần như màu đen vì độ sâu của biển. Sự tắm táp
của cư dân trên ghe chấm dứt sau đó khi thiên hạ thấy ghe đánh cá kéo lên những con cá mập lớn hãi hùng. Chắc cũng cỡ
mấy con trong phim Jaws của Spielberg vậy.
Cá bị kéo lên ghe đánh cá và ngư dân làm thịt liền để ướp muối, đá tại chổ. Máu me, phần còn lại của cá đã xử lý, theo
nước rửa đổ xuống biển.
Các bạn có thể tưởng tượng cảnh cá cá mập đói dưới biển, náo loạn cả một vùng để dành ăn!
Chịu không thấu với cái nóng và ai cũng nung nấu ý chí ra đi nên một người được cử bơi qua (ban đêm khi cá mập …ngủ
?) điều đình với ghe đánh cá.
Điều đình xong, ghe được cấp nhiên liệu và thức ăn để tiếp tục hải trình thì mấy ai còn chỉ vàng bạc nào nữa để nạp cho
cảnh sát Natuna?
Từ 49 chỉ vàng được cảnh sát Natuna “mủi lòng” rút xuống còn 10 chỉ vàng. Mà 10 chỉ, góp tới, góp lui cũng không đủ, chỉ
được vỏn vẹn 6 chỉ, theo tôi nhớ. 6 chỉ vàng được góp thì 2 anh trong nhóm phân công tôi ở lại ghe để có phái đoàn nhân
đạo nào đến thì tôi liệu bề cà lăm tiếng Anh với họ. Còn họ lên gặp nhóm cảnh sát. Sau đó, họ về ghe và thông báo đã
thương lượng xong và sáng hôm sau, 10 giờ sẽ có tàu của Cao Uỷ LHQ qua đón chúng tôi qua đảo Kuku như đã nói. Đêm
đó, hai thầy trò kia lên bờ đi chơi.
Đột nhiên, từ 5 giờ sáng, anh trưởng nhóm đi điều đình với cảnh sát Natuna bị đau bụng, ói mửa và đau đớn kinh hoàng
chịu không nổi. Hỏi ra thì anh ta có chứng đau ruột thừa. Anh ta đau cực đỉnh mà cảnh sát Natuna không chịu đưa đương
sự vào bệnh viện quân sự của Natuna vì lý do bảo mật, chúng tôi bất lực nhìn anh ta lăn lộn.
Trong giờ phút đó, việc phải để đương sự ở lại Natuna trên ghe đã được đề cập đến. Vì để lên tàu lớn, từng người chúng
tôi phải bám dây thừng do tàu lớn thả xuống để leo lên thì có khi còn chưa xong vì biển lại động thì làm sao đỡ nổi anh ta
lên? Ở lại thì an toàn hơn và anh ta sẽ trong chuyến sau khi có ghe khác đến.
Thế là bà con đến chia tay với anh ta. Đột nhiên, anh ta khóc và nói lớn « Tôi xin lỗi bà con. Hôm qua, tôi đã điều đình với
cảnh sát Natuna và chỉ đưa có 4 chỉ, còn 2 chỉ thì tôi bỏ túi. Bây giờ, Trời phạt tôi. "
Cả ghe quá sức sửng sốt với lời tự thú này. Vì cả ghe đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, gian khổ trong suốt thời gian qua và
không ngờ lại có người thủ lợi trên xương máu của đồng bào như vậy.
Sau đó, cảnh sát Natuna cũng chấp nhận chở anh ta vào bệnh viện quân sự, không biết có phải do anh ta nhả tiền ra hay
không hay do ' tình cảm làm ăn'. Sau này chúng tôi mới biết là ghe nào ghé Natuna cũng bị vòi vĩnh như vậy và dù không có
tiền đưa thì ngày đó, cũng có tàu của LHQ ghé qua đón khi được báo tin.
Một tháng sau, tôi gặp lại anh ta, óm nhom sau cuộc giải phẫu, trên đảo Pulau Galang. Kết cuộc như vậy là vẹn toàn.
Hơn 30 năm sau, ngồi ngẫm nghĩ lại những gì xẩy ra, tôi chợt nhận thấy là quả thật, có những việc mình không lý giải được.
Chỉ nghĩ là trong cuộc sống, mọi người sống cố gắng với cái Tâm của mình là điều hay nhất. Làm những điều không hay
thì có khi nhận lại sự có vay có trả trong cuộc sống này hay cuộc sống
khác chăng ?
Đây cũng là một trong những nguyên tắc, của tất cả mọi tôn giáo, kêu gọi mọi người làm lành, lánh dữ vậy.
Paris, tháng 2, 2015
Kỷ niệm ghe SS-1229
Bến Tre - Natuna tháng 5, 1984
Sửa bởi người viết 10/03/2015 lúc 07:25:18(UTC)
| Lý do: Chưa rõ