Trình diện ngày 30/4/1975
Tôi là một bác sĩ y khoa. Thời chiến ở miền Nam, hầu hết các bác sĩ đều phải vào quân đội, nhiệm vụ săn sóc sức khỏe
cho quân nhân và gia đình, đôi khi làm dân sự vụ khám bệnh miễn phí cho người dân. Trên mặt trận, ngoài việc điều trị
thương binh, có lúc tôi gặp bộ đội hoặc cán bộ cộng sản bị thương và bị bắt, tôi vẫn chăm sóc cho họ mà không cần biết
trước mặt mình là ai, bạn hay thù.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, như số phận nổi trôi của đất nước, như hoàn cảnh của hầu hết người dân miền Nam, tôi
được lệnh phải trình diện chính quyền mới được gọi là “chính quyền cách mạng” để được đi “cải tạo” trở thành “người mới
xã hội chủ nghĩa”. Theo thông cáo của ủy ban quân quản, các sĩ quan như tôi cần mang theo tiền bạc đủ cho 30 ngày ăn.
Mọi người hăm hở tranh nhau “đăng ký” mong rằng đi sớm sẽ về sớm trong vòng một tháng.
Sau thời gian dài được gạn lọc, tra hỏi, và khi đã hoàn tất “9 bài học căn bản” tôi được tàu đổ bộ cũ của hải quân VNCH
đưa từ Trà Nóc (Cần Thơ) xuống vùng U Minh, thuộc An Giang Rạch Giá Cà Mau với nhiệm vụ dựng lên những lán trại
dành cho các toán tù cải tạo khác xuống trụ lâu dài. Chỗ ở chúng tôi là những căn chòi xiêu vẹo mất nóc, xung quanh trống
trơn dựng trên các mô đất cao chống ngập, chúng tôi phải cấp tốc sửa chữa che mưa che nắng, đêm đêm rắn bò dưới
chiếu nằm không dám nhúc nhích.
Mỗi ngày chúng tôi phải rời trại thật sớm lên rừng tràm xa 5 cây số và trở về trước 5 giờ chiều. Ở đây trời sập tối rất nhanh,
muỗi bay vo vo trên đầu như chuồn chuồn, chúng liều mạng bám vào da thịt hút máu không thể đuổi kịp. Mỗi ngày mỗi
người chúng tôi phải mang về nhà 3 cây tràm từ 5 đến 10 thước, bề tròn khoảng một ôm nhỏ dùng làm cột trại chờ đón các
toán khác.
Rừng tràm U minh dầy đặc, ẩm thấp, tối tăm, đầy rẫy sinh vật rắn, rết, bò cạp.. cực độc. Đường lưu thông chỉ là những con
kinh rạch ngang dọc được đào trước đây sâu tới ngực, ngang cỡ vài mét, lâu ngày không xử dụng nước màu đen sẫm như
nước cống, bốc mùi sình hôi hám, ruồi nhặng bay vo ve.
Chúng tôi chui vào rừng đẫm nước màu đỏ của cây tràm, dùng rựa đốn mỗi người 3 cây, cùng xúm nhau kéo từng cây ra
bờ kinh. Trong rừng có loại dây leo gọi là dây “trại” giống như dây mây, dẻo dai, tôi dùng bó 3 cây thành một rồi đẩy xuống
lòng kinh. Tuy nặng nhưng cây nổi dưới nước, tôi quàng vào cổ rồi cố sức kéo bồng bềnh theo dòng kinh, chẳng khác gì
con trâu kéo cày bì bõm dưới ruộng nước.
Một hôm trời mưa tầm tã, tôi trầm mình dưới dòng kinh hôi hám cố kéo khối cây về trại cho kịp ngày. Trên bờ, hai bộ đội du
kích lầm lì tay cầm súng AK như sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ tù nhân nào có ý trốn trại.
Lúc đó tôi cảm thấy buồn và nhục. Một người bình thường cũng không thể bị đối xử như vậy huống chi một bác sĩ như tôi.
Ít ra trong xã hội tôi cũng giúp ích được cho bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cho nhiều người, chưa nói được kính trọng,
nâng niu.
Vậy mà hôm nay dưới chính quyền được gọi là cách mạng, hứa hẹn mang hạnh phúc ấm no về với nhân dân, sự thật phũ
phàng cho thân phận người dân miền Nam được xếp vào thành phần “Ngụy”, từ nông thôn đến thành thị, tất cả đều hưởng
một cuộc “đổi đời” đích đáng. Tôi không cầm được giọt nước mắt, nước mắt chan hòa lẫn với nước mưa lạnh giá, cố nuốt
trôi đi nỗi chua xót đắng cay của kiếp con người.
Cùng lúc ấy trên bờ kinh có đàn bò đang gặm cỏ. Những con bò thư thái, bình yên hình như chúng không biết cảnh đau
lòng xung quanh, của loài người mà chúng từng hợp tác kéo cày sản xuất lúa gạo; chúng vẫn ung dung, lâu lâu ngước nhìn
những con người đang hì hục kéo cây tràm dưới dòng kinh rồi tiếp tục cúi đầu nhai cỏ.
Trước cảnh đàn bò ăn cỏ, cảnh bộ đội cầm AK sẵn sàng nhả đạn, nhìn số phận của mình và các bạn tù, tự nhiên tôi có ý
tưởng muốn được đổi đời, một cuộc đời mới hạnh phúc hơn: tôi muốn được trở thành con bò để được tự do gặm cỏ, lâu
lâu ngước nhìn thế thái nhân tình mà không phải lo âu, tủi nhục như chúng tôi hiện nay.
Một làn gió mạnh thổi tạt qua. Những hạt mưa nặng trĩu làm da mặt tôi buốt rát, tôi chợt tỉnh. Tôi đang là con người, đang
được “cải tạo” để trở thành người của xã hội mới.
Năm 1979 khi ca sĩ Joan Baez phỏng vấn trên đảo tỵ nạn ở Nam Dương, tôi thuật lại câu chuyện “muốn làm con bò” ở trên
cùng một số câu chuyện mà tôi trực tiếp kinh nghiệm dưới chế độ ở Việt Nam sau 1975. Joan Baez cũng hỏi nhiều người
tỵ nạn khác. Tất cả đều thuật lại những câu chuyện tương tự nhưng khác hoàn cảnh, tất cả đều nói lên tiếng nói như nhau:
chế độ ở Việt Nam sau 1975 thật sự chỉ là một chế độ tàn bạo, nhà cầm quyền khéo léo che dấu từ nay đã lộ rõ. Người ca
sĩ từng hoạt động phản chiến, từng ca ngợi Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, từng chống Hoa Kỳ có mặt tại miền
Nam đã phải cảm động, bà đã thức tỉnh, bà cùng nhiều trí thức trên thế giới đăng thư ngỏ trên tờ Washington Post phản
đối nhà cầm quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam làm bừng tỉnh lương tâm nhân loại.
Hôm nay tôi viết lại câu chuyện này trên đất nước người, không còn phải cực khổ như xưa, nhưng tôi có thể hình dung
được vẫn còn biết bao nhiêu đồng bào của tôi tại quê nhà đang muốn được làm con bò như tôi trước đây.
Tháng 3, 2015.
Hoàng Lân
__________________
Câu chuyện thật của một bác sĩ ở Việt Nam sau ngày 30-4-1975
Sửa bởi người viết 13/03/2015 lúc 08:34:01(UTC)
| Lý do: Chưa rõ