Giáo dân Công giáo Việt Nam tại Glasgow (Scotland). Hoài An và A Lùng
nhiều nơi trên lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu hình thành những công đồng Công giáo Việt Nam, do một thế hệ di dân rất mới và rất trẻ lập nên. Từ Ba Lan cho đến Anh Quốc, sự xuất hiện của những người Công giáo từ Nghệ An, Hà Tĩnh, hay Quảng Bình, Huế và Đà Nẵng đã khiến các tổ chức quốc tế và địa phương quan tâm, trong bối cảnh ở Việt Nam đang nổi lên vấn đề tranh chấp đất đai giữa chính quyền và giáo dân Công giáo như vừa mới xảy ra ở Đông Yên (Hà Tĩnh), hay Con Cuông (Nghệ An), và Cồn Dầu (Đà Nẵng).
Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn nêu bật một vài đặc trưng của cộng đồng người Công giáo Việt Nam tại Anh Quốc.
Tải để nghe thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn
http://telechargement.rf...3/Q_R_20-03-15_DUNG1.mp3Lê Hải : Một trong số những đặc điểm của người công giáo Việt Nam là tụ họp để cùng nhau đi thánh lễ vào Chủ Nhật. Nếu quí vị có địp đến thủ phủ Glasgow của xứ Scotland vào Chủ Nhật thì sẽ gặp một họ đạo như vậy, mới hình thành chỉ vài năm trở lại đây. Khá nhiều giáo dân đến từ hai giáo xứ Nghi Vạn thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, và giáo xứ Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay thánh lễ do cha xứ người Anh thực hiện, nhưng giáo dân đang duy trì hai buổi lễ trọng vào mùa hè và mùa đông và mời linh mục người Việt từ các nơi khác đến thực hiện nghi lễ bằng tiếng Việt.
Tương tự như vậy có các họ đạo công giáo đang được xây dựng dần với giáo dân Nghệ An từ Yên Thành và Diễn Châu ở Manchester, hay Thiên Lộc, Can Lộc ở Leeds. Nếu nhìn vào các họ đạo của người Việt ở nước ngoài thì bước phát triển trong vai năm tới cũng sẽ giống với các họ đạo của người Việt mới thành lập sau này ở Đông Âu, mà nổi bật nhất là công đồng Công giáo Việt Nam ở thủ đô Warszawa của Ba Lan, thực hiện thánh lễ ở một vài địa điểm khác nhau tùy thuộc vào nơi sinh sống và làm việc, có hai linh mục người Việt phụ trách việc đạo là cha Vũ Thành Khánh và cha Nguyễn Huy Thêm, và kế hoạch sắp tới sẽ có thêm hai linh mục người Việt nữa được gửi sang.
Điểm chung của các họ đạo mới là lúc ban đầu không có linh mục người Việt. Đây là điều khác biệt với các họ đạo Việt Nam ở nước ngoài, được thành lập trong giai đoạn di tản sau 1975, có sẵn linh mục và thày tu cùng vượt biên, như cha Nguyễn Tiến Đắc ở Birmingham. Các hoạt động của đức ông Đào Đức Điềm khi còn sống cũng qui tụ được nhiều giáo dân từ Huế và Đà Nẵng, bên cạnh các nhóm giáo dân di cư từ Bắc vào Nam và di tản ra nước ngoài.
RFI : Người ta nghe nói nhiều đến giáo dân Bùi Chu Phát Diệm di cư, nhưng ít biết đến Nghệ An – vốn được tuyên truyền là cái nôi của Cộng sản hơn là Công giáo ?
Lê Hải : Câu chuyện về người Công giáo ở Nghệ An ít được biết đến, một phần vì bộ máy tuyên truyền ở Việt Nam chỉ nhắc đến khía cạnh đấu tranh giai cấp. Thực ra theo các nghiên cứu lịch sử của các chuyên gia Việt Nam học ở nước ngoài, mà đặc biệt là quyển sách mới vừa xuất bản của PGS Charles Keith, thì phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Nghệ An có rất nhiều công đóng góp của các linh mục người Việt ở đây. Giáo phận Vinh là một khu vực hành chính mà theo qui ước của Tòa Thánh thì bao gồm cả tỉnh Nghệ An lẫn Hà Tĩnh và Quảng Bình hiện nay.
Lý do thứ hai khiến ít người biết đến vấn đề của người Công giáo ở Nghệ-Tĩnh-Bình là vì họ không di cư rầm rộ vào nam trong giai đoạn 1954, và khá nhiều giáo dân bị kết án trong phong trào đánh địa chủ và cải cách ruộng đất theo sau đó. Hiện nay, có khá nhiều giáo dân từ vùng này di cư lên Tây Nguyên kiếm việc làm và đi lễ nhà thờ ở Kontum và Pleiku.
Các khảo sát về di dân ở Việt Nam ghi nhận đây là một trong số những nơi có nhiều dân bỏ xứ đi tìm việc nhất, và không ít người theo các đường dây vượt biên ra nước ngoài để kiếm ăn. Điều kiện sống và làm việc của họ rất khắc nghiệt, như những câu chuyện tôi từng nghe kể về ngành may và xây dựng ở Nga, các nghề tay chân ở Trung Đông, và công việc trên các chiếc tàu đánh cá dài ngày sang tận châu Phi.
Khi sang được đến Anh thì điều kiện sống ổn định hơn, và thu nhập cao hơn, thì người ta bắt đầu có nhiều thời gian hơn cho tôn giáo và tín ngưỡng, và trong điều kiện được xã hội khuyến khích thì các giáo họ của người Việt bắt đầu hình thành, và trong giai đoạn sơ khai thì đặt cơ sở trên các mối quan hệ đồng hương cũng như mối liên kết với cội nguồn là giáo phận Vinh.
RFI : Có tin về những hành vi không hay của người gốc Nghệ An. Tại sao nước Anh không trả họ về nước, và có can thiệp gì để hướng các hoạt động tôn giáo sao cho không bị lợi dụng để trở thành băng đảng tội phạm ?
Lê Hải : Một trong số các qui định của Liên Hiệp Quốc về tị nạn là bảo vệ cho người bị đàn áp tôn giáo. Những tranh chấp về đất đai giữa chính quyền và giáo dân ở Việt Nam là một trong số các bằng chứng mà người tị nạn đưa ra để yêu cầu chính phủ Anh cho phép ở lại, và không được trục xuất họ quay trở về nơi mà quyền tự do tôn giáo của họ không được bảo đảm.
Khi cấp thẻ tị nạn cho một người thì chính phủ Anh phải đồng thời chịu trách nhiệm cung cấp nhà cho họ ở, trợ cấp tiền điện nước và chi tiền ăn uống hàng tuần, cho bản thân người đó và trong nhiều trường hợp là cả con cái và vợ chồng của họ. Đây là một gánh nặng cho ngân sách nước Anh nhưng hiện chính phủ nước này vẫn tiếp tục duy trì. Đó cũng là một phần lý do tại sao ngày càng có thêm di dân bất hợp pháp đang sống ở các nước châu Âu vẫn tiếp tục kéo sang Anh để tìm một cuộc sống tốt hơn.
Hiện các giáo họ Việt Nam đang hình thành ở Anh đa số là đàn ông độc thân ở độ tuổi rất trẻ, cho nên sau khi có giấy tờ nhiều khả năng họ sẽ về Việt Nam cưới vợ và đem sang, và xây dựng những ngôi làng mới ở bên này. Trong ngành nails và cần sa bắt đầu có những mâu thuẫn giữa các vùng miền mà nổi bật nhất là giữa các nhóm di dân Hải Phòng đã đến Anh từ trước với các nhóm Nghệ An Hà Tĩnh mới sang sau này.
Ngoài ra cũng bắt đầu có tình trạng người ở bên này đem đồng hương sang để bóc lột lao động và ràng buộc bằng cả mối quan hệ xã hội lẫn nợ nần tài chính. Cách đây ba hôm, cảnh sát Anh vừa thực hiện chiến dịch chống tình trạng bắt nhân viên làm việc như nô lệ, cùng lúc kiểm soát cả chục tiệm nails ở nhiều thành phố khác nhau, khiến người ta liên tưởng đến các băng nhóm tội phạm Nghệ An một thời tung hoành trong ngành thuốc lá ở Berlin, Đức.
Trong bối cảnh kinh tế xã hội rắc rối như vậy, các họ đạo của người xứ Nghệ ở Anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn để nuôi dưỡng một cuộc sống tinh thần tốt đời đẹp đạo như các bài kinh mà họ đọc hàng ngày.
Theo RFI