logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 21/03/2015 lúc 06:58:20(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Mùa Hè năm 1985, tức là cách đây 30 năm, tôi từ một thành phố rất nhỏ chỉ có vài gia đình người Việt, trên đảo Prince Rupert, dọn về Toronto, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo nhất nước Canada. Về đây, tôi có dịp làm quen với nhiều đồng hương, trong đó có anh Đỗ Trọng Chu mà tôi thường gặp ở Hội Người Việt, Hội Cao Niên, Hội Chợ Tết, các buổi ra mắt sách hoặc những buổi họp của Hội Văn Bút. Đối với tôi, anh Đỗ Trọng Chu chỉ là một người quen, không phải người thân. Thân sao được khi anh lớn tuổi hơn tôi rất nhiều! Tôi được anh coi như một người “bạn vong niên” đã là một điều quí lắm rồi!

Trước năm 1975, tôi không hề biết anh. Tôi chỉ nghe tên người anh của anh là Luật sư Đỗ Trọng Quát, dân biểu khóa đầu tiên thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bị ung thư, sang Pháp điều trị rồi mất ở bên ấy. Riêng anh Đỗ Trọng Chu thì sau này khi đọc sách của ông Huỳnh Văn Lang, tôi mới biết thêm nhiều chi tiết về cuộc đời và hoạt động của anh.

Tôi không “nợ nần” gì anh Đỗ Trọng Chu, nhưng vì quí trọng nhân cách của anh, nên hôm nay tôi viết đôi dòng về anh trên đặc san Tuổi Hạc bởi anh đã có thời gian làm Hội Trưởng Hội Cao Niên và thường xuyên gắn bó với những sinh hoạt của Hội này.

Giờ này, dĩ nhiên anh không còn nữa. Anh nằm xuống đã gần 4 năm, nhưng mỗi lần ghé Trụ Sở Hội Cao Niên trên đường Dundas, tôi vẫn nhìn thấy nụ cười hiền hòa của anh trên bức hình chụp được trang trọng gắn trên tường bên cạnh chân dung các vị Hội Trưởng khác.
Anh Đỗ Trọng Chu quê ở Hà Nam, Bắc Việt. Tỉnh này lúc thì nhập chung với Nam Định, đổi tên thành Nam Hà, lúc lại thêm cả Ninh Bình nên gọi lại là Hà Nam Ninh. Tuy vậy, nhiều người nhớ đến Hà Nam là nhờ 2 câu thơ trào phúng của Tú Xương:

Hà Nam danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho!

Thuở nhỏ, anh Chu ra Hà Nội học, đậu tú tài Pháp ban văn chương và triết học, rồi lên trường luật. Sau đó, anh sang Mỹ du học, tốt nghiệp đại học Minnesota về khoa học chính trị (political science) và bang giao quốc tế (international relations).

Thời ấy, hành trình từ Việt Nam sang Mỹ xa xôi diệu vợi. Anh Chu phải bắt đầu từ Hà Nội vào Sàigòn, đáp tàu thủy sang Pháp. Rồi mới từ Pháp chuyển tàu sang New York.

Hải cảng quan trọng nhất của Pháp là Marseille, nằm ở phía Nam trông ra Địa Trung Hải. Vào cái thời mà việc chuyên chở bằng máy bay chưa thông dụng như ngày nay thì Marseille là hải cảng nhộn nhịp và tấp nập nhất, là trạm dừng chân của bao nhiêu khách viễn du từ Âu sang Á hoặc sang Mỹ. Tôi có dịp đến Marseille trình diễn văn nghệ nhiều lần vì người Việt ở đây khá đông. Mới tháng 4 năm 2014, nghĩa là cách đây khoảng 8 tháng, đoàn văn nghệ chúng tôi thuê khách sạn ngay trên bến cảng, trông ra những con tàu lớn nhỏ đậu chằng chịt trên mặt nước. Đó là thành phố lớn thứ nhì của nước Pháp, chỉ thua Paris, và trong sử sách chúng ta thường đọc khi còn nhỏ thì Marseille là cái địa danh quen thuộc không thua gì Paris, nhất là bài quốc ca Pháp lại có tên là The Marseillaise, bài hát nguyên thủy của những người Marseille tình nguyện diễn hành về Paris.

Mỗi lần đặt chân trên cảng Marseille, nhất là leo lên ngôi thánh đường cổ 800 năm, nhìn xuống những con tàu xa xa, tôi lại nhớ chính nơi đây, vào tháng 8 năm 1932, vua Bảo Đại sau 10 năm du học tại Paris, đã được Bộ Trưởng Thuộc Địa và nhiều quan chức trong chính phủ Pháp tiễn chân xuống tàu D’Artagnan để trở về Việt Nam chấp chính. Cũng chính từ đây, từ cảng Marseille nhộn nhịp này, bắt đầu chuyến hải hành gần một tháng, vua Bảo Đại đã gặp một thiếu nữ Việt Nam cũng vừa học xong trung học ở Paris, về nước nghỉ hè trên cùng một chuyến tàu với vua. Đó là cô Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi, cháu ngoại ông Huyện Sỹ, người giàu nhất Nam Kỳ. Lênh đênh trên đại dương mấy tuần, vua dần dà gắn bó với cô gái gốc Gò Công xinh đẹp này và hai năm sau, cô trở thành Nam Phương Hoàng Hậu.

Năm 1951, khi anh Đỗ Trọng Chu từ Sàigòn đến hải cảng Marseille để đổi tàu qua Mỹ, anh cũng tình cờ gặp một thiếu nữ Việt Nam, đó là chị Trần Thị Mầu. Chị Mầu gốc người Sàigòn, con một ông đốc học làm hiệu trưởng ở Gia Định, cho chị sang du học bên Paris từ năm 1948. Học xong, chị xuống Marseille để chuẩn bị lên tàu về nước thì anh Chu từ Việt Nam vừa sang. Người đi kẻ về, hai bên gặp nhau, tình cảm rất dễ nẩy nở vì “viễn khách tha hương ngộ cố tri”. Hai người bịn rịn chia tay mỗi người một hướng nhưng hẹn sẽ gặp lại nhau ở Sàigòn.

Sau trận Điện Biên Phủ đưa đến hiệp định Genève, sinh viên du học khắp nơi đều nô nức nghĩ đến một nước Việt Nam độc lập. Đó là tâm trạng của anh Đỗ Trọng Chu khi ở Hoa Kỳ năm 1954. Trong cuốn hồi ký “Bên Giòng Lịch Sử” của linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng Viện Đại Học Huế, cha kể lại lần đầu tiên sang Mỹ năm 1954, có đoạn như sau:

“Sau mấy hôm, tôi lên Hoa Thịnh Đốn, tôi tìm ngay đến nhà Đỗ Vạn Lý, ở đây tôi gặp Đỗ Trọng Chu và Trần Long.

… Tôi nghe Đỗ Trọng Chu, Đỗ Vạn Lý và Trần Long cho biết về dư luận Mỹ đối với ông Diệm. Lá bài Bảo Đại đã được Mỹ coi như lỗi thời rồi, vậy nếu ông Diệm về nước lúc này là tốt nhất!” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 235).

Quả thực lúc ấy ông Diệm đang ở Mỹ để thăm dò và tìm sự hỗ trợ trong chính giới Hoa Kỳ. Sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ phần đông đều hướng về ông bởi thực ra không có chính khách quốc gia nào sáng giá hơn ông. Miền Bắc đã lọt vào tay Việt Minh rồi. Phải có một lãnh tụ đủ khả năng để giữ lấy Miền Nam và đương đầu với Miền Bắc. Đó là lý do khiến họ ủng hộ ông Ngô Đình Diệm.

Khi được tin ông Diệm đến New York, chuẩn bị về Việt Nam lập chính phủ theo chỉ thị của quốc trưởng Bảo Đại, nhóm sinh viên nhiệt tình này rủ nhau đi đón, đứng đầu là các anh Huỳnh Văn Lang, Đỗ Trọng Chu và Lê Thành Cường. Gặp ông Diệm rồi, theo lời kêu gọi của ông, các anh trở về Sàigòn giúp chính quyền mới thành lập, rất cần nhân sự để giải quyết hàng triệu vấn đề cấp bách.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm để các anh tùy tiện chọn lãnh vực nào mỗi người tự cảm thấy phù hợp. Anh Huỳnh Văn Lang làm Giám Đốc Viện Hối Đoái. Riêng anh Đỗ Trọng Chu vốn bản tính thích làm việc xã hội từ nhỏ nên anh xin vào làm cho Phủ Tổng Ủy Di Cư, lo việc định cư gần 1 triệu đồng bào vừa từ Bắc vô Nam.

Về lại Sàigòn, tất nhiên anh Đỗ Trọng Chu mong gặp lại chị Trần Thị Mầu nhưng anh không vội vã đi tìm. Lúc này, chị đang làm cho Air Viet Nam, hãng hàng không do Pháp giao lại. Chị là nhân viên phi
hành cho Air Viet Nam từ lúc về nước năm 1951 đến năm 1955 thì chuyển sang Bộ Thông Tin Đệ Nhất Cộng Hòa, phụ trách ban nghi lễ và huấn luyện cán bộ.
Cùng năm ấy, 1955, trong một chuyến đi công tác xã hội cho Hội Hồng Thập Tự, chị mới gặp lại anh Đỗ Trọng Chu sau 4 năm chia tay ở Marseille.

Những người nặng tinh thần xã hội như anh Đỗ Trọng Chu, lúc nào cũng chan hòa nhiệt tình chia sẻ gánh nặng với chính phủ trong buổi sơ khai khi đất nước vừa chuyển giao từ chế độ thuộc địa, vừa chấm dứt chế độ quân chủ, lại đang còn bị chia năm xẻ bảy vì các giáo phái, các đảng phái và tàn dư thực dân vẫn đang vùng vẫy để sống dậy như Bình Xuyên và nhất là kẻ thù Cộng Sản. Trăm mối ngổn ngang, làm ngày làm đêm không hết việc. Cho nên, sau giờ hành chánh, vào buổi tối, 3 anh Huỳnh Văn Lang, Đỗ Trọng Chu và Lê Thành Cường đứng ra thành lập hệ thống trường Bách Khoa Bình Dân, vừa dạy chữ vừa dạy nghề cho dân chúng. Khóa đầu tiên khai giảng ngay từ tháng 11 năm 1954 tại trường Tôn Thọ Tường đường Trần Hưng Đạo, đối diện nhà hát Đại Nam. Rồi cứ thế, trường mở rộng sang Chợ Lớn, Gia Định và thậm chí xuống các tỉnh Miền Đông và Miền Tây. Trường vừa mở ra, học viên ghi danh tấp nập, khóa đầu có đến 1500 người. Giảng viên đều là những vị có trình độ chuyên môn cao mà tình nguyện tham gia cộng tác không hề có thù lao, nhờ vậy tất cả các học viên đều được học miễn phí! Trong không khí nô nức của buổi bình minh khai sinh nền cộng hòa, rất nhiều người trí thức, khoa bảng, dấn thân cho đất nước, giống như các anh Huỳnh Văn Lang và Đỗ Trọng Chu, dĩ nhiên không hẳn đã vì cá nhân ông Diệm, mà vì tương lai của Việt Nam Cộng Hòa.

Để việc điều hành các trường Bách Khoa Bình Dân đi đúng thủ tục hành chánh và pháp lý, các anh nộp đơn xin giấy phép thành lập Hội Văn Hóa Bình Dân và được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép từ năm 1955. Trụ sở Hội đặt tại số 140 đường Hai Bà Trưng, Sàigòn. Anh Đỗ Trọng Chu là người soạn thảo điều lệ nội qui cho Hội và Hội có nhiệm vụ quản lý các trường Bách Khoa Bình Dân trên phạm vi cả nước. Sau này, anh Huỳnh Văn Lang viết trong hồi ký: “Không có anh Đỗ Trọng Chu thì chưa chắc gì có Hội Văn Hóa Bình Dân”.

Chị Trần Thị Mầu đang sát cánh bên anh Đỗ Trọng Chu để lo cho các lớp Bách Khoa Bình Dân thì đầu năm 1956, chị quyết định ra ứng cử Quốc Hội Lập Hiến. Nhiều người quen ngăn cản, vì đối với Việt Nam lúc ấy, phụ nữ được bầu cử đã là mới mẻ rồi huống chi lại đòi ứng cử! Nhưng chị nhất định nộp đơn vì chị chịu ảnh hưởng cách suy nghĩ của phụ nữ Pháp sau mấy năm sống ở Paris. Cuộc bầu cử diễn ra ngày 4 tháng 3 năm 1956 và chị đắc cử dân biểu đơn vị tỉnh Gia Định.
Các ông Trần Văn Lắm, Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Vũ Quốc Thông và Trương Vĩnh Lễ là những người tham gia Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp. Ngày 26 tháng 10 năm ấy, Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa được ban hành. Quốc Hội Lập Hiến biến thành Quốc Hội Lập Pháp nhiệm kỳ đầu tiên do ông Trần Văn Lắm làm chủ tịch.

Vào Quốc Hội, chị Trần Thị Mầu trở thành người rất gần gũi với dân biểu Trần Lệ Xuân tức bà Ngô Đình Nhu. Lý do là vì số dân biểu phụ nữ vốn rất ít, toàn quốc chỉ có 5 người mà 3 người kia thuộc các đơn vị xa, lâu lâu mới về họp. Họ lại lớn tuổi hơn, trong khi chị Mầu năm ấy 30, chỉ thua bà Nhu có 2 tuổi, nên dễ dàng kết thân với nhau. Chị lại là người sinh trưởng ngay tại Sàigòn, am hiểu quần chúng Miền Nam, nên bà Trần Lệ Xuân hay hỏi ý kiến. Nhiều hôm, chị ở lại làm việc với bà Nhu đến quá nửa đêm mới về.
Từ khi làm dân biểu, chị Trần Thị Mầu càng có nhiều phương tiện để hỗ trợ các trường Bách Khoa Bình Dân.

Trong lúc làm việc ở Phủ Tổng Ủy Di Cư, tham gia Hội Văn Hóa Bình Dân, anh Đỗ Trọng Chu còn đảm nhận thêm chức Phó Chủ Tịch Phong Trào Chống Nạn Mù Chữ, bởi vào thời điểm ấy, vẫn còn rất đông người không biết đọc, biết viết.

Công tác định cư gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư khởi sự từ năm 1954 đến năm 1958 thì tạm hoàn tất. Đó là lúc anh Đỗ Trọng Chu có thể tạm thở phào nhẹ nhõm, cho nên hai người quyết định tiến đến hôn nhân. Anh Chu là người đạo gốc. Chị Mầu theo chồng học đạo. Tình Bắc duyên Nam đúng như nội dung bài ca Khúc Hát Ân Tình của Xuân Tiên mà đài phát thanh phổ biến hầu như hằng ngày để cổ võ cho tình đoàn kết hai miền.

Lễ cưới được tổ chức tại Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn do linh mục Hồ Văn Vui đứng chủ tế. (Cha Hồ Văn Vui, người Miền Nam, lúc ấy không còn phục vụ ở Sàigòn nữa). Trước kia, nhiều lần trên bục giảng, cha hay nói những lời công kích chính phủ Ngô Đình Diệm. Vấn đề thật tế nhị vì ông Diệm vốn bị coi là vị tổng thống ưu đãi người Công giáo, thế mà cha Vui cứ nặng lời phê phán ông thì giáo dân cảm thấy… không vui! Tòa Giám Mục Sàigòn nhìn ra, để như vậy dễ gây xôn xao dư luận, nhất là Nhà Thờ Đức Bà ở ngay bên Dinh Độc Lập, cho nên giáo phận giải quyết bằng cách bổ nhiệm cha lên Giáo xứ Tha La gần Tây Ninh, nơi nổi tiếng với bài hát Tha La Xóm Đạo. Tuy nhiên, vì cha là người thân cũ nên gia đình chị Trần Thị Mầu vẫn đón cha về làm chủ hôn đám cưới tại Vương Cung Thánh Đường Sàigòn. Sau đó là buổi tiếp tân tại trụ sở Hội Văn Hóa Bình Dân và tiệc cưới tại nhà hàng Continental, hiện diện 123 vị dân biểu và nhiều bộ trưởng.

Năm sau, Quốc Hội bầu lại vào tháng 8 năm 1959, nhưng chị Trần Thị Mầu không tái ứng cử nữa vì vừa lập gia đình và chưa biết anh Chu sẽ làm gì sau khi Tổng Ủy Di Cư giải tán. Trước mắt, chị dùng nhiều thì giờ cho Hội Văn Hóa Bình Dân vì Hội yêu cầu chị giữ chức giám đốc Trường Bách Khoa Bình Dân Gia Định.

Một khúc rẽ quan trọng của nhóm Bách Khoa Bình Dân là xuất bản tạp chí Bách Khoa vào đầu năm 1957. Trong cuốn “Hai Mươi Năm Miền Nam”, tác giả Nguyễn Văn Lục, nguyên giáo sư Triết ở Sàigòn, viết:

“Tạp chí Bách Khoa ra đời là do sáng kiến của Huỳnh Văn Lang, Lê Thành Cường và Đỗ Trọng Chu, là các sáng lập viên hệ thống trường Bách Khoa Bình Dân đang hoạt động tại Sàigòn lúc đó. Như thế, việc xuất bản báo chắc chắn cũng chung hướng nhắm của việc mở trường là giúp tăng bồi kiến thức và đào tạo kỹ năng chuyên môn cho mọi người…” (Hai Mươi Năm Miền Nam, trang 480)

Điều đáng nói là tạp chí Bách Khoa tập họp được rất nhiều nhà trí thức, nhà văn, học giả, có uy tín và tên tuổi lớn vào bậc nhất ở Miền Nam, nên tờ báo sống mạnh và đạt được sự tin yêu của khối độc giả hiếu học. Những người viết nhiều nhất cho Bách Khoa là học giả Nguyễn Hiến Lê, giáo sư Nguyễn Văn Trung, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Võ Phiến, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Ngúi, Vũ Hạnh, Nhật Tiến… Thậm chí nhà thơ Nguyên Sa mỗi khi nhắc đến Bách Khoa thường bảo: “Tờ Bách Khoa của Võ Phiến…” Người khác lại bảo: “Tờ Bách Khoa của Nguyễn Hiến Lê”. Kỳ thực, tờ này là sáng kiến của nhóm Bách Khoa Bình Dân trong đó có các ông Huỳnh Văn Lang, Đỗ Trọng Chu và Lê Thành Cường. Anh Huỳnh Văn Lang đứng tên chủ nhiệm, sau này giao lại cho Lê Ngộ Châu quán xuyến mọi việc.
Bách Khoa nội dung nặng về kiến thức nên có thể gọi là khô khan. Vậy mà ra được tới 426 số thì quả là kỳ diệu.

Bước sang năm 1960, anh Đỗ Trọng Chu chuyển qua làm việc cho Bộ Ngoại Giao vì anh có lợi thế là tiếng Anh tiếng Pháp đều thông thạo. Anh chưa kịp đi nhận nhiệm sở, còn loanh quanh ở Bộ thì bên Campuchia xẩy ra chiến dịch “cáp duồn” tức là người Miên giết người Việt vì kỳ thị, vì cho rằng tổ tiên Việt Nam cướp đất của người Khờ-me. Đây là một phong trào tự phát, cứ lâu lâu lại dấy lên một lần, gây khốn khổ cho biết bao nhiêu người Việt sinh sống tại Miên. Chính quyền Miên tuy không công khai xúi giục, nhưng họ lờ đi để cho dân Miên lộng hành. Bộ Ngoại Giao Việt Nam liền cử anh Đỗ Trọng Chu khẩn cấp sang giải quyết vụ này.

Khi tới Nam Vang, anh được mật báo một nhóm quá khích Khờ-me đêm nay sẽ vào tàn sát một xóm đạo. Đó là một làng Công giáo chỉ có vài trăm giáo dân toàn người Việt. Anh cấp tốc cho người đến từng nhà và bảo họ tập trung hết vào Nhà Thờ để cùng canh giữ và bảo vệ lẫn nhau. Giáo dân đến được khoảng 200 người và quả nhiên sống an toàn qua đêm.
Hôm sau, tàu Hải quân Việt Nam đến đón, đưa họ về nước. Nhưng họ phải chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng diễn ra ở bờ sông: Đêm qua, nhóm người Miên quá khích đã xông vào từng nhà người Việt – những gia đình chậm chân không kịp vào nhà thờ trú ẩn – trói tay từng cụm 3 người, đưa ra bờ sông, đập đầu và đẩy hết xuống sông! Giờ này, những cái xác đồng hương bất hạnh ấy đang trôi giạt vào bờ, hoặc vướng vào những nhánh cây bên bờ!

Sau khi tàu Hải Quân Việt Nam đón 200 người hồi cư, còn đến cả ngàn người nữa sống rải rác trên xứ Chùa Tháp, được Bộ Ngoại Giao Việt Nam can thiệp đưa về. Có người ở lại Việt Nam, có người xin đi Pháp. Đó là công tác đầu tiên của anh Đỗ Trọng Chu ở Bộ Ngoại Giao mà sau này nhiều người Việt ở Campuchia vẫn còn nhớ. Xong nhiệm vụ này, anh Chu lên đường đi Ấn Độ.

Từ năm 1960 cho đến ngày mất nước, anh Đỗ Trọng Chu liên tục đi làm Lãnh Sự tại các sứ quán Việt Nam Cộng Hòa qua các nước Ấn Độ, Indonesia, Úc Châu và Thái Lan. Người ta thường nói: Trong thời chiến, các tòa đại sứ hay lãnh sự bao giờ cũng là những “trung tâm tình báo”, bởi không phải chỉ lo các thủ tục giấy tờ cho kiều bào, mà quan trọng hơn, phải theo dõi những hoạt động chính trị của kiều bào. Bởi vậy, Đại Sứ hay Tổng Lãnh Sự phải là người mà chính quyền hết sức tin tưởng về mặt lập trường.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh Chu và gia đình đang ở Bankok, xin sang Canada định cư vì anh chị có con gái đang sống tại Toronto.

Qua Canada, anh lại bắt tay ngay vào những công tác xã hội như vận động cho phong trào Boat People qua chiến dịch Operation Lifeline, hướng dẫn người đến sau, dạy Anh văn, góp phần vào việc thành lập các Hội Người Việt, Hội Phụ Nữ, Hội Cao Niên v.v… Các công tác từ thện không bao giờ anh bỏ qua mặc dầu cuộc sống đạm bạc, chưa lúc nào giàu sang. Anh là người gầy gò, nhưng thường xuyên hiến máu, được Hội Hồng Thập Tự trao giấy tuyên dương.

Cuộc đời anh Đỗ Trọng Chu, đối với cá nhân tôi, có thể coi là một tấm gương lớn về sự khiêm tốn, sự thầm lặng, óc vị tha và tấm lòng từ thiện. Tôi hình dung lại thời thanh niên của anh, đất nước sau chuỗi ngày dài lệ thuộc lại gặp chinh chiến liên tục, thành phần trí thức khoa bảng không có bao nhiêu. Lớp thanh niên tân học thành tài bên Pháp như Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Khắc Viện v.v… hầu hết đã bị Hồ Chí Minh đem chiêu bài chống Pháp ra chiêu dụ và đa số bỏ Paris về với Miền Bắc, rồi kẹt lại không vào Nam được sau hiệp định Genève. Thành ra, thế hệ tuổi trẻ có kiến thức và bằng cấp như anh Đỗ Trọng Chu ở Miền Nam là thuộc loại hiếm lúc bấy giờ. Anh học chương trình Pháp từ nhỏ, qua cử nhân luật, rồi lại sang Mỹ tốt nghiệp về chính trị và bang giao quốc tế. Hơn thế nữa, anh lại trực tiếp gặp ông Diệm rồi theo ông Diệm về nước. Ở hoàn cảnh ấy, nếu anh muốn nhắm một chỗ đứng quyền cao chức trọng thì chắc cũng dễ dàng! Huống chi, chị Trần Thị Mầu lại là dân biểu kề cận bên bà Nhu, muốn vận động cho anh đâu có khó khăn gì! Nhưng anh Đỗ Trọng Chu hoàn toàn không nhắm tới con đường danh lợi ấy. Tôi nhớ có lần họp mặt ở nhà tôi, lúc tôi còn hoạt động Văn Bút, ngồi sau vườn của căn nhà nhỏ, tôi tò mò hỏi anh:

– Lúc anh theo ông Diệm về nước, chính phủ mới thành lập chắc có nhiều chỗ trống cho anh. Sao anh không kiếm một chỗ ngồi phù hợp với khả năng của anh?

Anh cười đáp:
– Vâng. Chỗ ngồi sau bàn giấy thì lúc ấy còn trống nhiều. Nhưng chưa về nước, tôi thấy đồng bào di cư nằm la liệt ở các trường học, ở những trại tạm trú dựng tạm bằng lều vải, tôi thấy vấn đề cấp bách là phải giải quyết cho họ. Gần một triệu người đâu có phải là ít! Thành ra tôi xin ngay vào Tổng Ủy Di Cư…

Đó là con người của anh. Ban ngày lặn lội với đồng bào ở các trại tạm cư, buổi tối lại mở các lớp Bách Khoa Bình Dân và chống nạn mù chữ! Ngay từ hồi còn học ở Hà Nội, mỗi dịp nghỉ hè về Hà Nam, anh cũng đã hăng hái dạy các lớp vỡ lòng cho người mù chữ. Rồi sau này du học ở Mỹ, anh lại đến thủ đô Washington dạy tiếng Việt cho nhân viên người Mỹ sắp sang Việt Nam làm cố vấn hay ngoại giao.

Sau tháng 4 năm 1975, từ vai trò một vị Tổng Lãnh Sự, và từng có thời gian là cố vấn riêng của Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm, anh Chu trở thành một người tỵ nạn, sống đạm bạc trong một căn apartment tầm thường. Nhưng cuộc đổi đời không làm tâm hồn anh thay đổi. Anh lại vẫn lao vào biết bao nhiêu công tác cộng đồng. Anh không mặc cảm, ít nhắc đến quá khứ, bình thản với cuộc sống mới, chấp nhận nỗi đau chung của cả đất nước. Nhiều người trong cộng đồng cũng có tấm lòng giống anh, nhưng không ai bền bỉ và liên tục như anh.
Ở tuổi trên 50, anh lại cắp sách đến trường, ngồi chung với đám trẻ tại Humber College và George Brown. Sinh viên Đỗ Trọng Chu hăng hái làm lại từ đầu khi đã quá nửa đời người!

Bốn mươi năm nhìn lại, chúng ta đều thấy rõ: Cộng đồng lớn mạnh, và nhất là lành mạnh, là nhờ những người thầm lặng hoạt động xả thân như anh Chu. Anh hoàn toàn không vụ lợi, không bè phái, không gây hấn với ai mà chỉ biết hòa giải. Trong truyện Tam Quốc, Lưu Bị lúc hấp hối dặn con là Lưu Thiện:

“Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Đừng thấy việc ác nhỏ mà làm!”
Tôi thấy quả thực anh Đỗ Trọng Chu đã làm được những điều đó. Việc gì thiết thực cho cộng đồng, anh đều hăng hái có mặt ở hàng đầu, bất kể chuyện lớn hay chuyện nhỏ. Hôm nay, tôi viết về anh, thực ra là viết về cả một lớp người thầm lặng nhưng nhiệt tình mà anh là tiêu biểu. Bốn thập niên đã qua, cộng đồng luôn cần lớp người này để phát triển và để giữ gìn không khí lành mạnh, hơn là những tuyên bố ồn ào, những toan tính đội đá vá trời không bao giờ thực hiện được!

Ngày 5 tháng 4 năm 2011, anh Đỗ Trọng Chu từ giã cõi đời. Chị Trần Thị Mầu tâm sự:
“Tôi tự hào được may mắn, có phước được nên duyên vợ chồng với một người đàn ông đạo đức và học thức thâm sâu, một người luôn say mê giúp đỡ tha nhân từ khi còn ở quê nhà qua Hội Văn Hóa Bình Dân, các trường Bách Khoa Bình Dân và đóng góp tích cực vào các sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng người Việt tại Toronto”.
Nói theo ý của chị Mầu, tôi cũng hãnh diện được quen và hoạt động chung với một người có nhân cách lớn như anh. Lần cuối tôi gặp anh ở Hội Cao Niên khi anh đến trao tặng tôi cuốn sách của tác giả Huỳnh Văn Lang. Ít lâu sau thì tôi chỉ còn dịp tới tiễn biệt anh ở nhà quàn với niềm xúc động và thương tiếc sâu xa.

Trong cộng đồng chúng ta, người có tài thì không thiếu. Nhưng vừa có tài, vừa có đức như anh Đỗ Trọng Chu thì không phải dễ tìm!

Nguyễn Ngọc Ngạn
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.173 giây.